Một trong những điều tồi tệ nhất mà một thầy thuốc phải đối mặt là hành động tự tử của một người bệnh. Các phản ứng thông thường nhất của những thầy thuốc đã trải qua một tình huống như vậy đó là sự hoài nghi, mất sự tin tưởng, tức giận và xấu hổ. Hành động tự tử của một người bệnh có thể khởi động những cảm xúc của sự thiếu chuyên môn, sự nghi ngờ về năng lực và sợ hãi cho danh tiếng của bản thân. Hơn nữa, các thầy thuốc đối đầu với vô số những khó khăn có liên quan đến gia đình và bạn bè của người đã mất.

Những phương sách này trước tiên dành cho các thầy thuốc đa khoa. Mục tiêu của chúng là khái quát các rối loạn chính và những yếu tố khác có liên quan đến tự tự, và cung cấp những thông tin về sự nhận diện và quản lý những người bệnh tự tử.

  1. GÁNH NẶNG CỦA TỰ TỬ
    Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có khoảng một triệu người có hành động tự tử trong năm 2000. Tự tử là một trong 10 nguyên nhân gây chết hàng đầu ở mỗi nước, và một trong ba nguyên nhân gây chết hàng đầu ở nhóm tuổi từ 15 đến 35.

    Tác động xã hội và tâm lý của tự tử trên gia đình và xã hội là không thể đo lường được. Trung bình, một người tự tử có ảnh hưởng sâu sắc đến sáu người khác. Nếu một vụ tự tử xảy ra trong một trường học hoặc nơi làm việc nó sẽ có tác động đến hàng trăm người.

    Gánh nặng của sự tự tử có thể được ước tính theo chỉ số DALY (số năm sống bất lực có hiệu chỉnh). Theo tính toán chỉ số này, trong năm 1998, tự tử chịu trách nhiệm 1,8% tổng số gánh nặng bệnh tật toàn cầu, biến thiên giữa 2,3% ở các nước thu  nhập cao và 1,7% ở các nước thu nhập thấp. Điều này tương đương với gánh nặng chiến tranh và sự giết người, gần gấp đôi gánh nặng bệnh tiểu đường, và tương đương với gánh nặng của trẻ sinh ngạt và chấn thương.

    2. TỰ TỬ VÀ CÁC RỐI LOẠN TÂM THẦN
    Ngày nay tự tử được hiểu như là một rối loạn đa chiều, gây ra bởi một sự tương tác phức tạp của các yếu tố sinh học, di truyền, tâm lý, xã hội và môi trường. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 40% đến 60% số người tự tử đã đến khám tại một thầy thuốc trong vòng một tháng trước khi tự tử; trong số này, nhiều hơn cả là đến khám tại thầy thuốc đa khoa so với thầy thuốc tâm thần. Ở những nước mà các dịch vụ sức khoẻ tâm thần còn chưa phát triển tốt, tỉ lệ của những người trong cơn khủng hoảng tự tử đến khám tại thầy thuốc đa khoa chắc chắn còn cao hơn nữa.

    Nhận diện, lượng giá, và quản lý những người bệnh tự tử là một nhiệm vụ quan trọng của người thầy thuốc, là người đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa tự tử.

    Tự tử bản thân nó không phải là một bệnh, cũng không nhất thiết là biểu hiện của một bệnh, nhưng rối loạn tâm thần là yếu tố chính liên quan đến tự tử.

    Các nghiên cứu từ những nước đã và đang phát triển đã cho thấy rằng một tỉ lệ mắc toàn bộ các rối loạn tâm thần trong 80-100% trường hợp tự tử thành công. Ước tính rằng nguy cơ tự tử toàn bộ cuộc đời ở những người bệnh rối loạn khí sắc (chủ yếu là trầm cảm) là 6-15%; nghiện rượu, 7-15%, tâm thần phân liệt, 4-10%.
    Tuy nhiên, một tỉ lệ quan trọng những người tự tử chết không hề thăm khám tại một chuyên khoa tâm thần nào. Do đó, sự phát hiện được cải tiến, sự hội chẩn và quản lý các rối loạn tâm thần là một bước quan trọng trong phòng ngừa tự tử.

    Thường phát hiện thấy có nhiều hơn một rối loạn ở những người tự tử. Các rối loạn thường cùng xảy ra với nhau là nghiện rượu và rối loạn khí sắc (trầm cảm), và rối loạn nhân cách và các rối loạn tâm thần khác.

    Cộng tác với các thầy thuốc tâm thần và bảo đảm rằng điều trị đầy đủ và thích hợp được thực hiện là một chức năng quan trọng của thầy thuốc.

    Các rối loạn khí sắc 
    Tất cả các loại rối loạn có liên quan đến tự tử, bao gồm rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn trầm cảm, rối loạn trầm cảm tái diễn và rối loạn khí sắc trường diễn (ví dụ: khí sắc chu kỳ và loạn khí sắc), đây là những phân loại F31-F34 trong ICD-10. Do đó, tự tử là một nguy cơ quan trọng trong trầm cảm chưa chẩn đoán và chưa điều trị. Trầm cảm có một tỉ lệ mắc cao trong dân số chung và không được nhận diện như một bệnh. Ước tính có khoảng 30% người bệnh đến khám một thầy thuốc là đang bị trầm cảm. Khoảng 60% trong số đó tìm kiếm điều trị lại đến khám tại một thầy thuốc đa khoa trước tiên. Đây là một thách thức đặc biệt đối với các thầy thuốc làm việc với cả hai loại bệnh cơ thể và rối loạn tâm lý đồng thời. Trong nhiều trường hợp, trầm cảm bị che dấu và người bệnh chỉ than phiền các triệu chứng cơ thể.

    Trong giai đoạn trầm cảm điển hình, người bệnh thường khổ sở với:
    •    Khí sắc trầm (buồn)
    •    Mất hứng thú và sự vui thú
    •    Giảm sức lực (mệt mỏi và giảm hoạt động)

    Các triệu chứng biểu hiện thông thường của trầm cảm là: 
    •    Mệt mỏi
    •    Buồn
    •    Mất tập trung
    •    Lo âu
    •    Dễ bị kích thích (cáu gắt)
    •    Xáo trộn giấc ngủ
    •    Đau ở nhiều phần khác nhau của cơ thể

    Những triệu chứng trên cảnh báo người thầy thuốc sự hiện diện của trầm cảm và dẫn đến một lượng giá về nguy cơ tự tử. Những đặc điểm lâm sàng chuyên biệt kèm với sự tăng nguy cơ tự tử trong trầm cảm là:
    •    Mất ngủ kéo dài
    •    Thờ ơ bản thân
    •    Bệnh nặng (đặc biệt là trầm cảm loạn thần)
    •    Suy giảm trí nhớ
    •    Kích động
    •    Các cơn hoảng loạn

    Các yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ tự tử ở những người trầm cảm:
    •    Nam dưới 25 tuổi
    •    Giai đoạn đầu của bệnh
    •    Lạm dụng rượu
    •    Giai đoạn trầm cảm của rối loạn lưỡng cực
    •    Trạng thái hỗn hợp (hưng-trầm cảm)
    •    Hưng cảm loạn thần

    Trầm cảm là một yếu tố quan trọng trong tự tử ở cả thanh thiếu niên và người lớn tuổi, nhưng những người có khởi phát trầm cảm muộn thì có nguy cơ cao hơn.

    Những tiến bộ gần đây trong điều trị trầm cảm có nhiều liên quan đối với phòng ngừa tự tử trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Giáo dục các thầy thuốc đa khoa trong việc nhận diện và điều trị trầm cảm đã cho thấy sự giảm tự tử ở Thuỵ Sĩ. Các số liệu dịch tễ gợi ý rằng thuốc chống trầm cảm làm giảm nguy cơ tự tử trong số những người trầm cảm. Liều điều trị đầy đủ của thuốc nên được tiếp tục duy trì trong vài tháng. Ở người già có thể phải cần thiết tiếp tục điều trị trong hai năm sau khi đã hồi phục. Những người bệnh điều trị duy trì với Lithium được thấy là có nguy cơ tự tử thấp hơn.

    Nghiện rượu 
    Nghiện rượu (lạm dụng và lệ thuộc rượu) là một chẩn đoán thường gặp ở những người tự tử, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Có những sự giải thích sinh học, tâm lý và xã hội cho sự liên quan giữa tự tử và nghiện rượu. Các yếu tố chuyên biệt đi kèm với tăng nguy cơ tự tử trong số những người nghiện rượu là:

    •    Bắt đầu nghiện rượu sớm
    •    Tiền sử uống rượu kéo dài
    •    Mức độ lệ thuộc cao
    •    Khí sắc trầm cảm
    •    Sức khoẻ cơ thể kém
    •    Vận hành công việc kém
    •    Tiền sử gia đình nghiện rượu
    •    Tan vỡ hoặc mất mát gần đây về một mối quan hệ giao tiếp cá nhân chính

    Tâm thần phân liệt 
    Tự tử là nguyên nhân lớn nhất cho sự chết sớm trong số những người tâm thần phân liệt. Các yếu tố nguy cơ chuyên biệt cho tự tử là:
    •    Nam trẻ tuổi bị thất nghiệp
    •    Nhiều lần tái phát
    •    Sợ bị sa sút, đặc biệt là ở những người có khả năng trí tuệ cao
    •    Các triệu chứng dương tính về sự nghi ngờ và các hoang tưởng
    •    Các triệu chứng trầm cảm

    Nguy cơ tự tử cao nhất vào những thời điểm sau:

    •    Các giai đoạn sớm của bệnh
    •    Tái phát sớm
    •    Hồi phục sớm
    Nguy cơ tự tử giảm khi thời gian bệnh tăng.

    Các rối loạn nhân cách
    Các nghiên cứu gần đây trên những người trẻ tự tử cho thấy một tỉ lệ cao (20-25%) có rối loạn nhân cách. Các rối loạn nhân cách thường kèm với tự tử nhiều hơn là các rối loạn nhân cách ranh giới và chống đối xã hội. Các rối loạn nhân cách kịch tính và tự yêu và những nét tâm lý như xung động và gây hấn, cũng đi kèm với tự tử.

    Các rối loạn lo âu

    Trong số các rối loạn lo âu, rối loạn hoảng loạn thường liên quan nhiều nhất tự tử, theo sau là rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Rối loạn dạng cơ thể và rối loạn ăn uống (loạn thần kinh chán ăn và ăn vô độ) cũng có liên quan đến hành vi tự tử.

    3. TỰ TỬ VÀ CÁC RỐI LOẠN CƠ THỂ 
    Nguy cơ tự tử tăng trong các bệnh cơ thể mạn tính. Hơn nữa, nói chung có một tỉ lệ tăng các rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm, ở những người có bệnh cơ thể.
    Sự mạn tính, bất lực và tiên lượng âm tính là có liên quan đến tự tử.

    Các bệnh thần kinh
    Động kinh đi kèm với sự tăng tự tử. Sự gia tăng này được góp phần thêm bởi tăng xung động, gây hấn và tàn tật mạn tính đi kèm theo động kinh. Các thương tổn tủy sống và não cũng làm tăng nguy cơ tự tử. Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng sau một đột quỵ – đặc biệt là trong trường hợp có các tổn thương phía sau gây bất lực và suy giảm cơ thể nhiều hơn – 19% số người bệnh bị trầm cảm và tự tử.

    U tân sinh 
    Nguy cơ tự tử cao nhất tại thời điểm chẩn đoán và trong hai năm đầu của bệnh giai đoạn cuối có một sự tăng nguy cơ trong những trường hợp ác tính tiến triển. Đau là yếu tố góp phần đáng kể vào tự tử.

    HIV/ AIDS
    Nhiễm HIV và hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) là một nguy cơ gia tăng tự tử ở những người trẻ tuổi, với tỉ lệ tự tử cao. Nguy cơ lớn nhất vào thời điểm xác định chẩn đoán và trong giai đoạn đầu của bệnh. Người sử dụng ma túy tiêm tĩnh mạch có nguy cơ cao hơn.

    Các bệnh khác

    Các bệnh nội khoa mạn tính khác như bệnh thận mạn tính, bệnh gan, các rối loạn xương và khớp, bệnh tim mạch và rối loạn dạ dày ruột được ẩn tàng sự tự tử. Sự bất lực về vận động, khiếm thị và khiếm thính cũng có thể dự đoán một sự tự tử.
    Trong những năm gần đây sự chết không đau đớn và tự tử được trợ giúp đã trở thành những vấn đề mà có thể đối đầu với các thầy thuốc. Sự chết không đau đớn là trái pháp luật trong hầu hết pháp quyền, và tự tử được trợ giúp bị mắc vào sự tranh luận luân lý, đạo đức và triết lý.

    4. TỰ TỬ VÀ CÁC YẾU TỐ DÂN SỐ XÃ HỘI 

    Tự tử là một hành động cá nhân; tuy nhiên, nó xảy ra trong bối cảnh một xã hội nhất định, và các yếu tố dân số xã hội nào đó có liên quan với nó.

    Giới tính

    Trong đa số các nước, nam tự tử nhiều hơn nữ; tỉ số nam/nữ thay đổi giữa các nước khác nhau. Trung Quốc là nước duy nhất trong đó có số nữ tự tử cao vượt hơn hẳn so vơi số nam tự tử ở những vùng nông thôn và gần xấp xỉ nhau ở những vùng thành thị.

    Tuổi 
    Tuổi già (trên 65 tuổi) và tuổi trẻ (15-30 tuổi) là những nhóm có nguy cơ tự tử cao. Các số liệu gần đây cho thấy một sự tăng tỉ lệ tự tử ở những người trung niên.

    Tình trạng hôn nhân 
    Những người li dị, goá và độc thân ở mức tăng nguy cơ tự tử. Hôn nhân thể hiện tính bảo vệ cho những người nam về nguy cơ tự tử nhưng không có ý nghĩa so với ở người nữ. Ly thân và sống một mình làm tăng nguy cơ tự tử.

    Nghề nghiệp
    Những nhóm nghề nghiệp nào đó như phẫu thuật viên, dược sĩ, nha sĩ, những người thực hành y học và các nông dân có nguy cơ tự tử cao. Không có giải thích rõ ràng cho những phát hiện này, dù sự tiếp cận các phương tiện gây chết, áp lực công việc, sự cách ly xã hội và những khó khăn tài chính có thể là những lý do.
    Thất nghiệp

    Có một sự liên hệ khá mạnh giữa tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ tự tử, nhưng bản chất của sự liên hệ này thì phức tạp. Tác động của sự thất nghiệp có khả năng được trung gian bởi những yếu tố như nghèo đói, sự tước bỏ xã hội, khó khăn gia đình và sự thất vọng. Mặt khác, những người bệnh rối loạn tâm thần chắc chắn bị thất nghiệp nhiều hơn những người có sức khoẻ tốt. Bất cứ sự đánh giá nào, sự xem xét thích đáng nên được đặt ra đối với sự khác biệt theo ý nghĩa của sự mất việc mới và thất nghiệp dài hạn: nguy cơ cao hơn đi kèm với sự mới mất việc.

    Cư trú nông thôn/thành thị
    Ở một số nước, tự tử thường xảy ra nhiều hơn ở những khu vực thành thị, trái lại ở những nước khác lại xảy ra nhiều hơn ở những vùng nông thôn.

    Sự di cư

    Sự di cư – có vấn đề kèm theo về nghèo đói, nhà ở tồi tàn, thiếu nâng đỡ xã hội và những mong đợi không đạt được – làm tăng nguy cơ tự tử.
    Một số yếu tố xã hội khác như tính sẵn có của những phương tiện thực hiện tự tử và các sự kiện sang chấn cuộc đời đóng một vai trò ý nghĩa trong sự tăng nguy cơ tự tử.

    5. CÁCH NHẬN DIỆN NHỮNG NGƯỜI BỆNH CÓ NGUY CƠ CAO VỀ HÀNH VI TỰ TỬ
    Một số yếu tố cá nhân và dân số xã hội hữu ích về lâm sàng có liên quan đến tự tử, bao gồm:
    •    Các rối loạn tâm thần (trầm cảm, nghiện rượu và các rối loạn nhân cách)
    •    Bệnh cơ thể (giai đoạn cuối, đau đớn hoặc tàn phế, AIDS)
    •    Có mưu toan tự tử trước đó
    •    Tiền sử gia đình có tự tử, nghiện rượu và/hoặc các rối loạn tâm thần khác
    •    Tình trạng li dị, goá hoặc độc thân
    •    Sống một mình (cách ly xã hội)
    •    Thất nghiệp hoặc về hưu
    •    Tang tóc trong thời nhỏ
    Nếu người bệnh đang điều trị rối loạn tâm thần, nguy cơ cao hơn trong những người:
    •    Vừa mới được xuất viện
    •    Có mưu toan tự tử trước đó
    Hơn nữa, các sang chấn cuộc đời mới đây góp phần vào tăng nguy cơ tự tử gồm có:
    •    Ly thân
    •    Tang tóc
    •    Xáo trộn gia đình
    •    Thay đổi trong tình trạng nghề nghiệp hoặc tài chính
    •    Bị từ bỏ bởi một người có ý nghĩa
    •    Xấu hổ và đe doạ về sự phát hiện tội lỗi

    Có nhiều thang lượng giá khác nhau về nguy cơ tự tử trong nghiên cứu, nhưng chúng ít hữu ích hơn so với một phỏng vấn lâm sàng tốt trong việc nhận diện một cá nhân có nguy cơ tự tử ngay lập tức.
    Người thầy thuốc có thể phải đương đầu với nhiều tình trạng và nhiều tình huống đi kèm với hành vi tự tử. Một người đàn ông lớn tuổi, mới goá vợ, được điều trị trầm cảm, sống một mình, có tiền sử mưu toan tự tử, và một thiếu nữ trẻ tuổi có một vài vết xước ở cẳng tay có bạn trai mới từ bỏ cô ta là hai ví dụ trái ngược nhau. Trong thực tế, hầu hết người bệnh rơi vào giữa hai thái cực và có thể dao động từ một nhóm này sang nhóm khác. Khi các thầy thuốc có một dấu hiệu hợp lý rằng người bệnh có thể tự tử, họ phải đối đầu với một lưỡng đề về cách thức hành động tiếp theo. Một số thầy thuốc không thoải mái với những người bệnh tự tử. Điều quan trọng đối với họ là nhận thức về cảm xúc đó và tìm kiếm sự trợ giúp từ đồng nghiệp, và có thể là chuyên khoa sức khoẻ tâm thần, khi phải đối đầu với những người bệnh như vậy. Điều quan trọng là không làm ngơ hoặc phủ nhận nguy cơ đó.

    Nếu người thầy thuốc quyết định hành động, bước đầu tiên và ngay lập tức là có ý nghĩ giành đủ thời gian cho người bệnh, ngay cả khi có nhiều người khác đang đợi bên ngoài. Bằng cách biểu thị lòng mong muốn hiểu biết, người thầy thuốc bắt đầu thiết lập một mối quan hệ tích cực với người bệnh. Các câu hỏi đóng và trực tiếp vào ngay lúc bắt đầu cuộc phỏng vấn sẽ không hữu ích. Những nhận xét như “Bạn trông có vẻ rất buồn, hãy cho tôi biết thêm về điều đó” là hữu ích. Lắng nghe với sự thấu cảm tự bản thân nó là một bước chính làm giảm mức độ về sự thất vọng tự tử.

    Truyền thuyết      Thực tế

    Người bệnh hỏi về tự tử hiếm khi tự tử     Những người bệnh tự tử thường có một vài manh mối hoặc cảnh báo trước. Các đe doạ phải được xem xét nghiêm túc.
    Hỏi về tự tử ở người bệnh có thể xúi giục hành động tự tử     Hỏi về tự tử thường làm giảm sự lo âu xung quanh cảm xúc này; người bệnh có thể cảm thấy dịu bớt và được hiểu tốt hơn.

    Hỏi thế nào?
    1.    Bạn có cảm thấy bất hạnh và bơ vơ không?
    2.    Bạn có cảm thấy tuyệt vọng không?
    3.    Bạn có cảm thấy không thể đối đầu mỗi ngày không?
    4.    Bạn có cảm thấy cuộc đời là một gánh nặng không?
    5.    Bạn có cảm thấy cuộc đời không đáng sống không?
    6.    Bạn có cảm thấy muốn tự tử không?

    Hỏi khi nào?
    Điều quan trọng là hỏi những câu hỏi này:
    •    Sau khi thiết lập mối quan hệ
    •    Khi người bệnh cảm thấy thoải mái về việc biểu lộ cảm xúc của họ
    •    Khi người bệnh đang trong quá trình biểu lộ những cảm xúc âm tính.

    Những câu hỏi thêm
    Quá trình không kết thúc với sự khẳng định có nghĩ tự tử. Nó tiếp tục với những câu hỏi tiếp theo nhằm mục đích lượng giá tần suất và mức độ nặng của ý nghĩ đó và xác suất của tự tử. Điều quan trọng là phải biết người bệnh có hay không bất cứ kế hoạch nào và phương tiện để tự tử. Nếu người bệnh đề cập rằng phương pháp được chuẩn bị là dùng súng, nhưng không có súng, thì nguy cơ thấp. Tuy nhiên, nếu người bệnh có kế hoạch bằng một phương pháp và đang có phương tiện (ví dụ: thuốc), hoặc nếu phương tiện đề ra dễ dàng có được, thì nguy cơ cao. Điều quan trọng đối với những câu hỏi là không yêu cầu hoặc ép buộc, mà phải được hỏi theo một cách ấm áp để biểu thị sự thấu cảm của thầy thuốc với người bệnh. Những câu hỏi như vậy có thể bao gồm:

    •    Bạn có đã có kế hoạch để kết thúc cuộc đời không?
    •    Bạn sẽ thực hiện kế hoạch như thế nào?
    •    Bạn đã có sẵn [thuốc/súng/phương tiện khác] không?
    •    Bạn đã xem xét thời điểm thực hiện chưa?

    Chú ý:
    •    Làm lạc đường hoặc cải thiện giả. Khi một người bệnh kích động đột nhiên trở nên điềm tĩnh, họ có thể ra quyết định tự tử và lúc đó cảm thấy bình tĩnh sau khi đã ra quyết định.
    •    Phủ nhận. Những người bệnh có ý định thực sự nghiêm túc về việc tự tử có thể cố ý phủ nhận những ý nghĩ đó.

    6. QUẢN LÝ NHỮNG NGƯỜI BỆNH TỰ TỬ
    Nếu một người bệnh bị xáo trộn về cảm xúc, có phảng phất ý tưởng tự tử, cơ hội làm thoáng những suy nghĩ và cảm xúc với một thầy thuốc quan tâm có thể là đủ. Hơn nữa, là một cơ hội để được theo dõi thêm, đặc biệt khi người bệnh có sự nâng đỡ xã hội không đầy đủ. Bất cứ là vấn đề nào, các cảm xúc của một người tự tử  thường là tam chứng sự bơ vơ, vô vọng và thất vọng. Ba trạng thái thông thường nhất là:

    1.    Sự mâu thuẫn. Đa số người bệnh tự tử mâu thuẫn cho đến lúc kết thúc. Có một trận chiến giằng co giữa ý muốn sống và ý muốn chết. Nếu sự mâu thuẫn được sử dụng bởi người thầy thuốc để làm tăng ý muốn sống, nguy cơ tự tử có thể được giảm đi.
    2.    Tính xung động. Tự tử là một hiện tượng xung động và sự xung động bởi chính bản chất của nó là thoáng qua. Nếu cung cấp sự nâng đỡ ngay tại thời điểm xung động, cơn khủng hoảng có thể được tháo ngòi nổ.
    3.    Tính cứng nhắc. Những người tự tử bị thu hẹp trong tư duy của họ, khí sắc và hành động và lý luận của họ bị phân đôi thành những ngôn từ có/không. Bằng cách khám phá ra một vài thay đổi có thể được để giải quyết người bệnh tự tử, người thầy thuốc nhẹ nhàng làm người bệnh nhận ra rằng có nhiều chọn lựa khác ngay cả khi họ không có ý tưởng gì.

    Chọn lựa sự nâng đỡ
    Người thầy thuốc nên lượng giá những hệ thống nâng đỡ sẵn có, nhận diện một sự quen biết họ hàng, bạn bè hoặc người khác mà có thể nâng đỡ cho người bệnh, và cầu xin giúp đỡ người bệnh đó.

    Giao ước 
    Tham gia vào một hợp đồng “không tự tử” là một kỹ thuật hữu ích trong phòng ngừa tự tử. Những người khác gần với người bệnh có thể được đưa vào thương thuyết hợp đồng đó. Sự đàm phán của hợp đồng này có thể xúc tiến thảo luận các vấn đề liên quan khác. Trong đa số các trường hợp, người bệnh tôn trọng những lời hứa mà họ đã cam kết với thầy thuốc. Giao ước chỉ thích hợp khi những người bệnh kiểm soát được những hành động của họ.

    Nếu không có rối loạn tâm thần nặng hoặc ý định tự tử, người thầy thuốc có thể bắt đầu và sắp xếp việc điều trị hoá dược, nói chung là dùng thuốc chống trầm cảm, và liệu pháp tâm lý (hành vi nhận thức). Đa số người bệnh có được lợi ích từ những cuộc tiếp xúc liên tục; những điều này được cấu trúc để đáp ứng những nhu cầu cá nhân.

    Ngoại trừ việc điều trị những bệnh chính, rất ít người yêu cầu nâng đỡ kéo dài hơn hai, ba tháng và trọng tâm của sự nâng đỡ nên cung cấp là sự hy vọng, khuyến khích sự độc lập, và giúp người bệnh học các cách khác nhau để đối phó với các yếu tố sang chấn.

    7. CHUYỂN ĐẾN CHĂM SÓC CHUYÊN KHOA
    Khi nào chuyển một người bệnh? 
    Những người bệnh tâm thần nên được chuyển đến thầy thuốc tâm thần khi họ có:
    •    Một rối loạn tâm thần;
    •    Một tiền sử mưu toan tự tử trước đó;
    •    Tiền sử gia đình tự tử, nghiện rượu và rối loạn tâm thần khác;
    •    Sức khoẻ cơ thể yếu;
    •    Không có nâng đỡ xã hội;

    Chuyển như thế nào?
    Sau khi quyết định chuyển một người bệnh, người thầy thuốc nên:
    •    Có thời gian để giải thích cho người bệnh lý do chuyển viện;
    •    Làm giảm sự lo âu về vết nhơ và về thuốc hướng thần;
    •    Khẳng định rằng các liệu pháp hoá dược và tâm lý là có hiệu quả;
    •    Nhấn mạnh rằng sự chuyển viện không có nghĩa là “bỏ rơi”;
    •    Sắp xếp một cuộc hẹn với thầy thuốc tâm thần;
    •    Giành thời gian cho người bệnh sau cuộc hẹn của họ với thầy thuốc tâm thần;
    •    Bảo đảm rằng mối quan hệ với người bệnh sẽ tiếp tục.

    Khi nào cho một người bệnh nhập viện?
    Đây là một số dấu hiệu chỉ định nhập viện ngay:
    •    Ý nghĩ tái diễn về tự tử;
    •    Mức độ ý định tự tử cao trong tương lai gần (vài giờ hoặc vài ngày);
    •    Kích động hoặc hoảng loạn;
    •    Có kế hoạch sử dụng một phương pháp bạo lực và ngay lập tức.

    Cho một người bệnh nhập viện như thế nào?
    •    Không để người bệnh một mình;
    •    Sắp xếp cho sự nhập viện;
    •    Sắp xếp để chuyển đến bệnh viện bằng xe cấp cứu hoặc cảnh sát;
    •    Thông báo cho nhà chức trách liên quan và gia đình.

    8. TÓM TẮT CÁC BƯỚC TRONG PHÒNG NGỪA TỰ TỬ
    Sau đây là bảng tóm tắt các bước chính để lượng giá và quản lý những người bệnh khi thầy thuốc nghi ngờ hoặc nhận diện thấy họ có nguy cơ tự tử.

    Nguy cơ tự tử: nhận diện, lượng giá và kế hoạch hành động
    Nguy cơ tự tử    Triệu chứng    Lượng giá    Hành động
    0    Không đau buồn    –    –
    1    Có xáo trộn cảm xúc    Hỏi về ý nghĩ tự tử     Lắng nghe thông cảm
    2    Nghĩ mơ hồ về chết     Hỏi về ý nghĩ tự tử     Lắng nghe thông cảm
    3    Nghĩ mơ hồ về tự tử     Lượng giá ý định (kế hoạch, phương pháp)    Khám phá khả năng
    Nhận diện nâng đỡ
    4    Ý nghĩ tự tử không có rối loạn tâm thần    Lượng giá ý định (kế hoạch, phương pháp)    Khám phá khả năng
    Nhận diện nâng đỡ
    5    Ý nghĩ tự tử và rối loạn tâm thần hoặc sang chấn nặng    Lượng giá ý định (kế hoạch, phương pháp)
    Làm giao ước    Chuyển đến thầy thuốc tâm thần
    6    Ý nghĩ tự tử và rối loạn tâm thần hoặc sang chấn nặng hoặc kích động và mưu toan tự tử trước đó    Ở bên cạnh người bệnh (ngăn chặn tiếp cận phương tiện)    Nhập viện

    THAM KHẢO BẢN GỐC TẠI ĐỊA CHỈ
    :
    //www.who.int/entity/mental_health/prevention/suicide/supresuicideprevent/en

Người dịch: BS Lê Hiếu,  BS CKI Phó phòng khám I BỆNH VIỆN TÂM THẦN