SUY GIẢM CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG TRONG CÁC RỐI LOẠN TRẦM CẢM LO ÂU

1130

TÓM TẮT 
Mục tiêu:
Các báo cáo trước đây chứng minh sự suy giảm chất lượng cuộc sống trong các rối loạn trầm cảm và lo âu dựa trên các mẫu dịch tễ học hoặc các nghiên cứu lâm sàng khá nhỏ. Sự áp dụng cùng một thang chất lượng cuộc sống, Bản Câu Hỏi Sự Hưởng Thụ Và Sự Thoả Mãn Chất Lượng Cuộc Sống, cho các đối tượng tham gia vào nhiều thử nghiệm quy mô rộng  đối với các rối loạn trầm cảm và lo âu cho phép chúng tôi so sánh tác động của các rối loạn này trên chất lượng cuộc sống.

Phương pháp:
Bản Câu Hỏi Sự Hưởng Thụ Và Sự Thoả Mãn Chất Lượng Cuộc Sống làm chuẩn, các số liệu dân số và lâm sàng lấy từ 11 thử nghiệm điều trị bao gồm các nghiên cứu về rối loạn trầm cảm chủ yếu, trầm cảm mạn tính/kép, rối loạn loạn khí sắc, rối loạn hoảng loạn, rối loạn ám ảnh bó buộc, ám ảnh sợ xã hội, rối loạn loạn cảm tiền kinh nguyệt, rối loạn stress sau chấn thương đã được phân tích.

Kết quả: tỉ lệ người bệnh có suy giảm nặng về lâm sàng (thấp hơn hai độ lệch chuẩn so với chuẩn cộng đồng) trong chất lượng cuộc sống thay đổi theo các chẩn đoán khác nhau: rối loạn trầm cảm chủ yếu 63%, trầm cảm mạn tính/kép 85%, rối loạn loạn khí sắc 56%, rối loạn hoảng loạn 20%, loạn ám ảnh bó buộc 26%, ám ảnh sợ xã hội 21%, rối loạn loạn cảm tiền kinh nguyệt 31%, rối loạn stress sau chấn thương 59%. Phân tích hồi quy cho mỗi loại rối loạn gợi ý rằng các thang triệu chứng bệnh chuyên biệt có liên quan ý nghĩa với chất lượng cuộc sống làm chuẩn nhưng chỉ giải thích ở một tỉ lệ nhỏ đến trung bình về sự khác biệt trong điểm số Bản Câu Hỏi Sự Hưởng Thụ Và Sự Thoả Mãn Chất Lượng Cuộc Sống.

Kết luận: các đối tượng có rối loạn cảm xúc và lo âu tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng có sự suy giảm chất lượng cuộc sống ý nghĩa, dù mức độ rối loạn chức năng có biến thiên. Các phép đo lường triệu chứng chẩn đoán chuyên biệt chỉ giải thích một tỉ lệ nhỏ sự khác biệt về chất lượng cuộc sống, gợi ý rằng sự cảm nhận của một cá nhân về chất lượng cuộc sống là một yếu tố phụ thêm vào một sự lượng giá hoàn chỉnh.

GIỚI THIỆU
Trong khi các triệu chứng và các dấu hiệu vẫn còn là các đặc điểm xác định của phân loại học tâm thần, ngày càng có sự nhất trí rằng lĩnh vực lượng giá nên bao gồm những chiều hướng rộng hơn như là hoạt động chức năng và chất lượng cuộc sống. Điều này dẫn đến một điều hiển nhiên là điều trị thành công phải đạt được nhiều hơn là thuyên giảm các triệu chứng và các dấu hiệu để phát biểu vấn đề rộng hơn về sự hồi phục sức khoẻ. Sau định nghĩa về sức khoẻ của Tổ Chức Y Tế Thế Giới 1948, sự lượng giá thận trọng về chất lượng cuộc sống đối với các người bệnh tâm thần và tác động của các can thiệp điều trị về chất lượng cuộc sống đã nổi lên như là những vấn đề quan trọng đối với lĩnh vực tâm thần.

Chất lượng cuộc sống  được định nghĩa theo nhiều cách và cũng có nhiều phép đo lường nó. Hầu hết các định nghĩa khẳng định rằng sự lượng giá chất lượng cuộc sống nên xem xét đến quan điểm chủ quan của người bệnh về hoàn cảnh sống của họ. Điều này bao gồm các cảm nhận về các quan hệ xã hội; sức khoẻ cơ thể; thực hiện hoạt động hằng ngày và công việc; tình trạng kinh tế và cảm giác tổng thể về sức khoẻ. Trong khi các phép đo lường chỉ tập trung vào các sự suy giảm khách quan và định lượng có sẵn, các phép đo lường về chất lượng cuộc sống lượng giá sự hưởng thụ và sự thoả mãn cuộc sống kèm với các hoạt động khác nhau.

Một số nghiên cứu so sánh rối loạn hoạt động chất lượng cuộc sống về rối loạn trầm cảm chủ yếu và các rối loạn lo âu có những phát hiện không chắc chắn. Vài nghiên cứu báo cáo rằng suy giảm chất lượng cuộc sống nhiều hơn đối với rối loạn trầm cảm chủ yếu, trái lại các nghiên cứu khác báo cáo rằng các thiếu sót có thể so sánh được về chất lượng cuộc sống đối với các rối loạn lo âu và rối loạn trầm cảm chủ yếu. Không có nghiên cứu nào lượng giá chất lượng cuộc sống trên một dải rộng các rối loạn khí sắc và lo âu với cùng một công cụ được chuẩn hoá.

Đối với cơn hoảng loạn, sự tương quan có ý nghĩa lâm sàng về chất lượng cuộc sống bao gồm bệnh tâm thần đi kèm theo, lo âu, đau ngực nặng, thiếu nâng đỡ xã hội, giáo dục và tàn tật. Đối với người bệnh rối loạn sau sang chấn, khi có bệnh nội khoa kèm theo sẽ tiên đoán có ý nghĩa một sự suy giảm chất lượng cuộc sống. Hiểu biết mối liên hệ giữa sự rối loạn chất lượng cuộc sống và các đặc điểm lâm sàng chuyên biệt của các rối loạn cảm xúc và lo âu có thể gợi ý những phướng hướng mới để cải thiện các can thiệp điều trị và có thể làm thuận tiện việc phân phối thích hợp các nguồn chăm sóc sức khoẻ khan hiếm.
Nghiên cứu này xem xét sự suy giảm chất lượng cuộc sống trên các đối tượng có một trong tám rối loạn cảm xúc hoặc lo âu với cùng một công cụ có liên quan đến các dữ liệu chuẩn cộng đồng. Mức độ suy giảm chất lượng cuộc sống trong các rối loạn này sẽ được xem xét cũng như sự góp phần tương đối của độ nặng triệu chứng bệnh chuyên biệt, sự có mặt của bệnh tâm thần kèm theo, thời gian mắc bệnh, đặc điểm dân số học đối với sự tiên đoán rối loạn chất lượng cuộc sống.

PHƯƠNG PHÁP 
Dữ liệu cho phân tích này được rút ra từ 11 thử nghiệm đa trung tâm nghiên cứu hiệu quả điều trị sertraline đối với các rối loạn lo âu và cảm xúc. Mẫu này gồm có các đối tượng rối loạn trầm cảm chủ yếu, trầm cảm kép/mạn tính, rối loạn hoảng loạn, rối loạn stress sau chấn thương, rối loạn loạn cảm tiền kinh nguyệt, rối loạn ám ảnh bó buộc, loạn khí sắc, và ám ảnh sợ xã hội. Ngoài ra, dữ liệu từ một mẫu cộng đồng không rối loạn tâm thần (n=67) được sử dụng để thiết lập các tiêu chuẩn cho Bản Câu Hỏi Sự Hưởng Thụ Và Sự Thoả Mãn Chất Lượng Cuộc Sống.

ĐÂY LÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG TÌNH NGUYỆN.
Các đối tượng
Các đối tượng từ các mẫu thử nghiệm lâm sàng là nam và nữ từ 18 tuổi trở lên.
Các đối tượng có rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt hoặc loạn thần khác, lạm dụng hoặc lệ thuộc rượu hoặc chất, rối loạn nhân cách nặng, hoặc nguy cơ tự tử cao được loại ra khỏi nghiên cứu.
Số lượng các đối tượng cho mỗi loại rối loạn như sau:
–    Rối loạn trầm cảm chủ yếu, 366 trường hợp.
–    Trầm cảm mạn tính/kép, 576 trường hợp.
–    Rối loạn loạn khí sắc, 315 trường hợp.
–    Rối loạn loạn cảm tiền kinh nguyệt, 437 trường hợp.
–    Rối loạn stress sau chấn thương, 139 trường hợp.
–    Rối loạn hoảng loạn, 302 trường hợp.
–    Ám ảnh sợ xã hội, 358 trường hợp.
–    Rối loạn ám ảnh bó buộc, 521 trường hợp.
Mẫu tình nguyện so sánh cũng được sàng lọc để loại ra những người có rối loạn tâm thần hoặc bệnh nội khoa ý nghĩa lâm sàng.

Lượng giá chất lượng cuộc sống
Mẫu ngắn của Bản Câu Hỏi Sự Hưởng Thụ Và Sự Thoả Mãn Chất Lượng Cuộc Sống được điền đầy đủ bởi các đối tượng trước khi điều trị trong mỗi nghiên cứu. Đây là một mẫu tự điền bao gồm 16 đề mục, mỗi cái được đánh giá trên thang điểm 1-5 để chỉ mức độ sự hưởng thụ hoặc sự thoả mãn được trải nghiệm trong tuần cuối cùng. Điểm tổng cộng của các đề mục 1-14 được tính và trình bày theo tỉ lệ % trên tổng điểm tối đa là 70 điểm. 14 đề mục đánh giá sự thoả mãn của các đối tượng gồm sức khoẻ thể chất; các quan hệ xã hội; khả năng hoạt động trong cuộc sống hằng ngày; khả năng di chuyển cơ thể; khí sắc; các quan hệ gia đình; ham muốn và thích thú tình dục; khả năng tiếp tục các sở thích, công việc, hoạt động rỗi; tình trạng kinh tế; các hoạt động tại nhà; điều kiện sống/nhà ở; và cảm giác chung về sự thoải mái. Có 2 đề mục tổng quát là 15 và 16 không được cộng vào điểm tổng cộng là: sự thoả mãn và sự bằng lòng về cuộc sống và thuốc men trong tuần qua. Ở mẫu cộng đồng, độ tin cậy kiểm-tái kiểm (test-retest) ngắn hạn (1-2 tuần) trên tổng điểm 14 đề mục là 0,86.

Các yếu tố tiên đoán chất lượng cuộc sống
Thêm vào các biến số dân số học (tuổi, giới), thời gian bệnh, và bệnh kèm theo, mức độ nặng của các triệu chứng bệnh chuyên biệt được xem xét như là các yếu tố tiên đoán chất lượng cuộc sống cho mỗi loại rối loạn. Đối với các nghiên cứu rối loạn trầm cảm chủ yếu, trầm cảm kép/mạn tính, và loạn khí sắc, sử dụng thang trầm cảm Hamilton 17 đề mục để đo lường mức độ nặng. Đối với rối loạn ám ảnh bó buộc, sử dụng thang của Yale-Brown; đối với rối loạn stress sau chấn thương sử dụng phần 2 thang PTSD để đo lường mức độ nặng; đối với rối loạn loạn cảm tiền kinh nguyệt sử dụng mẫu đánh giá hằng ngày về độ nặng các rắc rối; đối với ám ảnh sợ xã hội, sử dụng thang lo âu xã hội Liebowitz.

Kế hoạch phân tích dữ liệu
Sử dụng tương quan Pearson để so sánh điểm tổng cộng Bản Câu Hỏi Sự Hưởng Thụ Và Sự Thoả Mãn Chất Lượng Cuộc Sống đối với các rối loạn chuyên biệt với điểm đề mục tổng quát cho mỗi rối loạn (đề mục 16). Các phân tích hồi quy được tiến hành cho tám mẫu lâm sàng khác nhau để đánh giá các đặc điểm lâm sàng chẩn đoán chuyên biệt và không chuyên biệt mà góp phần vào sự suy giảm chất lượng cuộc sống. Đối với mỗi rối loạn, phân tích hồi quy từng bước (stepwise) được tiến hành để nhập vào thời gian bệnh, tuổi, lo âu kèm theo, trầm cảm kèm theo, giới tính và độ nặng triệu chứng bệnh chuyên biệt. Các hệ số được chuẩn hoá không được so sánh vì nó đòi hỏi phải có một giả thuyết trước.

KẾT QUẢ 
Bảng 1. Các đặc điểm lâm sàng và dân số học của các mẫu

Rối loạn Tuổi Người da trắng (%) Thời gian bệnh (năm) trầm cảm kèm theo (%) lo âu kèm theo

(%)

Rối loạn trầm cảm chủ yếu 40.3 ± 11.2 95  1.6 ± 2.3 5
Trầm cảm mạn tính/kép 41.8 ± 9.9 92 16.2 ± 13.6 30
Rối loạn loạn khí sắc 41.6 ± 9.1 95 28.9 ± 10.4 26
Rối loạn loạn cảm tiền kinh nguyệt 36.1 ± 5.0 94 10.3 ± 6.4 72 6
Rối loạn stress sau chấn thương 40.4 ± 10.0 87 12.4 ± 12.7 37 15
Rối loạn hoảng loạn 37.0 ± 10.7 90  9.3 ± 9.7 20 12
Ám ảnh sợ xã hội 35.5 ± 10.6 74 22.0 ± 12.0 18 3
Rối loạn ám ảnh bó buộc 38.6 ± 11.8 93 21.5 ± 12.5 21 11

Nữ chiếm 40% đến 73%, ngoại trừ loạn cảm tiền kinh nguyệt 100% là nữ. Có khoảng một nửa số người bệnh đã kết hôn và 64-83% có việc làm, 33-58% tốt nghiệp cao đẳng.

Mẫu cộng đồng (n=67) có tuổi trung bình là 32,4 và 65,8% là nữ. Gần ¾ là người da trắng. Điểm trung bình trên mẫu ngắn của Bản Câu Hỏi Sự Hưởng Thụ Và Sự Thoả Mãn Chất Lượng Cuộc Sống là 58,1; tương đương 83% của tổng điểm 70.

Mức độ suy giảm chất lượng cuộc sống
Tất cả các nhóm chẩn đoán có điểm phần trăm trung bình thấp hơn điểm chuẩn cộng đồng. Điểm phần trăm trung bình từ 53-70% gợi ý sự suy giảm trên toàn bộ các rối loạn so với giá trị chuẩn cộng đồng. Bốn trong số tám rối loạn được đánh giá, có hơn một nửa đối tượng suy giảm nặng chất lượng cuộc sống (hai hoặc hơn hai độ lệch chuẩn dưới mức chuẩn cộng đồng).

Xem xét các đề mục Bản Câu Hỏi Sự Hưởng Thụ Và Sự Thoả Mãn Chất Lượng Cuộc Sống cho thấy rằng các đối tượng có rối loạn tâm thần giảm sút chất lượng cuộc sống ở tất cả các lĩnh vực của bản câu hỏi. Nhìn chung, rối loạn trầm cảm chủ yếu và rối loạn stress sau chấn thương có sự suy giảm toàn bộ và nặng hơn. Các đối tượng rối loạn hoảng loạn, ám ảnh sợ xã hội, và rối loạn ám ảnh bó buộc suy giảm nhiều hơn ở các đề mục quan hệ xã hội, quan hệ gia đình, nhàn rỗi, khả năng hoạt động và sự tưởng tượng.

Có thể các đối tượng có những sự coi trọng khác nhau đối với những lĩnh vực khác nhau trong phạm vi các đề mục chất lượng cuộc sống, do đó điểm tổng cộng mà đánh giá đồng đều trên nhiều lĩnh vực như vậy không thể phản ánh cảm nhận tổng thể của cá nhân về chất lượng cuộc sống. Để xem xét khả năng này, sự tương quan giữa đề mục tổng quát về sự thoả mãn và sự bằng lòng chất lượng cuộc sống toàn thể với tổng điểm 14 đề mục được xem xét cho từng rối loạn. Các kết quả cho thấy sự tương quan cao, với chỉ số tương quan r từ 0,65 đến 0,78 và chỉ số P đều nhỏ hơn 0,001. Do đó, điểm tổng cộng từ bản câu hỏi thể hiện sự liên quan đối với cảm nhận chung về chất lượng cuộc sống của đối tượng.

Chất lượng cuộc sống qua các rối loạn 
Các đối tượng có rối loạn trầm cảm chủ yếu, trầm cảm kép/mạn tính, và rối loạn stress sau chấn thương cho thấy điểm trung bình thấp nhất: 85% đối tượng trầm cảm kép/mạn tính, 63% đối tượng rối loạn trầm cảm chủ yếu, và 59% đối tượng rối loạn stress sau chấn thương có suy giảm nặng chất lượng cuộc sống. Các đối tượng rối loạn hoảng loạn, ám ảnh sợ xã hội, và ám ảnh bó buộc có tỉ lệ % lần lượt là 20%, 21% và 26% suy giảm nặng chất lượng cuộc sống. Có 1,7% đối tượng trầm cảm kép/mạn tính có điểm số trong giới hạn chuẩn cộng đồng. Có ít hơn 1/3 các đối tượng rối loạn hoảng loạn và ám ảnh sợ xã hội có điểm số trong phạm vi 10% của tiêu chuẩn cộng đồng trung bình.

Các phân tích hồi quy
Đối với 7 rối loạn (ngoại trừ rối loạn trầm cảm chủ yếu) đo lường độ nặng triệu chứng bệnh chuyên biệt là yếu tố tiên lượng có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, đo lường độ nặng chỉ giải thích được một phần nhỏ về sự biến thiên điểm số Bản Câu Hỏi Sự Hưởng Thụ Và Sự Thoả Mãn Chất Lượng Cuộc Sống. Các triệu chứng bệnh chuyên biệt giải thích cho 26%, 23% và 14% sự thay đổi về chất lượng cuộc sống đối với rối loạn loạn cảm tiền kinh nguyệt, rối loạn stress sau chấn thương, và trầm cảm kép/mạn tính lần lượt theo thứ tự. Đối với ám ảnh bó buộc, ám ảnh sợ xã hội, rối loạn hoảng loạn, thì chỉ có 1.4%, 4%, và 3.8% sự biến thiên điểm số được giải thích bởi sự đo lường triệu chứng bệnh chuyên biệt. Còn trong rối loạn loạn khí sắc, có 8,5% sự thay đổi điểm số được giải thích bởi thang đánh giá triệu chứng Hamilton.

Các biến số lâm sàng không chuyên biệt có tính tiên lượng chất lượng cuộc sống đối với vài rối loạn. Bệnh kèm theo trầm cảm (1,3%) và lo âu (1%) tiên đoán có ý nghĩa đối với rối loạn ám ảnh bó buộc; trái lại, bệnh kèm theo trầm cảm (1,5%) tiên đoán có ý nghĩa đối với ám ảnh sợ xã hội. Tuổi tiên đoán có ý nghĩa sự suy giảm chất lượng cuộc sống đối với trầm cảm mạn tính (1,3%) và ám ảnh sợ xã hội (1,5%). Thời gian bệnh và giới tính đều không tiên đoán có ý nghĩa chất lượng cuộc sống đối với bất cứ rối loạn nào.

BÀN LUẬN
Nghiên cứu của chúng tôi về sự suy giảm chất lượng cuộc sống bằng Bản Câu Hỏi Sự Hưởng Thụ Và Sự Thoả Mãn Chất Lượng Cuộc Sống đã chứng tỏ sự suy giảm quan trọng về chất lượng cuộc sống ở các đối tượng rối loạn lo âu và cảm xúc trong các thử nghiệm lâm sàng. Các đối tượng có rối loạn trầm cảm chủ yếu, trầm cảm kép/mạn tính, rối loạn hoảng loạn, loạn khí sắc, rối loạn loạn cảm tiền kinh nguyệt, rối loạn ám ảnh bó buộc, và ám ảnh sợ xã hội có điểm Bản Câu Hỏi Sự Hưởng Thụ Và Sự Thoả Mãn Chất Lượng Cuộc Sống thấp đáng kể dưới chuẩn cộng đồng và nhiều đối tượng có các rối loạn này suy giảm nặng về chất lượng cuộc sống.

Mẫu rối loạn trầm cảm chủ yếu mạn tính có tỉ lệ cao các đối tượng suy giảm nặng chất lượng cuộc sống và tỉ lệ thấp các đối tượng có điểm chất lượng cuộc sống trong phạm vi 10% của chuẩn cộng đồng. Có 85% các đối tượng trầm cảm kép/mạn tính có điểm Bản Câu Hỏi Sự Hưởng Thụ Và Sự Thoả Mãn Chất Lượng Cuộc Sống trong phạm vi suy giảm nặng, còn đối với rối loạn trầm cảm chủ yếu và loạn khí sắc có tỉ lệ lần lượt là 63% và 56%.

Các đối tượng rối loạn stress sau chấn thương thể hiện một tỉ lệ cao ngoại lệ sự suy giảm chất lượng cuộc sống nặng (59%). Xem xét từng đề mục riêng của Bản Câu Hỏi Sự Hưởng Thụ Và Sự Thoả Mãn Chất Lượng Cuộc Sống cho thấy sự tác động của rối loạn stress sau chấn thương trải rộng với sự suy giảm quan trọng toàn bộ các lĩnh vực chất lượng cuộc sống.

Nói chung, các dữ liệu của chúng tôi gợi ý rằng các rối loạn lo âu đi kèm với mức độ suy giảm nhẹ đến trung bình trên Bản Câu Hỏi Sự Hưởng Thụ Và Sự Thoả Mãn Chất Lượng Cuộc Sống. Trái lại, các nghiên cứu giới hạn sự so sánh vào những mặt chuyên biệt của chất lượng cuộc sống sự bất lực hoạt động chức năng báo cáo có sự suy giảm nặng hơn cũng như những sự khác nhau chuyên biệt trong chất lượng cuộc sống hoặc xáo trộn chức năng giữa các rối loạn  lo âu. Điều này phản ánh tác động rối loạn lo âu chuyên biệt trên các lĩnh vực cá nhân của chất lượng cuộc sống (ví dụ: rối loạn hoảng loạn giới hạn sự di chuyển ra khỏi nhà; rối loạn ám ảnh bó buộc giới hạn sự thành công việc làm; ám ảnh sợ xã hội tác động đến các quan hệ xã hội). Khi nhiều lĩnh vực chất lượng cuộc sống được đưa vào xem xét, tác động của xáo trộn chức năng nặng trong một vài lĩnh vực có thể bị pha loãng.

Chúng tôi giả thuyết rằng cấu trúc của chất lượng cuộc sống có thể giải thích một phần đối với sự khác nhau rõ rệt giữa một nhận định của nhà lâm sàng về sự suy giảm chất lượng cuộc sống nhiều hơn đối với một người bệnh ám ảnh sợ xã hội, rối loạn hoảng loạn, hoặc rối loạn ám ảnh bó buộc và một báo cáo thường nhẹ hơn của người bệnh về sự suy giảm chất lượng cuộc sống.

Các định nghĩa về chất lượng cuộc sống nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhận thức của người bệnh về hoàn cảnh sống của họ. Do đó, ta phải xem xét các tác động như thế nào của tuổi khởi phát bệnh sớm hoặc sự mạn tính có thể thay đổi sự nhận thức. Ám ảnh sợ xã hội và rối loạn ám ảnh bó buộc là các hội chứng có sự khởi đầu tương đối sớm mà được biết là đi kèm với sự bất lực và suy giảm có ý nghĩa trong công việc và hoạt động chức năng xã hội. Sự khởi đầu sớm của các rối loạn này có thể làm thay đổi nhận thức của đối tượng về điều tạo nên chất lượng cuộc sống “bình thường”. Do đó, các đối tượng rối loạn ám ảnh bó buộc và ám ảnh sợ xã hội có thể không nhận thức đúng chất lượng cuộc sống của họ như  thực tế. Đối với các rối loạn này, các đo lường chức năng chuyên biệt trong các lĩnh vực khác nhau có thể đạt được một bức tranh khác so với các đo lường về chất lượng cuộc sống.

Một sự giới hạn đối với nghiên cứu hiện tại là các mẫu được rút ra từ các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng. Các đối tượng trong các nghiên cứu này được tuyển dựa trên sự tự nguyện tham gia của họ vào một thử nghiệm dùng thuốc và do đó không đại diện cho tất cả các người bệnh có nhóm hội chứng này trong cộng đồng. Các tiêu chuẩn nhận vào và loại ra nghiên cứu, đặc biệt là các giới hạn về bệnh kèm theo nội khoa hoặc tâm thần, cũng giới hạn tính khái quát hoá các kết quả này. Tuy nhiên, một lợi điểm của mẫu được chọn lọc là làm thuận tiện biểu hiện đặc điểm của xáo trộn chất lượng cuộc sống trong một nghiên cứu đoàn hệ tương đối đồng nhất  các đối tượng có triệu chứng từ trung bình đến nặng. Mức độ cao bệnh kèm theo tìm thấy trong mẫu cộng đồng sẽ là trở nại cho việc giải thích ảnh hưởng của các hội chứng riêng biệt trên chất lượng cuộc sống. Một bàn luận thứ hai của chúng tôi là thiếu các thống kê phân tích suy luận trong bài báo cáo này; tuy nhiên, chúng tôi không có một giả thuyết trước để biện minh cho việc sử dụng các kỹ thuật như vậy. Một giới hạn nữa là định nghĩa tùy tiện về chất lượng cuộc sống “chuẩn mực” mà chúng tôi đã sử dụng (trong phạm vi 10% của chuẩn cộng đồng). Chưa hết, chúng tôi không có các chuẩn mực  để thiết lập mức độ khác biệt từ một trung bình mẫu chuẩn để đánh giá có hay không một mẫu tâm bệnh lý dịch ra khỏi khoảng bình thường. Giới hạn thứ tư là chúng tôi chỉ xem xét một sự đo lường đơn độc về chất lượng cuộc sống chủ quan. Tuy nhiên, khảo sát của chúng tôi gợi ý rằng các biến số mà chúng tôi đã phân tích là những cái chắc chắn giải thích cho sự biến đổi chất lượng cuộc sống.

Nguồn:
Am J Psychiatry 162:1171-1178, June 2005
//ajp.psychiatryonline.org/cgi/reprint/162/6/1171

BS Lê Hiếu, BS CKI, Phó Khoa Khám I