RỐI LOẠN TRẦM CẢM SAU SANH Ở CÁC SẢN PHỤ TẠI BỆNH VIỆN TỪ DŨ

2849

ĐẶT VẤN ĐỀ :

Một trong những rối loạn tâm thần thường gặp sau sanh là trầm cảm. Trầm cảm sau sanh (TCSS) thường ít được chú ý chẩn đoán và nếu không được điều trị kịp thời và thích hợp thì nó có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến ngưòi mẹ và lên mối quan hệ giửa người mẹ với các thành viên khác trong gia đình đặc biệt là với đứa con mới sanh (ảnh hưởng lên sự phát triển về tâm lý và cảm xúc ở trẻ). TCSS đã được khảo sát tại nhiều nơi trên thế giới và tỷ lệ bệnh cũng rất biến đổi theo từng nghiên cứu. Tại Việt Nam hiện nay chỉ mới có 1 khảo sát nhỏ tại Bệnh Viện Hùng Vương về vấn đề này với kết quả là trầm cảm sau sanh chiếm tỷ lệ trên 40%.

Để nghiên cứu về Trầm cảm sau sanh cần sự phối hợp giữa Tâm Thần và Sản Phụ Khoa. Do đó mục đích của nghiên cứu này là tìm hiểu tỷ lệ bệnh trầm cảm sau sanh trên các phụ nữ đến sanh tại Bệnh Viện Từ Dũ là một trong những nơi có số bà mẹ đến sanh đông nhất tại Việt Nam cũng như khảo sát những yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh này để góp phần trong công tác phòng ngừa, bổ sung trong chương trình giáo dục tiền sản cho phụ nữ mang thai và xây dựng chiến lược điều trị thích hợp góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ phụ nữ tại Việt Nam.

MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU :

Khảo sát tỷ lệ rối loạn trầm cảm sau sanh và những yếu tố nguy cơ liên quan ở các phụ nữ  ngụ tại TP. HCM đến sanh tại Bệnh Viện Từ Dũ .

PHƯƠNG PHÁP: Phương pháp nghiên cứu :

Nghiên cứu cắt ngang

Phương pháp chọn mẫu :

Tiêu chuẩn chọn mẫu :

Tiêu chuẩn nhận vào nghiên cứu :

Những phụ nữ TP.HCM đã sanh tại BV Từ Dũ đến tái khám vào tuần thứ 4 sau ngày sanh và đồng ý trả lời phỏng vấn.

Tiêu chuẩn loại bệnh :

Các phụ nữ đến sanh tại BV Từ Dũ

Không cư ngụ tại TP.HCM.

Các phụ nữ không đồng ý tham gia

vào nghiên cứu.

Cỡ mẫu : 321 người

Tiến hành nghiên cứu :

Thời gian tiến hành nghiên cứu : Từ 20/6/2002 đến 20/12/2002

Phương pháp tiến hành thu thập dữ liệu :

Lập danh sách các phụ nữ sẽ đến khám lại vào tuần thứ 4 sau ngày sanh, sau đó chọn mẫu ngẫu nhiên. Tiếp xúc những phụ nữ đó, tiến hành phỏng vấn bằng bảng câu hỏi và đưa cho họ tự đánh giá bằng thang Trầm cảm sau sanh Edinburgh EPDS (hỏi về các triệu chứng xảy ra trong một tuần trước đó). Các phụ nữ có điểm số thang Edinburgh ³ 13 sẽ được bác sĩ tâm thần đánh giá tiếp qua thang trầm cảm Hamilton, đồng thời khám lâm sàng để chẩn đoán xác định rối loạn trầm cảm.

Chẩn đoán bệnh trầm cảm dựa theo tiêu chuẩn của DSM – IV.

Phương pháp nhập và xử lý dữ liệu :

Dữ liệu thu thập sẽ được nhập và xử lý bằng chương trình SPSS 9.0

KẾT QUẢ

ĐẶC ĐIỂM MẪU :

– Tuổi trung bình : 30,5 ± 5,12 ( 19 – 45). 95,7% sản phụ ở lứa tuổi từ 20 – 39

– Hơn 2/3 sản phụ có nghề nghiệp ổn định

– Trình độ học vấn của sản phụ khá cao, gần 2/3 học PTCS hay PTTH và 1/4 có trình độ đại học.

– Đa số sản phụ có hoàn cảnh kinh tế gia đình trung bình.

– Tỷ lệ sản phụ còn độc thân hay đã ly dị, ly thân rất thấp.

– Có 5,9% sản phụ sanh lần này do điều trị vô sinh

-16,2% sản phụ sanh thiếu tháng hay dư tháng.

– 93,5% sản phụ lần này sanh đứa con thứ nhất hay thứ hai.

ĐIỂM SỐ THANG EPDS VÀ TỶ LỆ TRẦM CẢM

– Tỷ lệ sản phụ có tổng điểm EPDS trên hay bằng 13 là 12,5%.
– Tỷ lệ sản phụ bị giai đoạn trầm cảm chủ yếu là 5,3% .

Theo tác giả Thalassinos M (30) (Pháp) nghiên cứu trên 211 sản phụ ở bệnh viện Louis Mourier thì 20% có vài triệu chứng trầm cảm nhưng chỉ có 6% là có hội chứng trầm cảm thật sự, như vậy tỷ lệ này cũng gần giống tỷ lệ 5,3% của chúng tôi. Tuy nhiên tỷ lệ sản phụ có tổng điểm thang EPDS ³ 13 trong mẫu chúng tôi là 12,5% thì thấp hơn so với tác giả Barnette (2) khi nghiên cứu trên cộng đồng Việt Nam tại Uc là 15% và tác già Như Ngọc ( 20)ở bệnh viện Hùng Vương là 40,9%. Cần nhớ rằng theo tác giả Cox ( 6)thì 92,3% sản phụ trên điểm ngưỡng thang EPDS có khả năng bị trầm cảm nhưng thang EPDS vẫn không thể thay thế được chẩn đoán xác định lâm sàng.

– 88,2% trường hợp trầm cảm ở mức độ vừa hay nặng.

– 41,2% trường hợp trầm cảm có ý nghĩ hay hành vi tự tử .

– >50% có hội chứng sầu uất ( melancolic features)kèm theo.

– Điểm trung bình thang HAM – D ở những bệnh nhân trầm cảm là 17,88 ± 4,92 ( 9 – 26)

LIÊN QUAN GIỮA TRẦM CẢM VỚI CÁC YẾU TỐ KHÁC

TRẦM CẢM – TIỀN SỬ CÓ TRIỆU CHỨNG TÂM THẦN.

30,4% sản phụ có tiền sử bị lo âu và/hay mất ngủ bị TCSS so với 3,4% ở nhóm sản phụ có tiền sử bình thường và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê ( P < 0,001).

Điều này cũng phù hợp với nhận xét của tác giả Glasser ( 9)( Israel)cho rằng tiền sử các vấn đề cảm xúc của sản phụ là một trong những yếu tố dự báo tốt nhất về sự xuất hiện TCSS. Rouillon ( 27)( Pháp)cũng nhận xét là có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa TCSS và các rối loạn tâm thần trước đó.

TRẦM CẢM – TIỀN SỬ CÓ BỆNH KHÁC.

12,5% sản phụ có tiền sử bị bệnh lý đa khoa ( thường gặp nhất là bệnh lý tai mũi họng rồi đến bệnh lý tuần hoàn, khối u …)bị TCSS so với 3,2% ở nhóm sản phụ có tiền sử bình thường và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê ( P < 0,01).

Theo Machado Ramirez F ( 18)  (Tây Ban Nha)thì TCSS có mối liên quan với tình trạng bệnh lý mãn tính của sản phụ (P = 0,0003).

TRẦM CẢM – RỐI LOẠN TÂM THẦN TRONG THAI KỲ.

13,9% sản phụ có rối loạn tâm thần trong thai kỳ bị TCSS so với 4,2% ở nhóm sản phụ có thai kỳ bình thường và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê ( P < 0,05).

Điều này cũng phù hợp với nhận xét của tác Glasser ( 9)( Israel), Da Costa D ( 7)(Canada)và Machado Ramirez F ( 18)(Tây Ban Nha)cho rằng triệu chứng trầm cảm trong thai kỳ là một trong những yếu tố dự báo tốt nhất về sự xuất hiện TCSS.

TRẦM CẢM – SỬ DỤNG RƯỢU, THUỐC LÁ TRONG THAI KỲ

28,6% sản phụ có sử dụng rượu và/hay thuốc lá trong thai kỳ bị TCSS so với 4,8% ở nhóm sản phụ không sử dụng và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê ( P < 0,05). Người phụ nữ Việt Nam thường không có thói quen sử dụng rượu, thuốc lá ( đặc biệt là trong thời gian thai kỳ)nên có thể là những đối tượng này đã có hoàn cảnh hay cuộc sống riêng nhiều sang chấn và thai kỳ chỉ là một yếu tố thúc đẩy sự xuất hiện một tình trạng trầm cảm tiềm ẩn trước đó.

TRẦM CẢM – SANH THƯÒNG, KHÓ,MỔ

18,2% sản phụ sanh khó bị TCSS so với 4,7% ở nhóm sản phụ sanh mổ và 2,4% ở nhóm sanh thường. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê ( P < 0,05). Như vậy ở nghiên cứu này yếu tố sanh khó có liên quan đáng kể với TCSS nhưng không có mối liên quan giữa sanh mổ và TCSS. Có thể là bản thân quá trình sanh khó là một sang chấn tâm lý nặng nề hơn sanh mổ vì diễn tiến thường kéo dài và sản phụ thường đau đớn nhiều hơn.

Về vấn đề mối liên quan giữa sanh mổ và TCSS thì trong y văn cũng có nhiều ý kiến mâu thuẫn nhau thí dụ như theo Hannah P ( 12) ( Anh)thì  sanh mổ có liên quan đến trầm cảm ở tuần thứ 6 sau sanh còn tác giả Như Ngọc ( 20) ( Việt Nam)thì không thấy có mối liên quan giữa sanh mổ và TCSS.

TRẦM CẢM – SỨC KHOẺ CON SAU SANH

,8% sản phụ có con sanh ra có vấn đề về sức khoẻ như phải nằm dưỡng nhi, bị bệnh hay tật bẩm sinh bị TCSS so với 3,6% trong nhóm sản phụ có con bình thường. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê ( P < 0,05).

Điều này cũng phù hợp với nhận xét của tác giả Glasser ( 9)( Israel)cho rằng các vấn đề sức khoẻ kéo dài ở đứa con là một trong những yếu tố dự báo tốt nhất về sự xuất hiện TCSS hay theo tác giả Mandl KD ( 19)( USA)thì mẹ dễ bị TCSS nếu trẻ sơ sinh có > 1 vấn đề phải khám đa khoa hay con phải nhập phòng cấp cứu dù chỉ 1 lần.

TRẦM CẢM – GẶP KHÓ KHĂN KHI CHO CON BÚ

17% sản phụ gặp khó khăn khi cho con bú bị TCSS so với 3,3% trong nhóm sản phụ cho con bú bình thường. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê ( P < 0,01).

Theo tác giả Thalassinos M ( 30)( Pháp)thì  nếu mẹ bị lo âu, trầm cảm trong thai kỳ hay bị chứng buồn thoáng qua sau sanh ít có khả năng cho con bú

TRẦM CẢM – TRẠNG THÁI TINH THẦN TRONG  LẦN SANH NÀY

Chỉ có 2,2% sản phụ cảm thấy “ rất vui “ trong lần sanh này bị TCSS so với 20% ở nhóm sản phụ cảm thấy “ vui nhưng có khó khăn “. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (P < 0,001). Riêng 1 trường hợp lần này có thai “ không mong đợi “ thì cũng bị trầm cảm mức độ nặng và có hành vi tự tử trong thai kỳ.

Điều này phù hợp với nhận định của tác giả Neter E ( 21)( USA)cho rằng những sản phụ cảm thấy hài lòng với lần sanh này thì sẽ ít bị trầm cảm hơn hoặc với tác giả Như Ngọc ( 20)( Việt Nam)cho rằng thai kỳ không mong đợi có liên quan có ý nghĩa thống kê với TCSS ( P < 0,001).

TRẦM CẢM – CẢM GIÁC BÉ LÀ GÁNH NẶNG

28,6% sản phụ cảm thấy “ bé là gánh nặng trong cuộc sống vợ chồng “ bị TCSS so với 4,2% trong nhóm sản phụ không có ý nghĩ này. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê ( P < 0,01).

TRẦM CẢM – CẢM GIÁC LO ÂU TRONG LẦN SANH NÀY

8,8% sản phụ cảm thấy lo âu trong lần sanh này bị TCSS so với 2,7% trong nhóm sản phụ không lo âu. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (P< 0,05). Cần chú ý rằng có tổng cộng 84,1% sản phụ cảm thấy rất vui trong lần sanh này nhưng chỉ có 57,3% là không cảm thấy lo âu, điều đó có nghĩa là dù cho đây là đứa con được mong đợi nhưng nếu sản phụ quá căng thẳng lo lắng thì cũng có thể làm tăng khả năng bị TCSS.

TRẦM CẢM – MỐI QUAN HỆ VỢ CHỒNG TRONG LẦN SANH NÀY

60% sản phụ có mối quan hệ với chồng “ xấu “ trong lần sanh này bị TCSS so với 4,5% trong nhóm sản phụ có mối quan hệ với chồng “ tốt và trung bình “. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (P < 001).

Điều này cũng phù hợp với nhận xét của tác giả Glasser ( 9)( Israel)và Johanson R ( 15) ( Anh) ( 23)cho rằng sự không hoà hợp trong hôn nhân ở sản phụ là một trong những yếu tố dự báo tốt nhất hay có liên quan chặt chẽ với sự xuất hiện TCSS.

TRẦM CẢM – BỆNH NHÂN TỰ CẢM THẤY NHẠY CẢM VỚI SANG CHẤN

10,9% sản phụ tự cảm thấy nhạy cảm với sang chấn bị TCSS so với 2,4% trong nhóm sản phụ bình thường. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (P< 001).

Điều này cũng phù hợp với nhận xét của tác giả Boyce P ( 4)( Úc) là những sản phụ rất nhạy cảm với những mối quan hệ cá nhân thường có nguy cơ cao bị TCSS.

TRẦM CẢM – SỰ GIÚP ĐỠ SẢN PHỤ TỪ MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH.

– TRONG VIỆC CHĂM SÓC BẢN THÂN SAU SANH

11,1% sản phụ phải tự chăm sóc bản thân bị TCSS so với 4,1% trong nhóm sản phụ có chồng hay người khác giúp. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (P < 0,05).

– TRONG VIỆC CHĂM SÓC BÉ VỀ ĐÊM.

10,5% sản phụ phải tự chăm sóc bé về đêm bị TCSS so với 3,7% trong nhóm sản phụ có chồng hay người khác giúp. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (P < 0,05).

Điều này cũng phù hợp với nhận xét của tác giả Boyce P ( 4)(Úc), Machado Ramirez F (18) (Tây Ban Nha) và Như Ngọc (20) ( Việt Nam)là sự  ít được giúp đỡ sẽ làm tăng nguy cơ bị TCSS ở sản phụ.

Cũng cần chú ý rằng trong số 321 sản phụ thì tỷ lệ tự chăm sóc bé ban ngày 8,7%  nhưng ban đêm lại lên đến 23,7%. Tỷ lệ các ông chồng giúp vợ chăm sóc bé giữa ban ngày và ban đêm không thay đổi nhiều ( 49,8% so với 44,2%)nhưng tỷ lệ những người thân khác giúp sản phụ thì giảm rõ rệt về ban đêm ( 41,4% so với 32,1%).

TRẦM CẢM – NHU CẦU TÂM SỰ SAU SANH

22,2% sản phụ không có ai để tâm sự bị TCSS so với 4,3% trong nhóm có chồng hay người khác để tâm sự. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (P< 005).

Điều này cũng phù hợp với nhận xét của tác giả Như Ngọc ( 20) Việt Nam là việc sản phụ có thể tâm sự với chồng sẽ làm giảm nguy cơ bị TCSS.

TRẦM CẢM – TIN TƯỞNG VÀO HẠNH PHÚC SAU SANH

28,6% sản phụ không tin tưởng và 33,3% sản phụ tin tưởng vào hạnh phúc sau sanh ở mức độ “ ít “  bị TCSS so với 1,6% trong nhóm tin tưởng vào hạnh phúc sau sanh ở mức độ “ nhiều “. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê ( P < 001).

KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu này chúng tôi thấy tỷ lệ sản phụ thật sự bị TCSS là 5,3% trong số 12,5% sản phụ có tổng điểm thang EPDS ³ 13. Tỷ lệ này là một con số đáng quan tâm nếu chúng ta biết rằng tỷ lệ bị rối loạn trầm cảm trong dân số chung ở TP.HCM (Nghiên cứu dịch tể một số bệnh tâm thần ở dân số chung tại TP.HCM  – 900 ca năm 1998 – 1999)là 4,3%. Hơn nữa đây là vấn đề cần phải phát hiện và can thiệp sớm nếu chúng ta chú ý đến chi tiết gần 90% bệnh nhân ở mức độ vừa hay nặng và 41,2% có ý nghĩ hay hành vi tự tử. > 50% bệnh nhân có hội chứng sầu uất kèm theo mà theo DSM – IV thì những bệnh nhân này thường có đáp ứng tốt với thuốc chống trầm cảm hay ECT nên đây cũng là một lý do khuyến khích chúng ta nên can thiệp sớm.

Chúng tôi cũng thấy cần phải làm thang EPDS để sàng lọc những trường hợp có khả năng bị TCSS ở những đối tượng có các yếu tố nguy cơ sau : tiền sử có rối loạn tâm thần hay có bệnh khác; có rối loạn tâm thần trong thai kỳ; có sử dụng rượu, thuốc lá trong thai kỳ; sanh khó; sức khoẻ con sau sanh có vấn đề hay có khó khăn trong việc cho con bú; cảm thấy không vui và/hay lo âu trong lần sanh này; cảm thấy bé là gánh nặng; mối quan hệ vợ chồng trong lần sanh này không tốt; sản phụ là người nhạy cảm với sang chấn; không có sự giúp đỡ từ mội trường xung quanh đối với việc chăm sóc bản thân và chăm sóc bé về đêm sau sanh; không có ai để tâm sự  và không tin tưởng vào hạnh phúc sau sanh.

Cuối cùng để giảm thiểu những lo lắng hay xung đột không đáng có trong giai đoạn thai kỳ và hậu sản chúng tôi đề nghị nên có một chương trình giáo dục tiền sản cho cả thai phụ và chồng nhằm mục đích cung cấp những kiến thức cơ bản về tình trạng sức khoẻ và những nhu cầu tâm lý của người mẹ trong giai đoạn thai kỳ, hậu sản và cách chăm sóc bé cho cả 2 vợ chồng nhằm tạo điều kiện cho người chồng có thể hổ trợ vợ mình một cách tốt nhất.

VI – TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ghi chú : Vì số trang dành cho mỗi bài có hạn nên chúng tôi đã lược bớt phần bảng biểu và danh mục tài liệu tham khảo. Quý đồng nghiệp nào có quan tâm đến những phần này xin liên hệ với BS. Lê Quốc Nam, Phòng KHTH, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM 192 Hàm Tử Quận 5 TP.HCM. Số điện thoại : 9234823.

 

Chia sẻ