TIẾP CẬN VÀ XỬ TRÍ KÍCH ĐỘNG TRONG TÂM THẦN

6883

TIẾP CẬN VÀ XỬ TRÍ KÍCH ĐỘNG TRONG TÂM THẦN

Bs. Nguyễn Thế Hùng

Bs. Nguyễn Quang Hưng

 

  1. CÁC THUẬT NGỮ:

– Kích động (agitation), còn gọi là kích động tâm thần vận động, là trạng thái hưng phấn về tâm thần và vận động quá mức, mang tính xung động, không kiểm soát hành vi, và có tính chất phá hoại, gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh. Kích động có thể biểu hiện dưới nhiều dạng, từ la hét, hăm dọa tới tấn công, đập đồ, tự gây tổn thương.

– Gây hấn (aggression) là trạng thái kích động hướng tới đồ vật, người khác, hoặc chính bản thân (tự sát, tự gây tổn thương). Gây hấn có thể biểu hiện qua ngôn ngữ hay hành vi.

– Bạo lực (violence) là hành vi sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực nhằm chống lại người khác hoặc bản thân.

– Phạm tội (crime) là hành vi bạo lực có liên quan tới pháp luật.

– Sự thù địch (hostility) là thuật ngữ có tính không đồng nhất, ám chỉ nhiều khía cạnh tâm thần khác nhau như gây hấn, kích thích, nghi ngờ, không hợp tác, hay ghen tuông.

  1. BỆNH CĂN CỦA KÍCH ĐỘNG:

– Bệnh căn của kích động có thể phân thành bốn nhóm:

  1. Kích động do bệnh lý y khoa chung: bao gồm các bệnh lý như chấn thương đầu, nhiễm trùng, bệnh não (đặc biệt do suy gan hay thận), các rối loạn chuyển hóa (như hạ natri, hạ đường huyết, hạ calci), giảm oxy máu, bệnh lý tuyến giáp, co giật…
  2. Kích động do chất: hội chứng ngộ độc hay cai rượu, ngộ độc hay cai các chất khác.
  3. Kích động do rối loạn tâm thần nguyên phát: bao gồm các rối loạn loạn thần, trạng thái hưng cảm và hỗn hợp, trầm cảm kích động, các rối loạn lo âu, kích động phản ứng hay tình huống (rối loạn thích ứng), các rối loạn nhân cách, rối loạn phổ tự kỉ.
  4. Kích động do nguyên nhân không biệt định: kích động trong tình huống này nên được cho là do bệnh lý y khoa chung tới khi được chứng minh điều ngược lại.

 

  1. BIỂU HIỆN LÂM SÀNG CỦA KÍCH ĐỘNG:

– Các triệu chứng giúp người khám xác định một người bệnh cụ thể có thể có kích động:

  1. Thay đổi về hành vi:
  2. Thái độ hiếu chiến.
  3. Hành vi không phù hợp, không có mục đích rõ ràng.
  4. Không thể ngồi yên.
  5. Tăng phản ứng với kích thích.
  6. Vẻ căng thẳng, tức giận, cáu gắt, thù địch.
  7. Chống đối và/ hoặc nhìn chằm chằm.
  8. Nói lớn tiếng, im lặng hay từ chối giao tiếp.
  9. Hung hăng biểu hiện qua lời nói và/ hoặc hành động hướng tới người khác hay đồ vật.
  10. Thay đổi về nhận thức:
  11. Ý thức dao động.
  12. Rối loạn định hướng không gian, thời gian.
  13. Khuynh hướng chống đối.
  14. Gặp khó khăn trong phán đoán.
  15. Hoang tưởng và/ hoặc ảo giác.
  16. Thay đổi về các thông số cơ thể:
  17. Sốt
  18. Tim nhanh
  19. Thở nhanh
  20. Đổ mồ hôi
  21. Run
  22. Các dấu hiệu thần kinh như đi lại khó khăn

– Kích động là nhóm các triệu chứng lâm sàng thay đổi liên tục; tuy nhiên, hiện tại không có tiêu chuẩn chẩn đoán kích động hay phân loại độ nặng được thống nhất trong các nghiên cứu hay y văn. Trên lâm sàng, cách phân loại mức độ kích động thường được sử dụng là kích động nhẹ, vừa và nặng. Người bệnh kích động nhẹ thường có khả năng tự kiểm soát được hành vi kích động của mình; người bệnh kích động nặng mất hoàn toàn khả năng kiểm soát và thường cần sự hỗ trợ từ nhân viên y tế hay người khác; còn kích động vừa bao gồm các trường hợp nằm giữa hai cực nhẹ và nặng. Việc xác định độ nặng kích động chủ yếu dựa vào quan sát, kinh nghiệm và phán đoán lâm sàng, với mục đích chính là đưa ra lựa chọn điều trị phù hợp với từng người bệnh cụ thể.

 

  1. XÁC ĐỊNH VÀ ĐÁNH GIÁ KÍCH ĐỘNG:

– Mục tiêu của đánh giá kích động là để (1) loại trừ nguyên nhân thực thể, (2) ổn định nhanh tình trạng của người bệnh, (3) tránh các biện pháp xử trí ép buộc, (4) bảo đảm phương thức can thiệp quản lý ít giới hạn nhất, (5) thiết lập liên minh điều trị với bệnh nhân, và (6) đưa ra kế hoạch chăm sóc phù hợp.

– Khi nghi ngờ người bệnh có kích động, khuyến cáo bước đầu tiên trong quá trình đánh giá là đảm bảo an toàn: Nó có thể bao gồm việc chuyển người bệnh tới môi trường an toàn, ở đó người khám có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ đối với bản thân người bệnh, người khám, và người xung quanh, đồng thời người khám có thể đánh giá nhanh trạng thái kích động/ nguy cơ tăng tiến triệu chứng. Đánh giá ban đầu nên bao gồm việc xét tới sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ dẫn tới/ làm tăng nặng kích động, như yếu tố nhân khẩu học (nam, <40 tuổi, học vấn thấp…), yếu tố tâm lý xã hội (tiền sử có xung đột với nhân viên hoặc đồng bệnh, sự kiện cuộc sống căng thẳng, vào viện không tự nguyện…), và yếu tố lâm sàng (tiền sử bản thân hay gia đình có kích động, lo âu, sợ, lạm dụng chất, tuân thủ điều trị kém). Ngoài ra, người khám có thể xác định và ghi nhận các triệu chứng gợi ý trạng thái kích động cũng như đánh giá độ nặng kích động trong quá trình đánh giá nhanh.

– Bên cạnh việc đánh giá nhanh trạng thái hiện tại của bệnh nhân, người khám nên hỏi vể tiền sử y khoa, độc chất, tâm thần, và tiền sử sử dụng thuốc của người bệnh. Các biến cố đưa người bệnh tới bệnh viện có thể giúp ích trong việc xác định các yếu tố thúc đẩy đợt kích động hiện tai. Đánh giá lâm sàng – cận lâm sàng nên bao gồm sinh hiệu, đường huyết, bão hòa oxy máu, chức năng gan thận, và xét nghiệm nước tiểu tầm soát chất. Có thể thực hiện thêm các xét nghiệm như ECG, X quang ngực, chọc dò tủy sống, thử thai (đối với nữ trong độ tuổi sinh đẻ) tùy theo tình huống lâm sàng.

– Bước tiếp theo của quy trình xác định và đánh giá kích động là thiết lập chẩn đoán phân biệt, từ đó giúp người khám xác định nguyên nhân của đợt kích động và chiến lược xử trí phù hợp. Nếu tình trạng của người bệnh chưa cho phép chẩn đoán xác định, người khám nên cho rằng kích động là do nguyên nhân y khoa chung cho tới khi có chứng cứ phủ định. Kích động do nguyên nhân y khoa chung thường có khởi phát cấp tính hay bán cấp, thường xảy ra ở người bệnh tuổi cao, không có tiền sử tâm thần, và có diễn tiến dao động; những người bệnh này thường có ý thức dao động, rối loạn định hướng không gian và thời gian, và có các thay đổi thông số cơ thể (mồ hôi, tim nhanh, thở nhanh, sốt…). Ảo giác, hoang tưởng cũng như tình trạng suy giảm nhận thức có thể rõ. Do đó, sự hiện diện của trạng thái lú lẫn, suy giảm nhận thức, và hội chứng ngộ độc hay cai chất nên được xét tới trước khi chẩn đoán một rối loạn tâm thần. Kích động do nguyên nhân tâm thần thường không thay đổi ý thức, người bệnh thường có tiền sử bệnh tâm thần và đợt kích động nằm trong đợt tái phát cấp của rối loạn tâm thần. Để hỗ trợ điều trị, khuyến cáo phân biệt kích động có loạn thần và kích động không có loạn thần.

– Nếu nghi ngờ kích động do nguyên nhân y khoa chung, việc đánh giá và xử trí nên được thực hiện tại khoa cấp cứu nội khoa.

 

  1. CAN THIỆP TRONG ĐỢT KÍCH ĐỘNG:

– Các can thiệp ban đầu trong xử trí kích động nên bao gồm các biện pháp ít ép buộc hơn, như điều chỉnh môi trường và xoa dịu làm nhẹ. Sau đó, tùy theo mức độ kích động mà các biện pháp trên được hỗ trợ thêm bởi thuốc và/ hoặc cố định cơ học nếu cần.

  1. Điều chỉnh môi trường:

Ÿ Các biện pháp xử trí này có thể có ích trong giai đoạn sớm của kích động, giảm thiểu khả năng tăng nặng triệu chứng. Điều chỉnh môi trường nhắm tới việc đảm bảo sự thoải mái về thể chất cho người bệnh và giảm kích thích ngoại cảnh (các yếu tố như ánh sáng chói, tiếng ồn, hay các luồng không khí nóng hoặc lạnh). Người khám nên chú ý loại bỏ các đồ vật có khả năng gây nguy hiểm và tôn trọng không gian cá nhân của người bệnh.

  1. Xoa dịu bằng lời nói:

Ÿ  Xoa dịu bằng lời nói là một kĩ thuật tương tác phức tạp, qua đó người bệnh được định hướng tới trạng thái bình tĩnh, đồng thời liên minh điều trị được thiết lập. Xoa dịu bằng lời nói có thể làm giảm kích động và nguy cơ tăng nặng triệu chứng, cũng như giảm việc phải sử dụng các biện pháp ép buộc. Mục tiêu của xoa dịu bằng lời nói là: (1) tái thiết lập sự tự kiểm soát của người bệnh; (2) xác định rõ các giới hạn hành vi; (3) đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên và người xung quanh; (4) thiết lập liên minh điều trị; (5) đảm bảo sự tham gia bn trong quá trình điều trị; và (5) giảm thù địch, kích động, và ngăn ngừa tái cơn. Khi tiếp cận người bệnh kích động, khuyến cáo tiến hành theo đội ngũ, tuy nhiên chỉ một người tương tác trực tiếp với người bệnh khi thực hiện xoa dịu bằng lời nói.

Ÿ  Các thành phần quan trọng của kĩ thuật xoa dịu bằng lời nói:

  1. Nói giọng nhẹ nhàng, từ tốn, chắc chắn; trả lời quyết đoán
  2. Đề nghị cung cấp đồ ăn, thức uống và chăn
  3. Linh hoạt trong đối thoại, chuyển hướng khi cần
  4. Tránh phán xét về việc người bệnh nên hay không nên làm
  5. Tránh đối đầu về suy nghĩ hay lý luận
  6. Dùng ngôn ngữ đơn giản và câu ngắn, lặp lại khi cần
  7. Trung thực và chính xác
  8. Nói rõ rằng người bệnh có thể duy trì sự tự kiểm soát và nhân viên có thể hỗ trợ thêm
  9. Diễn giải lời người bệnh nói; trấn an rằng người khám hiểu rõ.
  10. Sử dụng câu hỏi mở
  11. Xác lập giới hạn đồng thời đưa ra cho người bệnh những cơ hội thực tế để cải thiện tình trạng hiện tại.
  12. Khi đối diện với nguy cơ bạo lực:
  • Cảnh báo rằng bạo lực không được chấp nhận
  • Đề xuất giải pháp qua đối thoại
  • Đề nghị sử dụng thuốc
  • Thông tin rằng cố định thể chất có thể được sử dụng nếu cần thiết
  1. Cân nhắc cảnh báo thông qua việc tăng số lượng nhân viên y tế và nhân viên bảo vệ hiện diện.
  2. Điều trị thuốc:

– Mục tiêu chính của điều trị thuốc là xoa dịu nhanh nhưng không gây mê. Trong suốt quá trình điều trị thuốc, người khám tiếp tục duy trì xoa dịu bằng lời nói và điều chỉnh môi trường.

– (Biểu đồ). Tất cả chuyên gia chăm sóc sức khỏe nên quen thuộc với các điều trị khả dụng và được huấn luyện về tình huống và cách sử dụng các biện pháp khác nhau sao cho phù hợp nhất với từng trường hợp lâm sàng cụ thể. Khi có thể, đường sử dụng thuốc nên không xâm lấn và không sang chấn, đơn trị liệu, thuốc tác dụng nhanh, và người bệnh tham gia vào việc lựa chọn điều trị.

– Trong trường hợp kích động tâm thần: nếu kích động do triệu chứng loạn thần, ưu tiên sử dụng chống loạn thần (CLT); nếu kích động không do loạn thần, có thể cân nhắc benzodiazepine (BZD). Trong tình huống cần CLT tác dụng nhanh và người bệnh hợp tác, cân nhắc chế phẩm đường hít (loxapine) hay đường uống/ dưới lưỡi (olanzapine, risperidone, asenapine, aripiprazole, quetiapine, ziprasidone, hay haloperidol). Các chế phẩm CLT tiêm bắp (haloperidol, olanzapine, ziprasidone, aripiprazole, và levomepromazine) có thể cân nhắc cho người bệnh không hợp tác. Dù CLT sử dụng nhiều trong kích động, một số có chỉ định chính không phải dành cho kích động mà là cho bệnh căn loạn thần.

– Với kích động do bệnh lý y khoa hay do nguyên nhân không biệt định, nên khởi đầu với CLT. Với kích động trong bệnh Parkinson hay hội chứng giống Parkinson, tránh CLT điển hình. Với kích động sau cơn co giật, khuyến cáo BZD.

– Với kích động liên quan ngộ độc rượu/ BZD, thận trọng nguy cơ suy hô hấp khi sử dụng thuốc làm êm dịu. Nên cân nhắc CLT để tránh tăng huyết áp và suy hô hấp. Trong trường hợp cai rượu, cân nhắc BZD để giảm nguy cơ co giật và sảng run. Bên cạnh đó, thêm vitamin B có thể giúp phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng ở bệnh nhân sử dụng rượu. Với ngộ độc cocaine và chất tổng hợp, có thể cân nhắc BZD khởi đầu (thay vì CLT) để giảm nguy cơ co giật.

  1. Cách ly và cố định:

– Trong các tình huống đặc biệt và như biện pháp cuối cùng để kiểm soát người bệnh kích động nặng, không hợp tác, có thể cần phải sử dụng cách ly và cố định thể chất để đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên, và để hỗ trợ việc xử trí thuốc. Khi cần cách ly, nên sử dụng phòng cách ly được thiết kế phù hợp, tường, cửa được bảo vệ, đảm bảo giảm kích thích và an toàn cho người bệnh.

– Cố định thể chất là quy trình sử dụng các dụng cụ kềm giữ cơ học được chấp nhận để giới hạn sự di động thể chất của người bệnh; được chỉ định khi người bệnh có các hành vi gây nguy hiểm cho bản thân/ người khác, khi kích động không thể kiểm soát được bằng thuốc, và/ hoặc cho người bệnh cần cố định tạm thời để xử trí. Cố định thể chất nên được xem như lựa chọn cuối cùng khi các biện pháp khác đã thất bại vì cách xử trí này có thể dẫn tới những bất lợi cho người bệnh. Các bất lợi của cố định cơ học có thể bao gồm ngạt, hít sặc, chấn thương ngực, cơn phóng thích catecholamine, tiêu cơ vân, huyết khối, và sang chấn tâm lý.

– Trạng thái lâm sàng trước đó của người bệnh phải được xét tới khi thực hiện cố định thể chất. Các tình huống chống chỉ định cố định thể chất bao gồm phẫu thuật mắt hay phẫu thuật thần kinh gần đây (có thể dẫn tới tăng nhãn áp hay tăng áp lực nội sọ).

– (Biểu đồ). Khi người có trách nhiệm đã ra quyết định cố định thể chất, nhân viên nên loại bỏ đồ vật có thể gây nguy hiểm; chuẩn bị sẵn dụng cụ cố định tại giường và giường được đặt ở mức thấp nhất có thể; không cố xoa dịu bằng lời nói trong quá trình cố định; thông tin cho người bệnh và/ hoặc gia đình; một nhân viên tương tác với người bệnh và điều phối đội ngũ cố định. Nếu người bệnh hợp tác, hai người giữ nách và cổ tay và đưa người bệnh tới giường; với người bệnh không hợp tác, cần năm người giữ vai, cánh tay, chân, đầu gối, và cổ chân, trong đó một người giữ đầu trong suốt quá trình. Dụng cụ cố định đặt tại bụng và hai chi trên và hai chi dưới.

– Vì các kết cục xấu có thể xảy ra trong quá trình cố định, cần theo dõi sát người bệnh trong. Theo dõi chung nên bao gồm quan sát trực tiếp người bệnh mỗi 15 phút trong hai giờ đầu và mỗi giờ sau đó tới khi bỏ cố định; nếu sử dụng thuốc tiêm bắp, theo dõi mỗi 30 phút trong hai giờ đầu, sau đó mỗi hai giờ. Các đánh giá khác bao gồm ý thức, tư thế, nhu cầu của người bệnh (như ăn uống, tiêu tiểu, sự khỏe mạnh về thể chất và cảm xúc, sự riêng tư, và giao tiếp thường xuyên với người bệnh).

– Cố định nên được loại bỏ sớm nhất có thể. Việc loại bỏ cố định nên thực hiện từng bước, đồng thời giải thích cho người bệnh về hành vi được chấp nhận, với sự hiện diện của ít nhất hai chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

 

  1. SAU ĐỢT KÍCH ĐỘNG:

– Sau đợt kích động, tóm tắt quá trình với đội ngũ điều trị, người bệnh, gia đình, từ quy trình đánh giá, xác định tới điều trị để giúp đội ngũ lâm sàng hiểu rõ về những sự kiện đã xảy ra, chia sẻ bình luận, nhận xét cách thực hiệm và rút kinh nghiệm để cải tiến quy trình xử trí cố định.

– Khuyến cáo thảo luận về trải nghiệm chủ quan của người bệnh, suy nghĩ và cảm xúc của người bệnh về biến cố, từ đó giúp họ kiểm định thực tế; tiến trình này có thể giúp người bệnh tìm ra cách phòng ngừa đợt mới và cùng người khám xác lập kế hoạch điều trị. Nó cũng hỗ trợ người bệnh nhận diện các dấu hiệu dự báo cơn kích động, từ đó người bệnh có thể học được cách tìm hỗ trợ khi có cơn kích động xuất hiện. Người khám nên giải thích cho người bệnh về vai trò của điều trị thuốc trong việc phòng ngừa tăng nặng triệu chứng, giảm tính chất sang chấn của các biến cố như sử dụng thuốc tiêm bắp cấp cứu hay cố định thể chất, và giảm nguy cơ các đợt kích động sau. Một liên minh điều trị vững chắc giữa người bệnh và đội ngũ điều trị đưa tới kiểm soát dài hạn các đợt kích động.

 

  1. CA LÂM SÀNG:

– Người bệnh (NB) nam 49 tuổi nhập viện vì đút tay vô ổ điện.

– Năm 2019, BN nhập bv Chợ Rẫy với chẩn đoán hạ natri máu, tai biến mạch máu não, sau đó nói khó nghe, thấy ma quỷ, kích động đập phá ở nhà, có điều trị bệnh viện Tâm thần TPHCM với chẩn đoán F06, thuốc sử dụng là amisulpride, quetiapine, olanzapine. NB không uống từ tháng 10/2019.

– 10 ngày nay, NB gây gổ với người nhà, hay lấy tay đút vào ổ điện, có uống thuốc bác sĩ tư không rõ loại. 1 tuần nay, NB gồng cứng cả người nhắm mắt, không tiếp xúc được nhập bệnh viện Chợ Rẫy. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, NB thường la hét, lắc giường, gây hấn xung quanh làm phiền nhân viên, đồng bệnh, bí tiểu, không chịu ăn. Chẩn đoán F06, thuốc sử dụng natri valproate valproic acid 1g/ngày, diazepam 15mg/ngày olanzapine 10mg/ngày. Tình trạng không ổn định, NB được chuyển qua bệnh viện tâm thần TPHCM.

– Xét nghiệm: MRI tổn thương võ não rải rác vùng trán đính 2 bên, đầu nhân đuôi, nhân bèo 2 bên, khả năng thiếu máu, thiếu oxy não.

– Tình trạng NB lúc chuyển tuyến: NB mở mắt tự nhiên, hiểu y lệnh chậm, tự thở khí trời êm, sinh hiệu ổn, có sonde tiểu giữ lại. Tình trạng lúc nhập viện: định hướng lực đúng, nói chậm, nói đớ, hiểu câu hỏi, trả lời bên cạnh, tư duy nghèo nàn, cho biết có nhìn thấy con chuột màu đen, người màu đen ngồi trên giường. Xử trí: natri valproate valproic acid 500mg x 1v, diazepam 5mg x 2v.

– Quá trình điều trị: NB có mẹ và người làm chăm sóc khi tại khoa. 5 ngày đầu, NB hiểu câu hỏi của bác sĩ, nói được từng từ, không thành câu, thực hiện được theo y lệnh đơn giản, nhận biết được đồ vật, xem đồng hồ nhưng trả lời sai thời gian. Thường xuyên chống đối không chịu uống thuốc, hay đánh người nhà khi không vừa ý, có lúc đi dầm nước, tối còn ngủ ít.

– Thuốc điều trị: natri valproate valproic acid 1500mg/ngày, diazepam 10mg/ngày. Bệnh nhân nhiều lần phun hết thuốc, do nói bs ở nhà cho thuốc uống làm không nói được. Xử trí: Diazepam 10mg (TB), kèm cố định tạm khi tiêm, sau tiêm bỏ cố định để người nhà hỗ trợ giữ. Có 1 lần xử trí haloperidol 0.5%/1ml (TB) do bn kích động chống đối. Sau đó run tay, nói khó hơn.

– Từ ngày thứ 6 trở đi, NB cảm xúc ổn định hơn, hỏi trả lời được từng từ, kèm ra dấu, không ghi nhận ảo giác, hoang tưởng, thực hiện được y lệnh, hành vi yên. NB cho biết bác sĩ ở nhà cho uống thuốc làm không nói được nên không chịu uống thuốc, hiện đồng ý uống thuốc.

– Xuất viện sau 14 ngày. Chẩn đoán rối loạn tâm thần thực tổn. Thuốc ra viện encorate 1500mg/ngày.

Bàn luận: Bệnh nhân trên có biểu hiện nhiều về kích động ở nhà và được sử dụng thuốc chống loạn thần, tuy nhiên không bớt kích động, kèm xuất hiện các biểu hiện ngoại tháp, bí tiểu, tình trạng kích động có khuynh hướng gia tăng. Nghĩ nhiều đến các tác dụng phụ do thuốc chống loạn thần. Cơn gồng người, rối loạn ý thức, triệu chứng thần kinh định vị kèm hình ảnh có tổn thương não nên nghĩ đến rối loạn tâm thần nguyên nhân thực tổn, nhưng không loại trừ cơn động kinh. Điều trị ở khoa chỉ sử dụng diazepam và natri valproate valproic acid, tình trạng kích động và ý thức cải thiện nhiều. Việc cố định trên bệnh nhân này cũng ít được thực hiện dù tình trạng kích động nặng, chỉ cố định khi cần tiêm thuốc. Người bệnh và người nhà được tư vấn hướng dẫn giữ, chăm sóc bệnh nhân và theo dõi tình trạng bệnh, sau xuất viện người bệnh đồng ý uống thuốc và tái khám thường xuyên dù trước đó không chịu uống thuốc.

Tổng kết: việc sử dụng thuốc chống loạn thần đối với kích động nên cẩn thận, một số biểu hiện kích động có thể là của tác dụng phụ thuốc chống loạn thần; cố định nên là biện pháp cuối cùng đối với kích động nặng và nên chấm dứt càng sớm ngay khi có thể; xoa dịu và điều chỉnh môi trường là quan trọng trong việc xử trí kích động, giúp cho việc thiết lập liên minh điều trị tốt; đội ngũ điều trị gồm nhân viên y tế, người bệnh, người nhà cần thảo luận thường xuyên trong quá trình điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất.

 

  1. NGUỒN THAM KHẢO:
  • Hướng dẫn NICE 2018 về xử trí kích động ngắn hạn
  • Hội nghị chuyên gia quốc tế lần thứ nhất về kích động: Mô hình xử trí hiện tại và lý tưởng (2018)
  • Tuyên bố chung của Hiệp hội Tâm thần Mỹ về cấp cứu tâm thần 2012.
  • Quy trình xử trí người bệnh tâm thần có kích động tâm thần vận động 2017.

 

Chia sẻ