Vấn đề phải chăng bệnh nhân tâm thần phân liệt (TTPL) có nguy cơ đái tháo đường (ĐTĐ) type 2 cao hơn so với dân số chung đã được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và lâm sàng từ đầu những năm 1900 – khá lâu trước sự ra đời của các thuốc chống loạn thần. Trước đó vào năm 1897, Henry Maudsley (1835–1918), một nhà tâm thần học nổi tiếng thời nữ hoàng Victoria (Anh) đã nhận xét, “ĐTĐ là một bệnh thường xảy ra trong gia đình có nhiều người bệnh tâm thần nặng”. Hơn một thế kỷ sau, sau khi có thêm nhiều nghiên cứu về vấn đề này, các nhận xét trực giác của Maudsley về sự kết hợp giữa các rối loạn tâm thần nặng và ĐTĐ dường như đã được xác nhận.
Mặc dù các tiếp cận tự nhiên ban đầu trong nghiên cứu ĐTĐ ở bệnh nhân tâm thần nặng đã cung cấp những manh mối về sự kết hợp này, các nghiên cứu dịch tể cắt ngang mới đây đánh giá tỉ lệ bệnh chung (TLBC-prevalence) của ĐTĐ trong dân số bệnh nhân TTPL đã xác định chắc chắn là những bệnh nhân này có nguy cơ cao về ĐTĐ và hiện nay TTPL nên được xem là một yếu tố nguy cơ độc lập đối với ĐTĐ.
PHƯƠNG PHÁP : Tổng quan y văn hiện tại
Xác định sự kết hợp: các thách thức nghiên cứu
Các nghiên cứu trong thời kỳ trước sự ra đời thuốc an thần kinh (ATK) đã gợi ý rõ ràng rằng TTPL có thể là một nguy cơ cho sự phát sinh ĐTĐ (Kooy, 1919; Lorenz, 1922; Henry & Mangan, 1925; Freeman & cs, 1944; Braceland & cs, 1945; Freeman, 1946). Tuy nhiên, do nhiều tiêu chuẩn khác nhau đã được dùng để xác định cả TTPL lẫn ĐTĐ trong các nghiên cứu này và tình trạng “tiền ĐTĐ” của rối loạn dung nạp glucose (RLDNG) chỉ mới được xác định tương đối gần đây (WHO, 1999). Hiện nay, việc chuẩn hóa các tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ, RLDNG và TTPL đã giúp chẩn đoán được chính xác và cho phép so sánh dịch tể được thực hiện giữa các dân số.
Để xác lập một cách rõ ràng sự kết hợp giữa TTPL và ĐTĐ, các nhà nghiên cứu cần chứng minh TLBC của ĐTĐ trong bệnh nhân TTPL cao hơn trong dân số qui chiếu bằng cách sử dụng các kỹ thuật nghiên cứu hiện đại và các định nghĩa bệnh đã được chuẩn hóa. Tuy nhiên, việc xác định tỉ lệ bệnh chung thật sự của RLDNG và/ hoặc ĐTĐ trong bất kỳ dân số nào lại đầy khó khăn. ĐTĐ khởi bệnh âm thầm , từ từ và thường không có triệu chứng đã giải thích phần nào lý do phân nửa người bị ĐTĐ chưa được chẩn đoán trong cộng đồng (Harris & cs, 1987; Mykkanen & cs, 1990; Harris, 1993).
Các nghiên cứu tiền cứu dựa trên dân số trong đó việc tầm soát toàn bộ về RLDNG và ĐTĐ bằng phương pháp xét nghiệm đường huyết được khuyến cáo và các tiêu chuẩn chẩn đoán đã được xác lập (WHO, 1999) cung cấp các ước lượng tốt nhất về TLBC của ĐTĐ trong dân số. Đáng tiếc là chỉ một số ít nghiên cứu như thế được tiến hành và do các khác biệt rõ rệt về tỉ lệ ĐTĐ giữa các quốc gia, tầng lớp xã hội và các nhóm tuổi nên khó có thể suy rộng các ước lượng này cho các dân số khác. Việc xác định TLBC thực sự của RLDNG và ĐTĐ trong bệnh nhân TTPL còn bị thách thức hơn. Các khó khăn trong việc xác định và chẩn đoán bệnh nhân ĐTĐ còn phức tạp thêm do thiếu nhất quán trong chẩn đoán. Một số nghiên cứu TLBC của ĐTĐ như của Cohen và cs (2003) đã đánh giá những dân số không đồng nhất bao gồm những bệnh nhân rối loạn phân liệt cảm xúc, rối loạn lưỡng cực và rối loạn nhân cách cũng như những bệnh nhân TTPL, và mặc dầu những nghiên cứu này cung cấp nhiều thông tin giá trị, chúng cần được giải đoán thận trọng vì các ước lượng về TLBC của ĐTĐ rất khác nhau giữa các bệnh tâm thần này (Regenold & cs, 2002).
Bệnh nhân TTPL thường do dự khi đồng ý tham gia các nghiên cứu dịch tể – đặc biệt những nghiên cứu cần lấy mẫu máu (Cohen & cs, 2003). Điều này có thể dẫn đến các ước lượng về TLBC dựa trên một dân số tự chọn và do đó không phản ảnh đúng một hình ảnh thật sự. Ngay cả khi bệnh nhân đồng ý tham gia vào các nghiên cứu TLBC của ĐTĐ, nhiều nhà điều tra còn xét nghiệm sự dung nạp glucose theo đường uống (Hagg & cs, 1998) hoặc ngay cả đo mức độ đường huyết lúc đói ở các bệnh nhân của họ. Điều này có thể dẫn đến tỉ lệ bỏ cuộc cao hoặc sử dụng các chỉ số kém tin cậy về dung nạp glucose như đo mức độ đường huyết lúc không nhịn đói (Mukherjee & cs, 1996; Cohen & cs, 2003). Rõ ràng là sự thất bại trong việc xét nghiệm đường huyết lúc đói có thể dẫn đến một sự ước lượng quá cao về TLBC của ĐTĐ.
Sau cùng, để kiểm tra giả thuyết bệnh nhân TTPL có nguy cơ về ĐTĐ cao hơn trong dân số chung, điều quan trọng là dân số so sánh đã được đối chiếu thích hợp với vùng địa lý, tuổi, phái tính, chủng tộc và chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) và nhiều yếu tố có thể gây nhiễu khác phải được kiểm soát. Tốt nhất là không có nhóm dân số nào đang sử dụng thuốc men có thể ảnh hưởng đến tiến triễn tự nhiên của ĐTĐ.
KẾT QUẢ
TLBC của ĐTĐ trong dân số
Mặc dù có các khó khăn về phương pháp nói trên, rõ ràng là TLBC của ĐTĐ trong dân số chung là cao và gia tăng hàng năm(Mokdad và cs,2001).Các nghiên cứu ở Hoa kỳ nhận thấy tỉ lệ ĐTĐ đã biết trong dân số chung là giữa 1,2%(cho những người 18-44 tuôỉ) và 6,3%(cho những người 45-64 tuổi) (Adams & Marano,1995), với TLBC cao nhất ở người Mỹ gốc Phi, người Mỹ bản địa, người Mỹ gốc Mêhicô( Adams & Marano, 1995; Harris, 1998).
Công trình nghiên cứu về ĐTĐ ở đảo nhỏ Ely (Vương quốc Anh) là một nghiên cứu tiền cứu dựa trên dân số, đánh giá 1000 người từ 40-65 tuổi, chưa biết bị ĐTĐ(Williams &cs, 1995).Những người này đều phải qua xét nghiệm dung nạp glucose bằng đường uống chuẩn 75g( OGTT) và được phân loại theo các tiêu chuẩn của WHO.Nghiên cứu nhận thấy 4,5% những người tham gia bị ĐTĐ chưa được chẩn đoán và 16,7% bị RLDNG (Williams &cs, 1995). Một nghiên cứu tầm soát lớn tương tự, dựa trên dân số ở Úc (Dunstan & cs,2002) nhận thấy TLBC của ĐTĐ là 7,4% và thêm 16,4% dân số bị RLDNG hoặc rối loạn đường huyết lúc đói theo tiêu chuẩn của WHO.
Các nghiên cứu ở Nhật ( Tabata & cs,1987) và Singapore ( Bộ Y tế Singapore, 1998) cho thấy TLBC của ĐTĐ lần lượt là 5% và 9% và xác định trong dân số chung số người bị RLDNG gấp đôi bị ĐTĐ.
TLBC của ĐTĐ trong TTPL
Các nghiên cứu đánh giá TLBC của ĐTĐ type 2 ở bệnh nhân TTPL nhất trí rằng bệnh này có thể cao hơn ít nhất 2-4 lần so với trong dân số chung (Keskiner & cs,1973; Mukherjee & cs,1996; Dixon &cs,2000; Sernyak & cs, 2002; Lindenmayer & cs, 2003; Subramaniam & cs, 2003).Tuy nhiên có sự thay đổi đáng kể trong TLBC được báo cáo từ các nghiên cứu khác nhau . Một yếu tố gây nhiễu chính khi cố gắng xác định đúng TLBC trong TTPL và các dân số khác là số người được tầm soát thực sự. Citrom &cs (2003) mới đây báo cáo rằng, trong một nghiên cứu dịch tể hồi cứu đánh giá tỉ lệ bệnh mới ( incidence ) của ĐTĐ mới được chẩn đoán ở các bệnh nhân bắt đầu điều trị thuốc chống loạn thần, một số khác biệt rõ rệt về nguy cơ giữa các thuốc có thể được cho là do việc giám sát glucose thường chặt chẽ ở bệnh nhân dùng clozapine hơn ở bệnh nhân dùng các thuốc chống loạn thần khác.
Một yếu tố quan trọng khác có thể ảnh hưởng đến TLBC được báo cáo trong các nghiên cứu bệnh TTPL là thiết kế nghiên cứu. Một số nghiên cứu đòi hỏi có tầm soát glucose (và có thể loại bỏ các bất thường đường huyết ) trước khi nhận bệnh nhân ;một số nghiên cứu khác thuộc loại cắt ngang. Trong trường hợp sau, tất cả các yếu tố gây nhiễu được biết ( như tuổi tác, chủng tộc , địa lý) phải được xem xét. Ngay cả năm nghiên cứu và thể bệnh TTPL được chẩn đoán ở bệnh nhân có thể ảnh hưởng đến các ước lượng về TLBC. Ví dụ năm 2003, do sự nhận thức rõ hơn về khả năng của các bất thường đường huyết nên nhiều bệnh nhân xử dụng thuốc chống loạn thần đã được tầm soát ĐTĐ ,điều này có thể làm cho TLBC cao hơn rõ rệt so với 10 năm trước.
Bệnh nhân TTPL kháng trị thường được tầm soát các bất thường glucose hơn các bệnh nhân TTPL khác và các bệnh nhân dương tính có thể bị loại khỏi các nghiên cứu về TLBC, một sự kiện được minh hoạ rõ ràng bởi Lindermayer và cs (2003); ông đã nhận thấy TLBC của ĐTĐ chỉ 7% trong nhóm bệnh nhân TTPL kháng trị trước khi nhận vào nghiên cứu.
Mukherjee và cs (1996) nhận thấy TLBC của ĐTĐ đã biết là 15,8% trong một nhóm bệnh nhân TTPL được nhập viện vào một cơ sở điều trị dài hạn tại Ý; ĐTĐ gặp nhiều hơn rõ rệt ở bệnh nhân không xử dụng thuốc chống loạn thần so với bệnh nhân đang sử dụng. TLBC này cao hơn rõ rệt so với tỉ lệ đã biết trong dân số chung ở Ý, được ước lượng khoảng 2-3%. ( Verrilo & cs, 1992). Tỉ lệ bệnh của ĐTĐ đã biết trong nhóm bệnh nhân của Mukhrejee tăng theo tuổi, từ 0% ở bệnh nhân dười 50 tuổi đến 12,9% ở nhóm 50-59 tuổi và đến 18,9% ở nhóm 60-69 tuổi ( Mukherjee &cs, 1996). TLBC của ĐTĐ giảm còn 16,7% ở bệnh nhân 70-74 tuổi và 9,4% ở bệnh nhân trên 75 tuổi, điều này đã được các nhà nghiên cứu giải thích là tử vong chọn lọc do bệnh mạch vành (Mukherjee & cs, 1996).
Dixon và cs (2000) đã dùng cơ sở dữ liệu quốc gia về các bệnh nhân TTPL đang điều trị ở Hoa kỳ để đánh giá TLBC và các yếu tố lâm sàng liên quan về ĐTĐ đã biết trong dân số này. Phần lớn dữ liệu này đã được thu thập trước khi các thuốc chống loạn thần thế hệ mới được sử dụng rộng rãi. TLBC suốt đời của ĐTĐ đã biết ở bệnh nhân TTPL được báo cáo trong nghiên cứu này là 15%, và có thể cao hơn nếu lớn tuổi, phái nữ và thuộc người Mỹ gốc Phi hoặc có nguồn gốc chủng tộc không phải da trắng (Dixon & cs, 2000). TLBC 15% của ĐTĐ được nhận thấy trong nghiên cứu này vượt xa các tỉ lệ được báo cáo ở dân số chung cùng lứa tuổi nhưng điều này có lẽ phản ảnh các kỹ thuật phỏng vấn kỹ lưỡng được dùng trong nghiên cứu.
Sernyak và cs (2002) báo cáo TLBC của ĐTĐ là 18% trong một mẫu lớn bệnh nhân TTPL đang điều trị ngoại trú với các thuốc chống loạn thần điển hình và không điển hình. TLBC tăng theo tuổi, cao nhất (> 25%) ở bệnh nhân 60 – 69 tuổi. So với tỉ lệ bệnh chung của ĐTĐ đã biết ở các nhóm tuổi, không nhận thấy sự khác biệt giữa các bệnh nhân dùng thuốc chống loạn thần không điển hình và bệnh nhân dùng thuốc chống loạn thần điển hình (Serniak & cs, 2002).
Subramaniam và cs (2003) nghiên cứu 607 bệnh nhân TTPL tại một khoa điều trị nội trú dài hạn tại Singapore. Không có bệnh nhân nào dùng thuốc chống loạn thần không điển hình trong quá khứ hoặc tại thời điểm nghiên cứu. Tỉ lệ ĐTĐ đã biết là 4,9% và những bệnh nhân này bị loại khỏi nghiên cứu sau đó. Tầm soát 194 bệnh nhân còn lại cho thấy 16% bị ĐTĐ, nâng TLBC của ĐTĐ lên gần 21%. Tỉ lệ này gấp đôi tỉ lệ bệnh trong dân số chung Singapore dưới 60 tuổi nhưng thấp hơn tỉ lệ bệnh ở lứa tuổi từ 60 trở lên. Trong nghiên cứu này,tỉ lệ cao nhất về ĐTĐ ( 50% )được nhận thấy ở bệnh nhân 50-59 tuổi ( Subramaniam &cs, 2003). Gupta và cs ( 2003 ) báo cáo một TLBC 17% trong 208 bệnh nhân loạn thần đang sử dụng thuốc chống loạn thần. Đường huyết lúc đói được dùng để xác định chẩn đoán ĐTĐ trong nghiên cứu này ( Gupta &cs ,2003).
Subramaniam và cs (2003)báo cáo TLBC của RLDNG ở bệnh nhân TTPL là chưa được xác định ro nhưng các nghiên cứu tầm soát gợi ý tỉ lệ này có thể gần như gấp đôi tỉ lệ ĐTĐ. Trong nghiên cứu tầm soát của họ , TLBC của ĐTĐ là 21% nhưng tỉ lệ RLDNG là 31%. Nghiên cứu cũng đã nêu bật sự thiếu nhận biết về ĐTĐ và RLDNG ở bệnh nhân TTPL. Mặc dù 21% bệnh nhân được xác định bị ĐTĐ khi tầm soát tích cực, chỉ có 4,9% bệnh nhân được chẩn đoán từ trước ( Subramaniam &cs, 2003). Một nghiên cứu khác ( Cohen &cs, 2002) nhận thấy tâm soát tích cực về RLDNG và ĐTĐ trong một nhóm khác 153 bệnh nhân đã sử dụng thuốc chống loạn thần đơn trị liệu trong ít nhất 3 tháng nhận thấy 31% bênh nhân bị ĐTĐ hoặc RLDNG và đa số ( 67%) bệnh đã không được xác định trước đây (Cohen &cs, 2002). Taylor cũng mô tả các phát hiện tương tự trong 607 bệnh nhân TTPL tại bệnh viện Maudsley ở Luân đôn ( Taylor &cs, 2003 ; D. Taylor , thông tin cá nhân, 2003). Một TLBC về bất thường đường huyết (TĐ và RLDNG) là 8,6% tăng đến 19,4% sau khi kiểm tra đường huyết tiền cứu.
Ryan và cs báo cáo kết quả từ một nghiên cứu liên quan đến những bệnh nhân trẻ (trung bình 33,6 tuổi) bị TTPL giai đoạn đầu tiên. Tất cả bệnh nhân đều chưa dùng thuốc , cho phép tách tác dụng của bệnh khỏi các tác dụng gây nhiễu khác có thể có của thuốc chống loạn thần. Mặc dù trẻ và chưa bao giờ sử dụng thuốc chống loạn thần, trên 15% bệnh nhân trong nghiên cứu này đã bị RLDNG lúc đói, so với không có bệnh nhân nào ở nhóm chứng khoẻ mạnh (Ryan &cs, 2003). Điều này cung cấp phần nào chứng cứ rõ ràng nhất cho thấy bệnh TTPL tự nó có thể là một yếu tố nguy cơ độc lập đối với RLDNG, là yếu tố nguy cơ đã biết cho sự phát sinh ĐTĐ type 2 ( Alberti, 1996). Ryan và cs ( 2003) nêu bật TLBC của RLDNG nhận thấy trong nghiên cứu của họ so với tỉ lệ được báo cáo mới đây từ một nghiên cứu dân số chung ở 3 vùng của nước Pháp ( Gourdy & cs, 2001). Tuổi trung bình của nhóm Ryan là 33 tuổi va tỉ lệ theo tuổi điều chỉnh ( 35-64 tuổi) của RLDNG trong nghiên cứu của Pháp là 11,8% ở nam và 5,2% ở nữ. Như thế, TLBC của RLDNG ở bệnh nhân TTPL được nhận thấy cao gấp 2 lần trong dân số chung (Ryan & cs, 2003)
TLBC của ĐTĐ trong các bệnh tâm thần khác
TTPL không phải là bệnh tâm thần nặng duy nhất kết hợp với nguy cơ cao về ĐTĐ. Regenold và cs (2002) nghiên cứu hồ sơ của 243 bệnh nhân nội trú, từ 50-74 tuổi, được chẩn đoán là trầm cảm nặng, rối loạn lưỡng cực I, rối loạn phân liệt cảm xúc, TTPL hoặc sa sút tâm thần và so sánh tỉ lệ ĐTĐ của họ với tỉ lệ trong dân số chung ở Hoa kỳ có đối chiếu về tuổi, phái, chủng tộc. TLBC của ĐTĐ được nhận thấy cao hơn một cách rõ rệt so với chuẩn quốc gia ở bệnh nhân rối loạn lưỡng cực I (26%) và rối loạn phân liệt cảm xúc(50%) và độc lập với việc sử dụng các thuốc hướng thần ( Regenold & cs, 2002). Nghiên cứu này và công trình của các tác giả khác ( Cassidy &cs, 1999) cho thấy TLBC của ĐTĐ ở bệnh nhân rối loạn lưỡng cực có thể cao gấp 2-3 lần trong dân số chung.
Bệnh TTPL: một yếu tố nguy cơ độc lập đối với ĐTĐ ?
Sự tương tác giữa ĐTĐ và TTPL, mặc dù đã được xác định rõ nhưng không đơn giản. Cơ chế của sự tương tác có thể là đa yếu tố, bao gồm các yếu tố di truyền và môi trường cũng như có thể có tác dụng của các thuốc chống loạn thần.
Các yếu tố di truyền:
Các yếu tố di truyền dường như có vai trò chủ yếu trong sự kết hợp giữa TTPL và ĐTĐ, vì có báo cáo cho rằng đến 50% bệnh nhân TTPL có tiền sử gia đình về ĐTĐ type 2, so với chỉ 4,6% trong nhóm chứng người lớn khoẻ mạnh ( Dynes, 1969; Mukherjee &cs, 1989; Cheta &cs, 1990; Lamberti &cs, 2003; Shiloah &cs, 2003). Trong một nghiên cứu về TTPL, Lamberti và cs (2003) nhận thấy có tiền sử gia đình về ĐTĐ type 2 trong 17% một nhóm 436 bệnh nhân.Quan trọng hơn, trong nhóm bệnh nhân có tiền sử gia đình dương tính về ĐTĐ, TLBC của ĐTĐ là 33%. Trong những bệnh nhân có tiền sử gia đình âm tính về ĐTĐ, TLBC của ĐTĐ chỉ 10%. Các dữ liệu này gợi ý các yếu tố di truyền có thể giải thích phần nào TLBC cao của ĐTĐ ở bệnh nhân TTPL so với trong dân số chung.
Các yếu tố môi trường:
Nhiều bệnh nhân TTPL có hành vi sức khoẻ không lành mạnh cũng có thể góp phần phát sinh ĐTĐ; các hành vi này gồm chế độ ăn uống kém lành mạnh (thường nhiều chất béo và ít chất xơ), ít tập luyện và hút thuốc lá nhiều hơn nhóm chứng bình thường ( Brown &cs, 1999). Nghèo túng, điều kiện sống không ổn định và học vấn thấp tất cả đều kết hợp với bệnh TTPL, gia tăng nguy cơ béo phì và các di chứng có hại cho sức khoẻ ( Dixon &cs,2000). Các yếu tố thêm vào được cho là tạo thuận lợi cho bệnh nhân TTPL phát sinh ĐTĐ gồm chủng tộc, tiền sử rối loạn điều chỉnh glucose, và tăng huyết áp từ trước ( Lindenmayer &cs, 2001).
Vai trò của các thuốc chống loạn thần trong việc phát sinh ĐTĐ chưa được xác định rõ. Chứng cứ từ những nghiên cứu công bố trước khi các thuốc này ra đời cho thấy có sự kết hợp mạnh giữa bệnh tâm thần nặng và chuyển hóa glucose bất thường (Kooy, 1919; Lorenz, 1922; Henry & Mangan, 1925; Freeman & cs, 1944; Freeman, 1946; Braceland & cs, 1945), và mặc dù chứng cớ này cần được giải đoán thận trọng do các định nghĩa được dùng trong các nghiên cứu, nó vẫn gợi ý rằng chính bệnh TTPL có thể là một yếu tố nguy cơ độc lập cho việc phát sinh ĐTĐ. Các báo cáo về RLDNG ở những bệnh nhân trẻ, chưa dùng thuốc và bị TTPL giai đoạn bệnh đầu tiên (Ryan & cs, 2003) tạo thêm sức thuyết phục cho lý lẽ rằng bệnh nhân TTPL có thể có tố bẩm tự nhiên để phát sinh ĐTĐ và do đó cần được xem là một nhóm có nguy cơ cao.
BÀN LUẬN
Bệnh nhân bị TTPL và các bệnh tâm thần nặng dường như có nguy cơ rõ rệt về phát sinh RLDNG và ĐTĐ, bất kể họ đang dùng thuốc chống loạn thần hay không. Nhiều bệnh nhân có nguy cơ này hiện chưa được chẩn đoán. Các yếu tố nguy cơ về tim mạch như ĐTĐ, cao huyết áp và rối loạn lipid máu thường cùng tồn tại (Mukherjee & cs, 1966), do đó, dường như hàng triệu bệnh nhân RLDNG và ĐTĐ bị “bỏ sót” này cũng có thể có những bệnh kèm theo làm tăng nguy cơ sau này về bệnh tim mạch và chết sớm (Subramaniam & cs, 2003).
Các nguyên nhân tự nhiên làm tăng thêm 2/3 trường hợp tử vong liên quan đến TTPL (Brown & cs, 2000). Một nghiên cứu khác cho thấy bệnh nhồi máu cơ tim là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở cả nam lẫn nữ bị TTPL (Herman & cs, 1983).
Tuổi, nguồn gốc chủng tộc và vị trí địa lý tất cả dường như ảnh hưởng đến TLBC của ĐTĐ và RLDNG. Việc phát hiện sớm những bệnh lý này trong những nhóm nguy cơ cao hiện đang là ưu tiên hàng đầu tại nhiều nước. Hội tiểu đường Vương quốc Anh khuyến cáo tầm soát thường qui ĐTĐ ở những người da trắng trên 40 tuổi và ở những người thuộc các nhóm chủng tộc thiểu số da đen, châu Á trên 25 tuổi nếu họ có tiền sử gia đình về ĐTĐ trong thân nhân độ một và / hoặc thừa cân nặng và có lối sống ít hoạt động, và / hoặc bị bệnh tim mạch.
Do sự kết hợp rõ rệt giữa TTPL và ĐTĐ nên cần có sự tầm soát đúng lúc và xử trí hiệu quả các yếu tố nguy cơ ĐTĐ ở tất cả các bệnh nhân. Việc phát hiện sớm rối loạn chuyển hóa glucose và giáo dục có hiệu quả về lối sống lành mạnh sẽ giúp làm giảm nguy cơ ĐTĐ và các biến chứng của bệnh này.
Prevalence of diabetes and impaired glucose tolerance
in patients with schizophrenia
CHRIS BUSHE and RICHARD HOLT
British Journal of Psychiatry (2004), 184 (suppl.47), s67 – s71
BS CKII, Phó chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Đại Học Y Dược TPHCM