Theo kết quả 1 nghiên cứu ở Hoa Kỳ, tỷ lệ nhập viện cấp cứu tâm thần, số ngày điều trị nội trú, khả năng té ngã, lạm dụng rượu và các chất gây nghiện ở người già bị bệnh tâm thần nặng cao hơn so với tỷ lệ ở nhóm người không bị bệnh tâm thần.

Bs Hugh C. Hendrie, chuyên gia tâm thần người già thuộc Viện Trường Y khoa Indiana và Trung tâm nghiên cứu người cao tuổi cho biết: “Mục đích của nghiên cứu này là tiếp tục minh họa khả năng dễ bị tổn thương của người lớn tuổi bị bệnh tâm thần trầm trọng khi tuổi ngày càng tăng”.

Kết hợp chăm sóc y khoa và tâm lý xã hội cần được đặt ra vì tỷ lệ người già mắc các bệnh tâm thần tăng hàng năm. Người già, người trẻ, người mắc bệnh tâm thần thường kèm theo đồng thời các bệnh lý nội khoa đòi hỏi sự kết hợp chăm sóc điều trị tốt hơn.

Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Tâm thần người cao tuổi Hoa Kỳ tháng 12/2013.

Đúng là trong dân số chung, người bệnh tâm thần nặng sống lâu hơn, nhưng rất ít nghiên cứu về công tác chăm sóc bệnh nhân tâm thần và mối tương quan với các bệnh lý kèm theo ở người bệnh tâm thần lớn tuổi.

Bs Hendrie và cs so sánh tỷ lệ tử vong ở 255 bệnh nhân lớn tuổi (trung bình 72 tuổi) bị bệnh tâm thần nặng lâu năm nội trú và 533 người cùng độ tuổi không mắc bệnh tâm thần hay sa sút tâm thần đang được chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Kết quả, trong nhóm mắc bệnh tâm thần có 119 (46,7 %) bệnh nhân bị trầm cảm tái diễn, 100 (39,2 %) tâm thần phân liệt, và 36 (14,1%) bệnh nhân rối loạn lưỡng cực.
So sánh với nhóm người không mắc bệnh tâm thần đang được chăm sóc ban đầu, bệnh nhân tâm thần nặng có khuynh hướng lạm dụng các chất gây nghiện (P = .02) và sử dụng rượu (P = .0016).

Tuy nhiên, khả năng mắc các bệnh lý khác kèm theo như đái tháo đường, bệnh mạch vành tim, suy tim, viêm phổi tác nghẽn mạn tính, bệnh tuyến giáp và ung thư của hai nhóm là như nhau.

Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng kết quả này trái ngược với y văn hiện tại đối với những bệnh nhân trẻ tuổi, vốn gợi ý rằng tần suất một số bệnh lý y khoa kèm theo gồm béo phì, đái tháo đường, các triệu chứng tim mạch hô hấp cao hơn ít nhất 2 lần ở nhóm bệnh nhân tâm thần so với dân số chung.

Các kết quả trên cho thấy người bệnh lớn tuổi là đại diện cho “nhóm người sống sót”.

Các tác giả đã đúng khi cho rằng số bệnh nhân này theo một cách nào đó là một nhóm sống sót. Các bệnh nhân này khỏe mạnh hơn các bệnh nhân tâm thần mãn tính thông thường. Quy luật thông thường là người bệnh tâm thần mãn tính có tuổi thọ ngắn hơn từ 20 đến 25 năm so với người thường, cho nên việc các bệnh nhân này sống đến tuổi này có nghĩa là họ khỏe mạnh hơn bình thường.

Nhóm bệnh nhân tâm thần trong nhóm sống sót có tỷ lệ bệnh tăng huyết áp thấp hơn ( 83 % so với 93 %). Lý do của việc này có thể là vì họ dùng nhiều thuốc chống loạn thần hơn có tác dụng hạ huyết áp.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện tình trạng té ngã xảy ra phổ biến ở nhóm bệnh nhân tâm thần (32,2 % so với 18,6%, P < .0001). Có thể do người bệnh tâm thần phải đối mặt với hậu quả của lão hóa và té ngã là nguyên nhân góp phần chủ yếu của tỷ lệ tử vong cao.

Ngay cả khi đã điều chỉnh các yếu tố sử dụng rượu và lạm dụng các chất gây nghiện, nhóm người cao tuổi mắc bệnh tâm thần vẫn có khuynh hướng bị té ngã nhiều hơn (OR 2.16; 95% CI, 1.52 – 3.08; P <.002).

Nhóm người bệnh tâm thần có tỷ lệ cấp cứu y khoa cao hơn (P = .0027) và nằm viện dài ngày hơn (P <.0001) so với nhóm bệnh nhân chăm sóc ban đầu. Bs Ahmed cho rằng kết quả trên tương tự như nhóm bệnh nhân tâm thần trẻ tuổi, cũng cấp cứu và nội trú dài ngày hơn nhóm bệnh nhân chăm sóc ban đầu. Bệnh nhân tâm thần trẻ tuổi không được hòa nhập vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, không thích đến bệnh viện và bác sĩ cũng không cảm thấy dễ chịu khi chăm sóc bệnh nhân tâm thần nặng.

Tóm lại, các nhà nghiên cứu ghi nhận những phát hiện trên cho thấy cần nhiều nghiên cứu về tâm thần người cao tuổi để có thể tìm ra sự kết hợp giữa chăm sóc y khoa và chăm sóc bệnh tâm thần tốt hơn trong đó có các yếu tố tâm lý xã hội.

Thực tế tại Khoa Khám bệnh BV tâm thần Tp Hồ Chí Minh, trong 6 tháng ( 5 – 11 / 2013 ), số bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên đến khám và điều trị ngoại trú là  1,507 người cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 (1,246 người). Số lượng bệnh nhân lớn tuổi  này chưa cao,có thể do phương tiện đi lại hạn chế, hoàn cảnh neo đơn, thân nhân chăm sóc trực tiếp hàng ngày ít, và chưa nhiều bác sĩ được đào tạo chuyên về tâm thần người già. Một nguyên nhân nữa là người bệnh tâm thần lớn tuổi thường đi khám chuyên khoa tâm thần trễ sau khi khám và điều trị các chuyên khoa liên quan do không muốn đưa bậc cao tuổi đến bệnh viện tâm thần. Đồng thời người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý nội khoa khác với việc sử dụng quá nhiều loại thuốc sẽ gây tương tác thuốc với thuốc chuyên khoa tâm thần. Cần lưu ý việc sử dụng không cẩn thận các loại thuốc chuyên khoa cũng dễ dẫn tới nhiều tác dụng phụ không mong muốn khó điều chỉnh, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Bs Phạm Văn Trụ Bv TT Tp HCM
Theo Megan Brooks. Mental Illness in Seniors Hits Healthcare System Hard. Medscape Medical News > Psychiatry. November 20, 2013. Am J Geriatr Psychiatry. 2013;21:1267-1276. Abstract