Tác động của dịch bệnh COVID-19 lên sức khỏe tâm thần của người dân đã được nhiều báo cáo khoa học trên thế giới ghi nhận. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, tỷ lệ người dân mắc chứng lo âu và nặng hơn là bị trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25%. Thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân Thành phố giai đoạn sau dịch COVID-19 của Ủy ban nhân dân Thành phố, Ngành Y tế đã triển khai chuỗi hoạt động nhằm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân Thành phố, khởi đầu với thí điểm triển khai mô hình “cấp cứu trầm cảm”. Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần khá phổ biến, biểu hiện với nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến trung bình và đáng ngại nhất là thể nặng vì hầu hết người mắc chứng trầm cảm ở thể này thường sẽ tìm đến cái chết. “Cấp cứu trầm cảm” là hoạt động mới của Trung tâm Cấp cứu 115 không ngoài mục đích nhằm kịp thời tiếp cận người bệnh có biểu hiện trầm cảm nặng để đưa người bệnh đến cơ sở điều trị chuyên khoa. Mô hình được triển khai thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần TPHCM. Bên cạnh đường dây cấp cứu “115” quen thuộc, Ngành Y tế còn triển khai thêm đường dây nóng “1900 1267”, số điện thoại này sẽ giúp người dân kết nối nhanh chóng với các chuyên gia Tâm thần của Thành phố. Sau hơn 4 tháng triển khai, “Cấp cứu trầm cảm” đã tiếp nhận 94 cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ tư vấn và cấp cứu tâm thần, đã có 40 trường hợp được Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp cận và đưa đến bệnh viện Tâm thần điều trị. “Cấp cứu trầm cảm” được xem là hoạt động khởi đầu trong chuỗi hoạt động chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho người dân Thành phố liên quan đến COVID-19 theo đúng Kế hoạch 3066/KH-UBND ngày 15/9/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử ngành Y tế TP.HCM