NHẬN XÉT MỘT TRƯỜNG HỢP CÓ BIỂU HIỆN RỐI LOẠN TÂM THẦN SAU SANH

376
tâm thần sau sanh
tâm thần sau sanh

–    Bệnh nhân: PHÍ THỊ Đ.
–    Sanh năm: 1979
–    Địa chỉ: tổ 42, Khu phố 3, Tân Chánh Hiệp, Quận 12.
–    Nghề nghiệp: công nhân.
–    Nhập viện ngày: 10 – 12 – 2004.
–    Lý do nhập viện: không nói, không tiếp xúc.

Theo người bác ruột cho hay:

Bệnh nhân là con 2/6 (4 nam, 2 nữ), bệnh nhân vào TPHCM sinh sống (1994) khoảng 14 – 15 tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh. Sau khi học hết 12/12 thi đỗ vào kế toán trung cấp hơn 2 năm thì đi làm thợ may, làm việc tốt, nhiều bạn bè. Lập gia đình được 1 năm.

Bệnh nhân đã sanh con được 40 ngày tại BV Từ Dũ, sanh con so, sanh thường, con gái, 3,7 kg. Khoảng 6 ngày trước khi nhập viện bệnh nhân tự nhiên ít nói, không chịu tiếp xúc. Đôi lúc bệnh nhân nói với chồng có còn yêu mình nữa không, sợ chồng bỏ bệnh nhân và cho là chồng bệnh nhân có “Bồ” mặc dù chồng cho biết không hề có chuyện trên, thương yêu chăm sóc vợ và con. Bệnh nhân nói với mẹ đẻ là luôn sợ chồng.

–    Bệnh nhân không chú ý đến việc chăm sóc con, kể cả cho con bú. Bệnh nhân có hiện tượng mất ngủ 3 ngày trước khi nhập viện, có lúc thức trắng đêm, ăn ít, ăn vào thì ói ra, biểu hiện kèm theo buồn rầu, cho là mình có tội, đôi lúc nghe tiếng nói bên tai, tiếng nói đàn ông, xa lạ với bệnh nhân với nội dung “Ruột gan hư hết”, “Em đã nói dối”.

–    Chồng bệnh nhân cho biết khi thấy bệnh nhân có sốt (không cặp nhiệt độ) có đưa đến khám BS tư (BV Hoàn Mỹ) được chẩn đoán: Sốt siêu vi kèm rối loạn lo âu và không xử trí thuốc gì.

–    3 ngày trước khi nhập viện bệnh nhân bồn chồn, không chịu ngồi một chỗ, đi tới đi lui, không chịu nói chuyện, tiếp xúc, luôn sợ không có ai lo cho con ăn, không tự thay quần áo được.

–    Khai thác tiền sử gia đình mẹ đẻ có biểu hiện rối loạn tâm thần khi sanh con 5/6 (nữ, 1987): không ngủ, không ăn (1 – 2 tuần sau khi sanh) và tiếp theo khi sanh con út (trai, 1989) sau 5 tháng có biểu hiện: không ngủ, không tiếp xúc.

Khám khi nhập viện:

Bệnh nhân tỉnh táo, hỏi trả lời miễn cưỡng, trạng thái bồn chồn đi tới đi lui, nét mặt biểu hiện lo lắng, có lúc ngơ ngác không tập trung vào câu hỏi của thầy thuốc, đôi lúc nói sợ chồng bỏ, các mặt định hướng lực đều tốt. Khám tri giác bệnh nhân có ảo thanh, nghe tiếng nói bên tai “Ruột gan hư hết”, “Đừng bỏ em” xuất hiện nhiều vào buổi trưa. Bệnh nhân có sự giảm chú ý và trí nhớ xa, trí năng còn tốt. An ít, hay buồn ói.

Thuốc xử trí khi nhập viện:

–    Haloperidol 5mg x 1 ống – tiêm bắp.
–    Diazepam 5mg x 2 viên.

Sang ngày hôm sau bệnh nhân được truyền dịch: Glucose 5% 500ml TTM và được kèm theo Haloperidol 5mg x 1 ống – tiêm bắp, Seduxen 10mg x 1 ống – tiêm bắp.

Đến ngày thứ 4 kể từ khi nhập viện bệnh nhân đã tiếp xúc được: Chịu trả lời và tiếp xúc khi hỏi, đôi lúc còn nghe tiếng nói bên tai, tiếng nói không rõ ràng, biết tự vệ sinh cá nhân. Bệnh nhân được sử dụng thêm:

–    Risperidone (Sperifar) 4mg/ngày.
–    Stablon 25mg/ngày.
–    Cinnarizin 50mg/ngày.
–    Kết hợp tâm lý liệu pháp.

Đến ngày thứ 7 kể từ lúc nhập viện bệnh nhân tỉnh, vui vẻ, hết bồn chồn, không nghe thấy tiếng nói bên tai, hết sợ và đòi ra viện để chăm sóc con. Ăn có cảm giác ngon, đêm ngủ được, và xuất viện ngày 20/12/04 sau 10 ngày nằm viện.

–    Chẩn đoán khi nhập viện: Rối loạn tâm thần và hành vi sau sanh (F53.1 – ICD 10).
–    Chẩn đoán khi ra viện: Rối loạn tâm thần và hành vi sau sanh (F53.1 – ICD 10).
–    Chẩn đoán phân biệt: Giai đoạn trầm cảm nặng với các triệu chứng loạn thần (F32.3 – ICD 10).

BÀN LUẬN

Diễn biến bệnh lý với các triệu chứng tâm thần ở bệnh nhân trên cho chúng ta lưu ý một biểu hiện của Trầm cảm sau sanh ở đối tượng bệnh nhân sanh lần đầu. Đây là vấn đề liên quan giữa Tâm thần và Sản phụ khoa.
Các triệu chứng biểu hiện: mệt mỏi, biến đổi cảm xúc, bi quan, tự buộc tội, ảo thanh, tăng vận động. An kém, ít chú ý vệ sinh thân thể, ít quan tâm việc chăm sóc con, giảm sự tập trung và trí nhớ xa. Am ảnh sợ là nét điển hình của loạn thần sau sanh tuy ít gặp song nếu gặp thì mang nét triệu chứng của phản ứng loạn thần chung.

–    Một điều đáng lưu tâm khi khai thác tiền sử gia đình có mẹ ruột bệnh nhân khi sanh con thứ 5/6 và thứ 6/6 kế tiếp có biểu hiện bệnh lý về Rối loạn tâm thần sau khi sanh và được hồi phục sau 1 – 2 tuần có điều trị (con thứ 6/6) hoặc không điều trị (con thứ 5/6). Hiện tại mẹ đẻ bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh. Phải chăng ở bệnh nhân trên biểu hiện bệnh lý có liên quan yếu tố gia đình (?)

–    Khai thác các yếu tố Tâm lý Gia đình – Bệnh nhân cũng như quá trình mang thai ở bệnh nhân và cuối cùng yếu tố xã hội như: Tình trạng kinh tế tạm ổn, có sự phấn đấu ở bệnh nhân (vào Đảng CSVN cách đây 2 năm).

–    Các biểu hiện rối loạn tâm thần kéo dài sau sanh tương đối lâu (40 ngày). Yếu tố có sốt (?) chưa rõ ràng nhưng cũng xác định loại trừ vấn đề thực thể.

–    Biểu hiện bệnh lý trong cơn ghi nhận hoang tưởng (ghen tuông) thoáng qua, nổi bật ảo thanh.

–    Vấn đề đặt ra trong chẩn đoán phân biệt chưa nghĩ nhiều đến Trầm cảm nặng với lý do: Tuy các triệu chứng trên phù hợp với tiêu chuẩn chẩn đoán về Trầm cảm như: Buồn, lo lắng, chán nản, bi quan, mất ngủ… Song chưa đến mức độ nặng. Mặt khác diễn biến điều trị qua 10 ngày nằm viện bằng thuốc chống loạn thần, chống trầm cảm, nâng đỡ thể trạng kết hợp tâm lý liệu pháp với kết quả khả quan như đã nêu. Trước mắt chưa đặt ra việc chẩn đoán về Trầm cảm.

–    Tuy nhiên việc theo dõi bệnh nhân sau khi xuất viện cần đặt ra 1 khoảng thời gian nhất định từ 3 – 6 tháng trong việc điều trị thuốc, tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân về Thể trạng và tinh thần.

Th.S BS Nguyễn Ngọc Quang, Phó khoa B, Bệnh Viện Tâm Thần