NHÂN NGÀY TÂM THẦN THẾ GIỚI 2014: BIẾT, HÒA HỢP VÀ THÍCH ỨNG NHIỀU HƠN VỚI NGƯỜI BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT

256

Từ 11 năm nay, Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần Thế giới ( World Federation for Mental Health = WFMH), Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra sáng kiến  lấy ngày 10 tháng 10 hàng năm là Ngày Tâm thần Thế giới (World Mental Health Day) với nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao hiểu biết và chú ý nhiều hơn tới các bệnh tâm thần nhằm chữa trị và mang lại chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân tâm thần trên toàn thế giới.

Chủ đề Ngày tâm thần Thế giới năm 2014 được hiểu là chúng ta hãy biết, hòa hợp và thích ứng nhiều hơn với người bệnh tâm thần phân liệt (TTPL) với khẩu hiệu bằng tiếng Anh khá đơn giản và dễ nhớ “Living with Schizophrenia”.

Tên tiếng nước ngoài căn bệnh này được thay đổi trong quá trình phát hiện những biểu hiện chính và những nhận định ban đầu của các nhà tâm thần học. Các nghiên cứu ngày càng chuyên sâu hơn cho thấy hình ảnh một số vùng chức năng của bộ não bệnh nhân TTPL có sự thay đổi và do đó dẫn đến thay đổi các giả thuyết về sinh bệnh học TTPL. Đồng thời, các tiến bộ về sinh dược học thần kinh và kết quả sử dụng thuốc điều trị cũng làm thay đổi quan niệm về căn bệnh này một cách nhân văn hơn.

Có thể ai cũng biết gọi tên những người được bác sĩ chuyên khoa tâm thần chẩn đoán bị mắc bệnh TTPL là “ người điên” hay nhiều từ mang tính địa phương vùng miền khác nhau là bị”bà nhập”,“té giếng”,“tửng”, “khùng”, “ba lơn”, “mắc đằng dưới”, v.v… dựa trên quan niệm hay những lời nói và hành vi quan sát được. Đáng mừng là những “thuật ngữ địa phương” này đều mang ý nghĩ giảm nhẹ “mức độ bất thường” của bệnh, hàm ý người bệnh chỉ “khác lạ” có bấy nhiêu thôi và hãy vui vẻ giúp đỡ trong cuộc sống hàng ngày.

Trên thế giới hiện nay có khoảng 26 triệu bệnh nhân TTPL, tuy nhiên, 50% chưa thể tiếp cận được với các phương pháp chữa trị thích hợp (thuốc cổ điển quá rẻ và nhiều tác dụng không mong muốn, chưa được hưởng toa thuốc “an toàn và hiệu quả” nhất theo quy chế kê đơn, chưa tiếp cận với y tế hiện tại mà còn tự chữa bệnh bằng bùa ngải hay những phương pháp phản khoa học trong đó có sự ngược đãi vô lý v.v…).

Theo Gs George N. Christodoulou, Chủ tịch WFMH, xã hội chưa luôn luôn “tử tế” với người bệnh TTPL . Hầu hết các quốc gia đều có chế độ bảo hiểm y tế thanh toán thuốc điều trị, chính sách hỗ trợ cuộc sống người bệnh TTPL. Nhưng có thể nói, như vậy chưa đủ vì bệnh TTPL diễn tiến kéo dài, bệnh nhân không có việc làm nhiều hơn từ 6 -7 lần người bình thường dẫn đến vô gia cư, không kiểm soát hành vi gây thiệt hại cho bản thân và thiệt hại tính mạng cho người khác, v.v… Kết quả 110 nghiên cứu trên 45,533 bệnh nhân TTPL cho thấy có tới 18,5 % bệnh nhân bị cư xử bạo lực. Tỷ lệ mắc một số bệnh khác như bệnh tim mạch, bệnh đường hô hấp, bệnh lây nhiễm khác cũng cao hơn và đái tháo đường liên quan quá trình sử dụng một số loại thuốc chống loạn thần và tử vong sớm hơn từ 10 đến 20 năm.

Ngày nay, cách nhìn nhận và thái độ của chúng ta đối với người bệnh tâm thần đã thay đổi rất nhiều nhờ sự tiến bộ của khoa học. Tuy nhiên sự kỳ thị, phân biệt đối xử, đặc biệt đối với bệnh nhân TTPL vẫn còn là một thách thức, được hiểu như là tình trạng không được chấp nhận từ người bình thường, thể hiện dưới dạng trừng phạt trải qua với bốn bước sau:
• “Gán tên xấu” cho người bị bệnh và chuyển tên xấu đó thành sự khác biệt (với người bình thường),
• Nhại lại và kết nối sự khác biệt trên với những biểu hiện không mong muốn,
• Chia cách nhóm bị gán tên xấu với nhóm người bình thường và lưu ý sự khác biệt,
• Không chấp nhận hiện diện của người bị gán tên xấu và phân biệt cư xử: hạ thấp giá trị, từ chối và loại khỏi nhóm người bình thường.
Các chuyên gia tâm thần thế giới cho rằng bốn bước trên xảy ra ở mọi tầng lớp xã hội, ví dụ nhà quản lý không muốn địa hạt mình có người bị bệnh TTPL, chủ cơ quan xí nghiệp không muốn trong đơn vị mình có người bệnh TTPL vì hiệu suất việc làm giảm, kể cả trong gia đình cũng có thành viên không muốn có người bệnh tâm thần vì đảo lộn sinh hoạt, v.v … Nói tóm lại kỳ thị là sự kém hiểu biết mà lại mang thái độ thành kiến đồng thời cư xử không tế nhị, không dễ chịu với người bệnh TTPL. Rõ ràng đây là sự thách thức đòi hỏi nhận thức của mọi thành phần xã hội.

Bệnh TTPL là một rối loạn tâm thần nặng tác động đến tư duy, đến cách thức nhận thức và hành động. Bệnh nhân TTPL thường có khó nhận ra khác biệt giữa thực tế và hình ảnh tưởng tượng, có khó khăn trong lập luận, diễn đạt cảm xúc và trong hành động phù hợp. Có người xuất lộ sớm nhiều triệu chứng loạn thần (triệu chứng hoang tưởng, ảo giác – tin vào những ý tưởng hay hình ảnh không thể có trong cuộc sống thực tại), có người trải qua một thời gian “lặng lẽ” trước với các biểu hiện chủ yếu sau:
• Ngủ, ăn uống thất thường,
• Xuất hiện nhiều hành vi khác lạ,
• Biểu lộ dửng dưng thờ ơ, không biết cùng vui hay cùng buồn với mọi người,
• Lời nói, ý nghĩ không trôi chảy, ngập ngừng do ý tưởng trong đầu “bị đứt”,
• Quan tâm quá mức với ý nghĩ bất thường (không có trong thực tế)
• Nói ra ý tưởng liên quan hay suy nghĩ về những sự việc hay vật gì đó có ý nghĩa khác lạ, phi lý,
• Thường xuyên cảm nhận đang có điều gì phi thực tế,
• Thay đổi cách thức biểu lộ một việc gì, một âm thanh hay cảm nhận giác quan khác.

Dù triệu chứng loạn thần xuất lộ sớm hay có các biểu hiện lặng lẽ trên, nhưng không phải tất cả đều tiến triển thành bệnh TTPL, nên một số người không thăm khám chuyên khoa và do đó có người tiến triển thành bệnh TTPL không được điều trị.

Biết để phát hiện sớm và thăm khám điều trị sớm bệnh TTPL sẽ giảm nhẹ chi phí chăm sóc rất lớn.

Bệnh TTPL xuất hiện ở mọi nơi có loài người sinh sống và tỷ lệ mắc hầu như giống nhau ở các quốc gia trên thế giới nhưng cũng có sự nhìn nhận và phản ứng khác nhau ở các cộng đồng văn hóa khác nhau. Các nghiên cứu trên thế giới đều chỉ ra rằng việc điều trị bệnh TTPL càng sớm (giai đoạn đầu của bệnh) càng hiệu quả. TTPL là một rối loạn có thể điều trị được và người bệnh có thể làm việc và sống bình thường với nhân viên y tế, với người thân trong gia đình. Vấn đề là chúng ta đặt ra kế hoạch chăm sóc điều trị, tạo điều kiện thích ứng và hòa nhập cho bệnh nhân TTPL, từ cung cấp đầy đủ các loại thuốc hiệu quả đến đào tạo đủ bác sĩ, điều dưỡng, chuyên viên tâm lý và nhân viên hỗ trợ cộng đồng.

Trong sự phát triển của xã hội hiện đại, việc quản lý người bệnh TTPL có lẽ cũng cần có những thay đổi nhất định, hòa hợp và thích ứng nhiều hơn bằng cách tạo điều kiện cho người bệnh sống và hiểu biết về căn bệnh của họ, có nghĩa là họ cần và phải được uống thuốc. Trong xã hội hiện đại bệnh nhân  TTPL không nhiều người thân bên cạnh, và nếu không còn người thân thì cần có người chăm sóc thân thiện trong cuộc sống hàng ngày. Và cuối cùng, câu hỏi đặt ra là ai giúp bệnh nhân TTPL hòa hợp và thích ứng với cuộc sống cộng đồng thì đó là tất cả những người không bị bệnh TTPL hoặc rộng hơn, là những người không bị bệnh tâm thần cần hiểu biết tốt về bệnh này để biết cách tồn tại (hay sống chung) với người bệnh TTPL.

Câu trả lời có lẽ không khó nếu chúng ta bớt phân biệt đối xử và kỳ thị người bệnh TTPL (kể cả đối với nhân viên y tế chuyên ngành tâm thần). Hiện nay một số bài báo dùng từ “kẻ tâm thần” một cách không chuyên nghiệp và cũng không nhân văn bởi phản ứng tâm lý của con người, của người bệnh TTPL tồn tại mãi mãi. Tương tự, những hình ảnh “thô” trên phim ảnh, những lời chế giễu đàm tiếu  nếu người bệnh nghe được càng củng cố thêm phản ứng bất lợi sau này. Khi đó, con người sẽ né tránh, còn người bệnh TTPL sẽ cho rằng bản thân “không còn gì để mất”, và phản ứng này sẽ kết hợp với những thay đổi hoạt động cảm xúc của não bộ thì nguy cơ không kiểm soát hành vi bạo lực và ý nghĩ “bị kỳ thị” vẫn mãi mãi còn đó.

Bs Phạm Văn Trụ Bv TT Tp HCM.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.    Living with Schizophrenia. World Mental Health Day 2014.
2.    Philip R. Szeszko, Ph.D. Aggression in Schizophrenia and its Relationship to Neural Circuitry of Urgency. Am J Psychiatry 2014; 171: 897-900.doi; 10, 1176 appi.ajp.2014. 14050629. 
3.    Graham Thornicroft, Elaine Brohan, and Aliya Kassam. Public attitudes and the challenge of stigma. Page 5 -7. New Oxford Textbook of Psychiatry. Second Edition. Oxford University Press 2009. Reprinted 2011.