TRẦM CẢM: CĂN BỆNH KHỦNG HOẢNG TOÀN CẦU

3255

Nhân ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới năm 2012
TRẦM CẢM: căn bệnh khủng hoảng toàn cầu

Vài nét khái quát

Ngày 10/10/2012 chúng ta kỷ niệm 20 năm ( 1992 – 2012 ) Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới ( World Mental Health Day ). Ngay từ khi Richard Hunter sáng lập sự kiện này với ước mong làm sao mọi người nhận thức ra rằng sức khỏe tâm thần là một phần hòa nhập trong tổng thể sức khỏe con người và nhiệm vụ của Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần Thế giới ( World Federation for Mental Health ) là tìm sự bình đẳng cho chuyên ngành tâm thần với các chuyên ngành y khoa khác.

Năm 2009 chủ đề của Ngày Tâm thần Thế giới là hòa hợp giữa điều trị và các cơ sở chuyên khoa tâm thần trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, với mục đích hoàn thiện chức năng của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu trong công tác phát hiện và điều trị các bệnh tâm thần.

Năm 2010, Ngày Tâm thần thế giới lấy chủ đề Sức khỏe Tâm thần và các bệnh lý cơ thể mạn tính, kêu gọi các bác sĩ quan tâm đến bệnh tim mạch và trầm cảm, bệnh đái tháo đường và trầm cảm, ung thư và các bệnh tâm thần, bệnh hô hấp, bệnh béo phì và bệnh trầm cảm, với nội dung chủ yếu là sự cần thiết phối hợp trong chăm sóc điều trị bởi đây là 60 % nguyên nhân bệnh nhân tử vong trên toàn thế giới.

Năm 2011 Ngày Tâm thần Thế giới kêu gọi thúc đẩy đầu tư cho ngành tâm thần, từ nhận định sức khỏe tâm thần là yếu tố cần thiết của năng suất kinh tế và của cuộc sống hạnh phúc. Các lý do được đưa ra như sau:

• Gánh nặng chữa trị rất lớn và chi phí cho xã hội khổng lồ.
• Sức khỏe tâm thần là cần thiết cho sự phát triển kinh tế.
• Một số can thiệp bảo vệ sức khỏe tâm thần thực hiện được với giá tiền rẻ nhất nhưng rất hiệu quả.
• Không can thiệp bảo vệ sức khỏe tâm thần thì chi phí chăm sóc và điều trị sẽ tăng cao.
• Nếu không hành động vì sức khỏe tâm thần sẽ phát sinh thêm chí phí hiện tại và tương lai.

Trong 3 năm qua, chủ đề của Ngày tâm thần thế giới cho chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của công tác chăm sóc và bảo vệ người bị mắc bệnh tâm thần ngày càng cụ thể và thiết thực hơn. Đó là nhận thức rõ hơn về vai trò chuyên ngành tâm thần trong y khoa, trong đời sống kinh tế xã hội.

Năm 2012, với chủ đề “ Trầm cảm, căn bệnh quan tâm của công chúng toàn cầu” tới mức tạo ra khủng hoảng “ Depression: a global crisis”. Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO ) đánh giá hiện nay có tới 350 triệu người bị trầm cảm, và cứ 20 người có 1 người đã từng bị một giai đoạn trầm cảm trong năm trước. Các rối loạn trầm cảm thường xảy ra khi tuổi đời còn trẻ, làm giảm khả năng lao động và thường tái phát.

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến với tình trạng giảm khí sắc, mất hứng thú, giảm năng lực ý chí, cảm giác có tội lỗi hay tự đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống và khả năng tập trung suy nghĩ làm việc kém. Hơn nữa, trầm cảm thường có triệu chứng lo âu và các biểu hiện trầm cảm thường trở nên mạn tính , tái diễn dẫn tới suy giảm đáng kể khả năng tự chăm sóc. Người bệnh trầm cảm có thể dẫn tới tự tử, thế giới có tới gần 3000 người tự tử hàng năm.

Cảnh báo
Trầm cảm có thể nguy hiểm đối với người khác dù không góp phần vào sự kỳ thị ( stigma ) và xa lánh xã hội như bệnh tâm thần phân liệt ( và cả bệnh động kinh ) nhưng lại mang dấu hiệu nguy hiểm khác, đó là suy nghĩ về cái chết , là ý tưởng tự tử. Ví dụ rõ ràng nhất là giết người rồi tự tử ( homicide – suicide ) và đây là một vấn đề khó khăn trên toàn thế giới:

• Giết trẻ sơ sinh sau sanh ( infanticide; trầm cảm loạn thần sau sanh)
• Cha mẹ giết con ( filicide; trầm cảm ở nữ giới)
• Thanh thiếu niên giết cha mẹ ( parricide; tình trạng cảm giác lo âu trầm cảm khó chịu )
• Giết người cao tuổi ( domestic suicide, homicide – suicide; các rối loạn tâm thần )
• Giết người hàng loạt ( mass murder; hướng chẩn đoán trầm cảm ).

Các rối loạn trầm cảm chắc chắn có thể chẩn đoán và điều trị được trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Theo WHO mhGAP Intervention Guide, chữa trị dựa trên nền tảng hỗ trợ tâm lý xã hội cơ bản với thuốc chống trầm cảm và các phương pháp tâm lý trị liệu như hàng vi nhận thức trị liệu, trị liệu nhóm bệnh nhân hoặc phương pháp nêu khó khăn và nêu các phương cách giải quyết khó khăn.

Giúp người trầm cảm

Bạn bè và người thân trong gia đình là đường dây nối kết và là yếu tố quan trọng trong chữa trị thành công bệnh trầm cảm:

• Mọi giúp đỡ phụ thuộc mức độ nặng nhẹ của bệnh: nói và lắng nghe
• Hiểu biết về trầm cảm: hiểu triệu chứng, quá trình diễn tiến và trị liệu trầm cảm
• Hỗ trợ điều trị: duy trì kế hoạch chữa trị
• Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo tự tử: đánh giá nghiêm chỉnh về tự tử, ngay từ khi phát hiện bệnh nhân có ý nghĩ muốn chết
• Giúp đỡ hàng ngày trong cuộc sống
• Hỗ trợ duy trì thường xuyên các họat động trước kia của người trầm cảm.

Điều trị trầm cảm

• Trước hết là chẩn đoán sớm và đúng. Vấn đề này phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ điều trị, ngoài kiến thức chuyên khoa còn cần hiểu biết về tập tục, hành vi, tâm tính, hay nói cách khác là đặc điểm văn hóa của người bệnh ở từng công đồng dân cư khác nhau.
• Các triệu chứng trầm cảm và triệu chứng lo âu thường « chồng lấp » lên nhau, nên có bệnh nhân muốn khai bệnh nặng thêm, ngược lại có bệnh nhân muốn khai các triệu chứng ở mức độ nhẹ hơn. Do vậy bệnh nhân trầm cảm phải thăm khám nhiều lần.
• Lựa chọn thuốc chống trầm cảm ( CTC ) hợp lý nhất và chỉ nên phối hợp khi thật sự cần thiết để tránh tác dụng không mong muốn. Tại Tp Hồ Chí Minh chúng ta có hầu như đủ các loại thuốc CTC được chấp thuận lưu hành tại các nước tiên tiến.
• Nâng đỡ tâm lý và theo dõi và tuân thủ điều trị ( uống thuốc đúng theo toa ) tốt, hiệu quả điều trị sẽ cao.

Hiện trạng 
Chí phí chữa trị trầm cảm ở nữ cao hơn nam 50 %, là gánh nặng ngân sách ở cả các nước có mức thu nhập cao, thấp và trung bình. Trầm cảm được nhận định như một cơn khủng hoảng kinh tế. Có một số chứng cứ gia tăng khủng hoảng kinh tế ở Hoa Kỳ, các nước Châu Á và các nước thuộc Liên bang Xô viết cũ gắn liền với một số bệnh lý tâm thần ( Araya và cộng sự 2033b), đặc biệt trong đó có trầm cảm ( Butterworth và cộng sự 2009 ) và với tự tử ( Lee và cộng sự 2010 ).

Để phát hiện chẩn đoán đúng không bỏ sót các rối loạn trầm cảm xảy ra trong thời khủng hoảng kinh tế chúng ta cần nắm vững các cách thức biểu hiện triệu chứng trầm cảm và sự dễ thay đổi của nó. Do đó chúng ta có chẩn đoán trầm cảm điển hình và trầm cảm không điển hình.

Trong trường hợp này, khủng hoảng kinh tế ( đặc biệt là không công ăn việc làm ) tác động xô đẩy gây nên trầm cảm, và hậu quả nặng nề hơn đối với trầm cảm kéo dài trong giai đoạn gian khổ, thử thách gay go về kinh tế.

Khủng hoảng kinh tế kéo theo giảm thu nhập, mất việc làm với tương lai không chắc chắn, đồng thời là cắt giảm quỹ dành cho các dịch vụ công (trong đó có quỹ dành cho lĩnh vực sức khỏe tâm thần ). Trong tình trạng thu nhập thấp và đặc biệt đối với dân cư sống dưới mức nghèo khổ bị stress nhiều nhất ( WHO 2009 ), cha mẹ bị ảnh hưởng và thiếu hụt tài chánh tác động tới sức khỏe tâm thần trẻ em ( Solantaus và cộng sự 2004, Anagnostopoulos & Soumaki 2012 ) có thể dẫn đến suy sụt phát triển khả năng nhận thức, cảm xúc và phát triển cơ thể ( Marmot 2009 ).

Mất việc làm, bần cùng hóa và đổ vỡ gia đình có khả năng tạo ra hoặc thúc đẩy các bệnh tâm thần xảy ra, trong đó có trầm cảm, tự tử và nghiện rượu. Mất việc làm tác động rất rõ ràng tới tự tử ( Stuckler và cộng sự 2009, Economou và cộng sự 2005 ). Theo Stuckler và cộng sự ( 2009 ), tỷ lệ mất việc làm 1 % thì kèm theo gia tăng tự tử 0,79 % ở người dưới 65 tuổi, đặc biệt nam giới xúc phạm dẫn đến chết vì tự tử ( Berk và cộng sự 2006 ).

Nợ nần hình như là yếu tố chủ yếu gây tình trạng tâm lý căng thẳng, hình thành các rối loạn tâm thần đối với những người nhạy cảm, dễ dẫn tới phản ứng trầm cảm, và từ đây có thể thúc đẩy hoặc tăng cảm giác tội lỗi tồn tại trước đó. Theo Chang và cộng sự ( 2009 ), các chứng cứ nghiên cứu từ HongKong, Korea và các nước Đông Nam Á khác cho thấy những mất mát trầm trọng về tài chánh liên quan khủng hoảng kinh tế ở Châu Á, đặc biệt là mất việc làm dẫn tới gia tăng tự tử. Tương tự, ở Trung Quốc, hậu quả thay đổi xã hội đã dẫn đến nhiếu tổn thất lớn, trong đó mất thu nhập đã tạo ra hoặc thúc đẩy người dân bị trầm cảm và tự tử ( Philip và cộng sự 1999 ).

Giotakos và cộng sự ( 2011 ) nghiên cứu mối liên quan giữa 2 chỉ số kinh tế ( mất việc làm và thu nhập trung bình ) với các biến số của sức khỏe tâm thần cho thấy tỷ lệ mất việc làm tăng với số trường hợp giết người, và rõ ràng hơn là tình trạng thu nhập trung bình giảm với tỷ lệ tự tử.

Trong nghiên cứu của mình Kentikelenis và cộng sự ( 2011 ) cho biết ngân sách các bệnh viện công của Hy Lạp trong khủng hoảng bị cắt 40 %, và tỷ lệ giết người, trộm cắp tăng gấp đôi giữa năm 2007 và 2009, tỷ lệ tự tử tăng đáng kể, tỷ lệ tiêm chích heroin tăng 10 lần trong số những người sử dụng heroin giữa năm 2009 và 2010.

Tại BV Tâm thần Tp Hồ Chí Minh, số lượng bệnh nhân khám từ 01 năm nay vì các rối loạn tâm thần tăng đáng kể, 500 – 600 người / ngày ( so với trước kia, 200 – 300 người / ngày ), trong đó số bệnh nhân được chẩn đoán cơn trầm cảm nặng đến khám tăng dần theo hàng tháng (1514 lượt tháng 10/ 2011, 2307 lượt tháng 9 / 2012. Số lượng bệnh nhân tăng có thể do chính sách bảo hiểm y tế, nhưng cũng có thể do tác động bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu gia tăng và nhiều công ty xí nghiệp ngưng trệ sản xuất có thể góp phần vào sự gia tăng số lượng bệnh nhân khám. Chưa có cơ quan nào thống kê số người tự tử hay phạm tội như các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của bệnh trầm cảm nêu trên nhưng thông tin trên báo chí cho thấy nhiều trượng hợp có liên quan đến các rối loạn tâm thần.

Kết luận

Trầm cảm với các biểu hiện lâm sàng tự theo hướng tiêu cực của nó là một trong bệnh lý tâm thần nặng liên quan tới khủng hoảng kinh tế. Sàng lọc và phát hiện trầm cảm và khuynh hướng tự tử kéo dài trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế là một chiến lược phòng ngừa bệnh tâm thần. Nguy cơ kết hợp khả năng tự tử tiềm tàng và mất việc làm cao cho thấy việc tạo công ăn việc làm và các chương trình hỗ trợ bệnh nhân trầm cảm là rất cần thiết.

Phạm Văn Trụ Bs CK II PGĐ Bv TT Tp HCM.

Tài liệu tham khảo:
1 Depression: A global crisis. World Mental Health Day, October 10 2012. World Federation for Mental Health.
2.The great push: Investing in mental health. 2011 World Mental Health Day.
3.La santé mentale et les maladies physiques chroniques. Journée mondiale de la santé mentale 10 Octobre 2010. Féderation mondiale pour la santé mentale
4.mhGAP Intervention Guide for mental, neurological and substance use disorders in non-specialized health settings

Chia sẻ