SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI VÀ BỆNH TÂM THẦN KINH THƯỜNG GẶP

3438

ĐẶT VẤN ĐỀ 

 

Mất trí nhớ phá vỡ cuộc sống hàng ngày, không phải là một phần điển hình của tuối già mà có thể là triệu chứng của bệnh Alzheimer; một bệnh trầm trọng của não bộ. Bệnh này là nguyên nhân gây ra suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tư duy (suy nghĩ, giải quyết vấn đề đặt ra hợp lý) và các kỹ năng cuộc sống bình thường.

 

Alois Alzheimer là bác sĩ người Đức mô tả căn bệnh này đầu tiên năm 1906 từ bệnh nhân Auguste D. của ông, và về sau căn bệnh này mang tên ông. Bệnh Alzheimer phổ biến nhất ( 50 – 80 %) trong nhóm bệnh gây sa sút tâm thần; các nguyên nhân khác bao gồm sa sút tâm thần do mạch máu, do nhiều nguyên nhân hỗn hợp, do bệnh lý thể Lewy và sa sút  do nguyên nhân từ vùng trán thái dương của não bộ.  Hiện tại chưa có “phương thuốc” chữa khỏi bệnh Alzheimer nhưng có thể điều trị triệu chứng và chăm sóc hiệu quả cho người bệnh. Các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu tìm kiếm phương pháp điều trị và làm chậm tuổi khởi phát bệnh cũng như phòng ngừa không cho bệnh tiến triển nhanh hơn. Bệnh Alzheimer là nguyên nhân gây tử vong thứ 7 ở Hoa Kỳ.

 

Những năm gần đây, khi tuổi thọ trung bình ngày càng cao thì tỷ lệ bệnh Alzheimer cũng sẽ tăng. Từ 60 tuổi, có thể sớm hơn, chúng ta cần khám chuyên khoa để nhận biết những dấu hiệu của rối loạn trí nhớ như suy giảm nhận thức nhẹ (Mild Cognitive Impairment – CMI), đặc biệt khi có các biểu hiện kèm theo như khó hoàn tất công việc hàng ngày vì “quên vặt hay lúc nhớ lúc không”, hoặc có những thay đổi khí sắc và cảm xúc, …

 

I/. 10 DẤU HIỆU CẢNH BÁO BỆNH ALZHEIMER

 

Mọi người đều trải qua một hoặc nhiều các dấu hiệu mất trí nhớ ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Sau đây là 10 dấu hiệu, nếu có, nên đi thăm khám chuyên khoa thần kinh, tâm thần càng sớm càng tốt.

 

  1. Giảm trí nhớ tới mức đảo lộn cuộc sống hàng ngày: 

 

Quên tên người đã quen biết từ trước hoặc quên một công việc nào đó đã sắp xếp để làm nhưng vào một lúc nào đó nhớ lại được (rằng mình đã quên). Một trong các dấu hiệu chung nhất là quên những điều mới được nhắc tới. Quên thời điểm, sự kiện hàng ngày, do đó hỏi đi hỏi lại người thân, hay phải nhờ đến sổ ghi nhắc nhở.

 

  1. Không ra được kế hoạch hay không thực hiện được một công việc nào đó:

 

Có lúc làm sai hoặc không làm được, phải cần đến sổ ghi nhắc nhở. Ví dụ: giảm khả năng ra dự định, kế hoạch hoặc tiếp tục theo đuổi công việc, có thể quên món ăn quen thuộc hay các khoản thanh toán hàng tháng. Có thể khó tập trung lâu để làm một việc nào đó mà trước kia đã làm bình thường suôn sẻ.

 

  1. Không hoàn tất công việc nhà, việc nào đó hay cả khi giải trí rảnh rỗi: 

 

Từng lúc cần người trẻ giúp sử dụng vật dụng trong nhà như khởi động lò vi-ba hay nhớ giờ kênh truyền hình sẽ đón xem. Đôi khi không biết đến những nơi trước kia thân thuộc, không biết tiền còn nhiều hay ít, quên cả nguyên tắc trò chơi thích thú.

 

  1. Lầm lẫn thời điểm trong ngày, ngày trong tuần nhưng biết sau đó đoán ra được:

 

Không theo dõi dấu vết thời gian, mùa và khoảng thời gian, có thể hiểu sai điều gì nếu không xảy ra tức thì. Đôi khi quên nơi đang ở và đến đây bằng cách nào.

 

  1. Mắt nhìn kém đi vì đục thủy tinh thể 

 

Đây là một dấu hiệu bệnh Alzheimer, đọc chữ kém, không biết khoảng cách xa gần, khó xác định màu sắc. Có thể không biết tấm gương trước mặt và nghĩ có người trong đó.

 

  1. Khó khăn tìm đúng từ để nói hay viết:

 

Không ráp nối được các ý nghĩ khi nói chuyện, ngưng giữa chừng, hết ý nghĩ để tiếp tục câu chuyện dở dang và do đó tự lặp lại. Có cố gắng tìm từ, chữ để nói hoặc viết nhưng khó tìm đúng từ muốn ói.

 

  1. Để đồ vật không đúng chỗ như mọi ngày:

 

Mất khả năng quay lại tìm đúng chỗ cũ, đôi lúc nói “ai lấy mất rồi!”.

 

  1. Khả năng nhìn nhận phán xét giảm:

 

Xử lý, giải quyết hay làm sai việc gì đó trong một khoảng thời gian, ví dụ nhìn nhận sai về tiền bạc của mình, cho không đúng đối tượng. Ít chú ý đến ăn mặc, giữ quần áo không sạch.

 

  1. Rút lui khỏi công việc và sinh hoạt xã hội:

 

Đôi khi cảm thấy mệt mỏi, chán với công việc, với người thân và với những trao đổi bên ngoài. Người bệnh có thể bắt đầu tự tránh xa các hứng thú trước đó, các hoạt động quan hệ bên ngoài, không liên lạc bạn bè đồng đội, láng giềng hay không biết kết thúc một cách hứng thú.

 

  1. Buồn vui, giận dỗi và tính nết thay đổi:

 

Cư xử hàng ngày theo cách của mình, trở nên cáu kỉnh khi sinh hoạt thường lệ bị thay đổi hay gián đoạn. Người bệnh có thể trở nên lẫn lộn, nghi ngờ, phiền muộn , lo âu hay quá sợ sệt. Có thể làm đảo lộn bất hòa trong gia đình, với bạn bè hay nơi lẽ ra thoải mái.

 

II/. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA BỆNH SA SÚT TÂM THẦN VÀ CÁC THAY ĐỔI DO TUỔI GIÀ

 

Nhiều người cao tuổi “may mắn” có thể lực tốt, minh mẫn, lạc quan cho đến khi lâm bệnh đột ngột một thời gian ngắn rồi “ra đi” rất thanh thản. Làm việc, ăn uống tập luyện phù hợp, cùng với tinh thần thoải mái hòa đồng xã hội, môi trường sống trong lành nên các biểu hiện già đi và sa sút ít xuất hiện hoặc xuất hiện chậm hơn. Đó là trường thọ và những nghiên cứu nhằm mục đích “cải lão hoàn đồng” đông tây kim cổ của các nhà khoa học chưa có kết quả và ai cũng có những thay đổi khi ngày càng già đi.

 

1/. Các dấu hiệu của bệnh sa sút tâm thần Alzheimer:

 

  • Khả năng phán xét và quyết định kém, đưa ra quyết định “sai” trong thời điểm xảy ra sự việc.
  • Không khả năng giữ tiền, quên chi tiêu hàng tháng.
  • Mất hay quên nhớ về dấu ấn thời gian (liên quan bản thân) nhưng sau đó nhới lại được.
  • Khó khăn trong giao tiếp, đôi khi quên không biết dùng từ (hay chữ) gì.
  • Quên vị trí đồ đạc và không còn khả năng làm thế nào để tím lại đồ. Thỉnh thoảng lạc mất đồ.

 

2./ Những thay đổi liên quan tuổi tác: 

 

  • Đưa ra quyết định “sai” trong thời gian xảy ra sự việc.
  • Quên chi tiêu hàng tháng.
  • Quên ngày ngày nào nhưng sau đó nhớ lại được.
  • Thỉnh thoảng quên dùng từ (hay chữ) gì.
  • Thỉnh thoảng quên lạc đồ.

 

III/. SUY GIẢM NHẬN THỨC NHẸ (MILD COGNITIVE IMPAIRMEN = MCI)

 

Đề mục này cho thấy suy giảm nhận thức nhẹ chưa được gọi là bệnh, có thể chỉ là trạng thái hay ở trong tình trạng của một người mà những điều cần nhớ để nói lại tự nhiên bị quên thoáng đi rồi “cười trừ” hay “diễu” về kiến thức của mình rồi nhớ ra và nói lại được điều cần nhớ đó (!). Những nghiên cứu chuyên sâu về tập tính hành vi của con người đều đề cập tình huống trên.

 

Khoảng bao nhiêu tuổi thì MCI xuất hiện ? Nhưng vấn đề là cần tránh “lẫn lộn, chồng chéo” kiểu quên kể trên, như phụ nữ trung niên bị giảm khả năng tập trung trong rối loạn lo âu, trầm cảm, hay như nam giới sau trung niên gặp nhau liên hoan

chưa uống đã quên quên rồi chống chế bằng cách “cười trừ” và “diễu” một cách rất duyên dáng. Con cái, thậm chí cháu nội ngoại phát hiện MCI sớm hơn các bác sĩ chuyên khoa !

 

Để MCI ít hay không xuất hiện hãy đọc phần “Lối sống và các phương thuốc”.

 

A/. Chẩn đoán: 

 

Không có thử nghiệm đặc biệt nào khẳng định chẩn đoán MCI. Các bác sĩ trên toàn thế giới sẽ quyết định có bệnh MCI hay không là khuynh hướng hàng đầu gây ra các triệu chứng dựa trên thông tin được cung cấp và kết quả của các test làm sáng tỏ chấn đoán.

 

Nhiều bác sĩ chấn đoán MCI dựa trên các tiêu chuẩn của các chuyên gia quốc tế:

 

Những khó khăn của trí nhớ và của các hoạt động tâm thần chức năng khác như đặt kế hoạch và quá trình hình thành quyết định làm việc gì đó. Ấn tượng đó của bạn có được bạn bè khẳng định và bạn có thất bại theo thời gian hay không. Lịch sử chăm sóc bệnh tiết lộ khả năng suy giảm của bạn từ mức độ cao hơn (trước đó). Những thay đổi này được các thành viên trong gia đình hay bạn bè gần gũi khằng định.

 

Toàn bộ hoạt động tâm thần chức năng và hoạt động hàng ngày không bị ảnh hường. Tiền sử bệnh cho thấy mọi khả năng hoạt động hàng ngày không bị suy giảm, mặc dù một số triệu chứng đặc biệt có thể gây ra lo lắng và bất tiện. Trắc nghiệm trạng thái tâm thần cho thấy mức độ suy giảm nhẹ so với tuổi và trình độ học vấn. Các bác sĩ thường đánh giá với Trắc nghiệm Mini Mental Test ( Mini-Mental State Examination = MMSE). Đánh giá test chi tiết hơn có thể giúp đánh giá mức độ suy giảm trí nhớ, trong đó kiểu típ trí nhớ nào bị ảnh hưởng nhiều nhất và các kỹ năng tâm thần khác có bị suy giảm hay không. (Nên nhớ) chẩn đoán này không phải là sa sút tâm thần. Các khó khăn (triệu chứng) bạn khai báo làm chứng thực cho hồ sơ của bác sĩ, cho tiền sử y khoa, và trắc nghiệm trạng thái tâm thần không đủ trầm trọng để chẩn đoán Alzheimer hay một thể sa sút tâm thần khác.

 

B/ Điều trị: 

 

Hiện tại không có thuốc hay một phương pháp điều trị nào khác được chấp thuận đặc biệt để chẩn đoán MCI ( FDA). Tuy nhiên, MCI là một lĩnh vực hoạt động nghiên cứu. Các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng có thể giúp hiểu biết tốt hơn và tìm ra phương pháp điều trị nhằm có thể cải thiện triệu chứng, phòng ngừa hay làm chậm quá trình tiến triển tới sa sút tâm thần.

 

Một số ít bác sĩ dùng thuốc ức chế men cholinesterase cho người bị MCI có triệu chứng chính là mất trí nhớ. Đáng tiếc là cho đến nay loại thuốc này không được khuyến cáo dùng điều trị MCI hàng ngày.

 

C/. Điều trị một số bệnh khác có thể ảnh hưởng tới hoạt động chức năng tâm thần: 

 

Một số bệnh lý phổ biến khác gần với MCI có thể làm bạn có cảm giác quên hay trạng thái tâm thần ít “sắc bén” so với bình thường. Khi điều trị những căn bệnh này có thể cải thiện trí nhớ và các hoạt động tâm thần chức năng. Các bệnh đó bao gồm:

 

  1. Cao huyết áp:

 

Bệnh nhân MCI có khuynh hướng có vấn đề về mạng lưới mạch máy não bộ. Cao huyết áp có thể làm xấu thêm tình trạng này và gây ra những khó khăn về trí nhớ. Bác sĩ sẽ theo dõi và khuyên cáo từng bước hạn huyết áp nếu quá cao.

 

  1. Trầm cảm:

 

Khi bị trầm cảm bạn thường cảm thấy quên và tâm thần “tối tăm”. Trầm cảm hay gặp ở người bệnh MCI. Điều trị trầm cảm có thể giúp cải thiện trí nhớ, và giúp bạn đương đầu dễ dàng hơn với các thay đổi trong đời sống hàng này.

 

  1. Ngưng thở khi ngủ:

 

Nhịp thở ngưng lặp đi lặp lại và khởi động trở lại khi bạn đang ngủ, làm cho bạn ngủ không ngon sau đó. Ngưng thở trong giấc ngủ làm chúng ta cảm thấy mệt quá đáng kéo dài trong ngày, quên và không khả năng tập trung. Điều trị có thể cải thiện các triệu chứng này và tái lập trạng thái tỉnh táo.

 

D/. Lối sống và các “phương thuốc”:

 

  • Các kết quả nghiên cứu đã tập hợp tiết chế ăn uống, luyện tập sức khỏe và lựa chọn lối sống lành mạnh có thể phòng ngừa và đảo nghịch suy giảm nhận thức.
  • Tập luyện thể dục thường xuyên mang lại sức khỏe tim mạch và cũng giúp phòng ngừa suy giảm nhận thức.
  • Chế độ ăn ít béo và nhiều trái cây và thực vật là một lựa chọn giúp bảo vệ khả năng nhận thức.
  • Acid béo Omega -3 cũng tốt cho tim mạch và có thể mang lại lợi ích cho khả năng nhận thức (sử dụng nhiều cá).
  • Kích thích hoạt động trí tuệ có thể phòng ngừa suy giảm nhận thức. Các nghiên cứu đã chứng minh sử dụng máy vi tính, chơi game, đọc sách và các hoạt động trí tuệ khác có thể giúp bảo vệ và phòng ngừa suy giảm nhận thức.
  • Tham gia hoạt động xã hội làm cho cuộc sống hài lòng hơn giúp bảo vệ hoạt động chức năng tâm thần và làm chậm suy giảm tâm thần.
  • Rèn tập trí nhớ và suy luận tư duy có thể giúp cải thiện các hoạt động tâm thần chức năng.

 

IV/. CÁC THUỐC ĐIỀU TRỊ BỆNH SA SÚT TÂM THẦN ALZHEIMER

 

Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ  ( FDA) chấp thuận 2 nhóm thuốc điều trị Alzheimer.

 

  1. Nhóm ức chế men Cholinesterase.
  2. Memantine.

 

Dùng trong các giai đoạn bệnh Alzheimer nhẹ, trung bình và giai đoạn trầm trọng.

Cách thức xếp loại nặng nhẹ dựa trên chỉ số các trắc nghiệm đánh giá về trí nhớ, khả năng nhận thức về thời giờ, địa điểm không gian, về tư duy và các suy luận lý lẽ.

 

Tuy nhiên, các bác sĩ có thể kê toa cho các giai đoạn khác vói chấp thuận của FDA vì sự phân chia các giai đoạn này không chính xác và người bệnh có thể đáp ứng khác nhau với các loại thuốc khác nhau và sự lựa chọn điều trị thường bị giới hạn.

 

Nếu bác sĩ kê toa theo kế hoạch chọn lựa, hãy tìm hiểu lợi ích và nguy cơ khi uống thuốc.

 

Không có thuốc  cho trường hợp suy giảm nhận thức nhẹ ( Mild Cognitive Impairment = MCI). Chẩn đoán CMI gồm những thay đổi nhẹ của trí nhớ và suy luận tư duy, có thể chuyển sang giai đoạn giữa thay đổi trí nhớ bình thường do tuổi tác và bệnh Alzheimer. Một số bệnh nhân MCI – không phải tất cả – có thể tiến triển thành bệnh sa sút tâm thần Alzhiemer hay bệnh sa sút tâm thần khác.

 

Các kiểm nghiệm lâm sàng để biết các thuốc điều trị bệnh Alzheimer có thể phòng ngừa tiến triển của MCI tới bệnh Alzheimer hay không không mang lại lợi ích về sau.

 

1/. Các thuốc ức chế men cholinesterase: 

 

Một hướng gây tổn hại não bộ của bệnh Alzheimer là giảm mức độ truyền acetylcholine, một chất quan trọng cho sự tỉnh táo hoạt bát, cho trí nhớ, suy luận tư duy và cho khả năng phán xét. Chất ức chế men cholinesterase đẩy mạnh lượng acetylcholine tới tế bào thần kinh để phòng ngừa sự phá hủy của chúng trong não bộ.

 

Chất ức chế cholinesterase không thể đảo ngược bệnh Alzheimer hay làm ngừng sự thoái hóa của tế bào thần kinh. Các loại thuốc này về sau cũng mất hiệu quả vì sự teo nhỏ của tế bào não bộ, do đó sản xuất ít acetylcholine và dẫn đến tiến triển xấu.

 

Các tác dụng phụ khi uống thuốc có thể gồm buồn nôn, ói và tiêu chảy. Khởi đầu uống với liều thấp và tăng dần liều có thể giảm các tác dụng phụ. Nên dùng khi ăn có thể hạn chế tác dụng phụ.

 

Khi có bệnh tim mạch như rối loạn nhịp tim không nên dùng thuốc ức chế cholinesterase.

 

2/. Ba loại thuốc ức chế men cholinesterase sau đây được dùng phổ biến: 

 

  1. Donepezil (Aricept): dùng cho tất các các giai đoạn của bệnh Alzheimer, ngày 1 viên
  2. Galantamine ( Razadyne): dùng cho giai đoạn từ nhẹ đến trung bình. Uống 1 viên / ngày hoặc viên phóng thích chậm 2 viên / ngày.
  3. Rivastigmine ( Exelon): dùng cho giai đoạn từ nhẹ đến trung bình. Dạng viên uống hoặc miếng dán nếu bệnh ở giai đoạn nặng.

 

3/. Memantine dùng cho các giai đoạn trễ: 

 

Memantine (Namenda) dùng cho giai đoạn bệnh từ trung bình đến nặng. Cơ chế tác dụng của loại thuốc này là điều chỉnh hoạt động của glutamate (là chất hóa học dẫn truyền các hoạt động chức năng của não bộ) bao gồm nói (diễn đạt câu từ, lời nói) và trí nhớ. Dùng dạng viên hoặc si-rô. Tác dụng phụ hay gặp là chóng mặt, đau đầu, lú lẫn và kích động hành vi.

 

FDA Hoa Kỳ chấp thậun lưu hành dạng kết hợp donepezil và memantine ( Namzaric) viên nhộng. Tác dụng phụ bao gồm đau đầu chóng mặt, buồn nôn và tiêu chảy.

Khi nào ngưng thuốc điều trị Alzheimer:

 

Sa sút tâm thần Alzheimer là một căn bệnh tiến triển tăng dần (nặng, xấu dần) nên các triệu chứng cũng như các phương pháp chăm sóc phải thay đổi theo thời gian. Do vậy cần xem xét kỹ kế hoạch điều trị gồm thăm khám, tư vấn bác sĩ để quyết định nên tiếp tục uống thuốc trong thời gian bao lâu.

 

Hiếu quả của các loại tuốc chữa Alzheimer thường không nhiều và có thể khó đánh giá. Tuy nhiên các triệu chứng có thể trầm trọng nếu không điều trị.

 

Cần khai báo với bác sĩ điều trị trước khi ngưng thuốc và các biểu hiện xấu đi sau khi ngưng thuốc chữa Alzheimer.

 

VÀI ĐIỀU KHUYẾN CÁO

 

 

  • Lão hóa là một quá trình tiến triển
  • Suy giảm nhận thức nhẹ thường xảy ra khi tuổi bắt đầu về già, chưa có thuốc điều trị.
  • Nhớ 10 đặc điểm của bệnh Alzheimer để đi khám chuyên khoa sớm mặc dù không có hy vọng chữa khỏi.
  • Ngủ đủ, luyện tập thân thể phù hợp, sống chung vui vẻ giúp ích nhiều cho người bệnh sa sút tâm thần, có thể góp phần làm bệnh chậm tiến triển.
  • Con cháu nên quan tâm chú ý khi người già quên chuyện mới xảy ra, nhớ chuyện cũ nhưng kèm thay đổi cảm xúc.

 

 

Bs Phạm Văn Trụ. Nguyên PGĐ Bv Tâm thần Tp Hồ Chí Minh. 

Đây là bài nói chuyện về sức khỏe tâm thần người già nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10 (International Day of Older Persons – IDOP) với một nhóm nhỏ người cao tuổi tại địa phương trong đó một vài từ ngữ để mọi người thêm tỉnh táo vui vẻ ? Bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về trí nhớ có thể đọc thêm trong bsphamvantru.blogspot.com 

 

=======================

Chia sẻ