Các loại thuốc chống loạn thần (cổ điển và thế hệ mới) dùng để chữa triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, kích động hành vi, gây hấn, v.v… Tuy nhiên, đối với bệnh nhân sa sút tâm thần lớn tuổi, các loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ tử vong sớm hơn là chúng ta tưởng.

Các thuốc chống loạn thần được kê toa khá rộng rãi nhằm điều trị triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, kích động hành vi gây hấn thường xảy ra khá nhiều ở người  sa sút tâm thần Alzheimer và do các nguyên nhân khác thường đến khám như bệnh Parkinson, di chứng chấn thương sọ não, v.v… Cần nhớ FDA Hoa Kỳ khuyến cáo khi dùng các loại thuốc trên có nguy cơ gây ra nhiều tác dụng phụ. Thực tế tỷ lệ bệnh nhân điều trị ngoại trú và nội trú tại một số trung tâm nuôi dưỡng người già bị té ngã khá cao trong thời gian điều trị các triệu chứng kể trên (bằng các thuốc chống loạn thần) gây ra hậu quả nặng nề và tốn kém. Chúng ta chưa có nhiều nghiên cứu về các hậu quả do tác dụng phụ của thuốc chống loạn thần ở đối tượng này.

Các tác dụng phụ của thuốc chống loạn thần dù thế hệ cũ hay mới đều dễ nhận biết, đặc biệt ở người lớn tuổi. Thường gặp là đi chậm, bước chân ngắn lại, nét mặt lờ đờ, các cơ ở mặt như không còn hoạt động phản ứng. Nói chậm, câu nói đúng nhưng ít từ, khả năng định hướng đi, giờ giấc không chuẩn, v.v… Các thuốc chống loạn thần còn ảnh hưởng xấu tới khả năng nhận thức, tới chuyển hóa đẩy nhanh tiến triển của bệnh Alzheimer (mau mất trí nhớ nhiều hơn), tiểu đường, trầm cảm,… Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp các bác sĩ phải sử dụng thuốc chống loạn thần để cải thiện các triệu chứng tâm thần xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi này. Đáng tiếc đây là một nghịch lý khó tránh khỏi. Một tác dụng phụ nữa, khó chịu và “khó sửa hơn” là tương tác của chính các loại thuốc chuyên khoa tâm thần và một số loại thuốc chuyên trị bệnh kèm theo dùng do người già khi nhiều bác sĩ điều trị cùng tham gia điều trị.

Theo Bs Chuyên khoa Tâm thần Donovan Maust, ĐH YK Michigan, Ann Arbor, trong nghiên cứu với gần 91,000 cựu binh Hoa Kỳ trên 65 tuổi cho biết số bệnh nhân dùng thuốc chống loạn thần có khuynh hướng tử vong sớm hơn và nguy cơ này tăng theo liều thuốc được dùng.

Tác giả cũng phát hiện bệnh nhân dùng thuốc điều chỉnh khí sắc valproic acid (biệt dược Depakene) có nguy cơ tương tự như dùng các thuốc chống loạn thần.

Nguy cơ tử vong sớm xảy ra cả ở bệnh nhân dùng thuốc chống trầm cảm so với dùng thuốc chống loạn thần và valproic acid, nhưng vẫn cao hơn ở những bệnh nhân không dùng loại thuốc nào nhằm điều trị các rối loạn hành vi ở bệnh nhân sa sút tâm thần.

Ngoài ra, FDA cho biết sử dụng các thuốc chống loạn thần còn làm tăng thêm nguy cơ một số bệnh tim mạch và tử vong sớm ở bệnh nhân sa sút tâm thần.

Tại Hoa Kỳ,14 % bệnh nhân điều trị ngoại trú được dùng các thuốc trên.

Nghiên cứu trên công bố trên Tạp chí JAMA Psychiatry số18 tháng 3/2015.

Số lượng bệnh nhân sa sút tâm thần chắc chắn ngày càng tăng theo tuổi thọ chung và đây là một trong những căn bệnh phức tạp; các triệu chứng kể trên xảy ra do thần kinh trung ương bị tổn hại đồng thời có thể có thêm yếu tố chăm sóc chuyên môn chưa đầy đủ. Khó tránh khỏi không dùng thuốc chống loạn thần. Và như vậy, vấn đề là bệnh nhân cần được thăm khám sớm khi bắt đầu quên những sự việc mới xảy ra và giảm khả năng tiến hành thực hiện một công việc nào, đó đồng thời hướng dẫn thân nhân cách thức theo dõi chăm sóc. Tất nhiên việc lựa chọn kê toa loại thuốc nào phù hợp cho từng người bệnh của bác sĩ chiếm vị trí quan trọng.

Bs Phạm Văn Trụ Bv TT Tp HCM.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Robert Preidt. Antipsychotics May Be Deadlier Than Thought for Dementia Patients. University of Michigan, news release, March 18, 2015. HealthDay.
2. Robert E. Hales, MD, MBA. Stuart C. Yudofsky, MD. Laura Weiss Robert, MD, MA. Textebook of Psychiatry. American Psychiatric Publishing. Sixth Edition 2015. Pag 816-18.