I/ Vài vấn đề đặt ra hiện nay:
– Từ nhiều ngàn năm trước Công nguyên, loài người đã biết dùng rượu. Hyppocrate, Ông tổ ngành Y đã biết dùng rượu như là thuốc mê cho người bệnh cần phẫu thuật; cũng chính ông phát hiện bệnh loạn thần do gây ra uống rượu nhiều năm.
– Vấn đề đặt ra là sử dụng rượu như thế nào là hợp lý? Bởi lẽ rượu ngoài nhu cầu có thật trong một số bộ phận nhân dân ở nhiều nước, quốc gia; còn là nghi thức ngoại giao – lễ nghi của một số tôn giáo – tín ngưỡng; còn có lợi cho sức khỏe: giúp ăn ngon miệng, kích thích tiêu hóa, có lợi cho tim mạch (rượu vang) nếu biết dùng điều độ & đúng cách.
– Tuy nhiên cũng cần phải biết rượu và các vấn đề liên quan đến nó như sức khỏe và bệnh lý do nó gây ra; tác hại của rượu đến đời sống cá nhân & gia đình; vấn nạn của nó đến xã hội – liên quan đến pháp luật; sự tiêu tốn tiền của – thời gian; giảm năng suất học tập – lao động đã & đang là vấn đề lớn không những ở nước ta mà còn ở khắp hoàn cầu.
– Vài số liệu dịch tể để hiểu tác hại của rượu:
· Tỷ lệ nghiện rượu từ 1,16 – 3,96% dân số và còn có khuynh hướng tăng do tình trạng lạm dụng rượu. Năm 1990 loạn thần do rượu chỉ chiếm 0,31% giường bệnh đến năm 1994 tăng lên 6,99%, tăng gấp 22 lần *
· Tỷ lệ các bệnh nhân điều trị cấp cứu có những vấn đề liên quan đến ruợu chiếm số lượng nhiều: ngộ độc rượu, chấn thương, những bệnh lý do rượu gây ra như xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, bệnh lý thần kinh…, các cấp cứu tâm thần như sảng run, tự sát, giết người, đốt nhà…
· Rượu có liên quan đến ít nhất 50% tử vong do tai nạn giao thông và là yếu tố nguy cơ cao trong các loại chấn thương gây tử vong**.
· 67% các vụ tự tử có liên quan đến rượu, 33% vụ tự tử và nghiện rượu có chẩn đoán bệnh tâm thần***.
· 80% người nghiện rượu có triệu chứng trầm cảm và 3 tuần sau hội chứng cai 20% trong số họ có nhiều triệu chứng của một trầm cảm nặng mà bắt buộc phải điều trị****.
· 55% người nghiện ma tuý có liên quan đến sử dụng rượu*****.
II/ Một số khái niệm cần biết:
1/ Thế nào là nghiện rượu mãn tính?
– Luôn có cảm giác thèm muốn, thôi thúc uống rượu.
– Khi đã uống thì không thể kiểm tra được mức độ uống cũng như không thể ngừng uống giữa chừng
– Tăng dần khả năng dung nạp lượng rượu uống vào (tăng đô).
– Xuất hiện hội chứng cai khi ngưng uống hoặc thiếu rượu như là cồn cào, bất an, mệt mõi, buồn bã, cáu gắt, vã mồ hôi, run tay chân….
– Thay đổi dần tính tình, giảm ham thích các hoạt động, các công việc trước đây, mất dần các thói quen tốt; trở nên ích kỷ, tàn ác, nhỏ nhen, sống thiếu trách nhiệm với gia đình, con cái.
– Hiểu biết tác hại của rượu đối với sức khỏe, gia đình, xã hội nhưng vẫn giành phần lớn thời gian trong ngày cho việc uống rượu.
2/ Rượu có tác hại như thế nào?
2.1/ Đối với cơ thể:
Tất cả hệ thống cơ quan trong cơ thể đều bị ảnh hưởng. Nhất là nghiện rượu mãn tính được xem như tình trạng ngộ độc mãn với độc chất là rượu. Thường thấy là:
– Mất khả năng kiềm chế.
– Mất khả năng kiểm soát hoạt động cơ thể, đi đứng xiêu vẹo. Đây là 2 lý do phóng xe nhanh, chạy ẩu gây tai nạn cho chính người uống rượu và cho người khác.
– Giảm, mất cảm giác thèm ăn uống gây ra gầy ốm, suy dinh dưỡng, dễ nhiễm trùng, dễ mắc các bệnh cơ hội như lao phổi, SIDA…
– Viêm loét dạ dày, chảy máu bao tử, Viêm tụy ( lá mía).
– Thiếu vitamine ( sinh tố) nhất là B1do bị rượu phá hủy nên dễ viêm đa dây thần kinh, suy tim, bị tê phù.
– Uống quá nhiều rượu có thể gây ngộ độc, bất tỉnh hôn mê và có thể chết.
2.2/ Đối với tâm thần thì như thế nào?
Có thể thấy các trạng thái sau đây khi dùng rượu:
2.2.1/ Say rượu thông thường:
Giai đoạn 1: Trái với quan niệm phổ biến trong nhân dân, rượu không phải là chất kích thích mà là chất làm suy giảm hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Rượu làm mất kiểm soát vỏ não nên người uống cảm thấy khoan khoái, vui vẻ nói nhiều, quên các khó khăn trong cuộc sống. Nhưng đồng thời suy giảm khả năng phê phán đưa đến lời nói thiếu tế nhị suồng sả.
Giai đoạn 2 (say lảo đảo): người uống có dáng đi lảo đảo, nói lè nhè, cảm xúc hay thay đổi từ vui nhộn sang giận dữ, bực tức, toàn thân đầm đìa mồ hôi. Hay gây gổ đánh nhau là trong giai đoạn này
Giai đoạn 3 (hôn mê): người uống hôn mê sâu, hạ thân nhiệt, bất động mất cảm giác, thở khò khè có khi đưa đến tử vong.
2.2.2/ Say rượu bệnh lý:
Đây là một dạng bệnh loạn tâm thần cấp tính trong một thời gian ngắn. Đặc điểm của say rượu bệnh lý là người bệnh chỉ uống một lượng rượu rất nhỏ thì xuất hiện đột ngột các triệu chứng như không còn nhận biết mọi việc xung quanh, thấy hoặc nghe những cảnh vật, thú vật, tiếng nói đe doạ làm cho người bệnh trở nên giận dữ, tấn công người khác vô cớ, có khi giết nguời đốt nhà… Say rượu bệnh lý thường kéo dài hơn say rượu thông thường. Có khi say rượu cả ngày và sau khi tỉnh lại người bệnh không nhớ những gì đã xảy ra. Say rượu bệnh lý hay tái phát với những biểu hiện giống nhau.
2.2.3/ Hội chứng cai rượu:
Là biểu hiện của nghiện rượu mãn tính xuất hiện khi thiếu hoặc ngưng rượu. Người bệnh cảm thấy bồn chồn, bức rức, khó chịu, buồn bã, lo âu, sợ hãi vu vơ. Mất ngủ hoặc có ác mộng hãi hùng. Rối loạn nhịp tim: hồi hộp, đánh trống ngực, run tay chân, nặng hơn là co giật toàn thân. Đặc điểm nổi bật là các triệu chứng trên sẽ dịu hẳn đi hoặc biến mất rất nhanh chóng khi uống một lượng rượu nhỏ (thường thấy những người này sáng sớm hoặc cứ vài giờ buộc phải uống một ly rượu “xây chừng “).
2.4/ Biến đổi nhân cách, sa sút tâm thần:
Chứng nghiện rượu mãn tính thường dẫn đến thay đổi tính tình rỏ rệt: trở nên ích kỷ hung dữ ác độc, đánh đập hành hạ vợ con. Suy đồi đạo đức, quan hệ tình dục bừa bãi, thiếu bảo vệ, dễ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như giang mai, lậu mủ và hiện nay là SIDA nên dễ truyền bệnh cho người thân. Sống thiếu trách nhiệm với gia đình tiêu xài phung phí, thờ ơ với công việc, năng suất làm việc giảm sút hay vi phạm pháp luật.
2.2.5/ Cơn sảng run:
Là rối loạn tâm thần cấp tính & rất nặng nề trầm trọng xuất hiện ở người nghiện rượu mãn tính. Biểu hiện bằng hai triệu chứng chính được ghép thành tên “sảng run “:
– Sảng: đó là tình trạng lú lẫn, mê sảng, không còn nhận thức và môi trường xung quanh. Người bệnh có cảm giác như thấy những cảnh tượng ghê rợn như thú dữ tấn công, rắn rít cắn mình. Có cảm giác côn trùng đang bò trong, trên cơ thể mình. Hoặc như nghe những tiếng nói không có thực đe dọa giết mình. Chính vì tình trạng “sảng” nầy mà người bệnh có những hành vi cực kỳ nguy hiểm như tấn công người khác vô cớ, giết người, đốt nhà.
– Run: người bệnh kèm run tay chân, run toàn thân, run cả lưỡi. Có thể kèm theo đi đứng loạng choạng, đổ mồ hôi đầm đìa…. Bệnh thường nặng về đêm.
2.2.5/ Loạn thần Korsacov:
Người nghiện rượu lâu năm thường có biểu hiện hay quên, rối loạn trí nhớ nặng nề, có thể bịa chuyện để bù đắp lỗ hổng trí nhớ. Không nhớ những chuyện vừa xảy ra, có khi quên cả ngày tháng; thời gian, bản thân. Về sau sẽ đưa đến sa sút tâm thần, ngu đần chậm chạp.
2.2.6/ Một số rối loạn tâm thần khác có thể gặp:
Thường gặp ở người nghiện rượu mãn tính như hoang tưởng ghen tuông với vợ cực kì vô lý, đánh đập hành hạ vợ con, hoang tưởng bị theo dõi, bị đầu độc …., nghe những lời nói đe dọa trong tai (những suy nghĩ, cảm giác nầy là hoàn toàn không có thực mà do bệnh lý nghiện rượu mãn tính gây ra)
III/ Điều trị nghiện rượu mãn tính như thế nào ?
Đây là vấn đề rất phức tạp, cần thiết phải điều trị lâu dài, có sự hợp tác giữa người bệnh và thầy thuốc, với sự hỗ trợ của gia đình và xã hội. Việc điều trị ngoại trú là căn bản ở phòng khám tâm thần địa phương với đội ngũ chuyên khoa, đặc biệt là những nơi có bệnh viện ban ngày thì hiệu quả cao hơn nhiều ( hiện tại PKTT Q. 3, PKTT Q.11 có bệnh viện ban ngày). Giai đoạn nặng cấp tính có nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh cần thiết phải được cấp cứu tại bệnh viện có đầy đủ phương tiện với sự hổ trợ chuyên khoa tâm thần nếu có rối loạn tâm thần kèm theo. Mọi trường hợp cấp cứu tâm thần như có hành vi tự sát, hành vi nguy hiểm khác như giết người, đốt nhà buộc phải nhập bệnh viện chuyên khoa tâm thần để điều trị. Song song là việc điều chỉnh các rối loạn, các bệnh lý khác do chúng nghiện rượu gây ra.
Việc ngưng rượu hoàn toàn trong giai đoạn cấp tính là điều bắt buộc. Trong giai đoạn điều trị ngoại trú, việc bỏ rượu là cực kì khó khăn đòi hỏi nhiều nổ lực của cá nhân người nghiện rượu.Sự động viên, nâng đỡ, an ủi, tạo việc làm của gia đình & xã hội sẽ tạo điều kiện cho người nghiện rượu vượt qua chính mình tái hòa nhập cộng đồng. Việc lập các tổ chức, các hội, các nhóm giúp đỡ người nghiện rượu ( giống như nhóm đồng đẳng, hội bạn giúp bạn trong điều trị hậu cai nghiện ma tuý) là điều cần nhanh chóng thực hiện dưới sự hướng dẫn của TTSKTT.
IV/ Phòng ngừa nghiện rượu như thế nào?
Truyền thông rộng rãi trong nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng những tác hại của rượu đối với sức khỏe tâm thần cũng như thể chất. Đặc biệt rượu làm hủy hoại nhân cách người nghiện, tha hóa đạo đức, sa sút tâm thần, không còn khả năng làm việc, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Cần có quy chế quản lý, kiểm soát chặc chẽ trong việc sản xuất, bán mua và tiêu thụ các loại rượu, thức uống có rượu. Cần thiết ban hành đạo luật cấm trẻ em < 18 tuổi uống các thức uống có rượu.
Trưởng phòng Tổ chức Bệnh Viện Tâm Thần