Ác Mộng Và Trầm Cảm

4324
Ác mộng và trầm cảm có thật sự liên quan đến nhau ?
Ác mộng và trầm cảm có thật sự liên quan đến nhau ?

Ác mộng và trầm cảm

Trầm cảm, mất ngủ và mệt mỏi, kiệt sức có thể là yếu tố nguy cơ của các cơn ác mộng.

Nils Sandman, Trưởng Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học thần kinh Nhận thức, Center for Cognitive Neuroscience Trường ĐH Turku Phần Lan, tiến hành nghiên cứu về sự kết nối giữa hạnh phúc và ác mộng đã cho kết quả trên. Tuy nhiên các tác giả không xác nhận trầm cảm, mất ngủ và mệt mỏi là nguyên nhân của các cơn ác mộng.

Nghiên cứu này tiến hành trên 14,000 người tuổi từ 25 đến 74, kéo dài từ 2007 đến 2012. Trong đó 53% là nữ, 45% người cho biết đã gặp ác mộng khi ngủ trong thời gian 30 ngày trước, trong khi hơn 50% người hoàn toàn không gặp. 4% người thường xuyên gặp ác mộng trong tháng, trong số này 5% là nữ và 3% là nam. 28% bệnh nhân trầm cảm nặng thường xuyên gặp ác mộng và 17% số người này thường xuyên mất ngủ.

Phân tích kỹ lưỡng hơn, các nhà nghiên cứu kết luận mất ngủ, mệt mỏi và triệu chứng trầm cảm hay “biểu hiện tiêu cực về bản thân” độc lập với các nguyên nhân gây ra cơn ác mộng. Đây là chứng cứ chắc chắn nhất trong mối liên quan giữa ác mộng và trầm cảm, và cũng được nhận định rõ ràng trong nhiều nghiên cứu khác về ác mộng và sự hài lòng trong cuộc sống cũng như sức khỏe.

Nghiên cứu này đăng trên Tạp chí Giấc ngủ, tháng 4/2015.

Theo DSM-IV-TR, có nhiều chẩn đoán trong rối loạn giấc ngủ như mất ngủ nguyên phát, ngủ nhiều nguyên phát, ngủ rũ, mất ngủ do thay đổi nhịp sinh học, ác mộng, hoảng sợ trong giấc ngủ, miên hành, rung giật nhãn cầu khi ngủ, liệt khi ngủ,…

Theo DSM-5, các rối loạn giấc ngủ được gọi theo tên mới là Rối loạn Nhịp Ngủ – Thức (Sleep – Wake Disorders), trong đó mất ngủ đồng diễn (comorbidity) bệnh tâm thần hay không, ngủ nhiều với bệnh tâm thần hay bệnh lý nội khoa khác, bệnh ngủ rũ. Các rối loạn giấc ngủ liên quan nhịp thở khá nhiều và phức tạp. Sau cùng là các rối loạn giấc ngủ đặc biệt (Parasomnias) như mất ngủ Non-Rapid Eye Movement Sleep Arousal Disorders (NREMSAD), miên hành, ác mộng, rung giật nhãn cầu khi ngủ, hội chứng chân không yên khi ngủ, và một số chẩn đoán không đặc hiệu khác.

Rối loạn giấc ngủ có nhiều hình thái và biểu hiện thể hiện mức độ phức tạp của bệnh tình. Ảnh: Internet
Rối loạn giấc ngủ có nhiều hình thái và biểu hiện thể hiện mức độ phức tạp của bệnh tình. Ảnh: Internet

Trong thực tế thăm khám, hầu hết các chẩn đoán trên thường gặp dù tỷ lệ nhiều ít khác nhau. Cần cố gắng chẩn đoán đúng dựa trên các triệu chứng khai báo một cách khách quan cũng như một số kết quả cận lâm sàng để từ đó có chỉ  định thuốc hợp lý và hiệu quả.

Tuy nhiên có thể nói, nhiều bệnh nhân nữ được chẩn đoán trầm cảm (buồn chán mất ngủ mệt mỏi, đau đầu và nhiều triệu chứng khác), những người không buồn chán nhưng mất ngủ và mệt mỏi, cảm giác đuối sức thường khai có thêm nhiều giấc mơ về sáng, ngủ mà như không ngủ,… Ngược lại, một số người khai thường sợ hãi hoảng loạn trong giấc mơ và khi thức giấc rất mệt mỏi mà không nhớ lại điều gì đã xảy ra. Đây có thể là các cơn ác mộng liên quan đến trầm cảmkhông phải là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm như các nhà nghiên cứu nhận định. Ác mộng gặp ở nữ nhiều hơn nam.

Theo nhiều tác giả, giấc ngủ là thời gian đầu óc chúng ta nghỉ ngơi nhưng vẫn xử lý thông tin thu nhận trước đó. Và như vậy, cùng với sự liên kết các vùng chức năng não bộ, những thông tin “quá ngưỡng” có thể sẽ chập chờn làm chúng ta mộng mị, thậm chí sợ hãi vào cuối giấc ngủ. Hoạt động của não bộ với sự liên kết các vùng chức năng đang được các nhà nghiên cứu quan tâm mạnh mẽ vì nó có thể liên quan nhiều đến hành vi của con người.

Giấc ngủ của chúng ta rất phức tạp, phụ thuộc và tác động bởi nhiều yếu tố, các giai đoạn của giấc ngủ phản ảnh tình trạng hoạt động của não và tương quan với tình trạng hoạt động sinh lý ở các lứa tuổi khác nhau. Trị liệu để mang lại giấc ngủ do đó cũng khá phức tạp, nhóm thuốc benzodiazepines “cổ điển” gây giãn cơ, chống co giật và giải lo âu, có đặc trưng bởi  sự dung nạp, thói quen và có thể suy giảm trí nhớ. Các thuốc không nonbenzodiazepines có tác dụng chọn lọc hơn (tất nhiên có cơ chế tác dụng khác). Các thuốc chống trầm cảm dạng êm dịu và một số thuốc chống loạn thần cũng được dùng trong điều trị mất ngủ. Ngoài ra còn có các thuốc kháng histamine, thuốc đồng vận melatonine cũng được dùng.

Để điều trị mất ngủ, trước hết cần đánh giá giấc ngủ trong “tập hợp” các triệu chứng tâm thần với mục đích chẩn đoán ra bệnh chính, trong đó mất ngủ là một trong các triệu chứng của căn bệnh đó hoặc bệnh về giấc ngủ. Đặc biệt, cần đánh giá mất ngủ theo 4 bước và nhận định bệnh nhân có các rối loạn giấc ngủ khác hay không để chọn lựa thuốc thích hợp ít tương tác và ít để lại hậu quả không mong muốn.

Bs Phạm Văn Trụ BVTT Tp HCM

Tham khảo:
1. Robert Preidt. Depression, Insomnia, Fatigue Are the Stuff of Nightmares. American Academy of Sleep Medicine, news release, April 2, 2015. HealthDay.
2. Robert E. Hales MD MBA. Stuart C. Yudofsky MD. Laura Weiss Robert MD MA. Textbook of Psychiatry. The American Psychiatric Publishing. Sixth Edition. 2015.Pag 614-37.
3. American Psychiatric Association. Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders. DSM-5 TM  . Fith Edition. 2013. Pag 404-07.

Chia sẻ