GIẢM TỶ LỆ TỰ TỬ TRONG NĂM ĐẠI DỊCH COVID-19 ĐẦU TIÊN Ở ĐÀI LOAN

45

Chien-Yu Lin và các cộng sự (www.medscape.com)

Người dịch: BS Trần Trương Khánh Linh

Sự bùng phát bệnh do coronavirus 2019 (COVID-19) và các biện pháp kiểm soát có thể gây ra những hậu quả bất lợi đối với sức khỏe tâm thần của người dân cũng như tỷ lệ tự tử..1,2 Tuy nhiên, trong các nghiên cứu gần đây, chủ yếu từ các nước phương Tây có thu nhập cao, không tìm thấy sự gia tăng số ca tự tử trong những tháng đầu của đại dịch.3,4 Ngược lại, một nghiên cứu gần đây của Nhật Bản đã cho thấy tỷ lệ tự tử ban đầu giảm trong đợt bùng phát đầu tiên (tháng 2 đến tháng 6/2020), sau đó lại gia tăng trong đợt sóng thứ hai (tháng 7 đến tháng 12/2020). Tuy nhiên, các phân tích về tác động trung hạn của đại dịch đối với tự tử vẫn chưa có ở các quốc gia khác. Chúng tôi đã điều tra tác động của đại dịch COVID-19 đối với tỷ lệ tự tử nói chung và theo độ tuổi cụ thể ở Đài Loan trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 12/2020.

 PHƯƠNG PHÁP

Dữ liệu hàng tháng về các vụ tự tử (2015-2020) ở những người từ 15 tuổi trở lên được trích xuất từ các dữ liệu quốc gia về nguyên nhân tử vong của Đài Loan, sử dụng bảng phân loại bệnh quốc tế, sửa đổi lần thứ 10, mã X64 – X80. Giai đoạn đại dịch COVID-19 được xác định là từ tháng 1 đến tháng 12/2020 trong nghiên cứu này, vì trường hợp COVID-19 đầu tiên được xác định vào ngày 21 tháng 1 năm 2020 tại Đài Loan. Mô hình hồi quy nhị thức âm được sử dụng để ước tính tỷ lệ tự tử (RR) và khoảng tin cậy (CI) 95% trong thời kỳ đại dịch COVID-19, so với dự kiến dựa trên các xu hướng trước đại dịch (tháng 1/2015 đến tháng 12/2019) .

KẾT QUẢ

Số trường hợp COVID-19 đạt mức cao nhất vào tháng 3 đến tháng 4/2020, sau đó giảm xuống gần bằng 0 cho đến khi đợt sóng thứ hai của các trường hợp nhập cảnh chủ yếu xảy ra vào tháng 10 đến tháng 12/2020. Sau khi kiểm soát xu hướng tự tử trước đại dịch và các biến đổi theo mùa, tỷ lệ tự tử ở những người từ 15 tuổi trở lên giảm 7% (RR = 0,93; 95% CI = 0,88 – 0,97; ít hơn 272 ca, 95% CI = 119 – 418) trong 2020. Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên không thay đổi tỷ lệ tự tử (RR = 1,00, 95% CI= 0,90 – 1,12) vào năm 2020, trong khi tỷ lệ tự tử giảm 27%, 9% và 11% ở những người từ 15 – 24 tuổi (RR = 0,73, 95% CI = 0,55 – 0,96), 25 – 44 tuổi (RR = 0,91, 95% CI = 0,85 – 0,98) và 45 – 64 tuổi (RR = 0,89, 95% CI = 0,82 – 0,96), theo thứ tự . Về sự thay đổi hàng tháng trong năm 2020, tỷ lệ tự tử nói chung lần lượt là 16% (RR = 0,84; 95% CI = 0,73 – 0,97) và 14% (RR = 0,86; 95% CI = 0,74 – 0,99) thấp hơn so với dự kiến của tháng 3 và tháng 4/2020

BÀN LUẬN

Thời kỳ đại dịch COVID-19 có liên quan đến việc giảm 7% số người tự tử ở độ tuổi 15 trở lên ở Đài Loan vào năm 2020. Việc giảm số ca tự tử có thể chủ yếu là do số người từ 15 – 64 tuổi giảm và ở những tháng đầu của đại dịch (tháng 3 và tháng 4 năm 2020), tương ứng với đỉnh điểm của các trường hợp mắc COVID-19. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải luôn cảnh giác vì tình hình bùng phát có thể thay đổi nhanh chóng và tác động đến sức khỏe tâm thần của người dân và nguy cơ tự tử.

Phát hiện của chúng tôi phù hợp với kết quả 3,4 từ một số quốc gia có thu nhập cao nhưng ngược lại với sự gia tăng tỷ lệ tự tử trong nửa cuối năm 2020 ở Nhật Bản 5,6. Sự khác biệt có thể là do mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát COVID-19 Nhật Bản đã trải qua đợt nhiễm thứ hai nghiêm trọng hơn nhiều so với đợt đầu tiên. Ngược lại, Đài Loan không trải qua đợt lây nhiễm thứ hai trong nước vào năm 2020 sau đợt bùng phát thứ nhất, sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 vào cuối năm 2020 gần như hoàn toàn do các ca bệnh nhập cảnh. Chỉ có tổng cộng 799 trường hợp mắc COVID-19 và 7 trường hợp tử vong ở Đài Loan (dân số = 23 triệu người) tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2020. Thành công sớm của Đài Loan trong việc ngăn chặn đợt bùng phát COVID-19 vào năm 2020 là do các biện pháp như kiểm soát sớm và nghiêm ngặt biên giới, truy tìm các ca tiếp xúc và thực hiện cách ly 7,8 giữ khoảng cách và đeo khẩu trang; không có phong tỏa hoặc đóng cửa trường học cơ quan như ở nhiều quốc gia khác. Khả năng cao về mức độ thành công và an toàn, cùng với ít ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân do các biện pháp kiểm soát như phong tỏa, có thể đã dẫn đến giảm tự tử ở Đài Loan theo quan sát được. Hơn nữa, Đài Loan đã trải qua sự phục hồi kinh tế nhanh chóng – tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,07% vào tháng 5 năm 2020 xuống 3,68% vào tháng 12 năm 2020; nhóm dân số nằm trong độ tuổi lao động có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ điều này.

Trái ngược với những phát hiện của chúng tôi, một nghiên cứu đánh giá hệ thống3 về hành vi tự sát trong đại dịch COVID-19 cho thấy tỷ lệ có ý định tự tử tăng ở một số quốc gia trong thời kỳ đại dịch so với thời kỳ trước đại dịch. Những lời giải thích cho những phát hiện khác nhau về tác động của COVID-19 đối với ý tưởng tự tử và tử vong do tự sát có khả năng bao gồm sự chênh lệch lựa chọn trong các nghiên cứu khảo sát về ý tưởng tự sát9 sự gắn kết xã hội hoặc các chính sách trong giai đoạn cấp của đại dịch có thể ngăn cản quá trình chuyển từ ý tưởng tự tử sang hành vi tự tử4 giảm vận động có thể làm giảm khả năng tiếp cận các phương tiện gây chết người để tự tử và lệnh phong tỏa có thể làm giảm cơ hội ở một mình và thực hiện hành vi tự tử tại nhà.

Các vụ tự tử thường không được báo cáo đầy đủ. Chúng tôi không bao gồm các trường hợp tử vong có thể được phân loại nhầm là tự tử trong phân tích10 chẳng hạn như tử vong không xác định nguyên nhân, vì dữ liệu liên quan không có sẵn tại thời điểm nghiên cứu. Tác động của COVID-19 có thể khác nhau ở nam và nữ 5; tuy nhiên, dữ liệu số ca tự tử theo giới tính cụ thể không có sẵn tại thời điểm nghiên cứu. Nghiên cứu trong tương lai là cần thiết để điều tra tác động của việc bao gồm các vụ tự tử có thể được phân loại sai và bất kỳ sự khác biệt giới tính nào trong tác động của đại dịch đối với tự tử.

Tài liệu tham khảo

  1. Gunnell D, Appleby L, Arensman E, et al; COVID-19 Suicide Prevention Research Collaboration. Suicide risk and prevention during the COVID-19 pandemic. Lancet Psychiatry. 2020;7(6):468–471.  
  2. Reger MA, Stanley IH, Joiner TE. Suicide mortality and coronavirus disease 2019: a perfect storm? JAMA Psychiatry. 2020;77(11):1093–1094.  
  3. John A, Eyles E, Webb RT, et al. The impact of the COVID-19 pandemic on self-harm and suicidal behaviour: update of living systematic review. F1000 Res. 2020;9:1097.  
  4. Pirkis J, John A, Shin S, et al. Suicide trends in the early months of the COVID-19 pandemic: an interrupted time-series analysis of preliminary data from 21 countries. Lancet Psychiatry. 2021;8(7):579–588.  
  5. Osaki Y, Otsuki H, Imamoto A, et al. Suicide rates during social crises: changes in the suicide rate in Japan after the Great East Japan earthquake and during the COVID-19 pandemic. J Psychiatr Res. 2021;140:39–44.  
  6. Tanaka T, Okamoto S. Increase in suicide following an initial decline during the COVID-19 pandemic in Japan. Nat Hum Behav. 2021;5(2):229–238.  
  7. Ng TC, Cheng HY, Chang HH, et al. Comparison of estimated effectiveness of case-based and population-based interventions on COVID-19 containment in Taiwan. JAMA Intern Med. 2021;181(7):913–921.  
  8. Yeh MJ, Cheng Y. Policies tackling the COVID-19 pandemic: a sociopolitical perspective from Taiwan. Health Secur. 2020;18(6):427–434.  
  9. Pierce M, McManus S, Jessop C, et al. Says who? the significance of sampling in mental health surveys during COVID-19. Lancet Psychiatry. 2020;7(7):567–568.  
  10. Chang SS, Sterne JA, Lu TH, et al. “Hidden” suicides amongst deaths certified as undetermined intent, accident by pesticide poisoning and accident by suffocation in Taiwan. Soc Psychiatry Psychiatr Epidemiol. 2010;45(2):143–152.  
Chia sẻ