THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG CHỨNG MINH LOẠI BỎ PHÂN CHIA THỂ BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT THEO DSM-5

302

Các thể loại của bệnh tâm thần phân liệt (TTPL) trước kia không cho thấy có đáp ứng trong điều trị, và như vậy việc loại bỏ của DSM 5 là đúng. Đây là kết luận của phân tích một nghiên cứu phân tích thử nghiệm lâm sàng mới.

Nghiên cứu này cũng phát hiện thang lượng giá mới về đánh giá mức độ trầm trọng của triệu chứng loạn thần liên quan các lĩnh vực lâm sàng (Clinican-Related of Psychosis Symptom Severity=C-RDPSS) có giá trị thông tin đối với chẩn đoán thể loại bệnh TTPL về đáp ứng của thuốc chống loạn thần trong điều trị.

Tác giả công trình là Bs Taina Mattila, Hội đồng đánh giá Y khoa Utrecht, Netherlands, và đồng nghiệp. Nghiên cứu đăng trên  Tạp chí Schizophrenia Bulletin ngày 20/10/2014.

Các tác giả phân tích số liệu của 22 thử nghiệm lâm sàng ngắn trước khi xuất bản DSM-5 của các thuốc chống loạn thần thế hệ mới (second-generation antipsychotics=SGAs). Mẫu dân số nghiên cứu 5,233 bệnh nhân, trong đó hơn 99,5% đủ tiêu chuẩn chẩn đoán TTPL theo DSM-5.

Nhằm đánh giá ích lợi của việc phân loại thể bệnh TTPL của DSM-IV và việc loại bỏ phân loại này trong DSM-5, các tác giả phân tích hiệu quả điều trị ở bệnh nhân TTPL được xác định thể loại như thể vô tổ chức, thể hoang tưởng và thể không biệt định. Kết quả không tìm thấy sự khác biệt hiệu quả điều trị giữa các thể phân chia này.

Các tác giả cũng phân tích các giá trị báo trước của C-RDPSS dựa trên kết quả thang lượng giá tâm thần ngắn (Brief Psychiatric Rating Scale=BPRS) như một đại diện mới của hệ thống các thang lượng giá bệnh TTPL. Kết quả là hiệu quả điều trị tốt hơn đối với các triệu chứng ảo giác, hoang tưởng, rối loạn hình thức tư duy (lời nói lung tung, vô tổ chức, không mạch lạc) và triệu chứng hưng cảm so với hiệu quả trên các hành vi tâm thần vận động bất thường, các triệu chứng âm tính, trầm cảm và suy giảm nhận thức.

Một nghiên cứu nhỏ trên mẫu dân số 221 bệnh nhân so sánh hiệu quả điều trị giữa 2 nhóm bệnh nhân TTPL theo tiểu chuẩn DSM-IV và DSM-5 cũng cho kết quả tương tự như nghiên cứu trên.

Tập hợp các kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả điều trị bệnh TTPL theo tiêu chuẩn DSM-5 có giá trị hiệu lực. Các số liệu dược học cho đến hiện tại chứng tỏ hiệu lực của việc thay đổi phân chia thể loại chẩn đoán TTPL từ DSM-IV chuyển sang tiền DSM -5 cũng có giá trị đối với bệnh nhân được chẩn đoán TTPL theo DSM -5.

Hiện nay, tiêu chuẩn chẩn đoán các loại bệnh theo quy định của Bộ Y tế dựa trên Bản Phân loại bệnh Quốc tế làn thứ 10 ( International Classification Diseases 10=ICD-10). Bản phân loại này đã đến định kỳ (2013) thay đổi nhưng được hoãn tới 2014, mới đây Quốc hội Hoa Kỳ chưa thông qua, và dự định 2015). Theo DSM-IV, bệnh TTPL được phân loại thể hoang tưởng, thể vô tổ chức, thể căng trương lực, thể không biệt định và thể di chứng.  Tuy nhiên , trong DSM-5, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã định danh chung là Phổ bệnh TTPL (Schizophrenia Spectrum – có thể hiểu là các bệnh liên quan giống bệnh TTPL) và Các rối loạn loạn thần khác (Other Psychotic Disorders). Sự phân chia này bao gồm rối loạn phân liệt (hay nhân cách phân liệt), loạn thần ngắn, rối loạn dạng phân liệt, tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc phân liệt. Trong bệnh tâm thần phân liệt, sự phân chia thể loại theo giai đoạn, thể liên tục, thể không xác định và với đặc trưng căng trương lực (hiện diện ở cả loạn thần ngắn, rối loạn dạng phân liệt, tâm thần phân liệt và rối loạn cảm xúc phân liệt).

Sự thay đổi này rất cần được cập nhật và từ đó có thể mang lại nhiều lợi ích trong nghiên cứu và giảng dạy. Đáng tiếc là hiện nay chưa có công trình nghiên cứu thực hành lâm sàng dựa trên thay đổi của DSM-5 hay tài liệu giảng dạy về sự thay đổi này. Đây có thể là một trong những lý do dẫn đến chuyên ngành tâm thần chậm phát triển và không được nhiều sinh viên y khoa quan tâm.

Bs Phạm Văn Trụ Bv TT Tp HCM

THAM KHẢO:
1. Validate DSM-5 Omission of Classic Schizophrenia Subtype. January 09, 2015. SOURCE: //bit.ly/1xKIIJk. Schizophrenia Bulletin 2014.
2. DSM-5. American Psychiatric Association. CBS Publishers & Distributors. Special Indian Edition 2013. Pag 87-109.
3. Robert E. Hales, MD., MBA. Stuart C. Yudofsky, MD. Glen O. Gabbard, MD. Textbook of Psychaitry. American Psychiatric Association. 2008. 5th Edition. Pag 407.