HỖ TRỢ TÂM LÝ TRỰC TUYẾN

1139

 

Người dịch: CNTL. Lê Phúc Nguyên

Hiệu đính: ThS.BS CK I. Giang Ngọc Thụy Vy

I. Mở đầu:

   Tham vấn trực tuyến hiện đang trở thành một phương pháp phổ biến được cả thân chủ và nhà trị liệu ưa thích (Elleven & Allen, 2004). Nó đã được ca ngợi vì đã thu hẹp khoảng cách giữa phương pháp truyền thống và những yếu tố xung quanh như khả năng tiếp cận, tiện lợi trong việc lựa chọn dịch vụ và các vấn đề về chi phí. Đặc biệt nó được phát triển rất mạnh mẽ sau khi dịch COVID-19 bùng phát, đây được xem là một cách thức làm việc mới thích ứng với tình hình dịch bệnh.

Ngoài ra, tìm kiếm sự giúp đỡ đòi hỏi sức mạnh và lòng can đảm. Nhiều người cảm thấy thoải mái hơn và cởi mở hơn trong những buổi tham vấn trực tuyến hơn là khi tiếp xúc trực tiếp với nhà trị liệu.

Tham vấn trực tuyến ngày nay cung cấp một số lựa chọn chữa bệnh toàn diện thông qua mối quan hệ thân chủ – nhà trị liệu được xây dựng dựa trên sự đồng cảm, sự rõ ràng minh bạch trong làm việc.

II. Những vấn đề thường được hỗ trợ trực tuyến:

Một số khó khăn mà thân chủ có thể tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ trực tuyến bao gồm:

  • Rối loạn lo âu
  • Trầm cảm
  • Nghiện chất.
  • Vấn đề về lạm dụng, bạo hành hoặc/và bất hòa trong gia đình.
  • Rối loạn ăn uống.
  • Phục hồi các vấn đề về sang chấn.
  • Vấn đề về giới tính và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.

III. Ưu điểm & nhược điểm:

1 Ưu điểm:

  • Tham vấn trực tuyến có thể giúp vượt qua khủng hoảng và lấy lại cân bằng về sức khỏe tinh thần, cảm xúc và thể chất.
  • Liệu pháp trực tuyến làm tăng khả năng tìm đến dịch vụ của một số đối tượng cần được giúp đỡ.
  • Về mặt khoảng cách:
    • Làm việc trực tuyến không giới hạn về khoảng cách địa lý, tạo điều kiện cho những người ở xa không đủ điều kiện để di chuyển, đi lại (như người tàn tật, người khiếm thị) có cơ hội tiếp cận dịch vụ một cách dễ dàng hoặc ngay cả khi công việc của thân chủ đòi hỏi phải di chuyển nhiều.
    • Tham vấn trực tuyến cho phép các cặp vợ chồng/gia đình hoặc các thành viên khác trong gia đình được hỗ trợ cùng nhau nếu có các vấn đề liên quan mà họ không ở cùng một địa điểm.
  • Về nhóm đối tượng:
    • Đối với trẻ em và vị thành niên, nhóm đối tượng này dường như cảm thấy thoải mái hơn khi tiếp cận và sử dụng internet (Shaw & Shaw, 2006). Bên cạnh đó họ cảm thấy thoải mái khi ở nhà của họ.
    • Đối với những thân chủ có vấn đề về ám ảnh sợ xã hội, rối loạn lo âu thì làm việc trực tuyến tạo cảm giác thoải mái cho thân chủ hơn là khi làm việc trực tiếp với nhà trị liệu về các vấn đề của họ (Gedge, 2009)
  • Những yếu tố về không gian và thời gian:
    • Thân chủ có thể lựa chọn cho mình một nơi mà họ cảm thấy thoải mái nhất khi làm việc với nhà trị liệu bao gồm: ánh sáng, nhiệt độ, chỗ ngồi sao cho thân chủ cảm thấy thoải mái nhất có thể, đó cũng là sự đóng góp cho tiến trình trị liệu.
    • Thời gian làm việc, Nhà trị liệu và thân chủ có thể chọn lựa thời gian phù hợp với mình, để không phải trị liệu trong giờ thân chủ phải đi làm việc (tạo điều kiện cho việc mở rộng dịch vụ ngoài giờ).
  • Bổ trợ cho phương pháp truyền thống:
    • Liệu pháp trực tuyến đôi lúc có thể là phương pháp bổ sung hữu ích cho liệu pháp truyền thống. Một số tình trạng như rối loạn lưỡng cực, nghiện ngập, rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) và tâm thần phân liệt có thể không thích hợp cho việc chỉ điều trị trực tuyến nhưng chúng có thể được hưởng lợi từ các dịch vụ trực tuyến bổ sung cho các phương pháp điều trị truyền thống (ví dụ: nghiên cứu cho thấy rằng liệu pháp được cung cấp qua tin nhắn có thể giúp những người bị tâm thần phân liệt tuân thủ kế hoạch dùng thuốc của họ)
    • Ẩn danh (nếu người bệnh hoặc thân chủ chưa muốn bộc lộ danh tính hay nhân thân của mình).

2 Nhược điểm:

  • Chưa có nhiều công bố thực chứng cho thấy hỗ trợ trực tuyến là có hiệu quả cao.
  • Các vấn đề về chi phí, trong đó có bảo hiểm sẽ có thể không được chi trả.
  • Các vấn đề về đường truyền có thể là một hạn chế làm gián đoạn và gây cản trở cho buổi làm việc (gây khó chịu cho cả nhà trị liệu lẫn thân chủ).
  • Vấn đề về bảo mật:
    • Giữ bí mật thông tin cá nhân của thân chủ là một mối quan tâm lớn trong các liệu pháp tâm lý. Tính bảo mật cũng quan trọng trong trị liệu trực tuyến không kém gì điều trị trực tiếp. Những vấn đề về phương tiện sử dụng trong hỗ trợ trực tuyến, mạng internet và những thông tin có thể bị lộ (hack).
    • Khách hàng dễ chấm dứt ngang khi đang làm việc trực tuyến.
  • Về đối tượng: Liệu pháp trực tuyến không phù hợp với tất cả mọi người và có thể không phải là lựa chọn thích hợp cho một số trường hợp nhất định.
    • Liệu pháp trực tuyến không được khuyến khích khi một người có tình trạng rối loạn tâm thần nghiêm trọng.
    • Những người bị nghiện nặng hoặc các triệu chứng nghiêm trọng hơn của tình trạng tâm lý có thể cần được điều trị chuyên sâu hơn so với các lựa chọn trực tuyến có thể cung cấp.
    • Nếu một thân chủ đang có ý định tự tử hoặc đã trải qua một bi kịch của cá nhân, nhà trị liệu có thể khó hoặc thậm chí không thể tiếp tục hỗ trợ trực tuyến.
  • Hạn chế cách phản ứng với các tình huống:
    • Hỗ trợ trực tuyến có thể làm hạn chế cách phản ứng với các tình huống quá khẩn cấp vì các nhà trị liệu trực tuyến ở xa nên họ khó có thể phản ứng nhanh chóng và hiệu quả khi có khủng hoảng xảy ra hoặc nếu thân chủ đang có ý định tự sát thì nhà trị liệu khó mà can thiệp.
  • Bỏ qua ngôn ngữ cơ thể:
    • Trong nhiều trường hợp, các nhà trị liệu trực tuyến không thể nhìn thấy nét mặt, tín hiệu giọng nói hoặc ngôn ngữ cơ thể. Những tín hiệu này thường có thể nói lên một cách rõ ràng và cung cấp cho nhà trị liệu một bức tranh đầy đủ hơn về cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng và hành vi thân chủ mặc dù trò chuyện qua các cuộc gọi có hình ảnh (video call) có thể cung cấp bức tranh rõ hơn về tình hình nhưng chúng thường thiếu sự thân mật và phức tạp mà các tương tác trong thế giới thực mới có thể làm được.
  • Vấn đề về đạo đức và pháp lý:

Như đã đề cập ngay từ đầu vấn đề về bảo mật, rò rỉ thông tin, bị hack- lộ thông tin trong khi làm việc, giao tiếp thông qua trực tuyến có nguy cơ bị công khai cao hơn.

Nguồn Tham Khảo

  1. Glasheen, Kevin & Campbell, Marilyn (2009) The use of online counselling within an Australian secondary school setting: a practitioner’s viewpoint.
  2.  
Chia sẻ