THUỐC NGỦ TĂNG NGUY CƠ TÉ NGÃ GÃY XƯƠNG Ở NGƯỜI GIÀ

349

Té ngã và hậu quả gãy xương chậu có thể dẫn đến tàn phế, thậm chí tử vong ở người già do dùng thuốc ngủ.

Kết quả nghiên cứu còn cho biết nguy cơ gãy xương chậu tăng trong thời gian 2 tuần đầu dùng thuốc ngủ như các loại thuốc nhóm benzodiazepines ( Valium, Ativan, … ) và các loại thuốc ngủ nhóm Z như Ambien, Sonata và Lunesta.

Bs Ben Carter, Trường ĐHYK Cardiff , Anh quốc cho biết: “Mặc dù các loại thuốc ngủ nhóm Z thường được kê toa, nhưng chưa có bằng chứng chúng là lựa chọn an toàn so với các thuốc nhóm benzodiazepines trong nghiên cứu về nguy cơ gãy xương chậu”.

Các tác giả, các chuyên gia cho biết có sự gia tăng rõ ràng nguy cơ gãy xương chậu khi các bác sĩ bắt đầu kê toa thuốc  cả 2 nhóm thuốc ngủ kể trên. Bs Alan Mensch cho biết mối liên quan giữa gãy xương chậu với Valium. Ativan và các loại thuốc khác thuộc nhóm benzodiazepines  được phát hiện từ những năm 1970. Gãy xương chậu gây ra tử vong với tỷ lệ 20 – 50 % bệnh nhân phải chịu hậu quả tàn phế.

Nhằm mục đích lựa chọn thuốc ngủ an toàn hơn, các loại thuốc ngủ nhóm Z được nghiên cứu sản xuất, nhưng có thể không tốt hơn về nguy cơ té ngã. Bs Carter và cộng sự nghiên cứu số liệu của 18 nghiên cứu về té ngã gãy xương chậu do dùng thuốc ngủ. Số liệu nghiên cứu từ 500 đến 900,000 bệnh nhân 65 tuổi trở lên, đa số trên 70 tuổi.

Kết quả bệnh nhân mới sử dụng thuốc ngủ thường kèm theo ngủ gà gật, lơ mơ ban ngày, chậm phản ứng và giảm khả năng giữ thăng bằng. Tỷ lệ té ngã gẫy xương chậu tăng gần 2,5 lần so với những người không dùng thuốc ngủ. Tỷ lệ này có giảm dần theo thời gian nhưng nguy cơ té ngã gẫy xương chậu vẫn xảy ra. Bệnh nhân dùng thuốc ngủ trong thời gian từ 15 đến 30 ngày tăng 53 % nguy cơ này. Đối với bệnh nhân dùng thuốc ngủ từ 30 ngày trở lên, tỷ lệ này còn tăng thêm 20 % so với người không dùng thuốc ngủ.

Bs Carter cho biết các bác sĩ điều trị cần nhận thức nguy cơ té ngã gẫy xương chậu khi kê toa thuốc ngủ cho bệnh nhân lớn tuổi. Các phương pháp can thiệp như hướng dẫn trị liệu, cải thiện môi trường giấc ngủ và xem xét sử dụng thuốc hợp lý rất cần thiết để giảm nguy cơ gãy xương chậu, đặc biệt khi bắt đầu dùng thuốc ngủ.

Nếu bác sĩ điều trị và bệnh nhân liên lạc với nhau và xem việc sử dụng thuốc ngủ là quan trọng hàng đầu. Việc lựa chọn trị liệu giấc ngủ không dùng thuốc có thể giúp người bệnh dễ ngủ, như tập luyện nhẹ trước ngủ, tránh cafe, hạn chế bia rượu và các cách thức “vệ sinh giấc ngủ”.

Bs Matthew Hepinstall, Bv Lenox Hill, New York nghiên cứu hậu quả của gãy xương chậu lưu ý rằng “loãng xương và mất ngủ tồn tại đồng thời với nhau ở bệnh nhân lớn tuổi và chỉ định dùng thuốc ngủ làm gia tăng nguy cơ té ngã và gẫy xương (nói chung) đặt ra thách thức lâm sàng”, đòi hỏi nhiều chi phí và gây ra hậu quả tiến triển xấu khác.

Bs Hepinstall đồng ý với các tác giả nghiên cứu nên cố gắng sử dụng các phương pháp không dùng thuốc ngủ trước khi kê toa các loại thuốc ngủ cho bệnh nhân lớn tuổi.  Nếu phải dùng thuốc ngủ thì nên có biện pháp bảo vệ phòng ngừa té ngã.

Nghiên cứu này mới được đăng trên Tạp chí Plos One.

Thực tế lâm sàng đây là vấn đề khá nan giải, đặc biệt đối với bệnh nhân lớn tuổi bị sa sút tâm thần (dementia) thường có triệu chứng ảo giác, hoang tưởng  và thường không kiểm soát được hành vi của mình, v.v… Giấc ngủ đương nhiên bị rối loạn, ban ngày ngủ ngắn, ban đêm thức và khi dùng thuốc ngủ thì đương nhiên có thể có nguy cơ té ngã gẫy vỡ xương chậu, gãy cổ xương đùi, gẫy xương sườn khi cố gắng thức dậy đi lại, …

Trước hết, theo các nghiên cứu nước ngoài, bệnh nhân sa sút tâm thần có tỷ lệ trầm cảm lo âu khá cao và thường khuyến cáo các bác sĩ không nên bỏ qua. Trong thực tế thăm khám hàng ngày, nhiều bệnh nhân có những triệu chứng biểu hiện trầm cảm. trong trường hợp này nếu các bác sĩ dùng kết hợp nhóm thuốc chống trầm cảm thích hợp cũng có thể cải thiện giấc ngủ.

Trường hợp thứ hai, nếu bệnh nhân sa sút tâm thần không ngủ mà có lăng xăng kết hợp ảo giác hoang tưởng mà dùng thuốc chống loạn thần thì tác hại trên còn tăng gấp nhiều lần. Khi dùng (dù được chọn lọc hay liều thấp), các triệu chứng trên có thể cải thiện nhưng rất dễ rơi vào trạng thái lơ mơ, đôi khi lú lẫn không định hướng hay đi lại không vững. Chưa kể các tương tác thuốc điều trị gây ra nhiều tác dụng phụ hay gây thêm bệnh lý không mong muốn khác (lý do các tế bào thần kinh não đã và đang thoái biến), và nguy cơ té ngã không còn đơn thuần nữa. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) không chấp thuận bất cứ một loại thuốc chống loạn thần nào trong trị liệu này.

Đối với bệnh nhân sa sút tâm thần có các triệu chứng ảo giác, hoang tưởng, giảm khả năng định vị không gian (đang ở đâu) hay thời gian (đang ở thời điểm ban đêm hay buổi chiều, …) rất cần sự chăm sóc chu đáo. Chỉ nên sử dụng các loại thuốc chuyên khoa sau khi khám và tái khám bác sĩ chuyên khoa.

Bs Phạm Văn Trụ. Bv TT Tp HCM
Tham khảo:  Mary Elizabeth Dallas. Sleeping Pills Boost Danger of Falls, Fractures in Older User. Tuesday, May 2, 2017.
SOURCES: Alan Mensch, M.D., senior vice president of medical affairs, Northwell Health’s Plainview and Syosset Hospitals, N.Y.; Matthew Hepinstall, M.D., orthopaedic surgeon, Lenox Hill Hospital Center for Joint Preservation and Reconstruction, New York City; Cardiff University, news release, April 26, 2017