TÌNH HÌNH RỐI LOẠN ĂN UỐNG TRONG DỊCH COVID-19

259

TÌNH HÌNH RỐI LOẠN ĂN UỐNG TRONG DỊCH COVID-19

 Ahmed Saeed Yahya, Thành viên Đại học Hoàng Gia các Bác sĩ Tâm Thần và Shakil Khawaja, Thành viên Đại học Hoàng Gia các Bác sĩ Tâm Thần

 Người dịch: BS. Huỳnh Ngọc Thúy Vy

 

Bệnh virus Corona 2019 (COVID-19) đã ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của nhiều người. Nghiên cứu ở châu Á đã báo cáo một tỷ lệ hiện mắc rối loạn stress sau sang chấn và các vấn đề về lo âu và trầm cảm trong dân số chung cao hơn. Một số bệnh nhân mắc rối loạn ăn uống vốn đã có những chẩn đoán đồng thời này. Những người khác biểu hiện với các dấu hiệu và triệu chứng có chọn lọc từ các rối loạn lo âu, sang chấn và trầm cảm. Các đặc điểm này góp phần vào tâm lý bệnh học và biểu hiện chung của rối loạn ăn uống. Một số bệnh nhân có thể gặp khó khăn với rối loạn điều hòa cảm xúc. Nỗi sợ và lo lắng hiện tại do COVID-19 tạo ra có thể dẫn đến những hành vi xung động không phù hợp chẳng hạn như ăn uống vô độ và cố ý làm hại bản thân.

 

Nhóm bệnh nhân dễ bị tổn thương này có thể bị mất bù vì những hệ lụy tâm lý xã hội từ đại dịch hiện hành. Sự mất bù này có thể trở nên trầm trọng hơn do những hạn chế trong các dịch vụ chuyên khoa và việc đóng cửa các bệnh viện ban ngày và các cơ sở điều trị ngoại trú. Thăm khám tâm thần từ xa đã được sử dụng để tiếp cận bệnh nhân một cách hiệu quả; tuy nhiên, điều này khuyến khích sự tự tin vào năng lực của bản thân và sự tự theo dõi, những việc mà các bệnh nhân này có thể cảm thấy khó khăn. Fernandez-Aranda và cộng sự đã báo cáo một nghiên cứu thí điểm trên 32 bệnh nhân có một loạt các rối loạn ăn uống. Họ khảo sát tác động của 2 tuần đầu bị giãn cách do COVID-19. Gần 38% cho biết các triệu chứng rối loạn ăn uống diễn tiến tệ hơn và 56,2% báo cáo thêm các triệu chứng lo âu.

 

Chính sách giãn cách xã hội của chính phủ góp phần tạo ra sự cô lập và cô đơn trong xã hội. Việc mất kiểm soát và gián đoạn thói quen có thể gây thêm khó khăn. Nhiều người mắc rối loạn ăn uống có các mối quan hệ kém do kết quả của nhiều sự khiếm khuyết liên cá nhân. Các yếu tố góp phần có thể bao gồm lòng tự trọng thấp, các đặc điểm nhân cách né tránh, và mất khả năng diễn đạt cảm xúc, làm hạn chế khả năng kết nối xã hội và kỹ năng quyết đoán. Bệnh nhân tự ý thức được và căng thẳng bởi các kỹ năng xã hội bị suy giảm của họ, điều này có thể dẫn đến sự tự trách bản thân và chê bai hình ảnh cơ thể, từ đó nuôi dưỡng thêm rối loạn ăn uống của họ. Rối loạn ăn uống có thể trở thành bạn đồng hành của một số người và những hành vi không phù hợp cung cấp một hình thức giải tỏa tạm thời căng thẳng nội tâm.

 

Xung đột thường tồn tại trong các mối quan hệ gia đình có thể liên quan đến mô hình ăn uống bị xáo trộn. Sự giãn cách được thực thi hiện tại có thể làm căng thẳng thêm động lực gia đình. Việc thiếu các hoạt động có ý nghĩa trong ngày có xu hướng làm tăng mối bận tâm ám ảnh của cá nhân về thức ăn, hình ảnh cơ thể và cân nặng. Các cá nhân có xu hướng dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội, việc này có thể củng cố sự cố định của họ về hình ảnh cơ thể “lý tưởng”. Ngoài ra cũng có nhiều cơ hội để truy cập các trang web quảng bá rối loạn ăn uống và khuyến khích các hành vi gây rối. Tại thời điểm của bài việt này, chính phủ Anh hiện đang hạn chế tập thể dục ngoài trời và các phòng tập thể dục đã bị đóng cửa. Tuy nhiên, việc cung cấp các chế độ tập luyện thông qua các nền tảng kỹ thuật số vẫn còn nổi bật, đây có thể là một yếu tố dẫn đến sự khởi phát rối loạn ăn uống hoặc kéo dài các triệu chứng ở những người đang mắc bệnh.

 

Nhiều sự chú ý đổ dồn về thực phẩm và việc hạn chế đến siêu thị. Trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, đã xảy ra tình trạng hoảng loạn mua hàng khi thiếu nguồn cung, khiến nhiều người phải mua số lượng lớn các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Việc có một lượng lớn thức ăn trong nhà cũng như việc thiếu các hoạt động có cấu trúc liên quan có thể kích hoạt các đợt ăn uống vô độ và các hành vi thanh lọc bù trừ. Việc nhận thức được rằng những người khác đang vật lộn để tìm kiếm thức ăn có thể làm tăng thêm cảm giác tội lỗi và xấu hổ sau một lần ăn uống vô độ.

 

Weissman và cộng sự đề cập đến khái niệm “bất an” về thực phẩm, trong đó có việc tiếp cận thực phẩm bị hạn chế do các tác nhân gây căng thẳng về mặt kinh tế hiện nay. Họ nói thêm rằng một số nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan giữa sự bất an về thực phẩm và việc ăn uống vô độ. Bệnh nhân chán ăn tâm thần (AN) có sự cứng nhắc trong nhận thức và chỉ cho phép một số loại và vốn thực phẩm hạn hẹp trong chế độ ăn nghiêm ngặt của họ. Sự thiếu hụt các loại thực phẩm mong muốn  có thể dẫn đến sụt cân nhiều hơn và gây thêm các nguy cơ về sức khỏe thể chất.

 

Về mặt lý thuyết, những bệnh nhân bị suy dinh dưỡng sẽ có kết quả tệ hơn, nhưng một số tác giả ngụ ý rằng chán ăn tâm thần có thể mang lại khả năng phục hồi đối với bệnh do vi rút. Touyz và cộng sự đề cập đến một bài công bố từ năm 1978, trong đó các tác giả nghiên cứu khả năng miễn dịch của bệnh nhân mắc AN so với nhóm chứng khỏe mạnh. Các tác giả chú ý thấy rằng bệnh nhân AN hiếm khi bị cảm thông thường hoặc cúm. Cả hai nhóm trong nghiên cứu đều được tiêm phòng cúm và theo dõi phản ứng kháng thể sau đó. Các tác giả cho rằng có khả năng có mối liên kết giữa estrogen và phản ứng viêm ở bệnh nhân.

 

Chúng tôi lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn phát triển  rối loạn ăn uống ở những người nhiễm COVID-19. Một nghiên cứu hàng loạt ca cho thấy khởi phát AN sau khi mắc bệnh do virus ở 4 bệnh nhân. Các tác giả suy đoán một bệnh nguyên về mặt miễn dịch học và sinh học thần kinh của AN ở những bệnh nhân này. Gần đây càng có nhiều bằng chứng về mối liên quan giữa chức năng miễn dịch với các rối loạn ăn uống, chỉ ra rằng nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương thông qua các quá trình viêm.

 

Breithaupt và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu đoàn hệ dựa trên dân số gồm 525.643 trẻ gái vị thành niên. Họ phát hiện rằng nhiễm trùng trước đó ở thời thơ ấu có liên quan đến việc tăng nguy cơ sau này mắc AN, cuồng ăn tâm thần (BN) hoặc rối loạn ăn uống không biệt định khác (EDNOS)  theo tiêu chuẩn chẩn đoán ICD-8 hoặc ICD-10. Tiền căn nhập viện vì nhiễm trùng khi so sánh với những người không nhập viện có liên quan đến việc gia tăng khả năng mắc AN 22%, BN tăng 35% và EDNOS tăng 39%. Nguy cơ cao hơn vào 3 tháng sau nhập viện vì nhiễm trùng. Kết quả của họ ủng hộ giả thuyết miễn dịch học về bệnh nguyên của những rối loạn ăn uống này. Cũng có nghiên cứu báo cáo sự khởi phát AN và việc từ chối thức ăn sau khi nhiễm cúm hoặc nhiễm trùng liên cầu. Người ta cho rằng những thay đổi hành vi như mất khẩu vị và giảm lượng thức ăn có thể được kích hoạt bởi một cơ chế viêm và tăng nồng độ của yếu tố hoại tử khối u cytokine tiền viêm interleukins 1 và 6. Cùng là các cytokine được xem là một phần của cơn bão cytokine trong nhiễm COVID-19, với các phương pháp điều trị mới được đề xuất bao gồm thuốc ức chế IL-6 tocilizumab.

 

 

Chúng tôi dự đoán COVID-19 sẽ có tác động đáng kể trên những người hiện đang mắc các rối loạn ăn uống. Các yếu tố tâm sinh lý xã hội hiện tại cũng có thể góp phần vào sự phát triển các ca bệnh mới. Việc hợp tác giữa cơ sở chăm sóc ban đầu và các dịch vụ tâm thần chuyên khoa là thiết yếu để xác định và quản lý cả nguy cơ sức khỏe tâm thần và thể chất. Bảng 1 cung cấp các nguồn thông tin về rối loạn ăn uống cho cả bác sĩ lâm sàng và bệnh nhân. Nghiên cứu sâu hơn được đảm bảo để làm rõ mối liên quan giữa nhiễm trùng và sự phát triển rối loạn ăn uống sau đó.

 

 

Bảng 1. Các nguồn thông tin trực tuyến về rối loạn ăn uống dành cho các bác sĩ lâm sàng và bệnh nhân

Các tổ chức ở Hoa Kỳ

Hiệp hội Quốc Gia các rối loạn ăn uống

Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ:

Các tổ chức ở Vương quốc Anh

Đại học Hoàng gia các Bác sĩ Tâm thần:

Đánh bại các rối loạn ăn uống:

Tâm trí để có sức khỏe tâm thần tốt hơn:

Chăm sóc Chán ăn và Cuồng ăn Tâm thần:

Nhận: 4 tháng 5, 2020.

Công bố trực tuyến: 18 tháng 6 năm 2020.

Xung đột lợi ích tiềm ẩn: Không có.

Kinh phí / hỗ trợ: Không có.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Fernández-Aranda F, Casas M, Claes L, và cộng sự. COVID-19 và những tác động trên các rối loạn ăn uống. Eur Eat Disord Rev. 2020; 28 (3): 239–245.

 

  1. Lim CG, Ong SH, Chin CH, và cộng sự. Các dịch vụ tâm thần trẻ em và vị thành niên ở Singapore. Sức khỏe Tâm thần Trẻ vị thành niên. 2015; 9 (1): 7.

 

 

  1. Weissman RS, Bauer S, Thomas JJ. Tiếp cận dịch vụ chăm sóc dựa trên chứng cứ cho các rối loạn ăn uống trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Tạp chí Quốc tế về Rối loạn ăn uống (Int J Eat Disord). 2020; 53 (5): 369–376.

 

  1. Touyz S, Lacey H, Hay P. Rối loạn ăn uống trong thời đại COVID-19. Tạp chí về Rối loạn ăn uống (J Eat Disord). 2020; 8 (1): 19.

 

  1. Armstrong-Esther CA, Lacey JH, Crisp AH, và cộng sự. Một cuộc điều tra về phản ứng miễn dịch ở những bệnh nhân chán ăn tâm thần. Tạp chí Y khoa Sau đại học (Postgrad Med J). 1978; 54 (632): 395–399.

 

  1. Park RJ, Lawrie SM, Freeman CP. Khởi phát chán ăn tâm thần sau nhiễm virus. Tạp chí Tâm thần học Anh quốc (Br J Psychiatry). 1995; 166 (3): 386–389.

 

  1. Breithaupt L, Köhler-Forsberg O, Larsen JT, và cộng sự. Mối liên quan giữa phơi nhiễm các bệnh nhiễm trùng trong thời thơ ấu với nguy cơ mắc các rối loạn ăn uống ở trẻ em gái vị thành niên. Tạp chí Tâm thần học JAMA (JAMA Psychiatry). 2019; 76 (8): 800–809.
  2. Toufexis MD, Hommer R, Gerardi DM, và cộng sự. Rối loạn ăn uống và hạn chế thức ăn ở trẻ em mắc PANDAS / PANS. Tạp chí Tâm Dược học Trẻ em và Trẻ vị thành niên (J Child Adolesc Psychopharmacol). 2015;25(1):48–56.

 

  1. Monteleone G, Sarzi-Puttini PC, Ardizzone S. Phòng ngừa viêm phổi do COVID-19 bằng phương pháp anticytokine. Tạp chí Bệnh học Thấp Khớp Lancet (Lancet Rheumatol.) 2020;2(5):e255–e256.

 

Nhóm sức khỏe Tâm thần AWaltham Forest,  Tổ chức Ủy thác Đông London, Red Oak Lodge, London, Anh

 

* Tác giả tương ứng: Ahmed Saeed Yahya, Thành viên Đại học Hoàng Gia các Bác sĩ Tâm Thần , Tổ chức Ủy thác Đông Bắc London NHS, Nhóm Sức khỏe Tâm thần Người lớn tuổi Waltham Forest, Red Oak Lodge, London, Anh E11 4HU ([email protected]).

Người đồng hành chăm sóc sức khỏe ban đầu rối loạn hệ thần kinh trung ương (Prim Care Companion CNS Disord) 2020; 22 (3): 20com02657

 

Để trích dẫn: Yahya AS, Khawaja S. Tình hình của các rối loạn ăn uống trong dịch COVID-19. Người đồng hành chăm sóc sức khỏe ban đầu rối loạn hệ thần kinh trung ương (Prim Care Companion CNS Disord) 2020; 22 (3): 20com02657

 

Để chia sẻ:

© Bản quyền 2020 Tập đoàn Nhà xuất bản các Bác sĩ Sau đại học.

Chia sẻ