HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ NGHIỆN THEO VIỆN NGHIÊN CỨU LẠM DỤNG MA TÚY HOA KỲ

783

I/. METHADONE

Methadone là một chất đồng vận opioid tổng hợp có thể phòng ngừa các triệu chứng của cơn cai (xuất hiện khi thiếu ma túy) và giảm thèm sử dụng ma túy ở người nghiện. Nó cũng ngăn chặn hiệu quả của việc dùng ma túy bất hợp pháp. Methadone có lịch sử chỉ định điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP) ở người lớn bằng đường uống. Điều trị nghiện bằng duy trì uống Methadone (Methadone Maintenance Treatemnt-MMT) hiện được tiến hành ở tất cả các bang của Hoa Kỳ. MMT kết hợp với hành vi trị liệu và đạt nhiều hiệu quả hơn khi kết hợp nhóm hoặc cá nhân người nghiện. Người nghiện cần khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần, cần tư vấn hỗ trợ từ cán bộ tư vấn tâm lý và nhân viên hỗ trợ các dịch vụ xã hội.

II/. BUPRENORPHINE

Là một opioid tổng hợp tác dụng như một chất đồng vận bán phần trên các thụ thể opioid, không gây ra khoái cảm hay an thần như heroin hay các opioid khác nhưng có khả năng giảm hay loại bỏ các triệu chứng của cơn cai do phụ thuộc opioid và giảm nguy cơ ngộ độc do sử dụng quá liều.

Buprenorphine hiện nay có hai dạng ngậm dưới lưỡi: dạng đơn thuần chỉ có buprenorphine và dạng kết hợp với naloxone (chất đối vận hay ngăn chặn các thụ thể opioid) mang tên Suboxone.

Naloxone không hiệu quả khi sử dụng như một loại thuốc, nhưng ở bệnh nhân muốn chích Suboxone thì naloxone sẽ gây ra các triệu chứng cai trầm trọng. Do vậy, dạng kết hợp (Suboxone) này ít khuynh hướng bị lạm dụng hay chuyển sang dùng loại ma túy khác.

Buprenorphine dùng giải độc (cắt cơn) hay điều trị duy trì ở những cơ sở có bác sĩ chuyên môn được cấp chứng chỉ của DEA.

Cần nhớ methadone và buprenorphine dùng để điều trị, không phải là để thay thế đơn thuần. Vì methadone và buprenorphine là những opioid (các CDTP) nên đối với người nghiện thì chỉ là thay thế chất gây nghiện này bằng chất gây nghiện khác. Nhưng người dùng methadone và buprenorphine có thể làm việc, tránh phạm tội và bạo lực đường phố, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, giảm nguy cơ rối loạn hành vi tình dục. Bệnh nhân điều trị có kết quả ổn định với 2 loại dược chất này cần được tư vấn và can thiệp hành vi để nhanh chóng phục hồi nhiều hơn.

III/. NALTREXONE

Là một đối vận opioid tổng hợp, tác động ngăn chặn opioid bằng cách gắn vào các thụ thể và từ đó phòng ngừa tình trạng khoái cảm và các tác dụng khác khi dùng các CDTP. Naltrexone được dùng điều trị ngộ độc do quá liều opioid và cũng được chấp thuận dùng để điều trị nghiện.

Cơ sở của trị liệu này là làm không xuất hiện trở lại liên tục những tác động thèm muốn và nhận lại sự vô ích của việc dùng các CDTP dần dần sẽ thèm muốn dùng ma túy. Bản thân naltrexone không có tác động trong điều trị cắt cơn giải độc (nghĩa là người nghiện không nhận thấy bất kỳ hiệu quả đặc biệt nào), cũng không có nguy cơ lạm dụng và không gây nghiện.

Naltrexone thường được dùng trong điều trị nghiện ngoại trú, tuy nhiên phải bắt đầu sau khi điều trị cắt cơn ở cơ sở có điều kiện cho phép.

Naltrexone dùng đường uống hàng ngày hoặc 3 ngày trong tuần, nhưng thường xảy ra không tuân thủ. Nhiều bác sĩ có kinh nghiệm phát hiện naltrexone là phù hợp nhất sau điều trị cắt cơn, muốn ngưng sử dụng ma túy thật sự trong những tình huống nghề nghiệp hoặc cam kết.

Naltrexone tác dụng chậm dạng chích Vivitrol đã được chấp thuận điều trị nghiện các CDTP. Dạng bào chế này chỉ cần chích 1 lần hàng tháng, cần thực hiện theo quy định và thay thế cho những bệnh nhân nghiện không muốn dùng các hóa dược đồng vận hay đồng vận bán phần (methadone, buprenorphine).

IV/. MỘT VÀI NHẬN XÉT TỪ THỰC TẾ THĂM KHÁM

Điều trị nghiện các CDTP được nghiên cứu và tiến hành khá sớm, có thể nói ngay sau khi có tình trạng nghiện của con người, trong đó có quy định trừng phạt khắt khe đối với việc buôn bán và lạm dụng. Phòng ngừa, điều trị nghiện và ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp các chất gây nghiện, các loại ma túy tổng hợp càng hiệu quả, càng giảm thiểu chi phí ngân sách gia đình và xã hội về sức khỏe nói chung, về bệnh lý tâm thần nói riêng.

Gần 3000 bệnh nhân nghiện các CDTP ở Tp Hồ Chí Minh đang điều trị Methadone uống hàng ngày tại 13 đơn vị tại các Trung tâm Y tế dự phòng quận huyện. Nhiều bệnh nhân hài lòng với kết quả hồi phục sức khỏe, trong đó có những bệnh nhân điều trị HIV.

Hầu hết bệnh nhân khai báo phải mua 100 ngàn một liều Heroin và phải chích 3 lần trong ngày, rất hiếm trường hợp dùng 50 ngàn/liều . Chương trình Methadone sẽ mang lại kết quả nếu có sự tiện lợi về thời gian uống, về sự cảm thông của cư dân chung quanh và có lẽ quyết định hơn là quyết tâm cai của bệnh nhân. Mặt khác bệnh nhân rất cần được tư vấn kỹ lưỡng về tâm lý bởi lẽ bệnh nhân rất dễ dàng sử dụng lại khi các triệu chứng thiếu thuốc mới chớm xuất hiện để tránh đau đớn khó chịu sắp xảy ra, chưa hẳn hoàn toàn chỉ để hưởng thụ hay thỏa mãn phê cao độ. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần vượt qua định kiến và khám chuyên khoa tâm thần. Thực tế những bệnh nhân tuân thủ với liều Methadone không cao và thường là những bệnh nhân rất hiểu biết về ma túy nói chung và có việc làm dù thu nhập không nhiều. Thành phố đang đẩy mạnh huấn luyện chuyên môn và trang bị nhiều đơn vị điều trị Methadone.

Naltrexone đã được sản xuất tại Việt Nam và hiện có một số cơ sở (kể cả tư nhân) được phép điều trị cắt cơn nghiện các CDTP và sau đó điều trị Naltrexone nội hoặc ngoại trú. Đây là phương hướng tiếp cận điều trị hữu hiệu trong tình trạng người nghiện vẫn còn bị phân biệt, kỳ thị.

Chương trình thí điểm điều trị bằng Suboxone đã tiến hành được gần 1 năm tại quận Gò Vấp cũng mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhiều bệnh nhân có cải thiện sức khỏe rất rõ, một số đã ngưng dùng heroin.

Hiện nay tình trạng thanh thiếu niên sử dụng các loại ma túy tổng hợp (thường được gọi là hàng đá) có xu hướng tăng cao, kể cả đối với những bệnh nhân đang điều trị Methadone. Đây là một trong những khó khăn thách thức đối với toàn xã hội vì hậu quả lâu dài ảnh hưởng không chỉ đối với sức khỏe mà còn đối với sự an toàn xã hội. Do chưa có phương pháp điều trị như nghiện các CDTP nên vấn đề tìm hiểu tác hại của ma túy tổng hợp đối với sức khỏe hiện tại và lâu dài rất quan trọng.

Bs Phạm Văn Trụ. Bv Tâm thần. Trưởng nhóm hỗ trợ chuyên môn Chương trình Methadone Tp HCM.
Tham khảo: Principles of Drug Addiction Treatment: A Research-Based Guide. Third Edition. National Institute Drug Abuse (NIDA).