BS Trần Thị Minh Ngọc
Phòng Kế hoạch tổng hợp
Hàng năm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy ngày 10 tháng 10 để tổ chức các hoạt động truyền thông, với mục tiêu là tăng cường nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần và kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ phòng ngừa và điều trị các bệnh tâm thần. Hàng ngàn người có vấn đề về sức khỏe tâm thần trên thế giới không được nhận sự chăm sóc thỏa đáng cả từ người thân, từ cộng đồng cũng như từ các cơ sở y tế. Một số bệnh nhân rối loạn tâm thần nặng bị phân biệt đối xử, kỳ thị, thiệt thòi mà còn là đối tượng bị lạm dụng ở cả trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần và ngoài cộng đồng.
Các báo cáo trước đây của văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UN Human Rights) nhấn mạnh rằng những người có tình trạng sức khỏe tâm thần và những người khuyết tật về tâm lý xã hội có tỷ lệ cao có các vấn đề về sức khỏe thể chất và giảm tuổi thọ. Sự kỳ thị của xã hội đối với người có các vấn đề tâm lý- tâm thần cũng là yếu tố quyết định quan trọng đến chất lượng chăm sóc và khả năng tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cần thiết của họ. Sự phân biệt đối xử, định kiến và sự kỳ thị trong cộng đồng, gia đình, trường học và nơi làm việc ngăn cản bệnh nhân tâm thần thiết lập các mối quan hệ lành mạnh, tương tác xã hội và hòa nhập cộng đồng. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần cần được bàn luận thẳng thắn trong khuôn khổ nhân quyền để nêu rõ khát vọng về sức khỏe tâm thần lành mạnh như một quyền cơ bản của con người. Đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần phải là nghĩa vụ và trách nhiệm không thể bỏ qua của các tổ chức nhà nước và toàn cầu. Việc tiếp cận các điều kiện sống, an ninh, thực phẩm, chỗ ở và nhà ở tốt hơn đều cần thiết cho sức khỏe tâm thần của mọi người.
Ngược dòng lịch sử về năm 1948, đây là một năm quan trọng với nhân quyền vì Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (Universal Declaration of Human Rights-UDHR) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948 với Điều 1 trong đó nêu rõ: “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái”. Mặc dù UDHR không đề cập cụ thể đến sức khỏe tâm thần và cũng không phải là một hiệp ước, nhưng đến năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights- ICESCR) đã được thông qua, Điều 12 trong đó nêu rõ: “Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận quyền của mọi người được hưởng một tiêu chuẩn sức khoẻ về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể được”. Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (The United Nations Convention on Rights of Persons with Disabilities- UNCRPD) được thông qua năm 2007 với mục đích là thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm cho người khuyết tật được hưởng một cách bình đẳng và đầy đủ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người, và thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá vốn có của họ. Người khuyết tật bao gồm những người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất, tâm thần, trí tuệ hoặc giác quan mà khi tương tác với những rào cản khác nhau có thể phương hại đến sự tham gia hữu hiệu và trọn vẹn của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác.
Năm nay, nhằm kỷ niệm Ngày Tâm Thần Thế Giới 2023 WHO đã phát động 1 chiến dịch với chủ đề “Sức khỏe tâm thần là quyền của mỗi người”. Chủ đề năm nay nêu bật một loạt vấn đề thu hút nhiều bên liên quan và công dân toàn cầu cùng hợp tác để thông qua đó khuyến cáo mọi người tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về những gì có thể thực hiện được, để đảm bảo rằng những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể sống với đầy đủ các quyền mà họ đáng được nhận, tiêu biểu như: Quyền được bảo vệ khỏi những yếu tố tác hại đến với sức khỏe tâm thần, đây là một quyền phổ biến áp dụng cho toàn bộ dân số, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, các nhóm thiểu số và những người di dân; quyền được tiếp cận dịch vụ chăm sóc có chất lượng và giá cả phải chăng khi gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần của mình; quyền tự do và nhân phẩm, bao gồm cả quyền được lựa chọn.
Trong bối cảnh kinh tế- xã hội của Việt Nam đang phục hồi và tiếp tục tăng trưởng sau thời gian gồng mình chống chọi với đại dịch COVID-19, ngành y tế Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vẫn luôn không ngừng củng cố và phát triển năng lực hệ thống y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân, trong đó việc tăng cường dự phòng, tầm soát và nâng cao hiệu quả điều trị các rối loạn tâm thần trong cộng đồng chiếm một vai trò quan trọng nhất định. Bắt đầu từ năm 2023, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch triển khai chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân trên địa bàn Thành Phố giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo với mục tiêu tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh dự phòng, tầm soát phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần trong cộng đồng. Nâng cao năng lực điều trị các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe toàn diện, nâng cao chất lượng sống của người dân Thành phố.
Với sự chỉ đạo và giám sát của Sở Y tế, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cùng các đơn vị có liên quan đã và đang cùng phối hợp để thực hiện các nhiệm vụ truyền thông nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần của người dân trong cộng đồng, nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh tâm thần tại các cơ sở y tế, thực hiện nghiên cứu khoa học hợp tác với các nước tiên tiến cùng các tổ chức quốc tế, các viện, trường đại học, tổ chức nghề nghiệp trong khu vực và thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo nhằm phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong phòng ngừa, kiểm soát các rối loạn tâm thần,… Ngành y tế các cấp của Thành Phố và Bệnh viện Tâm thần mong muốn với những nỗ lực, những chính sách về đầu tư và chuyển đổi trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần được triển khai bên cạnh sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các ban ngành địa phương; sự chia sẻ và đồng thuận của người dân sẽ giúp tất cả người dân thuộc mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp xã hội đều có cơ hội được chăm sóc sức khỏe tâm thần, cũng như được hướng dẫn trong việc bảo vệ sức khỏe tâm thần cho chính mình và cho người thân của mình.
Kỷ niệm ngày Tâm Thần Thế Giới 10/10/2023 là cơ hội để nhìn lại những thành công về công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống trong thời gian qua cũng như là cơ hội để thúc đẩy hành động nhằm giải quyết các thách thức về sức khỏe tâm thần của hôm nay và mai sau. Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bệnh viện Tâm thần vẫn sẽ luôn tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Y tế để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao phó để trở thành niềm tin, hy vọng của người dân Thành phố và các địa phương lân cận trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Nguồn tham khảo:
//www.who.int/campaigns/world-mental-health-day/2023
//wfmh.global/news/2023.23-03-29_announcement