1. LỊCH SỬ:
1.1. Định nghĩa:
AIDS (Acquired Immuno Deficiency Syndrome – Tiếng Anh), hay SIDA (Syndrome d’Immuno Deficience Acquise – Tiếng Pháp) có nghĩa là “Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải” là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV (Human Immunodeficiency Virus). HIV tấn công và tiêu diệt dần các tế bào miễn dịch, làm suy giảm miễn dịch của cơ thể dẫn đến phát sinh các nhiễm trùng cơ hội, các rối loạn thần kinh và tâm thần dẫn đến tử vong.
1.2. Tác nhân gây bệnh:
Có 2 loại HIV gồm HIV1 (Do L. Montagnier và cộng sự tìm ra năm 1983 được Robert Gallot khẳng định năm 1984) và HIV2 (Cũng do nhóm của L. Montagnier tìm ra tại Trung Phi năm 1986). Đây là các Retrovirus thuộc họ Lentivirus (diễn biến kéo dài). Đích tấn công của HIV là các tế bào có điểm tiếp nhận CD4 bao gồm các tế bào lympho T4, tế bào niêm mạc đường hô hấp, tế bào đệm thần kinh và các tế bào thượng bì. HIV tấn công và tiêu diệt tế bào cơ thể qua việc gây nhiễm và nhân lên. Quá trình nhân lên của virus được gia tăng khi bệnh nhân bội nhiễm thêm các bệnh khác như bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan virus B …
Thời gian từ khi bị nhiễm bệnh cho đến khi có kháng thể trong máu (khoảng 03 tháng) được gọi là “thời kỳ cửa sổ”, cơ thể sau khi nhiễm HIV sản xuất ra kháng thể chống lại HIV, phát hiện được kháng thể này có nghĩa là người đó đã bị nhiễm HIV. Thời gian từ khi bị nhiễm HIV đến khi diễn biến thành AIDS được gọi là Thời kỳ ủ bệnh có thể kéo dài từ 8 – 10 năm.
1.3. Các phương thức lây nhiễm:
HIV lây truyền chủ yếu qua 3 đường: Đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con.
– Lây truyền qua đường máu: Chủ yếu gặp trong truyền máu, qua các dụng cụ tiêm chích không được vô trùng. Ngoài ra việc lây truyền có thể qua việc cấy ghép phủ tạng hoặc nhận tinh dịch bị nhiễm HIV.
– Lây truyền qua đường tình dục: Là con đường chủ yếu hay gặp như quan hệ tình dục không an toàn vào âm đạo, trực tràng, miệng.
– Lây truyền từ mẹ sang con: Trẻ em có thể lây nhiễm HIV do mẹ nhiễm HIV truyền qua đường nhau thai (từ tuần lễ 21) còn gọi là lây truyền chu sinh, lây khi chuyển dạ là chính.
2. DỊCH TỄ HỌC:
Nhìn chung thời gian từ khi nhiễm HIV đến giai đoạn AIDS dao động từ 7 – 10 năm, sau khi chuyển huyết thanh dương tính. Do vậy số người bệnh AIDS hiện nay thường là hậu quả của nhiễm HIV từ 5 – 10 năm trước. Thời gian nhiễm HIV thường kéo dài và đa số trong số người nhiễm không có biểu hiện lâm sàng bề ngoài hoàn toàn khỏe mạnh. Chính vì vậy họ là nguồn lây nhiễm rất lớn. Khi có một người bệnh AIDS thì trên thực tế đã có hàng trăm người nhiễm HIV không có triệu chứng trong cộng đồng. Đây chính là hiện tượng “Tảng băng nổi” nghĩa là phần nhỏ nổi trên mặt nước là số người bệnh AIDS còn phần lớn chìm phía dưới là số người nhiễm HIV không triệu chứng và những người ở cận AIDS (ARC).
3. ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG:
3.1. Phân loại lâm sàng:
Phân loại lâm sàng nhiễm HIV/AIDS theo tiêu chuẩn CDC 1993 áp dụng cho người lớn và trẻ em trên 13 tuổi.
Dựa vào số lượng tế bào CD4 phù hợp với nghiên cứu để đánh giá lâm sàng, điều trị và tiên lượng bệnh.
Tế bào CD4 | Phân loại lâm sàng | |||
Số lượng tế bào CD4/mm3 | Tỷ lệ Lympho toàn phần | Loại A không triệu chứng hoặc hạch toàn thân kéo dài hoặc nhiễm HIV cấp | Loại B có triệu chứng lâm sàng nhưng không phải loại A và C | Loại C các bệnh chỉ điểm trong AIDS |
³ 500 TB/mm3 | ³ 29% | A1 | B1 | C1 |
200–499TB/mm3 | 14 – 28% | A2 | B2 | C2 |
< 200 TB/mm3 | < 14% | A3 | B3 | C3 |
– Những người thuộc nhóm A3; B3; C1; C2; C3 được chẩn đoán là AIDS.
3.2. Các giai đoạn và mức độ bệnh AIDS:
– Biểu hiện lâm sàng của AIDS rất đa dạng, phức tạp và thường thay đổi tùy từng giai đoạn. Năm 1986 CDC – Hoa Kỳ đã phân loại quá trình nhiễm HIV/ AIDS và AIDS thành các giai đoạn:
+ Giai đoạn sơ nhiễm (giai đoạn nhiễm khuẩn cấp) gọi là CDC – I.
+ Giai đoạn không triệu chứng (giai đoạn thầm lặng) gọi là CDC – II.
+ Giai đoạn Hội chứng hạch dai dẳng gọi là CDC – III.
+ Giai đoạn AIDS gọi là CDC – IV. Trong giai đoạn này chia thành 2 thời kỳ: Phức hợp cận AIDS (ARC) và AIDS thực sự.
3.3. Các triệu chứng thần kinh:
3.3.1. Viêm não do Toxoplasma:
– Thường biểu hiện bằng dấu hiệu Màng não – Não. Bệnh nhân có rối loạn ý thức từ u ám, bán hôn mê, hôn mê, xuất hiện những cơn co giật, hay gặp triệu chứng tổn thương Thần kinh khu trú và Hội chứng tăng áp lực nội sọ.
– Chụp cắt lớp sọ não có thể thấy một hay nhiều đám mờ tròn hoặc những đám vôi hóa. Đó là những ổ khu trú tiến triển của Toxoplasma, bệnh diễn biến nặng dần tới tử vong.
3.3.2. Viêm màng não do nấm Cryptococccus neoforman:
– Bệnh cảnh giống viêm màng não lao. bệnh sốt cao, hội chứng màng não rõ kèm rối loạn ý thức như lú lẫn, nặng có thể hôn mê. Bệnh tiến triển nặng dần đến tử vong ngay cả khi điều trị đúng bằng Amphoterixin B. Chẩn đoán bệnh dựa vào soi và cấy dịch não tủy tìm thấy nấm Cryptococccus neoforman.
3.3.3. Viêm não do Cytomegalovirus (CMV):
– Ngoài gây viêm não, CMV còn gây viêm phổi, viêm niêm mạc ống tiêu hóa, viêm võng mạc dẫn tới mù.
3.3.4. Viêm não chất trắng đa ổ tiến triển:
– Bệnh do Papovavirus gây nên, biểu hiện triệu chứng rất đa dạng từ nhức đầu thường xuyên đến rối loạn hành vi.
4. CÁC TRIỆU CHỨNG RỐI LOẠN TÂM THẦN:
4.1. Các rối loạn tâm thần ở giai đoạn nhiễm khuẩn cấp ban đầu:
– Biểu hiện ở thời kỳ này là sốt, uể oải, đau cơ, đau đầu, dễ bị kích thích, thay đổi khí sắc, đôi khi có mê sảng. Về mặt tâm lý, khi bệnh nhân biết kết quả xét nghiệm HIV dương tính sẽ xuất hiện mối lo sợ lớn về bệnh, đe dọa đến cuộc sống, bị xã hội miệt thị và khả năng truyền bệnh cho người khác. Các phản ứng bao gồm “Sốc” về tâm lý, tức giận, từ chối, buồn phiền. Các triệu chứng trầm cảm , lo âu, rối loạn giấc ngủ là phổ biến. Bệnh nhân có mặc cảm, tự ti, cảm thấy bất lực trước cuộc sống, bị xã hội ruồng bỏ dễ dẫn đến ý tưởng và hàn h vi tự sát.
4.2 Rối loạn sự thích ứng (adjustment disorder)
– Biểu hiện được xác định như những phản ứng kém thích nghi với stress. Môi trường tâm lý không tốt như sự thiếu quan tâm săn sóc của người thân, sự chế giễu, xa lánh của những người xung quanh làm gia tăng tác dụng của stress đối với người bệnh. Đôi khi stress làm xuất hiện những rối loạn lo âu và khí sắc ở một vài bệnh nhân sẵn có tiền sử rối loạn tâm thần chiếm từ 5 – 20% bệnh nhân nhiễm HIV. Một số bệnh nhân có thể có những rối loạn hàn h vi kém thích nghi như: Hành động tình dục không an toàn, lạm dụng thuốc, tức giận , tự ti.
4.3. Rối loạn trầm cảm:
– Mức độ triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng và được cải th iện qua thời gian mà không cần dùng đến thuốc. Người bệnh khi bị nhiễm HIV hoặc mắc AIDS sẽ suy sụp rất nhanh trong thời gian ngắn do suy giảm về sức khỏe mất việc làm hoặc giảm các hoạt động trong cộng đồng. Người bệnh cảm thấy đau đớn và bất hạnh, chán nãn, bi quan, mệt mỏi và kiệt sức, mất khả năng tìm nguồn vui và cảm giác mọi thứ đều vô nghĩa, mất tập trung và giảm trí nhớ, không muốn giao tiếp, ăn quá nhiều hoặc chán ăn, muốn được yên tĩnh một mình. Bệnh nhân AIDS thường đau buồn liên tục hàng giờ thậm chí hàng ngày. Rối loạn cảm xúc thực tổn thường đi kèm với suy giảm nhận thức.
4.4. Rối loạn lo âu:
– Thường có rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Các triệu chứng thường biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật : Run, cảm giác hồi hộp, tê dại, muốn té xỉu , vã mồ hôi, mất ngủ, kém tập trung, lo nghĩ nhiều , cáu bẩn, hốt hoảng, thờ nhanh , chán ăn và có thể kèm theo đau đầu.
4.5. Hành vi tự sát:
– Người bị nhiễm HIV/AIDS cho rằng cuộc sống còn lại của họ không còn ý nghĩa và muốn kết thúc bằng một cái chết không đau đớn. Tự sát xảy ra ở hai giai đoạn:
+ Giai đoạn đầu xảy ra khi phản ứng huyết thanh dương tính được xác định. Tự sát xảy ra như một phản ứng xung động trên một nền rối loạn cảm xúc do stress.
+ Giai đoạn hai (giai đoạn cuối) có nhiều biến chứng thần kinh tâm thần của AIDS bao gồm: suy giảm nhận thức, rối loạn cảm xúc thực tổn, mê sảng, trạng thái hoang tưởng. Yếu tố nguy cơ cho tự sát là: có bạn chết vì AIDS, những người bị cô lập, khó khăn trong quan hệ xã hội, về tài chính sa sút và sảng . Rối loạn khí sắc trước khi bị bệnh, bệnh hệ thống hoặc bệnh tâm thần đang có, lạm dụng thuốc, tham vấn trước và sau test liên quan đến HIV không đầy đủ.
4.6. Rối loạn mê sảng:
– Trạng thái sảng thường được thấy hơn trong giai đoạn muộn của nhiễm HIV/AIDS ở những bệnh nhân nằm viện với các biểu hiện: Khởi phát triệu chứng nhanh, trạng thái bàng hoàng, lo âu, sợ hãi, sau tiến triển thành lú lẫn, mất định hướng, mù mờ ý thức, giảm khả n ăng tập trung đặc biệt là kích động tiến triển dao động trong 24 giờ, các ảo tưởng, ảo giác đặc biệt về đêm có nhiều ảo giác thị giác và hoang tưởng kèm theo. Một số yếu tố làm tăng trạng thái mê sảng như: nhiễm khuẩn hệ thống, giảm oxy máu do hậu quả của bệnh viêm phổi Pneumocystis, rối loạn chuyển hóa. Ngoài ra còn do hậu quả của việc dùng thuốc Corticoide, thuốc giảm đau, gây ngủ ở bệnh nhân HIV.
4.7. Phức hợp sa sút liên quan đến HIV/AIDS
– Được phân chia theo hai mức độ trầm trọng và nhẹ, sự khác nhau giữa chủ yếu về mức độ tật chứng vận động đời sống hàng ngày, sự sa sút thường gặp là sa sút tâm thần dưới vỏ. Theo ICD – 10 Sa sút tâm thần (Dementia) được xếp vào mục F 02.4. Những triệu chứng bần thần , giảm trí nhớ, mất một số khả năng vận động và thay đổi tính tình thường gặp ở người nhiễm HIV trong giai đoạn AIDS. Tiến triển của sa sút tâm thần trong nhiễm HIV nhìn chung là nghèo nàn, 50 – 75% số bệnh nhân chết trong vòng 6 tháng .
4.8. Sự thay đổi nhân cách:
– Được đặc trưng bởi các b iến đổi đáng kể các mô hình hành vi quen thuộc đối với bệnh nhân trước khi bị bệnh. Sự thể hiện của cảm xúc, của n hu cầu và xung động đặc biệt bị tổn thương làm gia tăng các nét nhân cách bệnh lý dẫn đến hành vi giải ức chế, dễ bị kích thích, có h ại cho ngừơi khác đôi khi giống hội chứng hưng cảm nhẹ.
4.9. Bệnh cảnh giống loạn thần dạng phân liệt:
– Hay gặp là các rối loạn h oang tưởng bị hại. Người bệnh cho rằng mình nằm viện là do âm mưu lấy cắp tài sản hoặc đầu độc họ. Các rối loạn tri giác thực tổn thường gặp là ảo giác thính giác, thị giác.
4.10. Lạm dụng ma túy:
– Theo Kaplan H.I và Sadock (1998) ngoài việc dùng thuốc kháng virus người bệnh còn tự sử dụng bất hợp pháp các thuốc ma túy khác để hạn chế lo âu và trầm cảm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ môn Truyền nhiễm (2002), Nhiễm HIV/AIDS – Học Viện Quân Y, Nhà Xuất bản Y Học, Tr.355 – 382.
2. Bộ Y Tế (2000), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị nhiễm HIV/AIDS, Nhà xuất bản Y Học, Hà Nội, Tr. 7-11.
3. Bộ Y Tế (2001), Xét nghiệm chẩn đoán HIV, Ủy Ban Phòng chống AIDS, Tr.19-21.
4. Nguyễn Hữu Chí (1996), Nhiễm HIV/AIDS, Nhà xuất bản Tp.HCM, Tr.92 – 94.
5. Đào Đình Đức, Nguyễn Văn Kính (1994), Hội Chứng Suy Giảm Miễn Dịch Mắc Phải AIDS, Một số chuyên đề truyền nhiễm, Đại Học Y Khoa Hà Nội, Tr. 2-25.
6. Nguyễn Văn Ngân, Ngô Ngọc Tản và CS (2002), R ối loạn tâm thần thực tổn (Giáo trình giảng dạy sau đại học – HVQY), NXB. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, Tr.33.
7. Fauci H.A.S; Lane C. (1994), “ Human immunodeficiency virus (HIV), disease: AIDS and Related disorders), Harrison’s principles of internal medicine USA, 1566: 1617.
8. Kaplan H.I., Sadock’s. (1998), Neuropsychiqtric Aspects of Human Immunodeficiency Virus (HIV) infection and Acquired Immunodeficiency Syndrome (AIDS), Synopsis of Psychiatry eighth Edition, chapter (11), pp.351 – 362.
ThS. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Phó khoa nữ BỆNH VIỆN TÂM THẦN