MỤC ĐÍCH:
TP Hồ Chí Minh là một khu vực có dân cư tập trung đông đúc, con người phải sống trong những điều kiện sống không thuận lợi, cường độ làm việc căng thẳng từ đó dễ nảy sinh những rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm…
Số bệnh nhân đến khám vì rối loạn lo âu có khuynh hướng ngày càng tăng. Nghiên cứu này tìm hiểu một số yếu tố dịch tễ; lâm sàng cũng như phân bố của các rối loạn lo âu, cũng như nhận xét về các loại thuốc và kết quả điều trị.
Nghiên cứu này được thực hiện để góp phần nâng cao chất lượng thăm khám, chẩn đoán và điều trị các rối loạn lo âu.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
Nghiên cứu mô tả tiền cứu thực hiện trên 85 bệnh nhân bị rối loạn lo âu đến khám và điều trị tại trung tâm sức khỏe tâm thần TP.HCM từ ngày 01/12/1999 đến ngày 30/10/2000.
KẾT QUẢ:
Các bệnh nhân ở độ tuổi từ 20 – 39 tuổi (68,24%), sống trong nội thành đông đúc (58,82%), sống trong đại gia đình gồm 3 thế hệ (52,94%), lao động trí óc (56,47%) và tiền sử có sang chấn tâm lí (60%).
Đa số được chẩn đoán là rối loạn lo âu toàn thể (64,71%). Bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp tâm lí và thuốc gồm thuốc chống lo âu, chống trầm cảm, chống loạn thần ở liều thấp, ức chế beta trong đó Amitriptyline thường được sử dụng hơn (41,18%).
Trong 43 trường hợp được đánh giá đủ 3 lần, dựa trên điểm trung bình của từng triệu chứng cũng như tổng điểm trung bình của thang lo âu Hamilton thì các điểm số này giảm dần từ từ ngày N0 đến ngày N14 và tiếp tục giảm đến ngày N28. Tuy nhiên tổng điểm thang Hamilton ở ngày N28 còn tương đối cao.
KẾT LUẬN:
Đa số bệnh nhân ở độ tuổi trẻ, sống trong nội thành, lao động trí óc và có chấn thương tâm lí.
Thuốc thường được dùng là Amitriptyline. Tuy nhiên sau 4 tuần điều trị, tổng điểm trung bình thang lo âu Hamilton còn ở mức tương đối cao nên trong những nghiên cứu sau này nên kéo dài thời gian theo dõi ít nhất là 6 – 8 tuần.
Nguyễn Văn Nuôi và cộng sự.