Kết quả bước đầu của một nghiên cứu cắt ngang (cross-sectional) trên 94,000 người ở 16 bang nước Mỹ của Trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh Hoa Kỳ (Centers Disease Control and Prevention =CDC) , báo cáo tại Viện các dịch vụ tâm thần của Hội tâm thần Hoa Kỳ năm 2011(American Psychiatric Association 2011 Institute on Psychiatric Servives= APA-IPS) cho biết mất ngủ thường xảy ra cùng lúc với các rối loạn lo âu và trầm cảm.
Ts Daniel Chapman, chuyên gia dịch tễ học tâm thần của CDC cho biết đây là nghiên cứu tự đánh giá chẩn đoán các rối loạn lo âu và trầm cảm về tần suất thiếu ngủ bằng điện thoại thực hiện năm 2008 nhằm đánh giá kỹ hơn về lý do tại sao người Mỹ ngủ không đủ. Trầm cảm luôn luôn đi đôi với rối loạn giấc ngủ nhưng nghiên cứu này chỉ ra rằng tần suất tự đánh giá lo âu tương đương tần suất trầm cảm ở người mất ngủ. Câu hỏi của nghiên cứu là thời gian không đủ nghỉ ngơi và ngủ không đủ là bao nhiêu ngày trong tháng trước. Nếu trả lời 14 ngày hoặc hơn được xếp loại không đủ thời gian ngủ.
39,4 % bệnh nhân không đủ thời gian ngủ đã được các bác sĩ chẩn đoán rối loạn lo âu và 37,9 % được chẩn đoán trầm cảm trước đó. Tần suất rối loạn lo âu cùng lúc với trầm cảm rất cao, trong số này 50,1 % đang bị mất ngủ. Ngoài ra thống kê của CDC còn các yếu tố khác như tuổi, giới tính, dân tộc, học vấn việc làm và tình trạng hôn nhân.
Ts Chapman lưu ý hạn chế của nghiên cứu này về cả chẩn đoán xác định rối loạn lo âu và tần suất mất ngủ theo cách bệnh nhân tự đánh giá. Tuy nhiên nghiên cứu này giúp cung cấp thêm hiểu biết tại sao người Mỹ thiếu ngủ. Ts Felicia K. Wong thuộc Viện Kaiser Permanante, Los Angeles California cho biết trầm cảm thường kèm mất ngủ nhiều hơn so với rối loạn lo âu nhưng nhiều bệnh nhân rối loạn lo âu than phiền không vào được giấc ngủ hay (không ru ngủ được).
Thực tế tại BV tâm thần Tp HCM, hầu hết bệnh nhân đến khám với lý do mất ngủ đau đầu đều than phiền trằn trọc về đêm, mệt mỏi không ru ngủ được, chỉ ngủ thiếp đi khi quá mệt. Người mất ngủ nhiều quá thường sợ đêm đến nhưng ban ngày cũng không ngủ trưa được là những nguyên nhân làm xuất hiện thêm nhiều cơn lo âu ngoài những cơn lo lắng vô cớ tự đến. Cứ như vậy, người bệnh tiếp tục ám ảnh sợ mất ngủ sau những ám ảnh gây nên tình trạng không ngủ được trước đó. Chịu đựng rồi thời gian trôi đi mà không hết mất ngủ lại kèm theo chán nản, giảm hứng thú làm việc, không còn nhiều thiết tha với cuộc sống, thua kém, … là các triệu chứng trầm cảm. Thiếu ngủ ban đêm, hoặc ngủ được một chút nhưng sáng dậy mệt mỏi không thấy khỏe trong người và mất cả giác ngủ trưa thì rối loạn lo âu hoặc trầm cảm đã xảy ra rồi. Các kiểu mất ngủ này hay gặp ở phụ nữ tuổi trung niên và thường kèm đau đầu, cảm giác nặng đầu, suy nghĩ gì cũng không tới,…. Nếu hiểu biết các đặc trưng tâm sinh lý và thói quen sinh hoạt (văn hóa ), thăm khám hỏi bệnh kỹ hơn, người bệnh sẽ kể thêm nhiều biểu hiện bất thường hay rối loạn hoạt động tâm thần khác. Cuối cùng mới là mất ngủ nguyên phát – khi không tìm thấy nguyên nhân gì.
Cần lưu ý người lớn tuổi mất ngủ “hơi khác” vì nhu cầu ngủ giảm nên có thể dễ vào giấc ngủ nhưng giật mình thức giấc và suy nghĩ nghiền ngẫm đủ chuyện buồn phiền đến khi mệt mỏi lại ngủ thiếp đi. Hoặc đôi khi chúng ta thấy bệnh nhân lớn tuổi nằm yên (không trằn trọc) mà không ngủ được thì phải xem xét nhiều yếu tố khác của nhiều căn bệnh khác như trầm cảm ở người già hoặc trầm cảm diễn ra đồng thời với bệnh đái tháo đường.
Trên lâm sàng, các loại thuốc điều trị mất ngủ, lo âu trầm cảm hiện nay rất nhiều loại với nhiều cơ chế tác dụng khác nhau, do vậy hiệu quả điều trị cũng rất khác nhau, thậm chí trái nhau, giảm hiệu quả vì tương tác thuốc (hay “công phạt” lẫn nhau), nhất là khi bệnh nhân đã được nhiều bác sĩ cho dùng nhiều loại thuốc quá sớm. Việc lựa chọn các thuốc an thần giải lo hoặc các thuốc chống trầm cảm hiện nay được xem như kỹ năng lâm sàng dựa trên kiến thức dược khoa và kinh nghiệm lâm sàng khá rạch ròi giữa lợi ích điều trị và các tác dụng độc hại của thuốc từ hiệu quả, sự dung nạp và thời gian bán hủy (half-lives) của thuốc. Không nên lạm dụng thuốc an thần giải lo vì có thể gây ra tình trạng lệ thuộc ( lần uống sau phải tăng liều và cứ phải tiếp tục uống ), cơn cai có thể xảy ra và ngoài ra còn ảnh hưởng tới trí nhớ.
Bs Phạm Văn Trụ BV TT Tp HCM
Tài liệu tham khảo:
1. Barbara Boughton. Anxiety, comorbid depression linked to frequent insomnia. From Medscape Medical News > Psychiatry. American Psychiatric Association 2011 Institute on Psychiatric Services (APA-IPS): Abstract 5-29. Presented October 29, 2011.
2. Martin A. Samuels. Allan H. Ropper. Samuels’s Manual of Neurologic Therapeutics. Wolters Kluwer/ Lippicott Williams & Wilkins. Philadelphia. 2010. Pag 103
3. Robert E. Hales. Stuart G. Yudofsky. Textbook of Clinical Psychiatry. Pag. Fourth Edition. Washington, DC 2005. Pag 525.