Khái quát chung
Lý do nhiều bệnh nhân đến khám vì triệu chứng lo lắng, trằn trọc khó ngủ, cảm giác sợ hãi kèm ngộp thở ép ngực lạnh tay chân, thậm chí phải cấp cứu tại bệnh viện đa khoa hay khoa tim mạch. Đây là những triệu chứng điển hình của các rối loạn lo âu.
Lo âu là phản ứng bình thường của các loạn sang chấn tinh thần (stress) và trong một số tình huống lo lắng có thể xảy ra để có được sự quan tâm chú ý cần thiết. Các rối loạn lo âu khác với cảm giác căng thẳng trong đó có sự sợ hãi quá đáng. Các rối loạn lo âu tác động tới gần 30 % dân số người trưởng thành, và có thể chữa trị được.
Lo âu được cho là tình trạng đề phòng trong tương lai liên quan (đến bản thân) và thường kèm theo cảm giác căng hay co cơ (như căng cơ sau gáy, vai và do đó người bệnh có hành vi tránh né các tình trạng sẽ hoặc đã xảy ra cơn lo lắng).
Sợ hãi là một đáp ứng cảm xúc với một thách thức đe dọa tức thì và thường kèm theo ý nghĩ phải đẩy lùi hay phản ứng bỏ chạy ngay cả khi đang phản ứng đẩy lùi hay thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.
Các rối loạn lo âu có thể đẩy người bệnh vào tình trạng cố gắng tránh các tình huống kích hoạt triệu chứng hoặc làm nặng các triệu chứng lo âu.
Khi bị các rối loạn lo âu thường dẫn đến kết quả làm việc giảm sút, học hành kém đi cũng như các mối quan hệ bạn bè ít dần.
Một vài chỉ số
Theo các tác giả Mỹ, trong chẩn đoán các rối loạn lo âu, có các thể loại sau:
- Các ám ảnh sợ chuyên về chủ đề nào đó: 7 – 9 %.
- Rối loạn lo âu xã hội với biểu hiện bị ngăn trở vì sợ như bị làm nhục, từ chối tiếp xúc tương tác xã hội như sợ nói trước đám đông, gặp người mới lạ trong tiệc tùng nơi công cộng: 7 %.
- Rối loạn hoảng loạn với từng cơn hoảng sợ tới mức khó kiểm soát hay đối phó với tình trạng sợ sệt lúc xảy ra: 2 – 3 %.
- Sợ ( có thể tới mức hoảng lên và thường né tránh) phải đứng một mình, ở một mình trong khung cảnh trống rộng hay không gian kín hẹp, sợ đi qua nơi đông người: 2 %.
- Rối loạn lo âu lan tỏa ( là lý do đến khám nhiều nhất) với cảm giác tự dưng giật mình sợ rồi nặng ngực hồi hộp, đánh trống ngực, “rần rần” tay chân rồi lạnh run. Xảy ra từng cơn, kèm bồn chồn bứt rứt đi tới lui: 2 % . (Tỷ lệ này có thể thấp so với thực trạng thăm khám hàng ngày)
- Rối loạn lo âu chia ly với biểu hiện lo lắng đau khổ, miễn cưỡng phải xa cách và thường gặp ác mộng khi ngủ: 1 – 2 %.
- Câm chọn lọc: người bệnh khổ thể nói trong những tình huống xã hội đặc biệt.
- Rối loạn lo âu do chất gây nghiện gây ra.
- Rối loạn lo âu do bệnh nội khoa gây ra.
3 thể loại này chưa đề cập nhiều trong bài viết ngắn này.
Các rối loạn lo âu gặp nhiều ở nữ hơn ở nam.
Những người nào dễ bị rối loạn lo âu?
Cho đến hiện tại, các nhà khoa học chưa rõ ràng các nguyên nhân gây ra lo âu, nhưng các yếu tố nguy cơ thường kết hợp với nhau và thường gặp nhất là:
- Yếu tố môi trường sống (cả gia đình và xã hội) gặp ở hầu hết các đối tượng. Bà nội trợ với áp lực đóng góp tiền bạc (?), áp lực quan hệ gia đình phức tạp… Nhân viên với áp lực chỉ tiêu công việc, người quản lý thì áp lực thay đổi hoặc bị thay đổi vì hoặc cho cuộc sống, v.v… Sinh viên, học sinh (có những biểu lộ khác so với người trưởng thành) thì áp lực với yêu cầu kết quả học tập từ bản thân gia đình. Đa số các áp lực gây stress trên do môi trường sống nhiều lần hoặc chữa trị chưa hợp lý rất dẫn dẫn đến tình trạng rối loạn lo âu.
- Yếu tố gien di truyền: có những bệnh nhân thuộc đối tượng học hành, kiến thức khoa học và kiến thức xã hội cao “cái gì cũng biết” những vẫn có các triệu chứng của một số thể loại trong chẩn đoán rối loạn lo âu kể trên.
- Yếu tố tâm lý và quá trình phát triển. Khá rõ ràng khi một số bệnh nhân có một số thể loại rối loạn lo âu có tiền sử bị cư xử không phù hợp, không tương thích với quá trình phát triển tâm sinh lý như bị lạm dụng, bị ngược đãi hay phải sống trong môi trường không thuận lợi cho phát triển cảm xúc, cho phát triển nhận thức và cho khả năng phát triển hình thành ý tưởng cuộc sống.
Thuốc gì điều trị các rối loạn lo âu ?
Trước hết nên đi khám đúng chuyên khoa. Nhiều trường hợp “phải – bị” nhập viện cấp cứu do tìm hiểu chưa đầu đủ về rối loạn lo âu. Sẽ tốn tiền hơn do các yêu cầu xét nghiệm hoặc yêu cầu chẩn đoán hình ảnh. Đặc biệt hơn nếu dùng thuốc mà không mang lại nhiều hiệu quả sẽ gây ra tình trạng ám ảnh cho bệnh nhân.
Hiện nay, thuốc giải lo âu (anxiolyticques hay anti-anxiety drugs) không thể chữa “tận gốc” các rối loạn lo âu nhưng rất hiệu quả trong việc giảm mức độ nặng của các triệu chứng rối loạn lo âu nhưng cần sử dụng đúng theo quy định kê toa của bác sĩ điều trị.
Kết hợp một số loại thuốc trong các thuốc chống trầm cảm cần thiết cũng mang lại kết quả giảm triệu chứng rối loạn lo âu.
Trong trường hợp không có chống chỉ định, huốc chẹn beta (beta-blockers) dùng kết hợp cũng mang lại nhiều lợi ích trong điều trị các triệu chứng rối loạn lo âu.
Phương pháp tâm lý trị liệu hành vi giúp bệnh nhân “học” cách khác trong tư duy, trong cách phản ứng và thực hiện một số hành vi nhằm giảm cảm giác lo âu.
Các loại thuốc trên vào loại “khó sử dụng” vì nhiều lý do, trong đó có lý do từ phía bệnh nhân bởi những bệnh nhân này thường có những nét lo lắng nhiều hơn mà không vượt qua được như nhiều người chung quanh. Lý do tiếp theo có thể do người thầy thuốc chưa tận tình giúp bệnh nhân của mình đi khám đúng chuyên khoa.
Vài nhận xét từ thực tế
Việc chẩn đoán các thể loại của các rối loạn lo âu rất cần thiết bởi mỗi thể loại đáp ứng với các loại thuốc (hay nhóm thuốc) chống trầm cảm có phần khác nhau và cần có sự lựa chọn nhất định. Các tác dụng phụ và tương tác cũng không giống nhau ở những bệnh nhân đang mang bệnh đồng thời với thể loại lo âu đã được chẩn đoán, chưa kể mối liên quan của chúng với bệnh đồng diễn.
Quá trình diễn tiến lo lắng, khó ngủ, hoảng sợ hồi hộp, buồn, tập trung kém rồi mệt mỏi, ăn không ngon, mất hứng thú, đôi lúc chán sống có thể diễn ra với mức độ khác nhau. Hội Tâm Thần Hoa kỳ xếp loại các chẩn đoán bệnh tâm thần (DSM-5) về rối loạn lo âu kỹ lưỡng hơn và trong bảng phân loại quốc tế về bệnh tâm thần ( ICD – 10) có thể loại Rối loạn lo âu trầm cảm hỗn hợp. Đây là nền tảng cho các bác sĩ chẩn đoán và từ đó có thể tham khảo chọn lựa trị liệu thích hợp.
Bài viết chưa đầy đủ và chỉ là một số nhận xét từ thực tế thăm khám, mong bạn đọc góp ý bổ sung. Liên hệ ĐT: 091 8332 893
Bs Phạm Văn Trụ
Tham khảo:
- Ranna Parekh, M.D., M.P.H. What Are Anxiety Disorders? January 2017. Physician Review. AMERICAN PSYCHIATRIC ASSOCIATION.
- Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders Fith Edition. Page 189-233. AMERICAN PSYCHIATRIC ASSOCIATION.