NGÀY SỨC KHỎE TÂM THẦN THẾ GIỚI 10/10/2023: “Trí óc của chúng ta, quyền của chúng ta”

74

BS Nguyễn Thị Hồng Nhung

Khoa khám bệnh

Sức khỏe tâm thần là quyền cơ bản của tất cả mọi người. Bất kể họ là ai và dù họ ở đâu, đều có quyền đạt được tiêu chuẩn sức khỏe tâm thần cao nhất. Điều này bao gồm:

  • Quyền được bảo vệ khỏi các rủi ro về sức khỏe tâm thần;
  • Quyền được tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ chăm sóc sẵn có, chất lượng cao
  • Quyền tự do, độc lập và hòa nhập cộng đồng.

Mắc một rối loạn tâm thần không bao giờ được xem là lý do để tước bỏ quyền con người của một người hoặc loại họ khỏi các quyết định về sức khỏe của chính họ. Tuy nhiên, trên toàn thế giới, những người mắc bệnh tâm thần phải đối mặt với nhiều vi phạm nhân quyền. Nhiều người bị loại khỏi cuộc sống cộng đồng, bị phân biệt đối xử, bị từ chối các quyền cơ bản như thức ăn và chỗ ở, và bị cấm bầu cử hoặc kết hôn. Nhiều người khác không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần mà họ cần hoặc chỉ có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc vi phạm nhân quyền của họ.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều sự thừa nhận về vai trò quan trọng của sức khỏe tâm thần trong việc đạt được các mục tiêu phát triển toàn cầu, điển hình là việc  WHO đưa Sức khỏe tâm thần vào các Mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, phân tích mới nhất của WHO cho thấy tiến độ thực hiện các kế hoạch về sức khỏe tâm thần của các quốc gia còn chậm. Tỷ lệ chi trả cho việc chăm sóc rối loạn tâm thần trên toàn thế giới được ước tính thấp tới 29%. Một số lĩnh vực đã đạt được nhiều thành công hơn như tỷ lệ tử vong do tự tử chuẩn hóa theo độ tuổi trên toàn cầu vào năm 2019 đã giảm 10% kể từ năm 2013. Nhưng con số này còn kém xa mục tiêu giảm 33% vào năm 2030. Nhìn chung, vẫn còn một chặng đường dài trước khi thế giới đạt được các mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch hành động toàn diện về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2013 – 2030.

Trong khi đó, các mối đe dọa toàn cầu đối với sức khỏe tâm thần luôn hiện hữu. Năm 2019, ước tính có khoảng 970 triệu người trên toàn thế giới sống chung với ít nhất một rối loạn tâm thần. Từ năm 2000 đến năm 2019, ước tính có thêm 25% số người mắc rối loạn tâm thần, nhưng do dân số thế giới tăng với tốc độ tương đương nên tỷ lệ rối loạn tâm thần vẫn ổn định ở mức khoảng 13%. Bệnh nhân có các tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng có nguy cơ chết sớm hơn 10-20 năm so với dân số chung.

Bất bình đẳng về kinh tế và xã hội ngày càng gia tăng, xung đột kéo dài và các tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng ảnh hưởng đến toàn bộ người dân, làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần.

Những nguy cơ về cá nhân, gia đình và cộng đồng có thể biểu hiện ở mọi giai đoạn của cuộc đời, nhưng những nguy cơ xảy ra trong những giai đoạn nhạy cảm về mặt phát triển của cuộc đời thì đặc biệt bất lợi, thường sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần trong nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ sau đó.

Trẻ em mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần và suy giảm nhận thức có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực cao gấp 4 lần so với những trẻ khác. Trên toàn cầu, hơn một nửa số trẻ em từ 2 – 17 tuổi (khoảng một tỷ cá nhân) đã trải qua bạo lực về tinh thần, thể chất hoặc tình dục trong năm trước đó. Những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu, bao gồm cả việc tiếp xúc với bạo lực, làm tăng nguy cơ phát triển một loạt các vấn đề về hành vi và tình trạng sức khỏe tâm thần, từ sử dụng chất kích thích và gây hấn đến trầm cảm, lo âu và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

Sống ở những khu vực mà môi trường tự nhiên bị tổn hại. Ví dụ, do biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và môi trường sống, khai thác hoặc ô nhiễm – cũng có thể làm suy yếu sức khỏe tâm thần. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng xấu đến não và làm tăng nguy cơ, mức độ nghiêm trọng cũng như thời gian mắc các bệnh tâm thần ở mọi giai đoạn của cuộc.

Gần đây nhất, đại dịch COVID-19 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu về sức khỏe tâm thần, gây ra những căng thẳng ngắn và dài hạn, đồng thời làm suy yếu sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Các ước tính cho thấy mức độ gia tăng cả các rối loạn lo âu và trầm cảm ở mức hơn 25% trong năm đầu tiên của đại dịch. Đồng thời, các dịch vụ sức khỏe tâm thần đã bị gián đoạn nghiêm trọng và khoảng cách điều trị đối với các tình trạng sức khỏe tâm thần ngày càng được nới rộng.

Mục tiêu Phát triển bền vững về sức khỏe tốt và hạnh phúc của Liên hợp quốc kêu gọi 80% quốc gia tích hợp sức khỏe tâm thần vào chương trình chăm sóc sức khỏe cơ bản vào năm 2030. WHO cũng tiếp tục làm việc với các đối tác của mình để đảm bảo sức khỏe tâm thần được coi trọng, thúc đẩy và bảo vệ, và hành động khẩn cấp được thực hiện để mọi người có thể thực hiện các quyền con người của mình và tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chất lượng mà họ cần.

Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đã và đang có những nỗ lực trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân. Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, đến nay mạng lưới khám chữa bệnh ngoại trú về tâm thần đã triển khai tại tất cả 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức, đến 312 trạm y tế phường, xã. Hiện các cơ sở này đang chăm sóc và quản lý khoảng 11.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt và 8.000 bệnh nhân động kinh, cùng các loại rối loạn khác cũng được chăm sóc và quản lý. Ngành y tế TP.HCM hình thành mạng lưới chăm sóc, quản lý người bệnh tâm thần từ BV chuyên khoa đầu ngành đến trạm y tế phường, xã.

Đặc biệt, từ sau COVID-19, từ tháng 7/2022, TP.HCM triển khai loại hình dịch vụ “cấp cứu trầm cảm”. Cụ thể, khi phát hiện người thân trong gia đình hoặc đồng nghiệp, một  thành viên trong một tập thể cùng làm việc chung, sinh hoạt chung có các biểu hiện và dấu hiệu của chứng trầm cảm nặng hoặc nguy cơ tự sát thì gọi ngay đến số 115 (số trực cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115) hoặc số 19001267 (tổng đài điện thoại chăm sóc khách hàng của BV Tâm Thần TP.HCM). BV Tâm Thần Tp.HCM sẽ phối hợp với đội cấp cứu ngoại viện 115 để đưa người bệnh đến bệnh viện Tâm thần đến cơ sở điều trị kịp thời và sớm nhất.

Vừa qua, Sở Y tế thành phố cũng đã có văn bản đề nghị UBND thành phố phê duyệt “Chiến lược y tế về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo”. Trong đó, có chiến lược dự phòng, tầm soát phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần trong cộng đồng cho các đối tượng học sinh, bà mẹ giai đoạn mang thai và hậu sản, nhân viên y tế, người lao động, những người yếu thế (trẻ em mồ côi, người lang thang, cơ nhỡ, người cao tuổi…).

Với chủ để “Sức khỏe tâm thần là quyền chung của con người”, Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế Giới năm 2023 là cơ hội để mọi người và cộng đồng đoàn kết nâng cao kết thức, nhận thức và thúc đẩy các hành động bảo vệ sức khỏe tâm thần của mọi người.

 

Nguồn tham khảo:

  • World mental health report: Transforming mental health for all
  • //nhandan.vn/cham-soc-suc-khoe-tam-than-cho-nguoi-dan-thanh-pho-post761705.html
Chia sẻ