ĐẠI CƯƠNG :
Những đặc điểm chính của xung động đốt nhà :
– Hơn một lần gây hỏa hoạn một cách cố ý và có chủ đích.
– Cảm thấy căng thẳng hoặc rất kích thích trước khi phóng hỏa.
– Bị lôi cuốn, thích thú, tò mò vào đám cháy hoặc các đồ vật, con người, các hoạt động tham gia chữa cháy.
– Cảm thấy sung sướng, hài lòng, thoải mái khi phóng hỏa hoặc khi chứng kiến hoặc tham gia giải quyết hậu quả.
– Xung động đốt nhà không được đặt ra nếu việc phóng hỏa nhằm mục đích kiếm tiền, cải thiện hoàn cảnh sống, để biểu lộ ý tưởng chính trị xã hội, để che dấu hành vi phạm pháp hoặc để biểu lộ một sự tức giận, trả thù.
– Cũng không được chẩn đoán là xung động đốt nhà nếu hành vi phóng hỏa được thực hiện trong giai đoạn hưng cảm hoặc ở người bị rối loạn hành vi ứng xử, rối loạn nhân cách chống đối xã hội hoặc gây ra do các ảo giác, hoang tưởng.
Xung động đốt nhà gây cho các chuyên gia sức khỏe tâm thần nỗi lo sợ, bởi vì thực sự có nguy cơ gây hại cho bệnh nhân và xã hội. Các nhà điều trị phải cân nhắc một cách cẩn thận các vấn đề xung quanh sự bảo mật và trách nhiệm phải bảo vệ các thành phần thứ ba khỏi mối nguy hiểm hiện có nơi các bệnh nhân này.
DỊCH TỄ HỌC :
Không có những thông tin rõ ràng về tần suất của xung động đốt nhà. Sau khi loại bỏ các nguyên nhân khác của việc gây hỏa hoạn, chỉ còn một tỉ lệ nhỏ người lớn phóng hỏa được xếp vào loại xung động đốt nhà.
2% – 5% bệnh nhân tâm thần nội trú là những người đốt nhà.
Thường gặp ở nam giới (90%) hơn nữ giới.
Mặc dù trẻ em thường hay gây ra hỏa hoạn nhưng xung động đốt nhà thường xảy ra ở tuổi vị thành niên hoặc người lớn. Đỉnh tuổi của rối loạn này là 13 tuổi.
Rất nhiều bệnh nhân có xung động đốt nhà xuất thân từ các gia đình thiếu hụt về mặt tình cảm và kinh tế.
CĂN NGUYÊN :
Căn nguyên của xung động đốt nhà vẫn chưa được hiểu biết một cách đầy đủ. Có ít nghiên cứu để ủng hộ bất kỳ giả thiết nào.
Theo Sigmund Freud : lửa là biểu tượng của tính dục. Hơi ấm tỏa ra từ lửa gợi lên cảm giác tương tự cảm giác kèm theo trạng thái kích thích về tình dục. Hình ảnh và sự chuyển động của ngọn lửa gợi nên hình ảnh một dương vật đang hoạt động.
Các nhà trị liệu liên tưởng xung động đốt nhà với sự khao khát, thèm thuồng quyền lực và uy thế xã hội. Một số bệnh nhân có xung động đốt nhà lại là những người chữa cháy tình nguyện. Họ đốt nhà để tự chứng tỏ sự can đảm, để bắt các người tham gia chữa cháy phải hành động hoặc để biểu hiện quyền lực của họ trong việc dập tắt ngọn lửa.
Hành động dập lửa là một cách để trút sự giận dữ chồng chất do những hụt hẫng gây ra bởi sự thấp kém về mặt xã hội, thể chất hoặc tình dục.
Một vài nghiên cứu đã lưu ý cha của các bệnh nhân này thường vắng mặt ở nhà, hành vi phóng hỏa là biểu hiện cho ước mơ để những người cha vắng mặt trở về nhà như là những người cứu nguy, dập tắt lửa và để cứu cho trẻ khỏi những sự khó khăn hiện có.
Nồng độ 3-Methoxy-4-hydroxyphenyl glycol (MHPG) và 5-Hydroxy indole acetic (5-HIAA) trong dịch não tủy thấp rõ rệt trong số các bệnh nhân phóng hỏa so với nhóm chứng.
BIỂU HIỆN LÂM SÀNG :
Bệnh nhân thường cân nhắc, có kế hoạch chuẩn bị trước khi phóng hỏa. Người có xung động đốt nhà có thói quen đi xem cháy nhà, thường báo động cháy giả và biểu hiện một sự thích thú các vật dụng cá nhân chống lửa. Tính tò mò trên bệnh nhân này rất rõ rệt. Họ thường không biểu hiện sự ăn năn hối tiếc và có thể bàng quan với hậu quả mất mát về tài sản, thương tổn hoặc thậm chí chết chóc gây ra do hỏa hoạn. Những người này có thể thỏa mãn với kết quả phá hoại, cảm thấy thích thú khi đọc những thông tin về những hậu quả do mình gây ra. Họ thường để lại manh mối rõ ràng.
Các đặc điểm kết hợp : ngộ độc rượu, IQ thấp hơn mức trung bình, gặp nhiều khó khăn trong học tập, có kỹ năng xã hội kém, sự hụt hẫng cá nhân trường diễn, oán giận những nhân vật có quyền lực, một số trường hợp có rối loạn chức năng tình dục và trên những bệnh nhân này việc phóng lửa nhằm mục đích đánh thức hoạt động tình dục. Tiểu dầm cũng được xem như là một dấu hiệu thường gặp trong bệnh sử của người bị rối loạn này mặc dù các nghiên cứu có kiểm soát không ủng hộ điều này.
Một vài nghiên cứu nhận thấy có sự kết hợp giữa sự hung ác với thú vật và xung động đốt nhà.
Hành vi tự tử cũng thường gặp trên những bệnh nhân này. Do vậy việc tầm soát vấn đề tự tử bằng test tâm lý là cần thiết.
CHẨN ĐOÁN :
Dấu hiệu và triệu chứng của xung động đốt nhà thật sự không thể phân biệt được với các dạng phóng hỏa khác. Chẩn đoán bằng cách loại trừ.
Các bệnh nhân thường được xác định sau khi trách nhiệm pháp lý đã được loại trừ.
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo DSM-IV (312.33) :
A. Tái diễn nhiều lần hành vi châm lửa có cân nhắc và nghĩ đến hỏa hoạn.
B. Có cảm xúc căng thẳng hoặc kích thích cảm xúc trước khi hoạt động.
C. Biểu hiện mê hoặc thích thú, tò mò hoặc lôi cuốn với lửa và với tất cả những gì liên quan đến lửa (ví dụ : vật liệu, sự sử dụng, hậu quả).
D. Thích thú, thỏa nguyện hoặc nhẹ nhõm khi châm lửa gây hỏa hoạn, vừa chiêm ngưỡng lửa cháy hoặc vừa tham gia gây thiệt hại sau hỏa hoạn.
E. Hành vi châm lửa gây hỏa hoạn không vì lợi ích thương mại, cũng không để biểu thị tư tưởng chính trị xã hội, không để ngụy trang một hành vi tội phạm, không để thể hiện sự nổi giận hay sự trả thù, không để cải thiện điều kiện sống, cũng không phải là đáp ứng với ý tưởng hoang tưởng hay ảo giác hoặc với rối loạn phán xét (ví dụ : trong sa sút tâm thần, chậm phát triển tâm thần hoặc ngộ độc bởi một chất).
F. Châm lửa gây hỏa hoạn không thể được giải thích tốt hơn bởi một rối loạn hành vi cư xử, giai đoạn hưng cảm hay nhân cách chống đối xã hội.
CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT :
Các thầy thuốc sẽ gặp một chút phiền toái để phân biệt giữa xung động đốt nhà với sự thích thú diêm quẹt, bật lửa của nhiều trẻ nhỏ; đây là biểu hiện bình thường, lửa được xem là một phần tìm hiểu của trẻ đối với môi trường.
Xung động đốt nhà phải phân biệt với hành động phóng hỏa phá hoại được thực hiện bởi những người cực đoan, chống đối về mặt chính trị hoặc những kẻ đốt nhà để được trả tiền.
Trong rối loạn hành vi ứng xử hoặc rối loạn nhân cách chống đối xã hội thì việc đốt nhà là hành động có chủ ý không phải là sự thất bại trong việc kiểm soát xung động.
Chẩn đoán xung động đốt nhà không nên đặt ra nếu hành vi phóng hỏa có thể bị qui cho các động cơ có lợi ích khác thích hợp hơn : che dấu phạm tội hoặc để trả thù.
Bệnh nhân bị tâm thần phân liệt có thể đốt nhà vì hoang tưởng hoặc ảo giác.
Bệnh nhân bị rối loạn chức năng não, chậm phát triển tâm thần, sa sút tâm thần có thể đốt nhà vì không đánh giá đúng hậu quả của hành động này.
TIÊN LƯỢNG VÀ TIẾN TRIỂN CỦA BỆNH :
Tiên lượng cho các trẻ được điều trị là tốt, có thể hồi phục hoàn toàn. Nhưng đối với người lớn tiên lượng phải dè dặt vì họ thường phủ nhận hành động của mình, từ chối trách nhiệm, thiếu sự hiểu biết về tình trạng bệnh tật và thường kèm lệ thuộc rượu.
ĐIỀU TRỊ :
Điều trị khó khăn vì người bệnh thiếu động cơ. Một số lượng lớn các bệnh nhân phóng hỏa sẽ lập lại hành vi này. Chương trình can thiệp sớm đối với người phóng hỏa ở tuổi vị thành niên đã được báo cáo là thành công trong việc ngăn cản tái diễn. Khi làm việc với các bệnh nhân này các nhà điều trị phải thường xuyên cảnh giác nguy cơ gây hại cho các thành phần thứ ba. Do vậy bất cứ chương trình điều trị nào cũng nên bao gồm việc giám sát các bệnh nhân để phòng ngừa tái diễn. Cách ly có lẽ là phương pháp duy nhất để phòng ngừa. Điều trị hành vi được thực hiện trong các viện này nhằm mục đích hướng sở thích của bệnh nhân khỏi hành vi phóng hỏa và thay thế hành vi này bằng các hình thức khác được xã hội chấp nhận để làm dịu đi sự căng thẳng.
Việc sử dụng các thuốc SSRI có thể hiệu quả trong điều trị xung động đốt nhà nhưng chưa có một nghiên cứu hệ thống nào về vấn đề này.
Phát hiện sớm và điều trị sớm các rối loạn tâm thần đồng xảy ra cũng được khuyến cáo là nên làm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO :
1. KAPLAN & SADOCK’S “Impulse-Control Disorders Not Elsewhere Classified” in Synopsis of Psychiatry, tome 2, 8thEd, 1998, p.764-766.
2. MICHAEL H. EBERT “Pyromania” in Current Diagnosis & Treatment in Psychiatry, 2000, p. 455-456.