Tình hình nhiễm HIV/AIDS trên thế giới cũng như tại Việt Nam ngày một gia tăng. Trong khi chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu thì một trong những vấn đề thời sự cần quan tâm hiện nay là làm thế nào giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm nhất là đối với các cán bộ y tế làm việc trong môi trường chăm sóc sức khỏe đều có nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS cao.Điều này cũng được thấy rõ đối với cả những nhân viên y tế trong việc phục vụ, thăm khám, tiếp nhận, chăm sóc bệnh nhân tại cơ sở điều trị bệnh tâm thần.

  1.  Đặt vấn đề
    Tình hình nhiễm HIV/AIDS trên thế giới cũng như tại Việt Nam ngày một gia tăng. Trong khi chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu thì một trong những vấn đề thời sự cần quan tâm hiện nay là làm thế nào giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm nhất là đối với các cán bộ y tế làm việc trong môi trường chăm sóc sức khỏe đều có nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS cao.Điều này cũng được thấy rõ đối với cả những nhân viên y tế trong việc phục vụ, thăm khám, tiếp nhận, chăm sóc bệnh nhân tại cơ sở điều trị bệnh tâm thần.Thực hiện chủ trương quy định của Bộ y tế về việc các cơ sở y tế trong cả nước bao gồm cả các bệnh viện chuyên khoa sâu đều phải có trách nhiệm trong việc tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có các bệnh cơ hội kèm theo trong đó có những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có những biểu hiện rối loạn tâm thần.

    Chưa có thống kê nào chỉ rõ tỷ lệ phơi nhiễm HIV/ADS đối với nhân viên y tế trong ngành tâm thần cả nước nói chung và Bệnh Viện Tâm Thần Thành Phố Hồ Chí Minh nói riêng. Một điều nhận thấy là hàng ngày  số lượng bệnh nhân rối loạn tâm thần đến khám và điều trị ngày một gia tăng. Khó mà có thể phát hiện đối tượng bị nhiễm HIV/ADS trên những bệnh nhân rối loạn tâm thần trừ khi thân nhân bệnh nhân hoặc tự chính bản thân bệnh nhân khai báo khi trình kết quả thử Test HIV (+) tại cơ sở khám chuyên khoa cũng như việc phát hiện chỉ được thực hiện khi bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh Viện Tâm Thần khi có chỉ định của Bác sĩ cho tiến hành thử Test nếu nghi ngờ nhiễm HIV, đặc biệt trên các đối tượng nghiện ma tuý (chích), mại dâm, nghiện rượu, bệnh nhân tâm thần đi lang thang bị lạm dụng tình dục (cưỡng hiếp), bệnh nhân phẫu thuật có truyền máu kèm rối loạn tâm thần.

    II.    Phân loại

    2.1 Những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS kèm rối loạn tâm thần

    Đặc điểm:
    + Ở những bệnh nhân trên thường gặp ở các đối tượng : Nghiện ma tuý, các chất kích thích có sử dụng kim tiêm (chích chung), đồng tính luyến ái, lây truyền qua truyền máu, các vật sắc, nhọn và không được vô trùng (dụng cụ nha khoa, dụng cụ cắt móng tay và thẩm mỹ).
    +    Những đối tượng trên sau khi xét nghiệm có kết quả HIV(+) và kể cả tiến triển tiếp theo thì ở những bệnh nhân này sẽ xuất hiện nhiều biến đổi tâm lý và tình trạng rối loạn tâm thần : Nhẹ thì lo lắng, hoảng hốt, buồn chán, thất vọng. Nặng thì la hét, kích động, hoảng loạn, thậm chí có hành vi tự sát.

    2.2 Những bệnh nhân rối loạn tâm thần bị phơi nhiễm HIV.

    Đặc điểm :
    +    Những đối tượng trên thường gặp trong
    – Tâm thần phân liệt : Hay gặp thể hoang tưởng (hoang tưởng được yêu F20.0-ICD 10), thể di chứng (F20.5 – ICD 10), có thể những bệnh nhân trên  do không được quản lý tốt hay đi lang thang dễ bị lạm dụng tình dục bởi những đối tượng nhiễm HIV.
    – Rối loạn khí sắc giai đoạn hưng cảm. Trong cơn dễ đưa đến quan hệ tình dục không an toàn với những đối tượng nhiễm HIV.
    – Bệnh nhân lạm dụng chất kích thích dễ đưa đến rối loạn tâm thần và trong cơn dễ sử dụng chất ma tuý qua đường chích mà phổ biến là sử dụng kim chung.
    – Bệnh nhân rối loạn tâm thần do rượu có quan hệ với gái mại dâm nhiễm HIV.

    2.3 Đối với nhân viên y tế làm việc tại cơ sở điều trị nội trú bệnh tâm thần

    Đối tượng không chừa một ai, dễ nhận ra thấy đó là :
    a.    Nhân viên bảo vệ : Là người trực tiếp trợ giúp cho thân nhân, thầy thuốc trong việc áp lực đưa bệnh nhân khám bệnh, kể cả cố định khi bệnh nhân tâm thần nhiễm HIV lên cơn kích động giãy giụa.

    b.    Hộ lý : Là người trực tiếp chăm sóc, vệ sinh, ăn uống cho bệnh nhân  tâm thần nhiễm HIV theo chỉ định của thầy thuốc. Nguy cơ lây nhiễm qua sự cọ xát, trầy xước da, cơ thể khi bệnh nhân kích động, vùng vẫy.

    c.    Điều dưỡng : Nguy cơ trong việc tiêm chích thuốc, truyền dịch do sơ xuất để kim đâm vào tay, do các sản phẩm tiết dịch, máu, bắn vào mắt, da.

    d.    Bác sĩ :Do khi tiếp xúc thăm khám bệnh nhân
    -trên đây là những nhận định chủ quan qua thực tế điều trị. Việc rút ra nhận xét cụ thể cần có nghiên cứu kỹ hơn trong thời gian tới.

    III.Điều trị dự phòng đối với nhân viên y tế khi bị phơi nhiễm HIV

    1.Nguyên tắc chung ;
    +    Tư vấn cho người bị phơi nhiễm với máu, dịch cơ thể có nguy cơ lây nhiễm của người HIV (+).
    +    Cần lấy máu thử ngay HIV và điều trị ngay không cần chờ kết quả xét nghiệm.
    +    Thử lại HIV sau khi dùng thuốc 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng.
    +    Tổn thương không làm xây sát da không cần điều trị mà chỉ cần rửa sạch da.

    2.Phương hướng điều trị :

    Điều trị nhằm mục tiêu :
    +    Điều trị kháng retro virus (kháng HIV)
    +    Điều trị chống nhiễm trùng cơ hội.
    +    Chăm sóc, dinh dưỡng, nâng cao thể trạng.
    Đánh giá mức độ phơi nhiễm và xử lý vết thương tại chỗ :

    2.1.Đánh giá tính chất phơi nhiễm :

    a.Kim đâm :
    +    Cần xác định vị trí tổn thương.
    +    Xem kích thước kim đâm (nếu kim to và rỗng thì nguy cơ lây nhiễm cao).
    +    Xem độ sâu của vết kim đâm.
    +    Nhìn thấy chảy máu khi bị kim đâm.

    b.Da bị tổn thương từ trước và niêm mạc.

    Da có các tổn thương do : Chàm, bỏng hoặc bị viêm loét từ trước.
    Niêm mạc mắt hoặc mũi họng.

    2.2 Xử trí ngay tại chỗ :
    +    Da : Rửa kỹ bằng xà bông và nước sạch nên dùng xà bông lỏng hơn xà bông rắn để rửa tay.
    +    Sau đó sát trùng bằng dung dịch Dakin hoặc nước Javel pha loãng 1/10 hoặc cồn 70? để tiếp xúc nơi bị tổn thương ít nhất 5 phút.
    +    Mắt : Rửa mắt với nước cất hoặc huyết thanh mặn đẳng trương (0,9%), sau đó nhỏ mắt bằng nước cất liên tục trong 5 phút.
    +    Miệng, mũi : Rửa mũi bằng nước cất, súc miệng bằng huyết thanh mặn đẳng trương (0,9%).

    3.Điều trị dự phòng :
    a.Thời gian điều trị tốt nhất là ngay từ những giờ đầu tiên (2 –3 giờ sau khi xảy ra tai nạn), muộn nhất không quá 7 ngày.

    b. Nếu tổn thưởng chỉ xây xước da không chảy máu hoặc dịch máu của bệnh nhân bắn vào mũi họng thì phối hợp 2 loại thuốc trong thời gian 1 tháng. Các thuốc thuộc nhóm Nucleoside ức chế men sao chép ngược – NRTIS như Zidovudine (ZDV, AZT), Lamivudine (3TC) hoặc nhóm không phải nucleoside ức chế men sao chép ngược – NNRTIS) như Nevirapine (Viramure).

    c. Nếu tổn thương sâu, chảy máu nhiều thì phối hợp 3 loại thuốc trong    thời gian 1 tháng nhất là tiếp xúc với nhiều máu có lượng HIV lớn. Có thể điều trị sau thời kỳ dài hơn khoảng 1 đến 2 tuần trong trường hợp nguy cơ lây nhiễm cao. Trong những trường hợp đó dù có thể không đề phòng được sự lây nhiễm HIV nhưng điều trị có thể làm giảm mức độ trầm trọng của các triệu chứng và làm chậm tiến triển bệnh. Điều cần nhớ là những hiểu biết về những loại thuốc dùng để khống chế nhiễm HIV thay đổi rất nhanh. Vì vậy chỉ nên dùng thuốc sau khi hỏi ý kiến bác sĩ được đào tạo và đã có kinh nghiệm điều trị một số bệnh nhân nhiễm HIV tại cơ sở chuyên khoa và điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.

    -Theo dõi sau tiếp xúc nghề nghiệp với nhiễm HIV là rất quan trọng. Cần làm xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng HIV ngay sau khi tiếp xúc và cứ 6 tuần 1 lần – cho tối đa 6 tháng sau khi tiếp xúc. Điều này có thể phát hiện kháng thể sớm nhất trong trường hợp bị nhiễm. Đối với trường hợp dùng thuốc dự phòng nhiễm HIV sau tiếp xúc thì nên làm xét nghiệm máu trước khi bắt đầu điều trị và 2 tuần sau đó. Điều này nhằm tìm ra phản ứng phụ của thuốc nếu có. Điều không nên làm là cho máu trong khoảng từ 6 – 12 tuần sau khi tiếp xúc nghề nghiệp với HIV. Những người này cũng nên dùng bao cao su mỗi lần sinh hoạt tình dục để đề phòng lây nhiễm cho bạn tình.

    IV.Các biện pháp phòng ngừa chung :

    Các biện pháp phòng ngừa chung cần được thực hiện mọi lúc vì khó có thể biết ai là người nhiễm HIV khi chỉ nhìn bề ngoài.

    Để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và thân nhân chăm sóc.

    a.    Bệnh nhân AIDS, người nhiễm HIV kèm rối loạn tâm thần khi nhập viện vào điều trị nội trú cần để ở buồng riêng tuỳ đặc thù ở từng khoa với số lượng bệnh nhân nhiều hay ít. Mọi dụng cụ sinh hoạt cũng như dụng cụ chuyên môn phải được dùng riêng.

    Cần hạn chế bệnh nhân tiếp xúc với người bệnh tâm thần khác khi không cần thiết. Chú ý cách ly để ngăn ngừa sự lây lan chứ không cách ly người bệnh.

    Khuyến khích thân nhân đến chăm sóc người bệnh.

    Không có chỉ định dùng riêng sách báo, bàn ghế, chén (bát) đũa.

    b.    Đối với nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân :

    –    Có nhân viên điều dưỡng, hộ lý chuyên khoa tâm thần được phổ biến kiến thức về nhiễm HIV/AIDS biện pháp chăm sóc và phòng ngừa.

    –    Bao giờ cũng phải rửa tay trước và sau khi tiếp xúc trên người bệnh nhân.

    –    Đi găng tay khi tiếp xúc với máu và các bệnh phẩm khác. Găng tay dùng một lần và đương nhiên cũng phải rửa tay trước và sau khi tháo găng tay.

    –    Khi bị xây xát da hoặc nhiễm bệnh phẩm có máu dính vào phải rửa tay ngay bằng xà phòng (xà bông, cồn 70 hoặc cồn Iode).

    –    Không được chuyền các dụng cụ sắc từ tay này sang tay khác. Đặt các dụng cụ đó lên mặt phẳng sao cho người khác không bị đâm phải.

    –    Không cầm kim tiêm bằng tay, không sấy lại kim tiêm.

    –    Không thổi ngạt bằng miệng -miệng.

    c.    Thân nhân chăm sóc bệnh nhân phải được phép của chuyên môn. Người chăm sóc cần được đi găng đeo khẩu trang như nhân viên. Những người chăm sóc và nhân viên y tế trực tiếp phục vụ mà đang mang thai phải hết sức chú ý.

    d.    Nhân viên trực tiếp phục vụ bệnh nhân, thân nhân chăm sóc phải được định kỳ kiểm tra HIV.

    2    Ngăn ngừa lây truyền HIV sang đối tượng khác trong cơ sở điều trị.

    2.1    Sử dụng máu và các chế phẩm của máu :
    –    Hạn chế tối đa truyền máu và các dịch thay thế máu.
    –    Kiểm tra HIV của người cho máu.
    –    Chấp hành nghiêm túc các qui định của phòng truyền máu.
    –    Cấm dùng máu, mô cơ quan, tinh dịch, nhau thai của người nhiễm HIV.

    2.2    Sử dụng các dụng cụ trong chẩn đoán và điều trị :
    –    Hạn chế tiêm truyền cho bệnh nhân. Đối với bệnh nhân nhiễm HIV kèm rối loạn tâm thần khi truyền dịch nếu có chỉ định để giúp nâng thể trạng cần cố định thật tốt mới tiêm truyền. Khi cần phải kim, bơm tiêm sử dụng một lần. Không dùng bấm tự động để lấy máu (dụng cụ dùng cho nhiều người). Nhân viên xét nghiệm khi lấy máu kể cả khi dùng pipet lấy máu phải dùng quả bóp, không dùng miệng hút. Không dùng kim châm cứu cho bệnh nhân nhiễm HIV.

    –    Sàn nhà, mặt bàn bị thấm chất bài tiết của bệnh nhân hoặc máu thì phải đổ thuốc sát trùng phủ kín chổ đó rồi lau sạch bằng vải hoặc giấy thấm, sau đó cọ rửa bằng xà bông.

    –    Đồ vải mà bệnh nhân sử dụng phải được thu lại rồi bỏ vào trong túi nilon và xử lý bằng hóa chất 20 phút trước khi gửi xuống nhà giặt.

    –    Bông băng gạc sau mỗi lần dùng đều phải đem đốt, không hấp lại.

    2.3    Lấy bệnh phẩm và vận chuyển bệnh phẩm :
    –    Chỉ có nhân viên được giao trách nhiệm mới được lấy máu xét nghiệm HIV.
    –    Phải có lọ bệnh phẩm riêng.
    –    Bệnh phẩm được để trong hộp kín có nắp đậy chắc chắn khi vận chuyển.
    –    Các thông tin về người xét nghiệm phải được giữ bí mật.

    3    Xử lý và khám nghiệm tử thi :

    3.1    Ở khoa nội trú :
    –    Rửa tử thi bằng Na Hypochlorite 0,5% (thực tế rất khó thực hiện). Nhét bông vào các lỗ tự nhiên.
    –    Bọc tử thi bằng vải niệm trắng, bọc nilon vàng ở ngoài.
    –    Đưa tử thi vào túi nilon bịt kín.
    –    Xe chở thi hài phải trải nilon, sau đó nilon để lại nhà xác.
    –    Nhân viên làm công tác tử thi: đội mũ, khẩu trang, đeo găng, đi ủng, quần áo công tác.

    3.2    Ở khoa giải phẫu bệnh lý :
    –    Không mổ tử thi bệnh nhân AIDS.
    –    Thiêu là tốt nhất.
    –    Nếu cần mổ  tử thi thì :
    + Vải liệm và nilon vàng mở ra trên bàn mổ
    + Nhân viên mổ  xác có áo riêng.
    + Mổ  xong bọc thi hài bằng vải liệm trắng và nilon vàng, cho vào túi nilon trong.
    + Ngâm mẫu bệnh phẩm trong dung dịch cố định để lưu, không quá 48 giờ.

    3.3    Khử trùng tẩy uế :
    –    Dụng cụ mổ  xác : Rửa xà bông, tiệt trùng.
    –    Tường, sàn bàn mổ : Lau dung dịch sát trùng chờ 60 phút mới cọ rửa.
    –    Đồ  vải đưa vào túi nilon để xử lý riêng.

    4    Tiệt khuẩn môi trường và các dụng cụ y tế sử dụng phục vụ bệnh nhân HIV/AIDS.

    4.1    Phương pháp khử khuẩn :
    a.Hơi nước (hấp bằng nồi hơi tự động) thích hợp cho các dụng cụ có thể dùng lại được.
    –    Thời gian tối thiểu 15 phút kể từ khi các dụng cụ hấp đạt 121?C.
    –    Nồi hấp không quá đầy.
    –    Các nồi hấp phải được kiểm tra hiệu lực thường kỳ dựa theo các chỉ số sinh học.

    b.Sấy khô : Khử khuẩn bằng nhiệt nóng khô là phương pháp thích hợp đối với các dụng cụ chịu được nhiệt độ 170?C, không phù hợp với các dụng cụ nhựa.

    V.    Kết luận và đề nghị
    –    Cần nâng cao sự hiểu biết về nguy cơ phơi nhiễm HIV đối với các cán bộ y tế làm việc trong môi trường chăm sóc sức khỏe tâm thần.
    –    Có thái độ xử trí đúng và kịp thời khi bị lây nhiễm máu, vật phẩm của máu, sây sát kim tiêm qua da.
    –    Cần tham vấn thường xuyên bởi Bác sĩ chuyên khoa điều trị về HIV/AIDS để tránh lo lắng, hoang mang cho nhân viên y tế.
    –    Điều trị tích cực, kiểm tra máu định kỳ, tăng cường luyện tập để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, phòng các bệnh cơ hội nhiễm trùng kèm theo.
    –    Cần có chế độ chính sách đãi ngộ, chế độ bảo hiểm y tế đối với nhân viên y tế làm việc ở môi trường trên.

    Tài liệu tham khảo :

    1.  Bộ Y Tế (2000), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị nhiễm HIV/AIDS, NXB Y Học, Hà Nội, Tr. 25 – 27.
    2.    Bộ môn truyền nhiễm (2002), Nhiễm HIV/AIDS – Học Viện Quân Y, NXB Y Học, Tr. 362 – 380.
    3.    Hướng dẫn tham vấn về nhiễm HIV và bệnh SIDA (1993),Uy ban phòng chống SIDA, TP.HCM, tr.44-50.
    4.    Nguyễn Hữu Chí (1996), Nhiễm HIV/AIDS, NXB TP.HCM, Tr. 55 – 60.
    5.    Savitriramaiah – HIV&AIDS, NXB Tổng Hợp TP.HCM, Tr. 65 – 66.

Ths. BS Nguyễn Ngọc Quang, Phó khoa B, BVTT