I. Rối loạn liên quan với giấc ngủ kết hợp với giấc ngủ cử động mắt nhanh (REM).
1. Ác mộng.
Ác mộng là những giấc mơ đáng sợ xảy ra kéo dài gây ra lo lắng và sợ hãi. Thường là những giấc mơ sợ xảy ra nguy hiểm cho cơ thể, hoặc có chủ đề xấu hổ, hoặc sự lập đi lập lại những chấn thương trong quá khứ. Ac mộng thường chấm dứt khi người mơ thức giấc hoàn toàn nhưng họ vẫn còn tiếp tục lo lắng và sợ hãi. Họ thường kể lại rất chi tiết giấc mơ. Ac mộng thường xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong đêm, nhưng vì nó thường xảy ra trong giấc ngủ cử động mắt nhanh (REM), nên nó thường xảy ra lúc gần sáng, khi giai đoạn giấc ngủ REM kéo dài. Vì trong giai đoạn ngủ REM, não ức chế hoạt động cơ bắp nên không có vận động nào xảy ra khi ác mộng, trừ một số trường hợp PTSD (hội chứng stress sau chấn thương) nặng. Rối loạn này cũng có khả năng khởi phát hoạt động ác mộng trong giấc ngủ Non-REM.
Ác mộng xảy ra ở mọi nhóm tuổi, nhưng thường ở thời thơ ấu. Tần suất cao nhất lúc 3-5 tuổi, giảm dần theo tuổi. Đối với người trưởng thành, ác mộng thường xảy ra ở nữ giới. Một tỷ lệ nhỏ người bị ác mộng than phiền mất ngủ, buồn ngủ ban ngày, sợ phải đi ngủ trở lại, lo âu nhiều, hoặc rối loạn khí sắc.
Khi đánh giá bệnh nhân bị ác mộng, cần phải loại trừ bệnh lý tâm thần hoặc thực thể bên dưới như ngộ độc, hoặc tác dụng phụ của thuốc L-Dopa, ức chế Beta, thuốc SRI, thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Trường hợp phức tạp có thể làm điện não để loại trừ động kinh cục bộ phức tạp ban đêm.
Hầu hết các bệnh nhân ác mộng không có bệnh tâm thần. Mặc dù nhiều cá nhân than phiền tăng ác mộng sau stress, một nghiên cứu nhận thấy không có mối liên quan giữa mức độ lo âu và ác mộng. Điều trị bao gồm làm yên lòng bệnh nhân rằng đây là bệnh lành tính, điều chỉnh thuốc, điều trị nhận thức hành vi với nhắc lại các hình ảnh, làm giảm nhạy cảm trong các trường hợp nhẹ.
Khi điều trị ác mộng kèm theo các bệnh lý trầm cảm, lo âu, hoặc rối loạn stress sau chấn thương (PTSD), nhà lâm sàng phải điều trị các bệnh lý đó trước tiên. Có thể giảm ác mộng với các thuốc giảm giấc ngủ REM liều thấp như thuốc antihistamine (cyproheptadine 4-24 mg lúc đi ngủ), thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Imipramine 10-50 mg), thuốc SSRI (sertraline 50-100 mg lúc đi ngủ), thuốc điều chỉnh khí sắc (carbamazepine 100-400 mg lúc đi ngủ), thuốc giải lo âu (clonazepam 0,25-1 mg lúc đi ngủ).
2. Liệt trong khi ngủ (Bóng đè):
Liệt trong khi ngủ là tình trạng thức tỉnh thoáng qua trong lúc ngủ mà bệnh nhân không thể cử động hoặc nói chuyện. Nhiều người mô tả cảm giác đè nặng ở ngực, sợ hãi và lo lắng, cảm thấy bị thúc ép cử động, dậy, hoặc la hét. Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy 20-25% người cảm thấy bình tĩnh và không chú ý đến.
Ảo giác thính giác hoặc thị giác có thể kết hợp với liệt, có thể gây ra hoảng sợ trong khung cảnh nhận biết xung quanh. Hiện tượng này được gọi là ảo giác lúc giở thức giở ngủ.
Liệt trong khi ngủ xảy ra ở 3 nhóm bệnh khác nhau: 1) bệnh ngủ rũ trong đó bệnh nhân có 4 triệu chứng: ngủ quá nhiều, mất trương lực, ảo giác giở thức giở ngủ, và liệt trong khi ngủ; 2) bệnh nhân có gia đình liệt trong khi ngủ, gồm ngủ ngày trung bình, không mất trương lực và không liên kết với HLADQB1*0602/DQA1*0102; 3) người chỉ bị liệt khi ngủ đơn thuần không bị rối loạn giấc ngủ khác.
Tần suất 5-62%, nhiều dân tộc da trắng, da đen, Nhật Bản, Trung Quốc. Khởi đầu khoảng 10 tuổi, sau 20 tuổi hiếm gặp. Ít hơn 5% sinh viên cao đẳng bị liệt khi ngủ hơn 1 lần / tháng. Liệt khi ngủ thường xuất hiện khi mệt, căng thẳng, mất ngủ, hoặc khi ngủ trưa. Liệt khi ngủ cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm.
Điều trị: giải thích và làm yên lòng bệnh nhân, rằng đây là một hiện tượng không nguy hiểm. Nếu liệt khi ngủ do thuốc, nên cố gắng đổi thuốc. Nếu bệnh nhân rất khó chịu, có thể dùng thuốc làm giảm giấc ngủ REM (như desipramin, imipramin 10-50 mg lúc đi ngủ, hoặc thuốc SRI).
Tần suất ảo giác lúc giở thức giở ngủ tương tự với liệt trong khi ngủ. Ao giác này có thể là 1 phần của chứng ngủ rũ, hoặc là hiện tượng riêng lẻ. Điều trị tương tự liệt trong khi ngủ.
3. Rối loạn hành vi trong giấc ngủ cử động mắt nhanh
3.1. Lâm sàng:
Là rối loạn liên quan với giấc ngủ đặc trưng bởi sự tràn ngập các hành vi vận động phức tạp và mạnh mẽ trong giấc ngủ REM. Đấm, đá, nhảy khỏi giường, trong sự cố gắng diễn đạt giấc mơ, có thể gây chấn thương nghiêm trọng. Hội chứng này thường gặp ở nam giới (90% nam, 10% nữ), tuổi 50 trở lên.
3.2. Nguyên nhân và sinh bệnh:
Có thể do tổn thương hệ thống não có vai trò kiểm soát sự mất trương lực cơ bình thường trong giấc ngủ REM, kết hợp với sự gia tăng vận động. Cơ chế Dopaminergic được nhấn mạnh. Khoảng 60% rối loạn hành vi trong giấc ngủ REM là không rõ nguyên nhân. Một số trường hợp kết hợp với bệnh lý thần kinh như sa sút, đột quỵ, bệnh Parkinson, xơ cứng mảng, ung thư cuống não, teo cuống não. 15% bệnh nhân Parkinson bị rối loạn hành vi trong giấc ngủ REM, và thường xảy ra trước khi có chẩn đoán Parkinson. Rối loạn hành vi trong giấc ngủ REM có thể thoáng qua, thứ phát do ngộ độc, hoặc do chuyển hóa như cai rượu, có thể liên kết với kháng nguyên HLA.
3.3. Cận lâm sàng và chẩn đoán:
Khi thực hiện đo đa giấc ngủ (polysomnography), rối loạn hành vi trong giấc ngủ REM có một số đặc trưng sau:
– Tăng quá mức trương lực điện cơ cằm
– Sự co rút quá mức điện cơ cằm và chi, kết hợp với các hành vi bất thường, biểu hiện bởi sự giật mạnh chi và cơ thể, hoặc bởi những cử động mạnh mẽ, bạo lực, phức tạp.
Có thể tăng mật độ REM, tăng sóng chậm khi ngủ, tăng hoạt động điện cơ trong giấc ngủ non-REM, đôi khi kết hợp với chuyển động.
3.4. Chẩn đoán phân biệt:
Các rối loạn liên quan với giấc ngủ khác, rối loạn giấc ngủ nguyên phát như ngưng thở khi ngủ, hoặc rối loạn vận động chi ngắt quãng, trào ngược dạ dày- thực quản, động kinh ban đêm, rối loạn stress sau chấn thương, rối loạn hoảng loạn ban đêm, rối loạn phân ly.
3.5. Điều trị:
Clonazepam có hiệu quả trong hầu hết các trường hợp. Vì hầu hết các bệnh nhân lớn tuổi, nên sử dụng liều thấp, khởi đầu bằng 0,25 mg Clonazepam khi đi ngủ, tăng liều dần đến khi có hiệu quả. Nếu bệnh nhân ngủ ngày nhiều hoặc Clonazepam không hiệu quả, có thể dùng các chất giảm thời gian ngủ REM với tác dụng serotonin và dopamin như: Desipramin, Doxepin, Carbidopa/levodopa, clonidine liều thấp tới trung bình.
4. Tổn thương cương dương vật liên quan với giấc ngủ
Tổn thương cương dương vật liên quan với giấc ngủ thường được khám phá trong các nghiên cứu thí nghiệm về sự cương dương vật ban đêm, mà thường được dùng để đánh giá bất lực nam. Bằng chứng thí nghiệm cho thấy tổn thương cương dương vật thường do nguyên nhân thực thể bên dưới như: tiểu đường, rối loạn nội tiết tố, tăng prolactine máu, bệnh dương vật (bệnh cương dương vật và bệnh Peyronie), rối loạn hệ thần kinh tự động, trung ương, rối loạn da và hô hấp, lymphoma, nghiện rượu, thuốc hướng thần và thuốc chẹn adrenergic, thiểu năng động mạch dương vật, bệnh tĩnh mạch dương vật. Trầm cảm cũng có thể gây tổn thương cương dương vật khi ngủ, nhưng thường phải có bệnh cảnh rối loạn giấc ngủ. Chẩn đoán đòi hỏi phải đánh giá đầy đủ, điều trị nguyên nhân bên dưới.
5. Cương đau dương vật liên quan với giấc ngủ
Là rối loạn hiếm gặp trong đó bệnh nhân bị thức giấc nhiều lần trong đêm vì cương đau dương vật. Sau khi thức dậy vài phút sự cương đau dương vật biến mất. Mặc dù chức năng tình dục lúc thức không bị tổn thương, trường hợp nặng gây mất ngủ. Nhà lâm sàng phải đánh giá bệnh lý dương vật, như bệnh Peyronie… và áp dụng biện pháp điều trị thích hợp. Rối loạn liên quan với giấc ngủ này thường không cần điều trị, nhưng nếu trường hợp nặng gây mất ngủ có thể dùng thuốc giảm thời gian ngủ REM, hoặc thuốc an thần.
6. Ngưng nút xoang liên quan với giấc ngủ
Là một tình trạng hiếm gặp xảy ra ở những người không có bất thường tim mạch rõ rệt hoặc có triệu chứng tim mạch mơ hồ. Các bệnh nhân này có giai đoạn vô tâm thu kéo dài tới 9 giây trong thời gian ngủ REM. Cần phải theo dõi tim mạch cẩn thận và có thể cần phải đặt máy tạo nhịp.
II. Đi trong giấc ngủ và khiếp sợ trong khi ngủ
Đi trong giấc ngủ, khiếp sợ trong khi ngủ và lú lẫn thức tỉnh là những rối loạn liên quan với giấc ngủ thường gặp ở trẻ em hơn người lớn. Chúng biểu hiện bằng hoạt động tự động, vận động trong giai đoạn thức tỉnh một phần khỏi giấc ngủ. Hầu hết các trẻ bị mộng du không rời khỏi giường, chúng làm những cử động lập đi lập lại khi ngồi dậy trên giường. Khi rời khỏi giường trẻ có khuynh hướng đi vòng quanh nhà với 2 mắt mở và tránh va chạm vào các vật quen thuộc. Các hành vi đơn giản, ít khi nói chuyện. Các phát âm xảy ra khi rối loạn nặng, với kêu cứu, la hét gọi chạy trốn, hoặc la lớn tên một người nào đó. Khi có ai đó nói chuyện với người mộng du, họ thường không trả lời và né tránh tiếp xúc mắt. Nếu bị đánh thức, người mộng du thường bị mất định hướng trong nhiều phút. Hầu hết người mộng du đều quay trở lại giường đúng giờ, cách tốt nhất để giúp họ là cố gắng đưa họ quay trở lại giường một cách nhẹ nhàng. Mọi cố gắng đánh thức họ là không hiệu quả và có thể gây ra bạo lực hoặc kéo dài giai đoạn.
Người mộng du thường ít nhớ lại các sự kiện hoặc nhớ thiếu sót, thường là kỳ dị mơ hồ, thỉnh thoảng có những hình ảnh đáng sợ hoặc hình ảnh ảo giác sống động trong các giấc mơ REM. Giai đoạn mộng du có thể kéo dài vài giây đến vài phút, trung bình 6 phút, có thể đến 1 tiếng. Mộng du và khiếp sợ khi ngủ có thể rất nguy hiểm, khoảng 75% bệnh nhân bị chấn thương trong cơn. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 50% người mộng du rời khỏi nhà vào một thời điểm nào đó trong cơn. Một số người mộng du rất thích gây gổ khi thức dậy đột ngột. 28-41% người mộng du và 55% người khiếp sợ khi ngủ báo cáo có hành vi bạo lực khi thức tỉnh.
Hoảng sợ trong khi ngủ là rối loạn thức tỉnh xảy ra trong 3 tiếng đầu đêm, khi giai đoạn III và IV chiếm ưu thế. Các giai đoạn này có khuynh hướng bắt đầu bằng 1 tiếng khóc lớn, và tiếp đến 1 giai đoạn lo âu nặng kéo dài, với tim nhanh, tăng huyết áp, dãn đồng tử, và đổ mồ hôi. Cơn điển hình kéo dài khoảng 6 phút. Cố gắng đánh thức người đang bị cơn khiếp sợ khi ngủ là dại dột, vì sau khi bị đánh thức bệnh nhân bị rối loạn định hướng lực kéo dài khoảng 30 phút (Schenck và Mahowald 2000). Các cơn thường xảy ra ở những người ngủ sâu, ở nam giới, và thường không nhớ được vào sáng hôm sau (khác với ác mộng trong giai đoạn ngủ REM). Người bị khiếp sợ khi ngủ thường lấy lại bình tĩnh nhanh chóng sau cơn và đi ngủ trở lại.
Cơn hoảng sợ ban đêm thường xảy ra ở trẻ nhỏ hơn 5 tuổi là lú lẫn thức tỉnh. Nó bắt đầu bằng cử động và phát âm (thường là khóc to về phía cha mẹ) và thường có bạo lực đánh đấm trên giường. Trẻ có thể khóc không ngưng được, nói chuyện kỳ lạ, và không đáp ứng phù hợp với kích thích. Nỗi sợ của cha mẹ bị gia tăng bởi không thể làm yên trẻ, trẻ không đáp ứng, không nhận ra cha mẹ, do đó cố gắng để giữ trẻ là không hiệu quả và làm trầm trọng thêm tình trạng.
Mặc dù mộng du và khiếp sợ khi ngủ có thể xuất hiện rất khác nhau, các yếu tố của cả 2 thường xảy ra cùng nhau trong cùng giai đoạn thức tỉnh. Một nghiên cứu cho thấy 55% người bị mộng du cũng bị khiếp sợ khi ngủ, 72% người bị khiếp sợ khi ngủ than phiền bị mộng du (Crisp 1996).
Tần suất:
Đối với các trẻ 5-12 tuổi, 15-40% được đánh giá là bị mộng du ít nhất 1 lần, 3-6% bị mộng du hơn 1 lần (Rosen và cs 1995). Khoảng 0,5-2,5% người lớn bị mộng du. Mộng du có tính di truyền cao. Nếu cả hai cha mẹ bị mộng du thì có 60% khả năng con bị mộng du (Crisp 1996, Schenck và Mahowald 2000). Nếu chỉ có 1 cha mẹ bị mộng du, khả năng này giảm xuống 45%. Trong số tất cả các nhóm tuổi, tần suất hoảng sợ khi ngủ khoảng 1-2% (Rosen và CS).
Nguyên nhân và sinh bệnh học:
Mộng du và hoảng sợ trong khi ngủ là những rối loạn thức tỉnh thường là sóng chậm, hoặc giai đoạn III, IV giấc ngủ non-REM, phản ánh sự tổn thương cơ chế bình thường của sự thức tỉnh khỏi giai đoạn ngủ sâu. Tổn thương này dẫn đến sự thức tỉnh một phần, trong đó hành vi vận động được hoạt hóa, nhưng ý thức đầy đủ không hồi phục. Điều này là lý do khiến rối loạn liên quan với giấc ngủ thường gặp ở hệ thần kinh không trưởng thành của trẻ.
Việc nhận thức sinh bệnh học của sự thức tỉnh một phần ban đêm đòi hỏi phải loại trừ yếu tố môi trường và di truyền cũng như các yếu tố nội tại hay thúc đẩy. Mặc dù yếu tố di truyền của mộng du và hoảng sợ trong khi ngủ rõ rệt, mức độ di truyền lại rất khác nhau. Ở một số bệnh nhân phải bị stress hoặc chấn thương đặc biệt mới có triệu chứng, trong khi ở các bệnh nhân bị di truyền mạnh, mộng du và hoảng sợ trong khi ngủ kéo dài đến lúc trưởng thành mà không có chứng cớ bị stress, chấn thương, hoặc rối loạn tâm lý.
Các yếu tố nội tại của thức tỉnh một phần khi ngủ là mất ngủ (quan trọng), rối loạn thời biểu thức-ngủ, chấn thương cảm xúc và mất mát, bệnh loạn thần, đau đầu migrain. Các yếu tố thúc đẩy mộng du bao gồm ngưng thở trong khi ngủ, động kinh, sốt, PLMD, rượu, stress, trào ngược dạ dày thực quản. Các yếu tố thúc đẩy khác gồm: bật đèn, động chạm vào người bệnh nhân, sử dụng một số thuốc như thuốc tim mạch như propranolol, thuốc chống loạn nhịp, chống loạn thần, diazepam, và thuốc an thần.
Cận lâm sàng:
Biểu đồ đo đa giấc ngủ giai đoạn bị mộng du và hoảng sợ ban đêm thường cho thấy có sự thức tỉnh khỏi giai đoạn III và IV của giấc ngủ không REM, tuy rằng đôi khi các giai đoạn này có thể xảy ra suốt giấc ngủ non-REM. Rối loạn hành vi thường được dẫn trước bởi các sóng Delta biên độ cao đối xứng, đồng bộ và lan toả trên EEG. Gia tăng nhịp tim và nhịp thở lúc bắt đầu thức tỉnh. Các chỉ số điện não hoàn toàn khác với rối loạn hành vi trong giai đoạn ngủ REM,.
Chẩn đoán phân biệt:
Ac mộng: có khuynh hướng xảy ra trong giai đoạn ngủ REM vào lúc giữa đêm hoặc gần sáng. Trong giấc ngủ REM các cơ bị liệt, nên ác mộng không đi kèm với cử động. Người bệnh thường nhớ lại giấc mơ sau đó, và thức tỉnh rồi lấy lại bình tĩnh khi dậy.
Hành vi tự động và trạng thái phân ly: thường gặp ở người lớn bị rối loạn tâm thần. Thông thường những yếu tố như vậy xảy ra suốt lúc thức và ngủ. Các hành vi phức tạp, có thể xảy ra nhiều giờ, bệnh nhân thường không quay trở lại giường.
Say rượu: là giai đoạn thức giấc một phần khi một người quá mệt hoặc bị ảnh hưởng của thuốc an thần hoặc rượu. Giai đoạn này cũng có thể được xem như một phần của chứng ngủ rũ. Mặc dù hành vi gây hấn thường xảy ra, nhưng không có bằng chứng cho thấy bệnh nhân cố ý phạm tội trong giai đoạn mà không nhận thức được.
Động kinh tâm thần vận động: có khuynh hướng ngắn, và trong giai đoạn bệnh nhân không đáp ứng. Cần phải làm EEG để phân biệt với mộng du và khiếp sợ khi ngủ. Nên đo EEG sau một đêm mất ngủ một phần và nên ghi biểu đồ giấc ngủ đầy đủ.
Cơn hoảng loạn: có thể nhầm với rối loạn liên quan giấc ngủ. Thường gặp ở bệnh nhân bị cơn hoảng loạn ban đêm với biểu hiện nhịp tim nhanh, thở nông, đổ mồ hôi và sợ hãi cực độ. Điểm khác biệt chính giữa cơn hoảng loạn và khiếp sợ khi ngủ là trong cơn hoảng loạn bệnh nhân thức tỉnh và nhận biết mọi việc xung quanh, và nhớ rất rõ những biến cố xảy ra trong cơn vào sáng hôm sau.
Rối loạn hành vi trong giấc ngủ REM: Có thể nhầm lẫn với khiếp sợ khi ngủ. Đo đa giấc ngủ sẽ phân biệt dễ dàng 2 tình trạng này.
Ngưng thở khi ngủ và cử động chi ngắt quãng khởi phát thức tỉnh: đo đa giấc ngủ giúp phân biệt với mộng du và khiếp sợ khi ngủ.
Phản ứng thuốc, tổn thương não, sa sút tâm thần với đi trong đêm ngắt quãng: cũng nên phân biệt với mộng du và khiếp sợ khi ngủ.
Điều trị:
Điều trị phụ thuộc vào loại biểu hiện lâm sàng. Hầu hết các trẻ bị mộng du và khiếp sợ khi ngủ đều vượt qua được khi chúng trưởng thành về cơ thể. Nhà lâm sàng nên trấn an cha mẹ và trẻ. Người mộng du nên được bảo vệ bằng cách khóa cửa và cửa sổ để tránh trường hợp bệnh nhân rời khỏi nhà và gặp nguy hiểm. Loại bỏ các đồ vật gây nguy hiểm, và nên che của sổ lại bằng tấm rèm nặng. Thiết bị báo động bằng sóng siêu âm có thể sử dụng để đánh thức những người khác trong nhà khi bệnh nhân bắt đầu đi. Người mộng du phải ngủ ở tầng trệt để tránh bị ngã khỏi cửa sổ. Phải tránh mất ngủ và luyện tập giấc ngủ tốt. Trong trường hợp nặng nhà điều trị nên xem xét đến liệu pháp tâm lý, trị liệu hành vi, thôi miên. Điều trị hành vi nên nhằm mục đích thư dãn và làm dịu hình ảnh tinh thần.
Khi các giai đoạn mộng du thường xuyên và có thể đoán trước được, có thể đánh thức bệnh nhân dậy khoảng 5- 30 phút trước khi xảy ra mộng du. Đối với bệnh nhân kháng trị có thể sử dụng tricyclic liều thấp (imipramin 10-50mg), hoặc Benzodiazepine (triazolam 0,125 mg; diazepam 2 mg lúc đi ngủ), có thể làm giảm tần suất biến cố hoặc bằng cách ngăn chặn thức tỉnh hoặc giảm giai đoạn III, IV ngủ sâu.
Mộng du và khiếp sợ khi ngủ thường được cải thiện bằng tâm lý liệu pháp, thư dãn tăng dần, thôi miên. Ở trung tâm chúng tôi, một số bệnh nhân được điều trị với liệu pháp thăm dò ngắn hạn, và trị liệu hướng nội, bao gồm việc giúp đỡ bệnh nhân biểu lộ cảm xúc trực tiếp hơn. Mộng du và khiếp sợ khi ngủ có thể giảm trong vài tuần. Đối với những người có bị mộng du và khiếp sợ khi ngủ có khả năng gây nguy hiểm, cần sử dụng thuốc kết hợp với tâm lý liệu pháp. Ở trung tâm chúng tôi, các nhà lâm sàng thường điều trị với Desipramine (10 mg lúc ngủ) tăng liều dần đến khi giảm được các giai đoạn. Imipramine, nortriptyline, sertraline, paroxetine, carbamazepine, diazepam, triazolam, divalproex cũng hữu ích. Mặc dù hầu hết các bệnh nhân đáp ứng với liều tương đối thấp, các bệnh nhân có bằng chứng bị trầm cảm tái diễn đòi hỏi liều điều trị trầm cảm đầy đủ. Các phương pháp bảo vệ cho trẻ cũng được áp dụng cho người lớn.
Ở người già, mộng du khởi phát trễ thường là do tác dụng phụ của thuốc, có thể kết hợp với bệnh lý y khoa bên dưới. Nếu kê toa thuốc, nhà lâm sàng cần chú ý để không làm nặng thêm tình trạng lú lẫn có sẵn.
III. Rối loạn chuyển đổi thức- ngủ:
Rối loạn chuyển đổi thức-ngủ xảy ra suốt thời kỳ chuyển đổi từ thức sang ngủ hoặc từ ngủ sang thức, là biểu hiện của quá trình biến đổi sinh lý hơn là thay đổi bệnh lý thực sự.
Rối loạn lúc bắt đầu ngủ bao gồm giật mình, và khởi đầu cảm giác. Giật mình là sự giật nẩy toàn bộ cơ thể xảy ra khi bắt đầu ngủ. Rất phổ biến, không bệnh lý, và sự thức tỉnh do kích thích nhỏ lúc bắt đầu ngủ. Khởi đầu cảm giác bao gồm những trải nghiệm cảm giác, thường là giấc mơ giống như thật, có thể đi kèm với giật mình xảy ra vào lúc bắt đầu ngủ và làm bệnh nhân thức giấc. Khởi đầu cảm giác thường lành tính. Nhà lâm sàng nên điều trị cả hai dạng bằng cách trấn an bệnh nhân rằng hiện tượng này bình thường.
Nói trong khi ngủ: là hiện tượng rất phổ biến thường xảy ra khi chuyển từ giai đoạn I sang giai đoạn II của giấc ngủ. Nó thường xảy ra khi một người vừa rơi vào giấc ngủ thì bị đặt câu hỏi. Bệnh nhân thường không nhớ mình đã nói gì. Sự mệt mỏi quá mức có thể làm nói trong giấc ngủ nhiều hơn. Nói trong khi ngủ ít liên quan với rối loạn thức tỉnh hơn mộng du và khiếp sợ khi ngủ. Nói trong khi ngủ ít khi liên quan với thuốc và thường không đáp ứng với thuốc hoặc tâm lý trị liệu.
(Phần I)
PARASOMNIAS
Martin Reite M.D., John Ruddy M.D., Kim Nagel M.D.,
Concise Guide to Evaluation and Management of Sleep Disorders,
American Psychiatric Publishing, Inc, Third Edition, 2002, P. 145-170