Một số khái quát về bệnh động kinh:
Theo Tổ chức Y tế thế giới động kinh là một bệnh mạn tính có nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc trưng là sự lặp đi lặp lại các cơn co giật do sự phóng điện quá mức của tế bào thần kinh não bộ, dù cho các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng kết hợp có thể khác nhau.
Y văn cổ Ấn độ (4500 – 1500 trước Công nguyên ) mô tả động kinh là trạng thái “apasmara”: apas nghĩa là không có hoặc hoặc mất ( điều gì đó); smara nghĩa là ý thức hoặc trí nhớ. Tuy nhiên đến các thời kỳ cổ đại tiếp theo người ta lại cho rằng cơn co giật động kinh là cơn giận dữ hay không hài lòng của chúa trời hay quỷ dữ gây ra, người ta sợ hãi và mê tín… Dần dần người ta tìm ra được nhiều nguyên nhân gây ra cơn co giật và các thuật ngữ chỉ các thể loại động kinh ra đời. Đến thế kỷ XIX các bác sĩ chuyên khoa tâm thần và thần kinh đã tranh cãi nhiều về bệnh động kinh vì các dấu hiệu và triệu chứng của cả hai chuyên khoa này.
Dễ thấy nhất là các cơn co cứng giật tay chân, sùi bọt mép, bất tỉnh do các cơn phóng điện quá mức lặp đi lặp lại của tế bào thần kinh não bộ. Ở trẻ em có thêm các biểu hiện cơn co giật riêng biệt. Trong cơn có thể có nhiều thể loại cơn.
Các triệu chứng biểu hiện cơn co giật động kinh khác nhau tùy vào vị trí xuất phát các cơn phóng điện.
Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến cơn co giật:
+ Chấn thương đầu ảnh hưởng não bộ trong lúc sinh đẻ,
+ Dị dạng mạch máu trong não,
+ Di chứng tổn thương viêm, nhiễm ký sinh trùng não bộ,
+ U não,
+ Chấn thương sọ não,
+ Di chứng sau tai biến mạch máu não
+ Và các cấu trúc bất thường khác ở não bộ.
Tỷ lệ 0,4 – 0,5 % dân số. Một số bệnh nhân động kinh có các biểu lộ cảm xúc, tính cách, hành vi cư xử không ổn định và các triệu chứng tâm thần.
Mã số chẩn đoán theo Bảng Phân loại bệnh Quốc tế: G40 và G41. Theo Bảng phân loại bệnh Hoa Kỳ là 345.
Chẩn đoán
Dựa trên các triệu chứng khá đặc trưng của từng loại cơn co giật. Người thân cần quan sát và mô tả đúng ngay từ khi bắt đầu xuất hiện. Dưới dây là một số thể loại cơn hay gặp:
+ Động kinh cơn lớn: đột ngột bất tỉnh, té ngã, thở rít lên, tay chân duỗi gồng cứng đờ, tím môi vì ngưng thở, hai hàm răng cắn chặt dễ chảy máu lưỡi. Tiếp theo là co giật các cơ, ép ngực khó thở, sùi bọt mép mắt nhấp nháy, tròng mắt trợn ngược, bớt co giật rồi ngưng hẳn. Sau đó bệnh nhân mê đi, gọi hỏi không biết nhưng dần dần tỉnh lại và không nhớ cơn co giật đã xảy ra ( có bệnh nhân ngủ say lúc tỉnh lại than đau đầu nhức mỏi ).
+ Cơn vắng ý thức: xảy ra nhanh, hay gặp ở trẻ em gái, thường do người thân phát hiện: tự nhiên nhìn đờ đẫn, sắc mặt tái, chép lưỡi nhai nuốt vài lần, rớt đồ đang cầm, nếu đang viết thì chữ xấu đi khó đọc. Không té ngã nhưng có thể giật tròng mắt. Có thể tự hết hay diễn tiến thành động kinh cơn lớn hoặc kết hợp cả hai. Sóng điện não đặc trưng với phức hợp mũi nhọn & sóng nhịp nhàng đồng bộ hai bán cầu.
Cơn vắng ý thức không điển hình ( kết hợp với loại cơn động kinh khác, hội chứng Lennox – Gastaut ) hay gặp ở trẻ em trai, di chứng trí tuệ kém và dễ thay đổi tính nết.
+ Hội chứng West: hay gặp ở trẻ nhỏ dưới một tuổi, nam nhiều hơn nữ: lúc thức giấc đột nhiên gục đầu gập than mình, hai tay duỗi ra trước rồi nhanh chóng tỉnh lại. Cơn xảy ra nhiều lần trong ngày, chậm khôn lớn rõ, điện não đồ hypsarrythmie đặc trưng.
+ Điện não đồ ( EEG ) hỗ trợ chẩn đoán, phim CT. MRI cần thiết để tìm và phát hiện các tổn thương não.
+ Còn nhiều loại cơn co giật khác được mô tả chi tiết trong Bảng phân loại quốc tế về động kinh.
Cần biết phân biệt các cơn co giật không động kinh ( tétanie, hạ đường huyết, sốt cao co giật ở trẻ em, ngộ độc một số loại hóa chất, …).
Những lưu ý cần biết
Bệnh nhân động kinh có giảm sút trí tuệ hay không do tổn thương não bộ ảnh hường các trung khu thần kinh cao cấp.
Người bệnh động kinh lâu ngày dễ nổi giận, cộc tính và “ghét lâu, thù dai”, một số ít trường hợp có hành vi vô ý sau cơn co giật.
Chú ý phát hiện các bệnh lý cơ thể kèm theo vì bệnh nhân “không biết cách nói ra” và vì thói quen “xa cách” người động kinh.
Ở một số phụ nữ, cơn co giật động kinh có liên quan chu kỳ kinh nguyệt.
Theo dõi hiệu quả điều trị: số cơn co giật mỗi ngày, hay hàng tuần, hàng tháng và các biểu hiện cải thiện chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân động kinh. Tạo điều kiện người bệnh sinh hoạt, giúp đỡ cùng làm việc phù hợp, tránh mặc cảm phân biệt đối xử.
Người thân phải hướng dẫn và giúp bệnh nhân tránh các yếu tố nguy cơ xuất hiện cơn co giật (sốt nhiễm trùng, rối loạn cảm xúc, xung đột gia đình, làm việc quá sức, lo âu mất ngủ, uống rượu, hút thuốc v.v… ).
Người thân cần bảo quản thuốc, nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đúng theo toa.
Khám, điều trị và một số khuyến cáo:
Bệnh động kinh thuộc chuyên khoa nội thần kinh. Tuy nhiên cho đến nay ngành tâm thần vẫn quản lý và điều trị ngoại trú bệnh động kinh, các bác sĩ chuyên khoa tâm thần vẫn được trang bị kiến thức về bệnh động kinh. Tại Tài Xỉu Trực Tuyến Hồ Chí Minh số lượng trẻ em động kinh khám và điều trị ngoại trú khoảng 30 – 40 %, người lớn khoảng 15 – 20 %.
Các biểu hiện tâm thần ở bệnh nhân động kinh khá phức tạp và phụ thuộc vào nguyên nhân bệnh sinh như ổ động kinh, sự chồng chéo của các yếu tố tâm lý xã hội ( sự kỳ thị, phân biệt đối xử, các quan niệm sai trái khác) và cả hiệu quả trực tiếp, gián tiếp của thuốc chống động kinh.
Điều trị sớm ngay sau khi có chẩn đoán. Liều lượng thuốc tính theo cân nặng, trẻ em khác người lớn.
Một số thuốc chống động kinh phổ biến:
+ Phenobarbital
+ Carbamazepine
+ Hydantoine
+ Valprate de sodium
Các loại thuốc trên đều có hiệu quả nếu chúng ta dùng phù hợp với chẩn đoán thể loại cơn co giật động kinh. Cũng có tỷ lệ nhất định bệnh nhân động kinh ít đáp ứng với điều trị (còn gọi là động kinh khó trị). Ở từng bệnh nhân động kinh khó trị cần được xem xét đầy đủ các yếu tố như chẩn đoán bỏ sót thể loại cơn, thời gian và liều lượng và thuốc, bệnh lý khác kèm theo đặc biệt là về tâm thần và trạng thái tâm lý. Trường hợp này các bác sĩ chuyên khoa sẽ kết hợp thuốc theo khuyến cáo từ kết quả các nghiên cứu quốc tế cập nhật được, từ kiến thức dược động học, tâm lý học… Hiện nay có nhiều loại thuốc chống động kinh khác được xem là hiệu quả và ít tác dụng phụ hơn nhưng giá thành cao.
Sử dụng thuốc chống động kinh phải tính đến các yếu tố an toàn, hiệu quả, hợp lý, khả năng kinh tế của người bệnh và gia đình vì thời gian thuốc uống kéo dài nhiều năm. Bác sĩ điều trị phải thông báo kỹ lưỡng cho thân nhân và người bệnh, ngược lại thân nhân và người bệnh cũng nên “tư vấn” bác sĩ về chăm sóc bệnh nhân động kinh. Nên kiểm tra định kỳ các chức năng gan, thận.
Lưu ý các khuyến cáo tác động trong quá trình hình thành và phát triển thai nhi.
Thời gian điều trị kéo dài. Khi không còn cơn co giật phải duy trì liều đang dùng trong thời gian 2 năm ( hiện nay thời gian này được khuyến cáo kéo dài hơn ), sau thời gian này bắt đầu giảm liều lượng từng đợt nếu không tái xuất hiện cơn co giật.
Không bao giờ tự ý ngưng uống thuốc chống động kinh vì đây là một trong những nguyên nhân chính gây trạng thái động kinh liên tục.
Xử lý cơn co giật:
Nhanh chóng dùng vật dụng thích hợp đặt giữa 2 hàm răng tránh người bệnh cắn lưỡi, giữ đầu nghiêng sang một bên đồng thời nới lỏng quần áo người bệnh., trực tiếp giữ tư thế người bệnh thoải mái, không cố định quá chặt. Chuyển tới Khoa Cấp cứu bệnh viện gần nhất.
Không vắt nước chanh nhỏ vào miệng bệnh nhân vì không có tác dụng cắt cơn và nước chanh sẽ chảy vào khí quản gây khó thở. Hút, lau đàm nhớt.
Theo dõi “trông chừng liên tục”, rất cần tiếp xúc thân mật ngay sau khi người bệnh ra khỏi cơn co giật vì lúc này người bệnh chưa tỉnh hẳn dễ có hành vi vô ý gây nguy hiểm và tạo ra cảm giác an toàn hết đau đớn sợ sệt và bất hạnh.
Nếu cơn co giật xảy ra liên tục (động kinh liên tục ) phải điều trị cấp cứu tại các bệnh viện có chuyên khoa và đầy đủ trang thiết bị cấp cứu.
Tài liệu tham khảo:
1. Harry W. Mc Connell,M.D., F.R.C.P.C., and Peter J. Snyder, Ph.D. Psychiatric Comorbidity in Epilepsy. Basic Mechanismes Diagnosis and Treatment. American Psychiatric Press, Inc. 1998.
2. Jerome Engel. Jr. MD, PhD. Timothy A.Pedley. MD. EPILEPSY A Comprehensive Textbook. Second Edition. Lippincott Williams & Wilkins. Philadelphia. 2008.
3. Bộ môn tâm thần. Trường Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh. TÂM THẦN HỌC. Lưu hành nội bộ. 1997.
Bs Phạm Văn Trụ BV Tâm Thần TP HỒ CHÍ MINH