COVID-19, NHẬN THỨC VÀ SA SÚT TRÍ TUỆ: ĐẠI DỊCH CÓ VAI TRÒ GÌ?

42

, , 

BS Meng Gia Thạnh, khoa T3, cơ sở 2 Lê Minh Xuân lược dịch 

Tại thời điểm COVID-19 được xem là một đại dịch, người cao tuổi nói chung và người mắc bệnh Alzheimer và các chứng sa sút trí tuệ liên quan (Alzheimer Disease and Related Dementias – ADRD) nói riêng, bị tác động trực tiếp nghiêm trọng bởi virus và gián tiếp bởi các hậu quả và ứng phó của xã hội.1 Giờ đây, gần 2 năm sau khi SARS-CoV-2 xuất hiện, chúng tôi đang bắt đầu khảo sát sự tác động của COVID-19 đối với người bệnh cao tuổi bị suy giảm nhận thức và ADRD. Thêm nữa, chúng tôi bắt đầu đánh giá các vấn đề sinh học thần kinh liên quan đến COVID-19 ở người cao tuổi và xem xét cách mà COVID-19 gây suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ.

Tác động của COVID-19 trên người cao tuổi

Theo số liệu thống kê nhân khẩu học các trường hợp nhiễm COVID-19 thay đổi theo thời gian, những người cao tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất trong thời kỳ đầu của đại dịch, còn các làn sóng tiếp nối sau đó thì liên quan nhiều đến người trẻ tuổi.2 Tương tự, nguy cơ nhiễm bệnh thay đổi theo từng hoàn cảnh, với một làn sóng sớm các trường hợp nhiễm COVID-19 ở các cơ sở đông đúc như viện dưỡng lão, nhà hưu trí và bệnh viện. Những đợt bùng phát thường xuyên và lan rộng này có liên quan đến một tỷ lệ gia tăng đáng kể các ca mắc và tử vong. Dù đã có các chiến dịch tiêm chủng cho người cao tuổi trong viện dưỡng lão, tuy nhiên họ vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số ca tử vong do COVID-193, 4

Độ nặng của bệnh COVID-19 trải dài từ giai đoạn mang mầm bệnh không triệu chứng đến giai đoạn xuất hiện các triệu chứng nặng và tử vong, và độ tuổi là yếu tố nguy cơ làm cho bệnh nặng hơn: Tuổi có mối quan hệ lũy thừa với tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng, đạt 15% ở 85 tuổi5 Người cao tuổi bị suy giảm nhận thức có nguy cơ tăng gấp đôi, đó là yếu tố tuổi tác và sa sút trí tuệ góp phần làm tăng độ nặng của bệnh.6 Suy giảm nhận thức liên quan đến tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do COVID-19 tại các viện dưỡng lão.3 Cả khi kiểm soát tốt tại viện dưỡng lão, người bị sa sút trí tuệ vẫn có nguy cơ nhiễm COVID-19 tăng gấp đôi7

Chúng tôi đã dự đoán rằng tỷ lệ các triệu chứng tâm lý và hành vi liên quan đến sa sút trí tuệ (Behavioral and Psychologic Symptoms associated with Dementia – BPSD) sẽ làm gia tăng tác động của các yếu tố gián tiếp như gián đoạn hoạt động chăm sóc, cách ly xã hội và gián đoạn thói quen thường ngày1, 8 Thật không may, các nghiên cứu báo cáo các yếu tố gây gia tăng BPSD bao gồm lo âu, trầm cảm, mất ngủ, lang thang và kích động9

Bên cạnh nguy cơ tử vong, đại dịch tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, thông qua tác động trực tiếp của virus và gián tiếp bởi việc giãn cách xã hội để ứng phó với đại dịch. Những hậu quả sớm trên sức khỏe tâm thần bao gồm gia tăng tỷ lệ mắc các triệu chứng trầm cảm, lo âu, sử dụng chất và ý nghĩ tự tử. Tuy nhiên, nghịch lý là những người trẻ tuổi có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn người lớn tuổi.10 Tương tự, đại dịch có thể làm tăng BPSD ở một số người bị sa sút trí tuệ, dù có thể không đúng trên toàn thể. Ví dụ, ở New Brunswick, Canada, sự thăm viếng của gia đình ít đi và trong giai đoạn giãn cách (thay bằng các chuyến thăm trực tuyến và các dịch vụ tình nguyện), thì không có sự thay đổi về tỷ lệ kích động và có giảm tỷ lệ trầm cảm ở người cao tuổi tại viện dưỡng lão, mà hơn một nửa trong số đó bị sa sút trí tuệ11

Vắc-xin COVID-19 an toàn và hiệu quả được cho là yếu tố then chốt để chấm dứt đại dịch. Thời kỳ đầu, trong bối cảnh hạn chế nguồn cung, các chính phủ đã ưu tiên tiêm chủng cho những nhóm dân số nguy cơ cao như người già và những người trong diện chăm sóc dài hạn (Long-Term Care – LTC). Vì vậy, hầu hết người bị sa sút trí tuệ đều được ưu tiên tiêm chủng. Ví dụ: ở Ontario, Canada, mặc dù chỉ có 0.5% dân số thuộc diện chăm sóc dài hạn LTC, thì việc tiêm chủng ban đầu được dành họ và các chuyên gia y tế khi vắc xin lần đầu tiên được cung cấp vào tháng 12 năm 2019.12 Đến tháng 3 năm 2020, hơn 92% người thuộc diện LTC đã được nhận ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19, ước tính làm giảm tỷ lệ tử vong xuống 96% 12 Sự chấp thuận gần đây của cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ về việc tiêm tăng cường liều thứ ba cho người lớn tuổi có thể cung cấp cho họ thêm sự bảo vệ.

Cơ chế sinh học thần kinh của COVID-19

COVID-19 được truyền từ người này sang người khác khi hít phải các giọt bắn từ đường hô hấp và sự lắng đọng của chúng trên màng nhầy, và ở mức độ thấp hơn khi tay bị nhiễm bẩn tiếp xúc với màng nhầy.13 Virus xâm nhập vào tế bào qua thụ thể enzym chuyển đổi angiotensin 2, không chỉ hiện diện ở đường hô hấp và đường tiêu hóa mà còn ở các cơ quan khác, bao gồm não và mạch máu14, 15 Do đó, COVID-19 có thể dẫn đến bệnh lý thần kinh thông qua các tác động gián tiếp toàn thân và gây viêm, và do tác động trực tiếp của nó lên hệ thần kinh.

Mặc dù hầu hết các trường hợp COVID-19 được phân loại là nhẹ, còn các trường hợp nghiêm trọng xảy ra ở mọi người ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là ở người lớn tuổi. Các triệu chứng cấp tính thường gặp bao gồm ho, sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ và tiêu chảy16 Các triệu chứng có thể tiến triển và liên quan đến giảm oxy máu và hội chứng suy hô hấp cấp tính16 Ngoài ra, tổn thương tất cả các hệ thống cơ quan do viêm nặng, các biến cố huyết khối và các biến chứng thần kinh có thể xảy ra16

Hậu quả thần kinh của COVID-19 nghiêm trọng là phổ biến và liên quan đến cả hệ thần kinh trung ương (Central Nervous System – CNS) và hệ thần kinh ngoại biên (Peripheral Neuvous System – PNS)17 Chóng mặt và nhức đầu là những biểu hiện CNS phổ biến nhất, cũng có thể bao gồm bệnh mạch máu não (ví dụ: đột quỵ thiếu máu, xuất huyết), thất điều và co giật. Sảng là biểu hiện phổ biến của người lớn tuổi với COVID-19; nó có tiên lượng rất xấu và có liên quan đến suy giảm nhận thức vĩnh viễn18 Mất khứu giác và mất vị giác là những biểu hiện PNS phổ biến nhất17

Các biểu hiện hệ thần kinh trung ương và ngoại biên thường gặp của COVID-1917

  • Đau đầu
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Bệnh não
  • Đau cơ
  • Mất vị giác
  • Chóng mặt
  • Bệnh mạch máu não (vd, đột quỵ thiếu máu, xuất huyết)
  • Thất điều
  • Co giật
  • Sảng

Các biểu hiện thần kinh có thể xảy ra trong những ngày đầu tiên của bệnh và tồn tại nhiều tháng sau khi xuất viện17, 19 Phân lập vi rút trong dịch não tủy là rất hiếm20 Suy giảm nhận thức là một triệu chứng thường được báo cáo ở những người sống sót sau COVID-19 nặng ở 60 ngày sau khi xuất viện19 Mặc dù cần có nghiên cứu để xác nhận di chứng tâm thần kinh của COVID-19, một loạt các triệu chứng tâm thần kinh đã được báo cáo bao gồm đau đầu, rối loạn giấc ngủ, bệnh não, đau cơ và mất vị giác21 Thuật ngữ COVID kéo dài chỉ sự tồn tại của các triệu chứng sau khi giải quyết xong đợt nhiễm trùng cấp tính và một loạt các triệu chứng đã được báo cáo, bao gồm các triệu chứng tâm thần kinh như suy giảm nhận thức, mất ngủ, suy giảm khả năng tập trung, các triệu chứng sau sang chấn và đau đầu15 COVID kéo dài không phải lúc nào cũng liên quan đến mức độ nghiêm trọng của COVID-19 cấp hoặc các yếu tố nguy cơ đối với COVID-19 nặng, và nó có thể liên quan đến tổn thương nhiều cơ quan do các cơ chế trực tiếp khác22 COVID kéo dài tương đối phổ biến, nhưng các ước tính về mức độ phổ biến của nó rất khác nhau tùy thuộc vào định nghĩa và thời gian kể từ khi nhiễm bệnh. Nó cũng có thể phụ thuộc vào biến thể di truyền SARS-CoV-215

Có bằng chứng cho những thay đổi về cấu trúc và chức năng của não sau COVID-19, và những thay đổi này có thể liên quan đến các triệu chứng thần kinh của COVID kéo dài. Nhiều nghiên cứu khác nhau đã báo cáo những phát hiện không đồng nhất. Một đánh giá có hệ thống gần đây tóm tắt các phát hiện về hình ảnh thần kinh liên quan đến COVID-19 ở người lớn tuổi đã báo cáo các vấn đề về bệnh lý thần kinh phổ biến thường liên quan đến tổn thương mạch máu não, nhất là ở vùng chất trắng, thân não và vỏ não trán thái dương23 Một nghiên cứu bệnh chứng trên những bệnh nhân đã khỏi bệnh COVID-19 phát hiện thấy hiện tượng giảm trao đổi chất ở các vùng não trán thái dương, có liên quan đến các triệu chứng thần kinh24 Một nghiên cứu tại Biobank, vương quốc Anh do Douaud và cộng sự thực hiện đã phát hiện ra những thay đổi ở 394 người được chụp ảnh não trước và sau khi nhiễm COVID-19, so với 388 người bên nhóm chứng phù hợp không có lịch sử COVID-19. Trong số những người sống sót sau COVID-19, Douaud và cộng sự đã xác định được sự giảm sút chất xám ở hồi cạnh hải mã bên trái (left parahippocampal gyrus), vỏ não trán ổ mắt bên trái (left lateral orbittofrontal cortex) và thùy đảo trái (left insula)25

 Hậu quả lâu dài của COVID-19

Mặc dù điều đáng kinh ngạc là khoảng 1/500 người Mỹ đã chết vì COVID-19, nhưng tỷ lệ tử vong là phần nổi của tảng băng chìm. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Center for Disease Control and Prevention) ước tính rằng tính đến ngày 29 tháng 5 năm 2021, đã có hơn 100 triệu người có triệu chứng nhiễm COVID-19 ở Hoa Kỳ, 10 triệu người trong số họ trên 65 tuổi26 Di chứng nghiêm trọng của COVID-19 là nguy cơ sa sút trí tuệ, và có thể làm tăng số lượng người bệnh sa sút trí tuệ. Hiểu được tiền sử từng nhiễm COVID-19 đối với nguy cơ sa sút trí tuệ trong tương lai sẽ cần các nghiên cứu dài hạn. Các nguy cơ này có thể là đáng kể do những thay đổi mạch máu não liên quan đến tiền sử nhiễm trùng trong quá khứ. Trong vài năm tới, các vấn đề hậu COVID-19 có thể xảy ra chủ yếu ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, COVID-19 cũng có thể làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ ở những người trẻ, do các yếu tố nguy cơ như trình độ học vấn thấp hoặc trầm cảm sớm trong cuộc sống. Chưa rõ mức độ tổn thất nhân lực, tài chính và xã hội trong hiện tại và tương lai của COVID-19, nhưng chắc chắn là đáng lo ngại.

Mặt khác, chúng tôi kỳ vọng rằng đại dịch sẽ dẫn đến nhiều thay đổi có lợi cho người lớn tuổi. Cụ thể, sự tập trung chú ý đến các viện dưỡng lão cho thấy có những sai sót mang tính hệ thống và sự bất bình đẳng ở nhiều quốc gia. Việc chuyển đổi sang dịch vụ chăm sóc trực tuyến đã thúc đẩy một số đổi mới có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trong tương lai.

Theo kinh nghiệm của bản thân, khi làm việc tại Trung tâm nghiện chất và sức khỏe tâm thần ở Toronto, chúng tôi đã phải rất khó khăn khi chăm sóc cho những người lớn tuổi bất chấp có nhiều làn sóng nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Một số thay đổi trong thực hành và môi trường của chúng ta sẽ có những lợi ích lâu dài. Sự không đồng nhất của trải nghiệm trong thế giới thực, so với mức trung bình thường được báo cáo trong nghiên cứu, là khiêm tốn. Một số bệnh nhân lớn tuổi của chúng tôi đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể thông qua đại dịch và đã điều chỉnh lối sống của họ để tiến bộ trong thời gian này. Những người khác, với các cơ chế đối phó thông thường bị gián đoạn hoàn toàn và đang phải chịu đựng, cần thêm các nguồn lực hỗ trợ sức khỏe tâm thần và xã hội. Trong đơn vị nội trú chăm sóc sức khỏe tâm thần người cao tuổi của chúng tôi, dùng công nghệ (ví dụ: máy tính bảng kết nối internet) đã rất hữu ích để kết nối bệnh nhân với gia đình, các hoạt động và giải trí. Chúng tôi cũng nhận thấy khả năng tiếp cận tư vấn chuyên khoa được cải thiện với dịch vụ chăm sóc trực tuyến và các tùy chọn tư vấn từ bác sĩ đến bác sĩ. Đối với người bệnh ngoại trú, các tùy chọn chăm sóc trực tuyến được giới thiệu góp phần làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 cũng đã giảm bớt các rào cản đối với một số người bệnh có vấn đề về di chuyển.

Kết luận

Tác động của đại dịch đối với người lớn tuổi và những người mắc chứng sa sút trí tuệ là vô cùng lớn. Tiêm vắc-xin có thể làm giảm đáng kể các hậu quả nghiêm trọng do COVID-19 ở người lớn tuổi. Tác động gián tiếp của đại dịch đối với những người bị sa sút trí tuệ, chẳng hạn như cách ly và gián đoạn việc chăm sóc, có thể rõ ràng, nhưng chúng cũng có thể được giảm thiểu. COVID-19 gây tổn thương thần kinh không chỉ giới hạn ở những trường hợp nặng hoặc người lớn tuổi. Một tỷ lệ đáng kể những người bị nhiễm COVID-19 sẽ phải chịu tác động tiêu cực lâu dài, bao gồm gia tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Nghiên cứu để hiểu rõ hơn về sinh học thần kinh và các tác động lâu dài đến tâm thần kinh của COVID-19 là rất quan trọng, vì nó sẽ thay đổi hiểu biết về lợi ích – rủi ro của các can thiệp để ngăn ngừa COVID-19. Đại dịch vẫn chưa kết thúc. Những nỗ lực để bảo vệ tất cả mọi người, kể cả người lớn tuổi, khỏi COVID-19 là điều cần thiết.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Brown EE, Kumar S, Rajji TK, et al. . Am J Geriatr Psychiatry. 2020;28(7):712-721.
  2. Boehmer TK, DeVies J, Caruso E, et al. . MMWR Morb Mortal Wkly Rep. 2020;69(39):1404-1409.
  3. Panagiotou OA, Kosar CM, White EM, et al. . JAMA Intern Med. 2021;181(4):439-448.
  4. Grabowski DC, Mor V. . JAMA. 2020;324(1):23-24.
  5. Levin AT, Hanage WP, Owusu-Boaitey N, et al. . Eur J Epidemiol. 2020;35(12):1123-1138.
  6. Tahira AC, Verjovski-Almeida S, Ferreira ST. . Alzheimers Dement. Published online April 21, 2021.
  7. Wang Q, Davis PB, Gurney ME, Xu R. . Alzheimers Dement. 2021;17(8):1297-1306.
  8. Keng A, Brown EE, Rostas A, et al. . Front Psychiatry. 2020;11:573367.
  9. Dellazizzo L, Léveillé N, Landry C, Dumais A. . J Pers Med. 2021;11(8):746.
  10. Czeisler MÉ, Lane RI, Wiley JF, et al. . JAMA Netw Open. 2021;4(2):e2037665.
  11. McArthur C, Saari M, Heckman GA, et al. . J Am Med Dir Assoc. 2021;22(1):187-192.
  12. Brown KA, Stall NM, Vanniyasingam T, et al. Early impact of Ontario’s COVID-19 vaccine rollout on long-term care home residents and health care workers. Science Table: COVID-19 Advisory for Ontario. March 8, 2021. Accessed October 5, 2021. 
  13. Scientific brief: SARS-CoV-2 transmission. Centers for Disease Control and Prevention. Updated May 7, 2021. Accessed September 28, 2021. 
  14. Hamming I, Timens W, Bulthuis MLC, et al. . J Pathol. 2004;203(2):631-637.
  15. Crook H, Raza S, Nowell J, et al. . BMJ. 2021;374:n1648.
  16. Berlin DA, Gulick RM, Martinez FJ. . N Engl J Med. 2020;383(25):2451-2460.
  17. Mao L, Jin H, Wang M, et al. . JAMA Neurol. 2020;77(6):683-690.
  18. Marengoni A, Zucchelli A, Grande G, et al. . Age Ageing. 2020;49(6):923-926.
  19. Chopra V, Flanders SA, O’Malley M, et al. . Ann Intern Med. 2021;174(4):576-578.
  20. García-Azorín D, Abildúa MJA, Aguirre MEE, et al; Spanish neuroCOVID registry group. . J Neurol Sci. 2021;423:117283.
  21. Nalleballe K, Reddy Onteddu S, Sharma R, et al. . Brain Behav Immun. 2020;88:71-74.
  22. Yong SJ. . Infect Dis (Lond). 2021;53(10):737-754.
  23. Manca R, De Marco M, Ince PG, Venneri A. . Front Aging Neurosci. 2021;13:646908.
  24. Guedj E, Campion JY, Dudouet P, et al. . Eur J Nucl Med Mol Imaging. 2021;48(9):2823-2833.
  25. Douaud G, Lee S, Alfaro-Almagro F, et al. . medRxiv. Preprint posted online June 20, 2021.
  26. Estimated COVID-19 burden. Centers for Disease Control and Precention. Updated July 27, 2021. Accessed September 28, 2021. 
Chia sẻ