NHÂN NGÀY PHÒNG CHỐNG MA TÚY 26/6

155

Nghiện ma túy là một căn bệnh mạn tính, kéo dài và tái phát của não bộ, thể hiện các cơn xung động hành vi (hung hăng bất chấp chuẩn mực bình thường, kể cả gây tội ác) nhằm tìm kiếm ma túy để sử dụng, dù biết rằng sẽ dẫn đến hậu quả xấu về sức khỏe bản thân, biết sẽ bị thiệt thòi trong quan hệ gia đình và xã hôi, biết rằng có thể bị trừng phạt, v.v…

Thế nhưng tại con người ta cứ lạm dụng và cứ nghiện ? Khoa học đã nhận định nghiện là một bệnh của não vì các chất gây nghiện làm thay đổi cấu trúc của tế bào và hoạt động lâu dài của chúng, và do đó có thể dẫn đến nhiều thương tổn như tế bào thần kinh bị hủy hoại với hậu quả rối loạn hành vi. Cụ thể là loạn thần (có triệu chứng hoang tưởng ảo giác và hành vi bất thường) đối với các nghiện các chất dạng thuốc phiện (heroin). Là các ảo giác thị giác chi phối hành vi, tấn công hành hung, đập phá, thậm chí giết người, tự sát khi sử dụng các chất ma túy tổng hợp (methamphetamine, mephedrone, v.v…).

Có sự khác nhau giữa lạm dụng và phụ thuộc (hay nghiện) ma túy. Lạm dụng gồm các triệu chứng và bối cảnh sau đây:

• Thất bại trong việc thực hiện một vai trò bắt buộc nào đó.
• Có trục trặc liên quan luật pháp.
• Dùng ma túy trong tình trạng mạo hiểm.
• Tiếp tục sử dụng dù đang có khó khăn trong quan hệ gia đình xã hội (hậu quả).

Các triệu chứng của nghiện ma túy là:

• Dùng ma túy số lượng nhiều hơn mong muốn.
• Không thể ngưng hay giảm liều ma túy.
• Phải mất nhiều thời gian hoạt động để kiếm tiền (từ công việc, nghề nghiệp  chính đáng hay cùng bạn nghiện lừa đảo, trộm cắp) để mua ma túy.
• Tiếp tục sử dụng dù biết sức khỏe kém đi cùng các quan hệ xã hội càng ngày càng trở nên xấu.

Phụ thuộc hay nghiện có thể xảy ra hoặc không tình trạng cai khi cơ thể thiếu ma túy (gọi là cơn vã) do ngưng ma túy đột ngột (do hết tiền mua, hay do bị cách ly chặt chẽ không được “cấp” ma túy). Phụ thuộc ma túy luôn xảy ra tình trạng phải tăng liều sử dụng để đạt tới hiệu quả mong muốn ( gọi là phê ma túy). Thuật ngữ phụ thuộc mang tính khoa học giảng dạy nghiên cứu, thực tế gọi là nghiện – nghiện ngập với ý nghĩa xấu hơn về hành vi cư xử và đạo đức.

Để lạm dụng hay nghiện ma túy phải có ba điều kiện:

1. Có sẵn ma túy:
a. Các thuốc gây nghiện khi bác sĩ kê toa không đúng quy chế, và hoặc chúng không được quản lý hữu hiệu.
b. Dễ mua ma túy do đối tượng mua bán ma túy mời chào.

2. Có người đang thích hoặc đang cần sử dụng ma túy:
a. Là những người đang nghiện, đã nghiện, thậm chí đã cai nghiện “khỏi” nhưng vì bệnh lý tổn thương tế bào não bộ kéo dài với tình trạng hoạt động tâm lý chưa thể thay đổi theo hướng “tích cực” đầy đủ.
b. Là thanh thiếu niên, học sinh bị dụ dỗ và hoặc đang trong giai đoạn phát triển sinh lý thần kinh được xem như yếu tố thúc đẩy khám phá cảm xúc mới.
c. Là những người mắc một số bệnh cần dùng ma túy như dược chất giảm đau hay một số chỉ định y khoa khác.

3. Có “nơi- địa điểm” sử dụng ma túy:
a. Kín đáo nhất có thể được và hoặc được ngụy trang bằng các tình huống cho phép như vũ trường, quán xá, v.v…
b. Tại gia đình nếu người nghiện được “độc lập” ở một mức độ nào đó và ít được quan tâm.

Từ một số nhận định trên, công tác phòng chống ma túy thường phải kết hợp đồng bộ ba lĩnh vực: ngăn cản sự xuất hiện của ma túy, tuyên truyền và điều trị người nghiện.

Công tác tuyên truyền tác hại sức khỏe của ma túy rất quan trọng bởi đối tượng “bị dụ dỗ”, “thử sức mạnh” và “xả stress” thường là thanh thiếu niên. Hiện nay, nhiều thanh thiếu niên đến khám tại Bệnh viện Tâm thần vì cơn rối loạn hành vi vẫn cho rằng dùng ma túy tổng hợp “vừa không gây nghiện, vừa chứng tỏ khả năng đam mê bất tận”. Kết quả là không còn khả nặng tập trung học, không hiểu bài, vì tiếng nói ảo trong đầu, vì ý tưởng tự cao, vì ảo thị gây sợ sệt tới mức hoảng loạn đập phá, gây hấn đánh người. Nếu cha mẹ đưa tới khám thường vì bỏ học, nghề nghiệp dang dở, vì chi phí quá lớn hàng ngày,v.v… Nếu bạn gái đưa tới thì thường thêm lý do suy giảm khả năng quan hệ tình dục, v.v…

Ngăn cản sự xuất hiện của ma túy dựa vào tài thao lược, khả năng và kinh nghiệm của lực lượng an ninh và của cả người dân. Khi chúng ta hiểu càng nhiều về tâm lý tội phạm và nhạy cảm về tâm lý hành vi thì công tác này càng đạt nhiều hiệu quả.

Về điều trị, thời gian nghiện càng dài càng phải dùng ma túy liều cao hơn và càng nhiều triệu chứng rối loạn tâm thần – rối loạn hành vi cư xử , càng suy giảm khả năng nhận thức, trí nhớ – “sức khỏe của não” càng giảm. Từ đây chúng ta phải nhận định điều trị nghiện là “cực kỳ khó”, đòi hỏi nhiều thời gian nhưng vẫn mang lại hiệu quả nếu “người điều trị và người được điều trị: soignant – soigné ” hiểu thấu đáo về ma túy và … hiểu nhau một cách thật sự khoa học.

Các chuyên gia tâm thần Âu –Mỹ đã chứng minh cách ly hoàn toàn ma túy, cắt cơn nghiện bắt buộc thường không duy trì được kết quả. Sự phát triển của khoa học đưa đến khái niệm đồng vận- đối vận trong hoạt động của tế bào thần kinh và có thể thay thế dược chất gây nghiện này bằng một đồng vận khác ít gây thương tổn tế bào não bộ hơn. Sự thay thế này nhằm mục đích từng bước loại bỏ ma túy khỏi nhu cầu của bệnh nhân, “chỉnh” lại hoạt động của các tế bào não bộ, và do đó mang lại trạng thái tâm lý và hoạt động tâm thần bình thường. Hiện nay phương pháp điều trị nghiện thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng đồng vận Methadone đang rất phổ biến. Buprenorphine đã được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và áp dụng tại nhiều cơ sở điều trị. Suboxone là chế phẩm mới với ưu điểm có thể phòng ngừa tình trạng quá liều khi người bệnh lãnh thuốc tự sử dụng. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thêm heroin, các loại ma túy tổng hợp hoặc một số hóa dược gây nghiện khác (như Diazepam, Lexomil, Xanax. …) vì rất dễ gây ra ngộ độc dẫn tới tử vong.

Công tác phòng chống ma túy cần được “phổ cập” tới tận gia đình, trường học, đến cơ quan, tổ chức xã hội, và đến… các bác sĩ (bất kể chuyên khoa hay cấp quản lý nào). Thực tế cần nâng cao kiến thức “nền tảng” về nghiện chất cũng như về  tâm lý người nghiện, chi phí đào tạo nhân lực (bác sĩ, chuyên viên tâm lý, điều dưỡng, trợ tá xã hội), trang thiết bị luôn thấp hơn hậu quả xấu người nghiện gây ra cho xã hội.

Cơ quan Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần và Nghiện chất Hoa Kỳ (Substance Abuse and mental Health Services Administration – SAMHSA) đang tổ chức  “Tuần lễ Quốc gia Phòng chống Ma túy 2014 (National Prevention Week 2014) từ ngày 18 – 24/ 5 với khẩu hiệu : “Cuộc sống, Sức khỏe – Tương lai của Chúng ta” một cách rất có ý nghĩa.

Để tránh lạm dụng và nghiện ma túy, ở mức độ tư duy không trừu tượng, là “tự cứu mình trước khi người khác cứu” với chiến lược, chính sách tuyên truyền giáo dục một cách khoa học và khả năng thực hành trị liệu, chăm sóc hoạt động tâm thần của bệnh nhân nghiện sẽ mang lại nhiều kết quả mong đợi cho tất cả mọi người.

Bs Phạm Văn Trụ Bv Tâm thần.Trưởng Nhóm hỗ trợ chuyên môn Chương trình Methadone Tp HCM.

Tài liệu tham khảo:
1. Robert E. Hales, MD., MBA. Stuart C. Yudofsky, MD. Galen O. Gabbard, MD. Textbook of Psychiatry. The American Psychiatric Publishing. Fifth Edition. 2008. Page 365-06.
2. Stewart B, Leavitt, PhD. Methadone-Drug Interaction. Addiction Treatment Forum. Mallinckrodt. 3rd Edition 2005.