Những người bị trầm cảm, stress hoặc trong tình trạng bất mãn, không hài lòng với cuộc sống hiện tại có nguy cơ đột quỵ hoặc tử vong vi đột quỵ cao.
Đây là kết quả một nghiên cứu của Ts Susan Everson-Rose GĐ Chương trình nghiên cứu y tế mất bình đẳng Trường ĐH Minesota bang Minneapolis. Kết quả cho thấy những người phải đối mặt với đau khổ trong cuộc sống có nguy cơ bị tai biến đột quỵ cao một cách rõ rệt và nguy cơ tử vong do tai biến đột quỵ cao gấp 3 lần so với người ít đau buồn, ít stress hơn. Kết luận chắc chắn trên cho thấy tác hại của tình trạng sống trong căng thẳng đau buồn đối với người có nguy cơ bị bệnh tim mạch. Nghiên cứu này đăng trên Tạp chí đột quỵ ngày 13/ 12/2012.
Với thiết kế đoàn hệ tiến cứu và dựa trên số liệu của Dự án sức khỏe Người cao tuổi Chicago (Chicago Health and Aging Project = CHAP) các tác giả tiến hành nghiên cứu ở người cao tuổi có bệnh mạn tính tại 3 địa phương gần nhau có cùng hoàn hoàn cảnh kinh tế xã hội. Các tác giả thu thập thông tin về tiền sử bệnh tật, hiểu biết về sức khỏe, tình trạng kinh tế xã hội, lối sống hành vi và các đặc trưng tâm lý xã hội được nhắc lại trong bản phỏng vấn 3 năm 1 lần.
Trong tiến trình nghiên cứu, lần phỏng vấn thứ 2 (1997 – 1999) đánh giá rộng hơn về các đặc trưng tâm lý xã hội làm nền tảng cho các phân tích hiện tại ở 4120 phụ nữ (đa số là người da màu), trung bình 77 tuổi. Hầu hết đều học 12/12 và mắc 01 bệnh mạn tính, 13,1% có tiền sử đột quỵ. Đối với những bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ, các tác giả lấy số liệu từ Trung tâm dịch vụ chăm sóc Y khoa Claims (2649 bệnh nhân được phân tích số liệu). Số liệu tử vong (vì đột quỵ) từ Cơ quan theo dõi chỉ số tử vong quốc gia ( National Death Index).
Để đánh giá những khó khăn tâm lý xã hội trong cuộc sống, các tác giả chia làm 4 mức độ:
1. Có các triệu chứng trầm cảm;
2. Có các biểu hiện stress;
3. Có biểu hiện lo âu, cáu kỉnh và có nét tính cách dễ gây gổ;
4. Có biểu hiện không hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Chỉ số đánh giá được càng cao càng thể hiện mức độ khó khăn tâm lý xã hội người bệnh phải đương đầu hàng ngày càng cao.
Các yếu tố tâm lý xã hội và hành vi cư xử có thể có vai trò quan trọng trong sự gia tăng nguy cơ bị tai biến đột quỵ. Những người có nhiều khó khăn, đau khổ trong cuộc sống hàng ngày có thể ít khuynh hướng và khả năng tuân theo các khuyến cáo điều trị của bác sĩ hoặc ít duy trì lối sống khỏe mạnh.
Hầu hết những người tham gia nghiên cứu này đều ít vận động cơ thể và có tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch và tiểu đường khá cao. Qua đó cho thấy chi phí chữa trị sẽ cao hơn và do đó dẫn đến khả năng phải thách thức khi duy trì lối sống khỏe mạnh. Tuy nhiên, việc kiểm soát các yếu tố này ít hiệu quả về mối liên hệ giữa những khó khăn tâm lý xã hội và tỷ lệ tử vong do đột quỵ, do tai biến mạch máu não.
Nguyên nhân dẫn tới nguy cơ tai biến đột quỵ cao liên quan tới tình trạng khó khăn, đau khổ tâm lý xã hội chưa được hiểu một cách đầy đủ. Cơ chế có thể do rối loạn điều chỉnh hệ hạ đồi-tuyến yên- thượng thận vốn đã có liên quan trong stress là tăng hoạt động catecholamine, rối loạn chức năng tế bào nội mô, hoạt hóa tiểu cầu và tình trạng đông máu mức độ cao.
Tác động của nội tiết thần kinh, tình trạng stress nặng và cảm xúc tiêu cực có thể góp phần làm tăng nguy cơ tai biến đột quỵ. Tuy nhiên các yếu tố trên có thể nguy hiểm hơn đối với tình trạng đột quỵ do thiếu máu hơn là đột quỵ do xuất huyết. Trong nghiên cứu này các tác giả phát hiện ra nhiều yếu tố ảnh hưởng nhiều hơn ở bệnh nhân đột quỵ do xuất huyết.
Do thiếu số liệu kết quả sinh học về nội tiết thần kinh và stress nên mối liên quan giữa khó khăn đau khổ tâm lý xã hội và nguy cơ bị tai biến đột quỵ chưa sáng tỏ hẳn. Chưa có thông tin số liệu về hình ảnh các thể loại tai biến đột quỵ cũng như chưa đánh giá mức độ thay đổi của tình trạng khó khăn tâm lý xã hội ảnh hưởng thế nào đến tai biến đột quỵ là những hạn chế của nghiên cứu này cần được nghiên cứu thêm.
Thực tế, số bệnh nhân trầm cảm hoặc đang trong tình trạng chấn thương tâm lý nặng tử vong nguyên nhân do tai biến đột quỵ không phải là hiếm. Tại Tp Hồ Chí Minh chưa thấy công bố nghiên cứu nào về vấn đề này, nhưng chúng ta không thể loại trừ mối liên quan giữa stress, trầm cảm ở những người tuổi trung niên hoặc sau trung niên và các trường hợp cấp cứu do tai biến đột quỵ, kể cả cac trường hợp tử vong đột ngột.
Bs CK II Phạm Văn Trụ BV Tâm thần Tp Hồ Chí Minh.
Theo Pauline Anderson. Depression, other psychosocial distresses linked to stroke. Medscape Medical News. Neurology. December 13, 2012.