TẢN MẠN – “TẠM XẾP LẠI” HAY “XẾP LẠI” KHÓ KHĂN HƠN !

88

“Chào Bs, bác sĩ “chia” bệnh tâm thần thành 2 bên, bên loạn thần và bên suy nhược thần kinh theo cách nghĩ cũ, thế còn em rối loạn lưỡng cực nằm ở đâu? Em cũng là nhân viên y tế, bác sĩ cho uống thuốc rối loạn lưỡng cực từ 7 năm trước ? ! Trời ơi, tôi không phải là “Bác sĩ Khoa Bảng” , nên chỉ viết “tản mạn”, “tạm hiểu” và “tạm xếp” theo các nhóm triệu chứng tâm thần mà thôi !

Từ câu hỏi của cô nhân viên y tế tôi nhớ lại thực tế có những trường hợp chẳng biết vui … hay buồn. Người “tuổi cổ lai hy” tản mạn có thể mang tính “áp đặt” tư duy, mang tính “lỳ” của chuyên khoa mà các nhà tâm thần học thế giới đã viết, nhưng đôi khi “nói huỵch tẹt” thì bạn đọc hay các thày thuốc “khoa bảng đang độ tài năng” có thể sẽ tắt máy vì bài viết “lẩm cẩm” rồi !

Tạm hiểu và tạm xếp đối với rối loạn lưỡng cực là tương đối khó, bởi vì từ lâu được gọi là loạn tâm thần hưng trầm cảm (PMD = psychose maniaco-depressive). Đến năm 2000 (DSM-IV-TR) đặt rối loạn lưỡng cực và các rối loạn trầm cảm vào chung nhóm rối loạn khí sắc (Mood Disorders). Đến nay, theo DSM – 5 rối loạn lượng cực khá phức tạp, có thể tạm hiểu được nhưng “tạm xếp” thì phải biết rõ từng cơn (hay giai đoạn-dù ngắn ngày) đã xảy ra trước với cái nhìn tổng thể, và chắc chắn thiếu sót khi “tản mạn”. Mở lại cuốn Handbook of Diagnosis and Treatent of Bipolar Disorders của Ts Terence A Ketter thấy rõ nhận định này nhưng đọc lại cho đủ viết thì ‘điên luôn”. Cô cũng đã khám vài bác sĩ và dùng thuốc vài tuần rồi tự ngưng vì khó chịu. Tóm lại, có thể cô nhân viên hỏi tôi đã trải qua giai đoạn trầm cảm “chung chung” và cơn hưng cảm hay hưng cảm nhẹ (cũng không kéo dài nhiều ngày) với những triệu chứng khá dễ nhìn nhận. Đến lúc này thì cần phải dùng thuốc điều chỉnh khí sắc phù hợp.

Cách nay hơn 4 năm, người mẹ dẫn theo con gái sinh viên năm đầu đang uống thuốc chống loạn tâm thần, nhưng không tập trung học bài được, có khi ngồi “lẩm bẩm” một mình người mẹ không rõ nội dung, có thời gian khá dài phải nghỉ. Cả nhà thất vọng vì em học giỏi và gia đình mong mỏi có một thành viên là bác sĩ. Sau tạm hiểu, tạm xếp là “đề nghị” giảm dần liều, tuần sau gặp lại giảm tiếp loại thuốc (có chọn lọc) vì chưa hoặc không cần thiết và nhóm thuốc khác dùng ở “bên đối diện” được thay thế, như thể sau tạm hiểu là “tạm xếp lại” khi lưu ý đến bối cảnh môi trường, gia đình! Bệnh nhân nữ sinh viên này nay đã ra trường sau 6 năm với lời khuyên “học đủ điểm thôi’ !

Tạm hiểu và tạm xếp còn phức tạp hơn ở cuối tuổi học trò và những năm đầu đại học. Bệnh nhân nam đang học 11/12, mẹ bác sĩ, cha kỹ sư danh tiếng nhưng thích học thái cực quyền và thi đấu kiếm, ngủ ít, không tập trung học, làu bàu một mình, điểm tổng kết năm học giảm. Khám bác sĩ chuyên khoa, mẹ năn nỉ uống thuốc “ổn định thần kinh (? !)” không được suốt 4 tháng vì “uống vô mệt”. Được tạm xếp là loạn thần cấp, rồi tâm thần phần liệt, … Người mẹ (và bác sĩ) càng khẳng định bệnh thì chàng trai càng “nhiều triệu chứng hơn”. Đến đây chắc phải “tạm xếp lại” và tìm cách trị liệu cũng như dùng loại thuốc khác bên… , kết quả rồi cũng “đủ điểm” vào đại học.

Nữ bệnh nhân hơn 70 tuổi còn “dỏm dáng” và nhanh nhẹn đã khám vì mất ngủ và run đều 2 tay trước đó hơn 2 năm. Yêu cầu mang đầy đủ toa sổ khám bệnh, thuốc đang uống, thuốc cũ (nếu còn), trong đó có Madopar 125 2v / ngày(dùng trong thời gian 16 tháng rưỡi liên tục) . Sau khi tes lại và đề nghị, thuyết phục giảm rồi ngưng hẳn Madopar, bệnh nhân hết run 2 tay. Nhưng còn thuốc ngủ (1 loại nhóm benzodiazepines và quetiapine 100mg / ngày) thì chỉ có thể giảm, đến hiện tại không thể ngưng 1 trong 2 loại kể trên. Như vậy “tạm xếp lại” chưa và có thể không hoàn thành.

Thực tế thăm khám để “xếp lại” không đơn giản vì thân nhân và người bệnh không muốn mang hai chữ bị bệnh tâm thần, vì không muốn mất nhiều thời gian, và vì muốn mau hết bệnh như những bệnh lý khác ? ! . Ngược lại, để xếp lại bác sĩ phải xếp lại các loại thuốc đã dùng trong thời gian tương ứng với cách thể hiện triệu chứng, có thể phải xem lại từ cơ chế tác dụng, đến các biểu hiện do tác dụng phụ và do tương tác thuốc làm che khuất thực trạng lời khai triệu chứng bị thay đổi, v.v… cũng như một điều đừng bao giờ quên, đó là tập tính hành vi – nhận thức của từng cộng đồng dân cư ít nhiều có sự không giống nhau.

Bác sĩ chuyên khoa nào cũng xếp lại được dựa trên giai đoạn “prodome”, “presymptomatic” và quá trình thăm khám sử dụng thuốc từ đầu đến hiện tại, v.v… Bác sĩ nào cũng nên tự “xếp lại” hay “tạm xếp lại” nếu trước đó chỉ định thuốc đúng bài bản mà không hiệu quả; sẽ chẳng bao giờ là thừa vì người bệnh sẽ được dùng đúng và có thể ít thuốc mà hợp lý hơn, có điều đừng quá vội rồi thay đổi hay thêm thuốc điều trị một cách không bài bản – là một trong những điều mà các sách “Textbook” về chuyên khoa tâm thần đã viết.

Một vài lời tản mạn, chắc chắn còn thiếu sót nhiều và vì điều trị bệnh tâm thần khá phức tạp. Bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc trong bsphamvantru.blogspot.com hoặc liên hệ ĐT 0918332893. Trân trọng!

Bs Phạm Văn Trụ.

Chia sẻ