MỘT KỸ THUẬT ĐIỀU TRỊ TRẺ TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý (ADHD) MỚI

5304

Rối loạn tăng động giảm chú ý ( Attention-Deficit/Hyperactivity Disorder) là một trong những rối loạn phát triển  tâm thần – thần kinh ở trẻ em. Khám chẩn đoán ADHD không khó khăn, nhưng để điều trị rất cần sự quan tâm, kiên nhẫn của cha mẹ đồng thời với thuốc chuyên khoa thuộc nhóm kích thích hoạt động tâm thần (psychostimulant). Có nhiều biệt dược khác nhau như Concerta, Metadate ER, Methylin ER, Quillivant XR, Ritalin LA, Ritalin-SR. Tại Việt Nam, Concerta đã được lưu hành chính thức.

Tuy nhiên, mới đây, theo một công bố của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ ( US Food and Drug Administration ) cho biết đang đánh giá lại hiệu quả của Concerta (*).

Chỉ định sử dụng các loại thuốc kể trên không phải là cách trị liệu duy nhất  các hành vi không phù hợp hoặc không thích nghi của trẻ. Từ cuối những năm 1980,  tại Hoa Kỳ đã bắt đầu có những thử nghiệm tiến hành
đo điện não phản hồi sinh học thần kinh (EEG biofeedback) ở trẻ em ADHD, kết quả cải thiện các triệu chứng của số trẻ em này được đánh giá tương tự với dùng thuốc chuyên khoa. Đến những năm 1990, phương pháp phản hồi sinh học thần kinh được mở rộng áp dụng cho một số tình trạng bệnh lý tâm thần kinh khác dựa trên nguyên lý neuroplasticity.

Phương pháp phản hồi sinh học thần kinh ngày càng được nghiên cứu và áp dụng tại một số nước phát triển. Hội Áp dụng sinh lý thần kinh và phản hồi sinh học (Association for Applied Psychophysiology and Biofeedback = AAPB), Hội Nghiên cứu Phản hồi thần kinh Quốc tế (International Society for Neurofeedback and Research = ISNR), Tổ chức Phản hồi sinh học thần kinh Châu Âu (Biofeedback Foundation of  Europe = BFE) đã được thành lập và tài trợ các chương trình đào tạo, huấn luyện , nghiên cứu cho phương pháp trị liệu này.

Phản hồi thần kinh ( Neurofeedback ) là một kỹ thuật xác định số lượng và tập luyện cho não hoạt động thông qua phản hồi sinh học các sóng điện não. Thời gian mỗi buổi tập luyện từ 30 đến 60 phút, mỗi đợt từ 10 đến 20 buổi.  Điều trị bằng Neurofeedback là một lựa chọn thay thế an toàn, không xâm lấn trong điều trị ADHD ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tháng 11/2013, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã chấp thuận  biofeedback và neurofeedback là lựa chọn điều trị cấp độ 1 hoặc hỗ trợ tốt nhất cho trẻ ADHD.

Chẩn đoán ADHD được phân ra nhiều kiểu loại, nhưng thường gặp là nhóm  không chú ý hoặc không chú ý kết hợp với hiếu động quá mức.

Các biểu hiện của ADHD với hiếu động  quá mức gồm:
• Cảm thấy bồn chồn, bứt rứt, và/hoặc loay hoay tìm kiếm đồ vật “ trong tầmn tay – tầm mắt” để chơi, “để phá”.
• Nói năng thành từng cơn như xung động , đôi khi tự bật ra câu trả lời.
• Khó giữ kiên nhẫn và yên lặng
• Nói nhiều và di chuyển rất nhiều, liên tục chuyển động

Các biểu hiện thiếu chú ý bao gồm:
• Không có khả năng tập trung.
• Cẩu thả trong học tập và các nhiệm vụ khác.
• Rất dễ dàng bị sao nhãng.
• Mất hay quên những vật dụng quan trọng của mình.
• Thông thường không tất việc làm khi đã bắt đầu và nhảy từ hoạt động này sang hoạt động khác.

Cũng cần lưu ý rằng ADHD ở trẻ em cũng cần được chấn đoán phân biệt với nhiều bất thường tâm thần – thần kinh khác, hay gặp nhất là rối loạn học đặc biệt ( specific learning disorder), chậm phát triển trí tuệ (intuallectal development disorder), các rối loạn kiểu tự kỷ (autism spectrum disorder) và rối loạn phản ứng gắn bó (reactive attachment disorder), …  Có thể vì lý do này mà đã có nhiều phương pháp trị liệu được đưa ra tốn nhiều chi phí nhưng hiệu quả không rõ rệt.

Khi điều trị ADHD bằng thuốc không hiệu quả mong muốn, neurofeedback là một trị liệu chọn lựa. Neurofeedback huấn luyện trẻ em trở nên ý thức hơn về phản ứng sinh lý của chúng và làm thế nào để giành quyền kiểm soát của thùy trán của não – trung tâm để điều hành mọi hoạt động. Ghi điện não đồ neurofeedback là một kỹ thuật đặc biệt theo liệu pháp phản hồi sinh học, ghi chép các hoạt động điện trong các tế bào thần kinh sọ não.

Trẻ em bị ADHD có tỷ lệ EEG bất thường cao hơn so với trẻ em không ADHD, chẳng hạn như nhịp sóng theta cao hơn (buồn ngủ) , nhịp điệu động cảm giác thấp hơn (kiểm soát vận chuyển), và sóng beta thấp hơn (quá trình chú ý và trí nhớ). Neurofeedback cung cấp phân tích âm thanh và hình ảnh của các sóng não, và trẻ em học cách duy trì mức độ thích hợp cho hoạt động.

Trong một buổi trị liệu neurofeedback, cảm biến điện não đồ được đặt trên da đầu. Hoạt động sóng não cụ thể sau đó được phát hiện, khuếch đại và ghi nhận lại. Thông tin được phản hồi ngay lập tức lên màn hình cho các bác sĩ chuyên khoa và bệnh nhân. Các bác sĩ chuyên khoa thông báo cho bệnh nhân những gì họ đang quan sát và huấn luyện họ cách kiểm soát hoạt động của não để những hoạt động này đạt đến phạm vi mong muốn. Với sự giúp đỡ của một chương trình trò chơi video, trẻ em học cách duy trì hoạt động thấp của sóng delta và tăng sóng beta, hoặc các trò chơi sẽ ngừng. Quá trình này được xem như  “tập thể dục cho não” và làm tăng sự tập trung và chú ý của mình .

Các báo cáo nghiên cứu cho thấy não bộ của trẻ ADHD thiếu điều chỉnh từ khu vực phía trước, do đó phần giữa não được phép nhanh chóng phản ứng mà không có cách thức kiểm tra như một hệ thống .

Neurofeedback phục hồi sức mạnh của khu vực phía trước của não, và xây dựng một kết nối tốt hơn giữa phần giữa não và não trước, cho phép kiểm soát và phản ứng với sự tập trung, chú ý, với xung động  xung động và với phản ứng cảm xúc. Trẻ em xây dựng bộ nhớ để chúng có thể đạt được kết quả mong muốn trong các đợt điều trị và sử dụng nó sau đó để tạo ra kết quả lâu dài.

Methylphenidate  là một loại thuốc kích thích thần kinh thường được sử dụng để điều trị ADHD ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trẻ em thường được dùng methylphenidate  tăng dần từ liều đầu 18 mg mỗi ngày vào buổi sáng và cần được theo dõi quản lý thuốc chặt chẽ. Khi sử dụng methylphenidate cần tránh lưu ý không dùng phenobarbital, phenyltopin, promidone. Methylphenidate đã được Hãng dược Janssen Cilag cung cấp theo quy định quản lý dược, tại Bệnh viện Tâm thần Tp Hồ Chí Minh trẻ ADHD đã được điều trị ngoại trú bằng loại thuốc này, tuy nhiên giá thành khá cao.

Nhiều nghiên cứu cho thấy điều trị ADHD bằng các thuốc psychostimulant kể trên và bằng phương pháp neurofeedback  cho hiệu quả như nhau.

Bs Phạm Văn Trụ. Bv TT Tp Hồ Chí Minh.

(*)Potential Signals of Serious Risks/New Safety Information Identified by the FDA Adverse Event Reporting System (FAERS) between October – December 2013.
(*) More Drugs Added to FDA Watch List. News Alerts > Medscape Medical News. Robert Lowes. April 21, 2014

Tham khảo:
1.    Kristina Dename. Neurofeedback Therapy an Effective Non-Drug Treatment for ADHD. Psych Central.
2.    DSM Fifth Edition. DSM-5.  American Psychiatric Association. American Psychiatric Publishing. CBS Publishers & Distributors Pvt Ltd. 2013. Pg 59-66.