TÁC ĐỘNG TÂM LÝ CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 ĐỐI VỚI NGƯỜI CAO TUỔI: LOẠT CA BỆNH TỪ ẤN ĐỘ

1944

A. Uvais, MBBS, DPM

Người dịch: BS. Nguyễn Thị Hồng Nhung – Khoa Khám Bệnh I

Thế giới hiện đang đối với với dịch bệnh vi-rút Corona 2019 (COVID-19), dịch bệnh bùng phát ở vùng Vũ Hán của Trung Quốc và lan rộng ra hầu hết các nước trên toàn cầu. COVID-19 ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống, dẫn đến nhiều cơn hoảng loạn và hysteria. Tuy nhiên, tác động tâm lý của đại dịch ảnh hưởng không đồng đều lên các phân khúc dân số khác nhau, và người cao tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương bởi bệnh lý tâm thần có liên quan đến COVID-19. Cách ly xã hội và sự cô đơn là những biến số ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người cao tuổi được thảo luận nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố hoàn cảnh và văn hóa khác cũng có thể làm khởi phát bệnh lý tâm thần mới hoặc làm trầm trọng thêm bệnh tâm thần hiện có. Ở đây, chúng tôi mô tả bốn bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh lý về tâm thần trong đại dịch COVID-19 và nhấn mạnh căng thẳng tâm lý xã hội đã gây ra các rối loạn.

LOẠT CA BỆNH

Ca bệnh 1

Một cụ bà 80 tuổi đến khám tại khoa ngoại trú tâm thần của bệnh viện chúng tôi hồi đầu tháng 4/2020 với than phiền về những cơn hồi hộp, lo lắng, sợ mất kiểm soát hoặc điên loạn, sợ chết, bồn chồn, mất ngủ và giảm cảm giác thèm ăn. Các triệu chứng bắt nguồn từ lệnh hạn chế đi lại của chính phủ trong suốt đợt bùng phát COVID-19. Bệnh nhân sống tại nhà của con gái trong suốt khoảng thời gian đó và không được quay trở về nhà. Bà rất lo lắng về những hạn chế đó và bắt đầu có những ý nghĩ lặp đi lặp lại rằng mình có thể sẽ chết và không thể nhìn thấy căn nhà của mình lần nữa. Bà khai rằng mình và gia đình không có tiền căn mắc bệnh lý tâm thần, cũng không có bệnh đồng mắc nào đáng kể. Khám tổng quát và các xét nghiệm thường quy đều trong giới hạn bình thường. Khám tình trạng tâm thần cho thấy có cảm xúc lo lắng. Bà được chẩn đoán rối loạn hoảng loạn (Theo tiêu chuẩn DSM-5). Bệnh nhân được giải thích về tình trạng bệnh của mình và bắt đầu điều trị với Mirtazapine  đường uống 7.5mg/ngày và Clonazepam  đường uống 0.25mg/ngày. Mirtazapine được sử dụng như một thuốc chống trầm cảm do bà có mất ngủ đáng kể và giảm cảm giác thèm ăn.

Ca bệnh 2

Một phụ nữ 66 tuổi đến khám tại khoa ngoại trú tâm thần của bệnh viện chúng tôi hồi đầu tháng 4/2020 với những than phiền về khí sắc trầm, giảm hứng thú, kém tập trung, mất niềm vui thích, mất năng lượng, mất ngủ và giảm cảm giác ngon miệng. Bà có rối loạn trầm cảm tái diễn từ ba năm trước nhưng đã ngưng điều trị hơn một năm nay. Bà cũng có mắc đái tháo đường. Giai đoạn trầm cảm hiện tại bắt nguồn từ sự lo lắng quá mức cho 2 người con trai đang làm việc tại Trung Đông của bà. Một trong hai người con của bà đang là nhân viên đô thị tham gia vào công việc khử trùng thành phố. Cân nhắc đến nguy cơ lây nhiễm COVID-19 của bản thân và cho các thành viên trong gia đình, anh đã từ chức và xin được trở về Ấn Độ. Bệnh nhân nói chuyện với con trai của mình mỗi ngày qua điện thoại và theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra ở Trung Đông. Khám tình trạng tâm thần cho thấy bà có cảm xúc trầm và giảm nhận thức. Bà được chẩn đoán rối loạn trầm cảm tái diễn, hiện tại giai đoạn vừa và được điều trị với Mirtazapine đường uống 7.5mg/ngày và Lorazepam đường uống 11mg/ngày. Mirtazapine được sử dụng như một thuốc chống trầm cảm do bà có mất ngủ đáng kể và giảm cảm giác ngon miệng. Các triệu chứng cải thiện đáng kể sau hai tuần tái khám.

Ca bệnh 3

Một người đàn ông 63 tuổi tới khám tại khoa ngoại trú khoa tâm thần của bệnh viện chúng tôi hồi cuối tháng 4/2020 với những than phiền về giảm khí sắc, giảm hứng thú, kém tập trung, mất niềm vui thích, mất năng lượng và suy giảm chức năng sinh lý. Ông có tiền căn bệnh lý tâm thần với giai đoạn trầm cảm hơn 20 năm trước. Ông cũng có tăng huyết áp và đái tháo đường. Không ghi nhận tiền căn gia đình mắc các bệnh lý tâm thần. Triệu chứng của ông bắt nguồn từ lệnh hạn chế đi lại của chính phủ nhằm giảm sự lây lan của COVID-19. Ông đang làm giáo viên tôn giáo tại một nhà thờ Hồi giáo trong quận và lệnh hạn chế đi lại đã ngăn ông đến nhà thờ. Thêm vào đó, nhiều tín đồ với những nỗi băn khoăn khác nhau liên quan đến COVID-19 liên tục gọi điện cho ông để xin lời khuyên về tôn giáo. Khám tình trạng tâm thần cho thấy có cảm xúc trầm và giảm nhận thức. Ông được chẩn đoán rối loạn trầm cảm dai dẵng, hiện tại giai đoạn nặng và được điều trị với Agomelatine đường uống 25mg/ngày. Các triệu chứng của ông đã cải thiện rõ rệt sau hai tuần tái khám.

 

Ca bệnh 4

Một người nam 69 tuổi đến khám tại khoa ngoại trú tâm thần của bệnh viện chúng tôi hồi cuối tháng 4/2020 với than phiền về những cơn hồi hộp, lo lắng, sợ mất kiểm soát hoặc điên loạn và mất ngủ, giảm cảm giác ngon miệng. Các triệu chứng khởi nguồn từ lệnh đóng cửa. Ông là một người Hồi giáo thực hành, ông tham dự các buổi cầu nguyện tại nhà thờ 5 lần một ngày và dành nhiều giờ ở đó để đọc kinh Quran giữa các buổi cầu nguyện. Lệnh đóng cửa đã hạn chế việc ra khỏi nhà của ông và nhà thờ nơi ông dự lễ cũng đóng cửa do lệnh cấm tụ tập tôn giáo của chính phủ. Ông rất lo lắng về những thay đổi xung quanh ông, và điều đó đã dẫn đến cơn hồi hộp đầu tiên. Ông cũng bị tăng huyết áp và tai biến mạch máu não, hiện đang dùng thuốc thường xuyên. Khám tình trạng tâm thần cho thấy có cảm xúc lo lắng. Ông được chẩn đoán rối loạn hoảng loạn (theo tiêu chuẩn DSM-5). Bệnh nhân được giải thích về bệnh của mình và bắt đầu điều trị với Escitalopram đường uống 5mg/ngày và Clonazepam đường uống 0.25mg/ngày. Các triệu chứng của ông đã cải thiện đáng kể sau hai tuần tái khám.

BÀN LUẬN

Chúng tôi mô tả bốn người cao tuổi mắc rối loạn hoảng loạn và rối loạn trầm cảm trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, những yếu tố căng thẳng tâm lý xã hội khác nhau trong mọi trường hợp, và không bệnh nhân nào phải đối mặt với giãn cách xã hội hay sự cô đơn trong suốt cuộc khủng hoảng. Ở ca bệnh đầu tiên, bệnh nhân đã kết nối cảm xúc với căn nhà của mình và bà không thể về đó do lệnh hạn chế đi lại, dẫn đến cơn hoảng loạn. Ở ca bệnh thứ hai, bệnh nhân lo lắng quá mức cho đứa con đang làm lao động nhập cư tại Trung Đông của mình trong đợt dịch, dẫn đến giai đoạn trầm cảm. Trong ca bệnh thứ ba, công việc bị gián đoạn cộng với việc phải làm việc quá mức để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng của dịch bệnh trong vai trò của một giáo viên tôn giáo đã dẫn đến giai đoạn trầm cảm. Trong ca bệnh thứ tư, khó khăn trong việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo tại nhà thờ hồi giáo và mối lo nơi thờ cúng bị đóng cửa đã gây ra những cơn hoảng loạn.

Tổng kết lại, loạt ca bệnh của chúng tôi minh chứng rằng có nhiều biến số hoàn cảnh và văn khác ngoài giãn cách và sự cô đơn có thể khởi phát và làm trầm trọng thêm bệnh lý tâm thần ở người cao tuổi. Những yếu tố gây căng thẳng tâm lý xã hội có thể khác nhau tùy theo vị trí địa lý và nền văn hóa. Cần cố gắng tìm hiểu các biến số ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của người cao tuổi trong đại dịch COVID-19 ở các quốc gia và nền văn hóa khác nhau để có thể thiết kế các dịch vụ hiệu quả nhằm giảm thiểu khủng hoảng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.1. Singhal T. A review of coronavirus disease-2019 (COVID-19). Indian J Pediatr. 2020;87(4):281–286.   

  1. 2Banerjee D. The impact of COVID-19 pandemic on elderly mental health [published online ahead of print May 4, 2020]. Int J Geriatr Psychiatry.  
  2. Armitage R, Nellums LB. COVID-19 and the consequences of isolating the elderly. Lancet Public Health. 2020;5(5):e256.  

aDepartment of Psychiatry, Iqraa International Hospital and Research Centre, Malaparamba, Calicut, Kerala, India

*Corresponding author: N. A. Uvais, MBBS, DPM, Iqraa International Hospital and Research Centre, Malaparamba, Calicut, Kerala, India ([email protected]).

Prim Care Companion CNS Disord 2020;22(4):20com02675

To cite: Uvais NA. Psychological impact of the COVID-19 pandemic among the elderly: a case series from India. Prim Care Companion CNS Disord. 2020;22(4):20com02675.

To share: 

© Copyright 2020 Physicians Postgraduate Press, Inc.

Chia sẻ