ĐỘNG KINH CỤC BỘ PHỨC TẠP

5497

LÝ THUYẾT :               
1.    ĐỊNH NGHĨA : 
–    Động kinh cục bộ phức tạp là động kinh cục bộ kèm theo suy giảm ý thức trong đó người bệnh bị rối loạn khả năng nhận thức và đáp ứng đối với các kích thích bên ngoài.

–    Động kinh cục bộ là biểu hiện của một sự phóng lực bất thường quá mức và đồng thì của một nhóm các tế bào thần kinh trong một vùng khu trú của vỏ não hoặc dưới vỏ tại một bên bán cầu.
–    Các biểu hiện lâm sàng của cơn mang tính chất đột ngột, nhất thời và rất đa dạng như triệu chứng vận động, triệu chứng cảm giác, giác quan, thực vật, triệu chứng tâm thần. Cơn kéo dài trung bình từ 2 – 3 phút đến hàng giờ. Có hiện tượng quên hoàn toàn sau cơn
–    Đặc điểm của triệu chứng trong cơn được qui định bởi chức năng thần kinh riêng biệt của vùng não bộ có nơron cho phóng lực bất thường.
–    60% động kinh cục bộ phức tạp  có nguồn gốc từ thùy thái dương và 40% có nguồn gốc ngoài thùy thái dương.

2.    DỊCH TỄ HỌC :
–    Theo Gastaut (Pháp) động kinh cục bộ phức tạp chiếm tỉ lệ 39,7% ở mọi lứa tuổi, nhưng nếu phân chia theo độ tuổi : dưới 15 tuổi và từ 15 tuổi trở lên thì tỉ lệ khác nhau với 21,4% < 15 tuổi và 55,9% ? 15 tuổi (nghiên cứu trên 1000 bệnh nhân động kinh).
–    Các nghiên cứu của Jallon P (1987) nhận thấy động kinh cục bộ chiếm 60%, trong đó ¼ là động kinh cục bộ đơn giản và ¾ là động kinh cục bộ phức tạp.

3.    BIỂU HIỆN LÂM SÀNG :
Một cơn động kinh cục bộ phức tạp điển hình gồm 3 thành phần : cơn thoáng, mất ý thức và triệu chứng tự động
•    Cơn thoáng : (Auras)
Là một phần của cơn động kinh xảy ra trong vài giây đến vài phút ngay trước khi mất ý thức và vì thế vẫn còn nhớ sau đó. Là cảm giác khởi đầu của cơn động kinh, không phải là dấu hiệu có thể quan sát thấy, vì thế chỉ bệnh nhân biết và nhớ lại. Ở trẻ nhỏ tỉ lệ cơn thoáng thường thấp vì trẻ có thể không có khả năng diễn đạt bằng lời để mô tả các cảm giác báo trước một cơn động kinh.

Cơn thoáng có thể biến mất khi bệnh tiến triển và khi động kinh nặng; gây mất ý thức trong cơn và lú lẫn sau cơn ngày càng trầm trọng.

Trên các bệnh nhân động kinh cục bộ phức tạp tần suất cơn thoáng dao động 22,5% – 83% (Gibbs, Janati, Ajmone – Marsan). Cơn thoáng hiện diện trong 20% – 93% động kinh thùy thái dương, 50% – 67% động kinh thùy trán.

Các loại cơn thoáng :
+    Cơn thoáng cảm giác thân thể (Somatosensory auras) :
›    Cảm giác nhột nhạt khó chịu, rùng mình, tê cóng … do phóng điện ở vùng cảm giác thân thể nguyên phát của hồi hậu đỉnh đối bên.
›    Cảm giác lạnh / ấm lan tỏa có thể do phóng điện ở mọi bất kỳ vùng của não.
›    Cảm giác đau : đau nhói, rát bỏng, điện giật hoặc như chuột rút thường do phóng điện hồi hậu đỉnh đối bên hoặc thùy đỉnh lân cận.

+    Cơn thoáng thị giác (Visual auras) :
›    Nhìn thấy những hình ảnh thô sơ: các vệt, tia hoặc điểm sáng, các hình ngôi sao, đơn / đa sắc, tối sầm, mù …
›    Do phóng điện ở vùng thị giác của thùy chẩm đối bên.
+    Cơn thoáng thính giác (Auditory auras):
›    Nghe được những âm thanh đơn giản: tiếng chuông, tiếng nổ, tiếng kêu vo ve, kêu chim chíp hoặc tiếng máy chạy…
›    Do phóng điện ở vùng vỏ não mới thùy thái dương trên và nắp thái dương.

+    Cơn thoáng chóng mặt (Vertiginous auras):
›    Cảm giác chuyển động bồng bềnh, xoay tròn.
›    Có thể do phóng điện phần sau của vỏ não mới vùng thái dương trên.

+    Cơn thoáng khứu giác (Olfactory auras) :
›    Ngửi được mùi khủng khiếp: mùi trứng thối, mùi cao su cháy, mùi lưu huỳnh …
›    Tần suất cơn thoáng khứu giác khoảng 1% do phóng điện ở thùy thái dương giữa, hành khứu hoặc có thể ở vùng trán – hốc mắt.

+    Cơn thoáng vị giác (Gustatory auras) :
›    Cảm nhận được các vị cay, đắng, chua, ngọt gắt.
›    Do phóng điện ở rãnh Sylvius gần phía trên vỏ não thùy, hoặc ở thùy đính hoặc ở nắp Rolando.

+    Cơn thoáng thượng vị (Epigastric auras) :
›    Cảm giác khó chịu từ bụng hoặc phần dưới của ngực di chuyển lên họng và đầu; thường có đặc điểm giống như cảm giác buồn nôn, nặng bụng, đầy hơi hoặc trống rỗng, đôi khi có thể là cảm giác đau.
›    Do phóng điện ở vùng hạnh nhân, hải mã, vùng thái dương trước giữa, rãnh Sylvius, thùy đảo vùng vận động phụ, đồi thị. Thường gặp trong động kinh thùy thái dương nhưng có thể gặp trong động kinh ở mọi thùy.

+    Cơn thoáng trong đầu (Cephalic auras) :
›    Cảm giác khó chịu trong đầu như là choáng váng, bị xiết chặt, đặc nghẹt hoặc đè nén.
›    Có thể gặp trong mọi cơn động kinh cục bộ bắt nguồn từ bất cứ vùng nào của não.

+    Cơn thoáng cảm xúc (Emotional auras) :
›    Cảm giác sợ sệt với cường độ thay đổi từ lo âu nhẹ đến hoảng loạn dữ dội do phóng điện ở thùy thái dương, đặc biệt các cấu trúc giữa.
›    Cảm xúc hưng phấn, vui sướng ít gặp
›    Cơn thoáng trầm cảm hiếm gặp

+    Cơn thoáng tình dục (Sexual auras) :
›    Cảm giác cương cứng, phóng tinh.
›    Do phóng điện vùng cảm giác cơ thể nguyên phát ở rãnh gian bán cầu và có thể ở quanh rãnh Sylvius

+    Cơn thoáng tâm thần (Psychical auras) : 
›    Rất đa dạng và phức tạp.
›    Do phóng điện ở vùng vỏ não mới thùy thái dương bên; cấu trúc viền thùy thái dương giữa trước

Các cơn thoáng tâm thần
 

Ảo tưởng Ảo giác
Trí nhớ Đã từng thấy, chưa từng thấy, đã từng nghe, chưa từng nghe, xa lạ Hồi ức trí nhớ các giấc mơ trong quá khứ
Thị giác Đại thị / tiểu thị (vật phóng to / thu nhỏ), các vật gần hơn hoặc xa hơn, rõ hơn / mờ hơn Các đồ vật, khuôn mặt, cảnh tượng
Am thanh Tiến gần / xa dần, lớn hơn hoặc nhỏ hơn, rõ hơn / yếu hơn Tiếng nói, âm nhạc
Hình ảnh chính bản thân (self-image) Song thị tâm thần (Mental dilopia), giải thể nhân cách, tri giác sai thực tại, mơ hồ Thấy chính bản thân mình (autoscopy)
Thời gian Dừng lại, hối hả hoặc chậm lại
Nhận thức Tăng nhận thức, giảm nhận thức
  •  Mất ý thức : 
    –    Mất ý thức trong cơn thường được định rõ bằng sự không đáp ứng trong cơn và hiện tượng quên các sự kiện xảy ra trong cơn và trong một khoảng thời gian dài ngắn khác nhau trước và sau cơn.
    –    Bệnh nhân sững sờ, rối loạn khả năng nhận thức và đáp ứng với các kích thích ngoại lai.

    •    Triệu chứng tự động (Automatisms) :
    Mọi hoạt động từ những thay đổi bất thường nhẹ cho đến các hành vi bạo lực giết người xảy ra sau sự phóng điện động kinh :
    –    Tự động ở vùng miệng – tiêu hóa (Oroalimentary automatism) : bao gồm các động tác nhai, nuốt, liếm láp, chép môi, chảy nước dãi thường gặp ở động kinh thùy thái dương.

    –    Tự động ở mặt (Mimetic automatism) : thay đổi diễn đạt bằng nét mặt : nhăn mặt, mĩm cười, bĩu môi, cười, khóc la, giận dữ, sợ hãi.

    –    Động tác tự động (Gestural automatism) :
    + Các động tác đơn giản ở bàn tay : gõ, vỗ, cọ xát, cầm nắm … ít có giá trị định vị.
    + Các động tác đơn giản phức tạp : cài / cởi nút áo, sắp xếp, di chuyển đồ đạc…. gặp trong động kinh thùy trán.

    –    Di chuyển tự động (Ambulatory automatism) : đi, chạy, nhảy, xoay tròn.

    –    Hành vi bạo lực (Violence automatism) : hành vi hỗn độn, kích động.

    –    Lời nói tự động (Speech automatism) :
    + Phát âm (Vocalization) : phát ra những âm vô nghĩa không có giá trị ngôn ngữ: kêu la, ngân nga, huýt sáo…. không có giá trị định vị.
    + Nói lặp đi lặp lại những từ, câu có thể hiểu được, có giá trị định bên (động kinh cục bộ phức tạp bắt nguồn từ bên bán cầu không ưu thế).

    •    Hiện tượng tự chủ : (Autonomic phenomena)
    –    Hệ tiêu hóa : ói, cồn cào trong dạ dày
    –    Hệ hô hấp : thở nhanh, khó thở
    –    Hệ tim mạch : đánh trống ngực, HA tăng
    –    Hệ niệu dục : tiểu không tự chủ, cương dương vật
    –    Hệ điều hòa thân nhiệt : nóng bừng / lạnh cóng, nổi da gà, vã mồ hôi, mặt xanh tái / đỏ bừng.
    •    Hiện tượng vận động (Motor phenomena) :
    –    Tư thế co cứng: thường gấp/duỗi chi thường ở chi trên mặc dù chi dưới có thể gặp. Được quan sát thấy trong động kinh cục bộ phức tạp khởi phát ở thùy thái dương và ngoài thùy thái dương.
    –    Tư thế loạn trương lực cơ : được thấy trong 15% bệnh nhân động kinh thùy thái dương, thường ở chi trên đối bên ổ động kinh. Đây là dấu hiệu tuyệt vời để xác định bên tổn thương: cùng bên với bên xoay đầu.
    –    Xoay đầu và mắt đối bên với ổ động kinh gặp trong 90% bệnh nhân động kinh thùy trán và thùy thái dương.
    4.    CẬN LÂM SÀNG :
    4.1. EEG :
    •    EEG ngoài cơn :
    –    30% – 40% bệnh nhân có EEG ngoài cơn bình thường. Các kỹ thuật hoạt hóa có thể giảm tỉ lệ này xuống 10%.
    –    Biểu hiện là các ổ phức hợp sóng nhọn – sóng chậm ở hai bên thái dương được ghi nhận trong 25% – 33% bệnh nhân, ở ngoài thùy thái dương, thường ở thùy trán trong 10% – 30%.

    •    EEG trong cơn :
    –    95% bệnh nhân có EEG trong cơn biến đổi.
    –    2/3 bệnh nhân có EEG với biên độ điện thế thấp lúc khởi đầu cơn động kinh cục bộ phức tạp.
    –    50 – 70% bệnh nhân động kinh thùy thái dương biểu hiện kiểu mẫu : gồm các sóng ? 5 – 7 Hz đều đặn ở vùng thái dương.
    –    Các sóng chậm sau cơn rất hữu ích cho việc xác định bên tổn thương.
    –    Các mũi nhọn ngoài cơn ở một bên thái dương có giá trị định bên.

    4.2. Chụp hình ảnh não :
    –    CT và MRI là các kỹ thuật khảo sát hình ảnh học thần kinh chính yếu trong chẩn đoán động kinh hiện nay mặc dù CT càng ngày càng có vai trò khiêm tốn dần so với MRI.
    –    MRI não bộ đã chứng tỏ là kỹ thuật chẩn đoán có độ nhạy cảm cao nhất đối với một số loại tổn thương xơ hóa hải mã, u não và các dị dạng của sự phát triển vỏ não.
    –    Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp động kinh cục bộ phức tạp  CT hoặc MRI não bình thường.

    5.    CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT :
    –    Các rối loạn trong giấc ngủ : ác mộng, cơn hoảng sợ về đêm, miên hành….
    –    Co giật do căn nguyên tâm lý
    –    Loạn thần

    6.    ĐIỀU TRỊ :
    –    47% – 60% động kinh cục bộ mới khởi phát được kiểm soát hiệu quả bằng thuốc kháng động kinh thứ  I .

    –    35% – 40% vẫn còn cơn mặc dù đã thử dùng 3 loại thuốc kháng động kinh.

    –    Các thuốc kháng động kinh được chọn lựa đầu tiên: Carbamazepine, Valproate de sodium, Phenytoin.

    –    Các thuốc kháng động kinh được chọn lựa thứ hai theo thứ tự : Oxcarbazepine Topiramate, Phenobarbital, Clonazepam, Lamotrigine….

    –    Theo Mattson & CS : CBZ tỏ ra hiệu quả hơn và ít tác dụng phụ lâu dài hơn so với VPA.
    LIỀU SỬ DỤNG

TÊN THUỐC LIỀU KHỞI ĐẦU LIỀU DUY TRÌ
CBZ Người lớn : 100mg/ng

Trẻ em : 5mg – 10mg/kg/ng

Người lớn : 400mg – 1600mg/ng

Trẻ em : 10mg – 20mg/kg/ng

VPA Người lớn : 400mg – 500mg/ng

Trẻ em : 10mg/kg/ng

Người lớn : 1000mg – 3000mg/ng

Trẻ em : 20mg – 60mg/kg/ng

PHT Người lớn : 100mg – 200mg/ng

Trẻ em : 5mg/kg/ng

Người lớn : 100mg – 300mg/ng

Trẻ em : 5mg – 8mg/kg/ng

OXC Người lớn : 600mg/ng

Trẻ em : 8mg – 10mg/kg/ng

Người lớn : 900mg – 2400mg/ng

Trẻ em : 20mg – 40mg/kg/ng

TPM Người lớn : 25mg – 50mg/ng

Trẻ em : 1mg – 3mg/kg/ng

Người lớn : 200mg – 600mg/ng

Trẻ em : 5mg – 9mg/kg/ng

PB Người lớn : 30mg/ng

Trẻ em : 2mg – 3mg/kg/ng

Người lớn : 30mg – 180mg/ng

Trẻ em : 3mg – 5mg/kg/ng

Clonazepam Người lớn : 0,5mg/ng

Trẻ em: 0,01mg – 0,03mg/kg/ng

Người lớn : 0,5mg – 4mg/ng

Trẻ em : 0,1mg – 0,2mg/kg/ng

Lamotrigine Người lớn : 25mg/ng

Trẻ em : 0,5mg/kg/ng

Người lớn : 100mg – 400mg/ng

Trẻ em : 5mg – 15mg/kg/ng

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Đào Trần Thái, Rối loạn tâm thần thường gặp trong bệnh động kinh, tr. 33 – 37, Chuyên đề thần kinh, Tập 6, Phụ bản số 3, 2002.
2.    Phạm Quỳnh Diệp, Một số nhận xét trên các trường hợp động kinh cục bộ phức tạp, BV Tâm Thần TP.HCM, 2002 – 2003.
3.    Elaine Wyllie, Epileptic auras, Chapter 23, Section A, p 376 – 385, in : The treatment of epilepsy : principles and pratice, Second Edition, Norman K. So., 1997.
4.    Mark Manford, Pratical guide to epilepsy, Elsevier, 2003.
5.    Pierre Thomas – Pierre Genton, Epilepsies, 1994.
6.    Prakash Kotagal, Complex partial seizures with automatism, Chapter 24, Section A, p 385 – 401, in : The treatment of epilepsy : principles and pratice, Second Edition, Norman K. So., 1997.
7.    Simon Shorvon, Hand book of Epilepsy treatment, 2000.

I. BỆNH ÁN MINH HỌA
1.    Hành chánh :
Họ tên bệnh nhân : N.M.C  – Nam – Năm sinh : 1972
Địa chỉ : Lâm Hải – Năm Căn – TP. Cà Mau
Trình độ học vấn : 5/12           Nghề nghiệp : Không
2.    Ngày vào viện : 10 giờ 20 phút ngày 06/03/2006
3.    Lý do nhập viện : Có những cơn vùng chạy

4.    Bệnh sử : Cha bệnh nhân khai :
Bệnh khởi phát khoảng 3 – 4 năm với những biểu hiện :
›    Khởi đầu bệnh nhân có những lúc nằm trên giường, miệng nói lẩm bẩm không rõ nội dung, hai mắt đỏ ngầu, người nhà gọi hỏi thì bệnh nhân không trả lời hoặc trả lời không chính xác. Tình trạng này kéo dài khoảng vài giờ. Sau đó bệnh nhân trở lại sinh hoạt bình thường, gia đình hỏi lại thì bệnh nhân không nhớ và chỉ giải thích là do nhức đầu quá.

›    Một tháng sau đó bệnh nhân có những cơn đột ngột la hét, vùng chạy ra đường, người thân giữ lại thì thấy mắt bệnh nhân ngầu đỏ, mặt và môi tái, nói có người nào đó gọi, đôi lúc trong cơn bệnh nhân tỏ ra bực tức, nóng nảy, đánh người nhà, không nhận ra người thân. Thường trước khi vùng chạy, bệnh nhân có biểu hiện lép nhép ở miệng. Những cơn như trên kéo dài khoảng vài giờ. Tần suất cơn từ 1 đến 3 cơn / ngày xuất hiện cả ban ngày lẫn ban đêm với khuynh hướng tăng dần theo thời gian. Những cơn xuất hiện vào ban đêm thường ngắn khoảng 5 – 10 phút, sau cơn bệnh nhân quay trở lại giường ngủ tiếp và sáng ra thì hoàn toàn không nhớ.

›    Ngoài ra ban đêm đôi khi trong giấc ngủ có những lúc bật dậy hốt hoảng vài phút, sau đó nằm xuống ngủ tiếp, hoặc có cơn đang ngủ tay chân đập mạnh xuống giường một lúc, sau đó ngủ trở lại.

›    Giữa các cơn biểu hiện như trên bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, sinh hoạt bình thường.

›    Gia đình đưa bệnh nhân khám và nhập BV Cà Mau được chẩn đoán Tâm Thần Phân Liệt, điều trị với Aminazine 250mg/ngày, Halopéridol 9mg/ngày, Seduxen 10mg/ngày. Sau đó xuất viện về nhà dùng thuốc như trên nhưng không đều, các biểu hiện trên có lúc tăng, lúc giảm nhưng không hoàn toàn hết hẵn.

›    Trong 1 lần tái bệnh nặng, gia đình đưa bệnh nhân vào BV Tâm Thần TW 2 điều trị 2 tuần, không rõ chẩn đoán và điều trị. Tình trạng bệnh vẫn không cải thiện.

›    Đầu năm 2006 bệnh nhân có nhiều cơn vùng chạy, trong cơn bệnh nhân tỏ ra rất hung hãn nếu bị ngăn cản : có lúc cầm dao tự đâm vào ngực hoặc tấn công người thân nên gia đình đưa nhập lại BV Cà Mau được chẩn đoán F20, thuốc sử dụng Aminazine 250mg/ngày, Halopéridol 9mg/ngày, Respidon 4mg/ngày, Seduxen 10mg/ngày, điều trị 1 tháng, bệnh không ổn: bệnh nhân vẫn còn những cơn vùng chạy, có những cơn miệng lép nhép, hai tay giơ cao giữ nguyên tư thế trong 10 phút, mắt đỏ ngầu, mặt và môi xanh tái.

›    Từ 1-2 tuần trước nhập viện bệnh nhân ít ngủ, gia tăng các cơn vùng chạy vào ban ngày lẫn ban đêm cũng như các cơn giữ nguyên tư thế, đồng thời mức độ hung hăng trong cơn ngày càng tăng : xách dao đòi giết cha nên gia đình đưa nhập BV Tâm Thần TP. HCM.

5.    Tiền sử :
Bản thân : Bệnh nhân là con 5/9 (7 nữ, 2 nam). Quá trình mẹ mang thai và sinh bình thường. Sinh đủ tháng. Không nhớ rõ cân nặng lúc sanh. Phát triển tâm thần vận động chậm hơn trẻ cùng tuổi : biết đi và biết nói lúc 3 tuổi. Bệnh nhân vào học lớp 1 lúc 10 tuổi, học đến hết lớp 5, thi vào lớp 6 không đậu nên nghỉ học ở nhà phụ giúp việc nhà. Bệnh nhân nói lắp từ nhỏ. Tính tình bệnh nhân trước khi bệnh hiền lành, ít nói. Không tiền căn bệnh nội ngoại khoa. Không tiền căn sốt cao co giật hoặc té chấn thương đầu.

Gia đình : không ai trong gia đình bị động kinh, sốt cao co giật, các rối loạn tâm thần hoặc các bệnh cơ thể đặc biệt.

6.    Khám : ngày 08/03/2006
•    Khám tổng quát :
Tổng trạng trung bình. Da xanh, niêm hồng nhạt. Không phù
Sinh hiệu :     Mạch : 90 lần/phút.                   HA : 110/70 mmHg.
Nhịp thở : 20 lần/phút         Nhiệt độ : 370C
Cân nặng : 56kg
Đầu mặt cổ : chưa phát hiện bất thường.
Lồng ngực : cân đối.
Nhịp tim đều rõ, không âm thổi bệnh lý.
Phổi trong, rì rào phế nang đều 2 phế trường, không rale bệnh lý.
Bụng : mềm, không điểm đau khu trú, gan lách không sờ chạm.
Tiết niệu : không dấu chạm thận, không dấu bập bềnh thận.
Xương khớp : không biến dạng, không điểm đau khu trú.

•    Khám thần kinh :
Dấu màng não : cổ mềm; Kernig (-) ; Brudzinski (-)
Khám 12 đôi dây thần kinh sọ : chưa phát hiện bất thường.
Trương lực cơ : bình thường.
Sức cơ : 5/5, đều ở tứ chi cả phần gốc lẫn phần ngọn chi.
Khám phản xạ : đều và đối xứng 2 bên

•    Khám tâm thần :
Bệnh tỉnh, ăn mặc gọn gàng, tiếp xúc tốt.
Định hướng lực : thời gian, không gian, bản thân, xung quanh đúng.
Tập trung chú ý kém : nghiệm pháp 100 – 7 chỉ thực hiện được 2 lần.
Trí nhớ  :
+ Lập tức : nhắc lại được dãy số theo chiều thuận tối đa 4 chữ số và theo chiều nghịch 3 chữ số.
+ Gần : nhắc lại được 1 trong 3 đồ vật không liên quan sau 5 phút
+ Xa : nói đúng địa chỉ nhà, tên trường cũ.
Trí năng :
+ Hiểu biết chung kém, không biết thủ đô của VN, không biết số ngày /năm.
+ Tính toán : chỉ được thực hiện các phép tính đơn giản với 1 – 2 chữ số nhưng chậm.
+ Khả năng suy luận, trừu tượng rất hạn chế.
Cảm xúc hơi thờ ơ.
Tư duy : hình thức : nói đớ, nói lắp, khó nghe, trả lời vào câu hỏi, nhịp độ chậm, rõ ràng; nội dung tư duy nghèo nàn. Không phát hiện ảo giác hoang tưởng
Hành vi yên tĩnh.

7.    Tóm tắt bệnh án :
Bệnh nhân nam, 34 tuổi.
Khởi phát bệnh lúc 30 tuổi với biểu hiện thành từng cơn :
–    Mất ý thức : không nhận ra người thân, quên hoàn toàn sau cơn
–    Rối loạn hành vi : nói lép nhép, bỏ chạy ra ngoài đường (ban ngày lẫn ban đêm), đánh người thân, xách dao đòi giết cha, lấy dao tự đâm vào ngực
–    Rối loạn vận động: đập tay chân lúc ngủ, hai tay giơ cao giữ nguyên tư thế
–    Trong cơn mắt đỏ ngầu, mặt và môi tái
Tất cả biểu hiện trên đều giống nhau ở mỗi lần xuất hiện, tần suất  1- 3 cơn ngày tăng dần theo thời gian.
Thời gian xảy ra cơn thay đổi từ vài phút đến vài giờ.
Giữa các cơn bệnh nhân sinh hoạt bình thường
Được nhập viện và chẩn đoán Tâm thần phân liệt, điều trị thuốc chống loạn thần nhiều năm tại BV tỉnh.
Bệnh diễn tiến ngày càng nặng.
Tiền sử bản thân ghi nhận phát triển tâm thần vận động chậm.
Tiền sử gia đình không ghi nhận đặc biệt.
Khám tâm thần : bệnh nhân giảm sút khả năng tập trung chú ý, trí nhớ và trí năng, cảm xúc thờ ơ; nói lắp, tư duy nghèo nàn.
Khám cơ thể , thần kinh: không ghi nhận gì bất thường

8.    Kết quả cận lâm sàng :
•    Xét nghiệm thường qui : công thức máu : bình thường
•    EEG ngoài cơn : kích thích nhẹ vỏ não lan tỏa ưu thế vùng thái dương chẩm tại thời điểm đo
•    Trắc nghiệm trí tuệ WAIS-R : chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ
•    Hình ảnh não:CT, MRI chưa thực hiện

9.    Chẩn đoán :
•    Chẩn đoán xác định : Động kinh cục bộ phức tạp / Chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ
•    Chẩn đoán phân biệt :
–    Tâm thần phân liệt
–    Chậm phát triển tâm thần có rối loạn cảm xúc và hành vi

10.    Điều trị :
–    Ngày nhập viện  : + Encorate 200mg x 2 viên/ngày
+ Diazepam 5mg x 2 viên/ngày
–    N1 :      + Tegretol 200mg x 2 viên/ngày
+ Polyvit 2viên/ngày
–    N4 :    + Tegretol 200mg x 3 viên/ngày
+ Polyvit 2viên/ngày

11.    Diễn tiến bệnh :
•    Từ lúc nhập viện đến ngày thứ tư sau nhập viện : bệnh nhân không còn các cơn vùng chạy, còn các cơn rối loạn vận động : giơ 2 tay lên cao giữ nguyên tư thế : 1 -2 cơn/ngày buổi trưa, thỉnh thoảng còn các cơn nói lép nhép.
•    Từ ngày thứ năm sau nhập viện đến hiện tại : không còn các cơn giữ nguyên tư thế, thỉnh thoảng vẫn còn lép nhép miệng

12.    Tiên lượng : dè dặt

ThS, bác sĩ Đào Trần Thái, Chủ nhiệm bộ môm tâm thần ĐHYD, Trưởng Khoa A
BS Lê Thị Hồng Nhung, Bs Khoa Khám Trẻ Em và Bệnh Viện Ban Ngày

Chia sẻ