GIỚI THIỆU:
Số trẻ em và thanh thiếu niên bị trầm cảm tiếp tục gia tăng, với ước lượng xấp xỉ 1 trên 20 trẻ bị bệnh này [1]. Trầm cảm và lo âu trong số trẻ em và thanh thiếu niên thường là bệnh phối hợp; ước tính khoảng 11% – 69% trẻ lo âu bị trầm cảm và 15% – 75% trẻ trầm cảm bị rối loạn lo âu [2]. Hơn 50% trẻ đang bị trầm cảm sẽ tái phát trầm cảm lúc trưởng thành, nên cần chẩn đoán và điều trị sớm. Ngoài ra, hơn 40% những người này có trầm cảm khởi phát sớm tiến triển thành rối loạn lưỡng cực về sau [3]. Tần suất mắc bệnh trầm cảm và lo âu đang gia tăng sự quan tâm về sức khỏe của cộng đồng bởi vì trầm cảm và lo âu mang nguy cơ mắc bệnh và tử vong đáng kể.
Cách điều trị chính hiện nay về trầm cảm và lo âu bao gồm hóa dược liệu pháp và can thiệp tâm lý liệu pháp. Hiểu biết của chúng ta về cách điều trị này ở quần thể trẻ em và thanh thiếu niên đã cải thiện rõ rệt trong 10 năm qua [4]; tuy nhiên, vẫn còn thiếu sót và cần củng cố. Chuyên biệt hơn, hóa dược điều trị trầm cảm và lo âu gần đây nhất là sử dụng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin / norepinephrine (SNRIs). Không may, việc sử dụng những thuốc này trong trẻ em và thanh thiếu niên còn bàn cãi về những báo cáo tự tử trong thời gian đầu điều trị. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân hưởng lợi từ việc điều trị những thuốc này được sử dụng và tầm soát thích hợp. Như BS Joseph Biederman, Trưởng khoa Dược nhi khoa, Bệnh viện đa khoa Massachusets đã phát biểu: “Khi kê toa và kiểm soát thích hợp, thuốc SSRIs có thể tạo sự khác biệt phi thường trong đời sống trẻ em và gia đình chúng đối với trầm cảm và lo âu”. Khi sử dụng thuốc chống trầm cảm (CTC), phải cân nhắc nguy cơ và ích lợi của thuốc để quyết định yếu tố điều trị tốt nhất cho mỗi bệnh nhân. Từ bối cảnh lâm sàng, do thiếu tài liệu y văn tập trung sự lựa chọn điều trị cho trẻ em và thanh thiếu niên, đòi hỏi nhà lâm sàng phải sử dụng kinh nghiệm lâm sàng và phán đoán của mình khi đánh giá từng bệnh nhân và đưa ra quyết định điều trị tốt nhất.
HOÁ DƯỢC LIỆU PHÁP ĐIỀU TRỊ TRẦM CẢM VÀ LO ÂU Ở NGƯỜI TRẺ:
Hiệp hội Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) gần đây đang cảnh báo xem xét nguy cơ tự tử trong việc phối hợp sử dụng thuốc SSRI đã làm gia tăng sự chú ý và đưa ra câu hỏi từ những gia đình có sử dụng thuốc này. Tự tử đựơc xem như là nguyên nhân đứng hàng thứ ba gây tử vong trong số thanh thiếu niên, nhiều chuyên gia khuyến cáo xem lại khả năng tiềm tàng của thuốc CTC, đặc biệt là SSRIs, có thể làm gia tăng ý nghĩ và hành vi tự tử không. Ước tính khoảng 500.000 thanh thiếu niên sẽ mưu toan tự tử và hơn 2000 trẻ tự tử thành công; trong đó ½ của 2000 trẻ đã bị trầm cảm [5]. Ý nghĩ tự tử là một phần chính yếu của bệnh trầm cảm nhưng tỷ lệ tự tử cao hơn ở những người bắt đầu điều trị bằng thuốc CTC, đây có thể là “tác dụng phụ” của thuốc này không [6]. Tuy nhiên, nguy cơ không điều trị về sau không phải là yếu tố để tính nguy cơ gia tăng ý nghĩ tự tử hay hành vi tự tử trong giai đoạn cấp tính, khi thuốc CTC được chỉ định. Các nghiên cứu cần rõ ràng có hay không trường hợp tự tử hiện tại tăng hay giảm bằng việc kê toa ngắn hạn hay dài hạn.
Theo BS Andrew Nierenberg, Trợ lý Giáo sư tâm thần Trường Y khoa Harvard, và là BS tâm thần tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts tại Boston “một kiểu suy nghĩ tò mò, vì sự liên kết giữa thuốc CTC và tự tử là rất yếu”.
THUỐC CHỐNG TRẦM CẢM VÀ TRẦM CẢM Ở NGƯỜI TRẺ:
Hiện nay, FDA chỉ chấp nhận Fluoxetine điều trị trầm cảm nặng ở trẻ em và thanh thiếu niên. Cheung và cộng sự [4] đã đưa ra những tài liệu phù hợp về độ an toàn và hiệu quả của thuốc CTC trong việc kiểm soát trầm cảm ở người trẻ. Những báo cáo này nhấn mạnh nhu cầu nghiên cứu thêm đánh giá về độ an toàn và hiệu quả của những thuốc này. Tuy nhiên, chấp thuận một sự hiển nhiên, FDA yêu cầu các công ty dược làm một thử nghiệm (đáp ứng, không đáp ứng hay thất bại) trên hiệu quả của thuốc trong nhi khoa và thanh thiếu niên, trong khi cần 2 thử nghiệm đáp ứng để chứng minh chỉ định thuốc. 50% người lớn thử nghiệm thất bại, không giống như hầu hết các thuốc sẽ được nghiên cứu đầy đủ hay nhận chỉ định dùng thuốc trong trẻ em và thanh thiếu niên. Tài liệu y văn này được đánh giá qua nhiều nghiên cứu trước về SSRIs (Fluoxetine, Paroxetine, Sertraline, Cetalopram) và SNRIs (Venlafaxine, Nefazodone và Mirtazapine)
Fluoxetine
Trong ba nghiên cứu, nghiên cứu qui mô lớn, mù – đôi, kiểm chứng placebo dùng thuốc CTC Fluoxetine [4]. Nghiên cứu đầu tiên do Emslie và cộng sự, thu nhận 96 bệnh nhân ngoại trú trầm cảm nặng, 7 – 17 tuổi. Bệnh nhân được nhận ngẫu nhiên Fluoxetine 20mg/ngày hoặc placebo. Tỷ lệ đáp ứng dựa vào Thang cải thiện – đáp ứng chung lâm sàng (CGI-I-Clinical Global Impressions-Improvement) là 56% nhóm dùng Fluoxetine và 33% nhóm dùng placebo (p = 0.02).
Điểm số Thang lượng giá trầm cảm trẻ em (CDRS – Children’s Depression rating scale) cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm Fluoxetine và nhóm placebo trong tuần thứ 5 đến 8 với nhóm dùng Fluoxetine 38.4 ? 14.8 (p = 0.3) và 47.1 ? 17.0 (p < 0.008) nhóm placebo.
Trong nghiên cứu thứ 2 [4], có 219 bệnh nhân, 8 – 17 tuổi, nhận ngẫu nhiên Fluoxetine (10mg/ngày tuần thứ nhất, tăng lên 20mg/ngày trong 8 tuần) hoặc placebo. Tỷ lệ đáp ứng điều trị dựa theo Thang CGI-I là 53.3% nhóm Fluoxetine và 36.8% nhóm placebo (p = 0.028). Điểm số Thang CDRS – R (có sửa đổi) không có ý nghĩa, tuy nhiên điểm trung bình CDRS-R và điểm kết thúc cho biết sự giảm điểm số có ý nghĩa thống kê trong nhóm Fluoxetine (35.1 ? 13.5) so với nhóm placebo (40.2 ? 13.51).
Nghiên cứu điều trị thanh thiếu niên trầm cảm (TADS – Treatment for Adolescents with Depression Study) phân phối ngẫu nhiên 1 trong 4 nhóm như sau: dùng Fluoxetine đơn thuần, liệu pháp nhận thức hành vi đơn thuần (LPNTHV), Fluoxetine phối hợp với LPNTHV; hoặc placebo[5,7,8]. Tỷ lệ đáp ứng theo CGI-I như sau: Fluoxetine đơn thuần 60.6%; LPNTHV đơn thuần 43.2%; Fluoxetine phối hợp với LPNTHV 71.0% và placebo 34.8%. Những kết quả của nghiên cứu này sẽ được thảo luận chi tiết trong phần sau.
Paroxetine
Chỉ có 1 trong 3 nghiên cứu: quy mô lớn, mù đôi và kiểm chứng placebo dùng Paroxetine được công bố [4]. Nghiên cứu này thu nhận 275 thanh thiếu niên, 12 – 18 tuổi, trong 12 trung tâm ở Hoa Kỳ và Canada. Bệnh nhân nhận ngẫu nhiên Paroxetine 20mg/ngày (với tăng liều tối ưu đến 30 – 40mg/ngày sau tuần thứ 4); Imipramine 50mg/ngày (với tăng liều từ từ đến 250 – 300mg/ngày sau tuần thứ 4) hoặc placebo. Kết quả dựa trên thay đổi điểm số Thang trầm cảm Hamilton (HAM-D) kết luận rằng không có khác biệt có ý nghĩa thống kê trong 3 nhóm nghiên cứu. Điểm số CGI-I cho biết tỷ lệ đáp ứng tốt với Paroxetine (65.5% với Paroxetine; 52.1% với Imipramine; 48.3% với placebo; p = 0.02) và tỷ lệ hồi phục cao có ý nghĩa ở nhóm Paroxetine: 66% Paroxetine; 50% Imipramine và 46% placebo. 2 nghiên cứu khác tiếp nhận 275 thanh thiếu niên, 13 – 18 tuổi và 203 trẻ em và thanh thiếu niên 7 – 17 tuổi không cho thấy khác biệt có ý nghĩa giữa 2 nhóm Paroxetine và placebo.
Sertraline và Citalopram
Tương tự, nghiên cứu dùng Sertraline và Citalopram cũng không cho thấy lợi ích nào so với placebo [4]. Số liệu từ 2 nghiên cứu riêng biệt về Sertraline không mô tả hiệu quả Sertraline cao hơn placebo; tuy nhiên, số liệu góp (pooled data) từ cả 2 nghiên cứu cho rằng tỷ lệ đáp ứng với Sertraline (dựa vào thang CGI-I) khác biệt có ý nghĩa thống kê (63% so với 53% placebo). Ngoài ra, không có phương tiện đánh giá kết quả từng cá nhân từ Thang CDRS-R có ý nghĩa thống kê.
Một nghiên cứu đánh giá hiệu quả Citalopram ở 178 bệnh nhân từ 7 – 17 tuổi trầm cảm nặng được công bố đáp ứng rõ ràng so sánh với placebo; ở 1 số trường hợp đáp ứng sớm ở tuần thứ 1 và cải thiện tiếp tục qua nghiên cứu [4]. Tuy nhiên, Citalopram và placebo không khác biệt trên Thang CGI-I và mức độ nặng CGI (47% so với 45% và 4.4 so với 4.3; tương ứng).
SNRIs: Venlafaxine, Nefazodone, Mirtazapine
Số liệu về SNRIs bao gồm 2 nghiên cứu mù đôi, kiểm chứng placebo với Venlafaxine; 1 nghiên cứu mù đôi, kiểm chứng placebo với Nefazodone và 2 nghiên cứu đa trung tâm với Mirtazapine [4]. Những nghiên cứu về Venlafaxine thu nhận bệnh nhân từ 7 – 17 tuổi trầm cảm nặng; cả 2 nghiên cứu không kết luận khác biệt giữa Venlafaxine và placebo trên bất kỳ dụng cụ đo lường nào.
Nghiên cứu dùng Nefazodone thu nhận 195 thanh thiếu niên từ 12 – 17 tuổi trầm cảm nặng và kết luận rằng Nefazodone cải thiện có ý nghĩa thống kê so với placebo dựa trên tỷ lệ đáp ứng CGI-I (65% so với 46%, p = 0.055); CGI-I (2.3 so với 2.8; p = 0.012) và độ nặng CGI (-1.7 với -1.3, p = 0.022). Tuy nhiên, nghiên cứu này không sao chép và thử nghiệm không công bố thất bại với kết quả tương tự. Cuối cùng, số liệu hiện tại về Mirtazapine không mô tả khác biệt giữa Mirtazapine và placebo; tỷ lệ đáp ứng dựa vào CGI-I đối với nghiên cứu thứ nhất là 59.8% Mirtazapine so với 56.8% placebo (p = 0.75) và nghiên cứu thứ 2 là Mirtazapine 53.7% so với 41.5% placebo.
NGHIÊN CỨU ĐIỀU TRỊ THANH THIẾU NIÊN TRẦM CẢM (TADS – Treatment for Adolescents with Depression Study)
TADS được thiết kế trong sự nỗ lực tăng cường hiểu biết hiện nay về lựa chọn điều trị. Nghiên cứu quy mô lớn, ngẫu nhiên, có kiểm chứng, đa trung tâm này được bảo trợ từ Viện quốc gia sức khỏe tâm thần so sánh dùng Fluoxetine đơn thuần, LPNTHV đơn thuần; Fluoxetine phối hợp với LPNTHV và placebo để điều trị thanh thiếu niên trầm cảm. Nghiên cứu thu nhận 439 thanh thiếu niên (54.4% nữ) từ 12 – 17 tuổi được chẩn đoán đầu tiên trầm cảm nặng. Bệnh nhân nhận vào nghiên cứu có bệnh đi kèm bao gồm: rối loạn lo âu lan tỏa (15.3%); rối loạn giảm chú ý tăng động (ADHD: 13.7%), rối loạn chống đối (13.2%), ám ảnh sợ xã hội (10.7%) và loạn khí sắc (10.5%). Sử dụng đồng thời Methylphenidate hoặc hỗn hợp muối amphetamine đối với ADHD được cho phép. Nghiên cứu này bao gồm những người đánh giá độc lập là những người không biết chỉ định điều trị, với những dụng cụ đo lường đầu tiên là điểm số Thang CDRS-R và CGI-I. Điểm trung bình CDRS-R là 60.10 ? 10.39; liều trung bình Fluoxetine là 28.4 ? 8.6mg/ngày trong nhóm Fluoxetine và LPNTHV; 33.3 ? 10.8mg/ngày ở nhóm Fluoxetine đơn thuần; và 34.1 ? 9.5 mg/ngày ở nhóm dùng placebo; số buổi trung bình LPNTHV hoàn chỉnh là 11 ở 2 nhóm LPNTHV đơn thuần và nhóm Fluoxetine phối hợp LPNTHV. Trong 4 nhóm nghiên cứu, 351 bệnh nhân hoàn thành nghiên cứu (80%) trong thiết kế nhóm ở tuần thứ 12 và kết thúc nghiên cứu.
Việc phối hợp Fluoxetine và LPNTHV chứng minh tốt hơn rõ ràng so với placebo trên điểm số CDRS-R (p = 0.001), trong khi nhóm Fluoxetine đơn thuần và LPNTHV đơn thuần không có khác biệt. Nghiên cứu cũng kết luận rằng hiệu quả phối hợp Fluoxetine và LPNTHV cao hơn nhóm hoặc dùng Fluoxetine đơn thuần (p = 0.02) hoặc LPNTHV đơn thuần (p = 0.001). Những kết quả từ nhóm điều trị Fluoxetine đơn thuần hoặc LPNTHV đơn thuần mô tả rằng điều trị với Fluoxetine đơn thuần tốt hơn LPNTHV đơn thuần (p = 0.01); tuy nhiên nên chú ý rằng nhóm dùng Fluoxetine đơn thuần không khác biệt so với placebo. Những kết quả khác biệt nhẹ được tìm thấy khi phân tích dữ liệu được thực hiện tuần thứ 12 có trung bình điều chỉnh. Những số liệu này chỉ định rằng điều trị phối hợp Fluoxetine với LPNTHV (p = 0.001) và Fluoxetine đơn thuần (p = 0.002) cao hơn placebo, trong khi dùng LPNTHV đơn thuần (p = 0.97) thì không có khác biệt. Ngoài ra, sử dụng trung bình điều chỉnh tuần thứ 12, nhóm dùng Fluoxetine với LPNTHV cao hơn LPNTHV đơn thuần (p = 0.001) nhưng không có ý nghĩa với Fluoxetine đơn thuần (p = 0.11) trong khi dùng Fluoxetine đơn thuần cũng được chứng minh cao hơn LPNTHV đơn thuần (p = 0.003). Qua nghiên cứu, một số vấn đề bất lợi được báo cáo, bao gồm: hưng cảm / hưng cảm nhẹ, dễ bị kích thích / khí sắc trầm buồn, kích động / không yên, lo âu / hoảng loạn, xáo trộn giấc ngủ, mệt mỏi / buồn ngủ, run và hành vi bất thường. Những vấn đề này gặp cao nhất trong nhóm dùng thuốc: nhóm Fluoxetine với LPNTHV (15%), nhóm Fluoxetine đơn thuần (21%), LPNTHV đơn thuần (1%) và placebo (9.8%).
Kết quả nghiên cứu này mô tả tỷ lệ đáp ứng như định nghĩa điểm số thang CGI-I là 1 (rất tốt) hay 2 (tốt): 71% nhóm dùng Fluoxetine với LPNTHV; 60.6% dùng Fluoxetine đơn thuần; 43% LPNTHV đơn thuần và 35% placebo. Tỷ lệ đáp ứng 60.6% ở nhóm dùng Fluoxetine tương đương với nghiên cứu trước và hiệu quả đáp ứng điều trị. Tỷ lệ đáp ứng thấp với LPNTHV hơi phức tạp; các phương pháp sử dụng trong nghiên cứu này đã có hiệu quả trong nghiên cứu trước. Một sự giải thích cho tỷ lệ đáp ứng thấp có thể do mức độ nặng của bệnh và hiện diện của bệnh phối hợp. Tỷ lệ đáp ứng với placebo tương tự như những nghiên cứu trước. Tỷ lệ đáp ứng cao với Fluoxetine phối hợp với LPNTHV đang khuyến khích nhưng không được nghiên cứu trước đó. Những nghiên cứu trong tương lai và sao chép kết quả phải đạt độ tin cậy trong số liệu.
LIỆU PHÁP NHẬN THỨC HÀNH VI ĐỐI VỚI LO ÂU VÀ TRẦM CẢM
LPNTHV dựa vào những suy nghĩ và cảm xúc bên dưới hành vi. Để thay đổi hành vi, nhà trị liệu làm giảm những cảm xúc và suy nghĩ khó chịu có thể chi phối và/hoặc thay đổi hành vi. Báo cáo do Compton và cộng sự năm 2004 đánh giá về LPNTHV khi điều trị lo âu và trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên [9]. Báo cáo kết luận rằng trong dân số trẻ em và thanh thiếu niên, có 21 thử nghiệm có kiểm chứng ngẫu nhiên đánh giá LPNTHV điều trị lo âu và 12 thử nghiệm có kiểm chứng ngẫu nhiên điều trị trầm cảm. Đối với mục đích báo cáo này, chỉ có thử nghiệm xuất bản bằng tiếng Anh, các tạp chí tương đương từ năm 1990 đến 2002 tiếp nhận trẻ từ 8 – 18 tuổi và dùng 1 phương pháp kết quả cải thiện lâm sàng.
Với 21 nghiên cứu liên quan đến rối loạn lo âu, trong đó 19 thử nghiệm liên quan phỏng vấn lâm sàng bán cấu trúc (semi – structured); Thang phỏng vấn rối loạn lo âu, phiên bản trẻ em và cha mẹ (ADIS-C/P : Anxiety Disorders Interview Schedule, Child and Parents Versions) được sử dụng trong 13 nghiên cứu. 6 trong 12 tạp chí liên quan đến trầm cảm cũng sử dụng phỏng vấn bán cấu trúc, thường dùng Thang rối loạn khí sắc (SAD – Schedule for Affective Disorders) và tâm thần phân liệt cho trẻ đi học; còn lại 6 nghiên cứu trầm cảm thanh thiếu niên, không ghi nhận phương pháp nghiên cứu hoặc dựa vào tự báo cáo.
LPNTHV đối với rối loạn lo âu tập trung vào giáo dục trẻ em và cha mẹ làm thế nào khắc phục lo âu qua 1 số chiến lược điều trị khác nhau phụ thuộc vào tình trạng của trẻ. Những buổi trị liệu này bao gồm giải nhạy cảm hệ thống, thư giãn cơ, bộc lộ từ từ và trị liệu gia đình. Trái lại, khi trầm cảm làm giảm sự thích thú; kỹ năng giải quyết vấn đề nghèo nàn; và những tri giác, tư duy và quan điểm bản thân và tương lai bi quan, các buổi trị liệu thường xây dựng lại kỹ năng tổng quát, giáo dục và kỹ năng đối phó trầm cảm. Can thiệp gia đình trong điều trị trầm cảm trẻ em có thể hoặc không thể phụ thuộc vào mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ.
Bài này cũng đánh giá thiết kế theo dõi follow-up và những kết quả theo dõi trong quần thể lo âu và trầm cảm. Theo dõi trong nghiên cứu liên quan đến lo âu từ 1 tháng đến 6 năm đạt đựơc trong quá trình điều trị lâu dài. Trái lại, trong thử nghiệm trầm cảm, theo dõi ngắn hạn (1 đến 9 tháng) cho thấy điều trị duy trì, trong khi theo dõi lâu dài (9 tháng đến 2 năm) cho thấy tái phát hay tái diễn triệu chứng trầm cảm.
Một cách tổng quát, một số lớn bằng chứng ủng hộ sử dụng LPNTHV đối với lo âu và trầm cảm ở trẻ em. Một giới hạn ghi nhận trong báo cáo là thiếu nhận biết về bệnh phối hợp trong thiết kế nghiên cứu. Ngoài ra, các câu hỏi vẫn còn liên quan đến phối hợp LPNTHV và thuốc và có hay không cung cấp lợi ích phụ. Điều trị cần thanh lọc và cơ chế hoạt động giá trị, và hiệu quả lâu dài của LPNTHV và sử dụng các buổi trị liệu “tăng cường – booster” để điều trị hiệu quả và thành công còn ít nên sẽ làm tiếp trong nghiên cứu về sau.
TÓM LẠI
Nhiều nghiên cứu cần mở rộng kiến thức điều trị phù hợp trầm cảm và lo âu trẻ em ngày nay. Các tài liệu ủng hộ hiệu quả của LPNTHV trong trẻ em và thanh thiếu niên; tuy nhiên, những buổi trị liệu hàng tuần và sẵn sàng điều trị có thể hiện diện 1 rào cản đối với nhiều bệnh nhân. Thuốc chống trầm cảm, qua khảo sát kỹ lưỡng có ảnh hưởng lớn trong cuộc sống của nhiều trẻ và gia đình chúng. Từ bối cảnh lâm sàng, một nhu cầu xem xét lợi ích điều trị tiềm tàng so với nguy cơ không điều trị dựa trên từng trường hợp một. Thuốc chống trầm cảm nên kê toa phù hợp, đặc biệt khi bắt đầu dùng thuốc lần đầu tiên. Đối với nhiều họ thuốc, thuốc CTC thế hệ mới nhất, đặc biệt là SSRI và SNRI đựơc chứng minh hiệu quả khi không có ý kiến nào khác phù hợp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lyon DE, Morgan-Judge T. Childhood depressive disorders. J Sch Nurs. 2000;16:26-31. Abstract
2. Chavira DA, Stein MB, Bailey K, Stein MT. Comorbidity of generalized social anxiety disorder and depression in a pediatric primary care sample. J Affect Disord. 2004;80:163-171. Abstract
3. Henin A, Biederman J, Mick E, et al. Psychopathology in the offspring of parents with bipolar disorder: a controlled study. Biol Psychiatry. 2005 Aug 19; [Epub ahead of print].
4. Cheung AH, Emslie GJ, Mayes TL. A review of the efficacy and safety of antidepressants in youth depression. J Child Psychol Psychiatry. 2005;46:735-754. Abstract
5. March J, Silva S, Petrycki S, et al; Treatment for Adolescents With Depression Study (TADS) Team. Fluoxetine, cognitive-behavioral therapy, and their combination for adolescents with depression. Treatment for Adolescents With Depression Study (TADS) randomized controlled trial. JAMA. 2004;292:807-820. Abstract 6. Khan A, Khan S, Kolts R, Brown WA. Suicide rates in clinical trials of SSRIs, other antidepressants, and placebo: analysis of FDA reports. Am J Psychiatry. 2003;160:790-792. Abstract
7. The Treatment for Adolescents With Depression Study (TADS) Team. The Treatment for Adolescents With Depression Study (TADS): demographic and clinical characteristics. J Am Acad Child Adolesc Psychiatry. 2005;44:28-40. Abstract
8. March JS. Treatment for Adolescents with Depression Study (TADS). Program and Abstracts of the American Psychiatric Association 158th Annual Meeting; May 21-26, 2005; Atlanta, Georgia. Symposium No. 9B.
9. Compton SN, March JS, Brent D, Albano AM, Weersing R, Curry J. Cognitive-behavioral psychotherapy for anxiety and depressive disorders in children and adolescents: an evidence-based medicine review. J Am Acad Child Adolesc Psychiatry. 2004;43:930-959. Abstract
Lược dịch: BS. Nguyễn Nguyên Thục Minh
Depression and anxiety in children and adolescents,
Jerrold F Rosenbaum, MD; Jennifer M. Covino, MPA
Medscape Psychratry & Mental Health, 2005; 8 (2).
Ngày đăng báo : 25/10/2005.