Thuật ngữ Lycanthropie có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp Lucanthropos có nghĩa là người sói. Nó chứa đựng một niềm tin rằng con người có thể biến thành sói. Từ thời kỳ cổ đại cho đến cuối thế kỷ XVI ở Châu Âu có rất nhiều những vụ án, thậm chí có những giai đoạn lan tràn như một dịch bệnh trong xã hội, rất nhiều người sói đã bị hành hình hoặc hỏa thiêu bởi phán quyết của các hội đồng xử án của tòa án dị giáo thời đó.Trong thực tế người sói còn đồng nghĩa với một rối loạn tâm thần, trong giai đoạn này bản thân người sói có hoang tưởng mình đã biến thành sói, sau đó hoang tưởng này còn kết hợp với những trạng thái trầm uất, hưng cảm hay kích động điên loạn.
Đầu thế kỷ XX, hiện tượng người hóa sói được xem như là một triệu chứng lâm sàng có thể thấy ở rất nhiều các rối loạn tâm thần và bệnh thực thể. Ngày nay chúng ta vẫn thấy những trường hợp người hóa sói được mô tả trên thế giới rất đáng chú ý.
Hoang tưởng hóa sói và truyền thuyết:
Niềm tin con người có khả năng biến thành động vật có từ xa xưa. Người ta thấy trong kinh cựu ước có ghi về một truyền thuyết như sau: Vua Nabuchodonosor đã biến thành một con bò trong 7 năm trời, điều đáng chú ý là sự biến hóa thành bò xuất hiện sau khi ông vua này bị mắc chứng trầm uất. Điều này nói lên rằng: có một sự liên hệ rất sớm được thiết lập giữa câu chuyện người biến thành động vật và bệnh tâm thần.
Những mô tả đầu tiên gợi ra niềm tin con người có thể biến thành sói được tìm thấy ngay ở thế kỷ thứ V trước công nguyên. Herodote nói về một tộc người sống ở ven bờ biển đen có khả năng biến thành sói bằng phép thuật. Ovide đã viết về những người Arcadie và khẳng định họ có niềm tin rằng người có thể biến thành sói. Tác giả này đã viết về nguồn gốc người sói như sau: Lycaon vua của Arcadie có 50 người con trai, thần Zeus một hôm đến thăm giả dạng thành một kẻ ăn mày rách rưới. Nhà vua độc ác sai giết một đứa trẻ làm thức ăn cho thần Zeus. Thần Zeus nổi giận lôi đình phóng sấm sét giết chết cả 50 người con của vua Lycaon và biến tên vua tàn bạo này thành con sói, vương miện biến thành lông, tay biến thành chân nhưng vẫn giữ những vết tích cũ của một tên vua tàn bạo, lông màu xám, vẻ hung bạo, mắt ánh màu bạc man dại.
Vào thế kỷ thứ I sau Công nguyên, Aréteé de Cappadoce miêu tả những người cảm thấy mình biến thành sói như sau: Chúng có một sự thèm khát mãnh liệt buộc chúng lăn xả vào những đàn gia súc và những người nông dân để cắn xé họ và những con gia súc. Chúng thích đi ra kiếm ăn vào ban đêm, hú lên man dại bên những xác chết và thường xuyên lui tới những khu nghĩa địa.
Niềm tin này lưu truyền theo thời gian, nhà thờ công giáo cũng như thời trung cổ với nền văn hóa bảo thủ không mang lại thông tin gì về người sói một cách rõ ràng hơn. Trừ một số người trong giới trí thức hay một số người có liên quan đến nhà thờ đồng ý tuyên truyền những kiến thức về vấn đề này. Phần lớn những câu chuyện về người biến thành sói bắt nguồn từ Hy Lạp và La tinh cổ. Khả năng biến người thành sói giai đoạn này được xem như hành động của quỷ dữ và là hành động của những kẻ dị giáo. Thánh Augustin nêu ra trong tác phẩm của ông có tựa đề “Thiên đường của chúa” thì hiện tượng người sói là do quỷ Satan tạo ra.
Tới thế kỷ thứ XVI thật sự bùng nổ một dịch bệnh người sói. Những vụ xử của tòa dị giáo với những phán quyết khẳng định đây là những hành động của phù thủy, từ đó dẫn đến một phong trào săn lùng tiêu diệt phù thủy và người sói trong thời gian này. Thế nhưng có 2 ông quan tòa dị giáo dòng Dominique đã nghi ngờ sự thật về hiện tượng người sói, hai ông đã viết một cuốn sách mang tựa đề “Chiếc búa của phù thủy” hai ông cho rằng người sói chỉ là một biểu hiện của bệnh tâm thần ít nhất nếu có bị tác động bởi ma quỷ thì cũng chỉ là sau khi bị bệnh tâm thần. Những vụ xét xử người sói lan rộng ở Pháp thời gian này, nổi tiếng nhất là ông quan tòa Henri Boguet ông ta đã từng khoe khoang rằng từ năm 1598 đến 1616 ông đã từng kết án hỏa thiêu không dưới 600 người sói. Nếu tính riêng ở Pháp từ năm 1520 đến năm 1610 có khoảng 30.000 người sói bị hành quyết. Trong giai đoạn này ở châu âu có khoảng 100.000 trường hợp bị hành quyết.
Vụ án người sói nổi tiếng nhất ở Pháp là vụ của Gilles Garnier tại Lyon. Người sói này bắt cóc trẻ em tại Dole từ năm 1570 đến 1573, trong khoảng thời gian này rất nhiều nhân chứng khẳng định đã nhìn thấy một người sói tấn công những nạn nhân. Trong một cuộc săn lùng được tổ chức bởi Pháp viện sở tại, người ta sững sốt thấy Gilles Garnier đang nhai ngấu nghiến một đứa trẻ. Pháp viện tại Dole đã kết án Gilles Garnier hỏa thiêu vì tội biến thành sói.
Vụ án gây dư luận lớn cuối cùng về người sói được ghi nhận vào năm 1603, Jean Grenier xuất hiện ở các cánh đồng, hình dạng sói hù dọa những bé gái cùng lứa tuổi mình. Tòa đã tuyên bố người sói đã ăn thịt nhiều trẻ em. Ban đầu tuyên án hỏa thiêu nhưng sao đó tòa đã nhận thấy những biểu hiện tâm thần của Jean Grenier nên đã thay đổi hình phạt từ hỏa thiêu xuống chỉ bị giam giữ trong một tu viện. Vụ án này đánh dấu sự kết thúc của những vụ án về người sói. Tòa án cuối cùng đã xem như người hóa sói là một bệnh tâm thần kết hợp với sự tác động của ác quỷ và cần thiết phải có một phương pháp điều trị.
Người sói và bệnh tâm thần:
Từ thời cổ La Mã, người ta đã có những ngờ vực về khả năng người biến thành sói. Pline L’ancien, tác giả của cuốn bách khoa nổi tiếng “Lịch sử tự nhiên” đã cho rằng hiện tượng người sói chỉ là một trò cười hoàn toàn không có thật.
Ngay ở thế kỷ thứ II sau Công nguyên hiện tượng người sói đã được xác định bao gồm nhiều bệnh lý tâm thần khác nhau. Bác sĩ Marcellus de Side người Hy Lạp thời hoàng đế La Mã Hadrien đã viết một bài thơ y học gồm 42 tập nhưng chỉ có 2 đoạn nói về giai đoạn này nhưng trong đó có một đoạn dành nói về người sói và ông liệt hiện tượng người sói vào bệnh lý trầm uất. Vào thế kỷ thứ X, một bác sĩ Ả rập là Avicenne đã dành nhiều tâm trí, nghiên cứu, tìm hiểu về hiện tượng người sói và đã đưa ra những giải thích khoa học về vấn đề này. Ông nêu ra những rối loạn tâm thần tập trung vào các triệu chứng như: tin tưởng mình biến thành sói, thu rút khỏi cuộc sống xã hội, hoạt động về ban đêm, các biểu hiện gây hấn, tấn công … Những triệu chứng mô tả bởi Marcellus de Side và Avicenne đều được các Bác sĩ vào thế kỷ XVI công nhận.
Johannes Wyer, một bác sĩ Hà Lan cho rằng hiện tượng người hóa sói là một hiện tượng bệnh lý tưởng tượng, một bệnh tâm thần được đặt tên là “Bệnh điên sói” (Folie Louviére). Trong một cuốn sách xuất bản 1563, De Praestiglis xem hiện tượng người sói là triệu chứng lâm sàng của bệnh trầm uất. Bác sĩ người Pháp Jean de Nynauld cũng quan tâm rất nhiều về vấn đề này trong cuốn sách của mình viết vào năm 1615 có tựa đề “Điều trị người sói”. Trong đó ông phân biệt ra hai loại, một loại là bệnh lý trầm uất và loại kia là do ác quỷ. Một bác sĩ người Pháp khác là Jean Fernel, bác sĩ của vua Henri II say mê phân loại các bệnh tâm thần. Ông phân biệt ra 3 loại trầm uất đều do những tổn thương não bộ gây ra đó là trầm uất, trầm uất kèm kích động và cuối cùng là trầm uất với hoang tưởng biến thành sói.
Robert Burton với cuốn sách chuyên luận nổi tiếng của mình mang tựa đề “Giải phẫu bệnh trầm uất” năm 1621 đã cho phép một sự tổng hợp y khoa về hiện tượng người sói. Trong cuốn chuyên luận này có 3 phần. Phần thứ 1 đề cập đến vấn đề “điên sói”, ông viết: “Trong hiện tượng người sói mà Avicenne gọi là điên sói, người bệnh đi dọc ngang trên những cách đồng hoặc những nghĩa địa vào ban đêm, hú lên man rợ như những con sói để thuyết phục mình đã trở thành những con sói”.
Theo Aetius và Paul d’Egine thì đó là một dạng trầm uất nhưng Robert Burton lại cho rằng đó là biểu hiện của trạng thái hưng cảm trong phần lớn các ví dụ đưa ra từ các tác giả. Một số người nghi ngờ về một bệnh lý thật sự. Donato – Antomo – Altomari nói đã chứng kiến 2 ca tương tự ở thời của ông. Wier nêu ra một trường hợp ở Padoue năm 1541, bệnh nhân kiên quyết cho mình là sói chứ không phải là người. Một ví dụ khác ở Tây Ban Nha, có một người tự cho mình là một con gấu. Forest khẳng định việc người sói là có thật và chính bản thân ông cũng đã chứng kiến một trường hợp ở Alkmaar – Hà Lan, một nông dân nghèo với nước da xanh xao, mắt u buồn nhưng rất dữ dằn hú lên thảm thiết bên những nấm mồ trong nghĩa địa. Những cô công chúa của vua Proetus tự cho mình là những con bò cái.
Theo một số nhà bình luận thì trường hợp này cũng giống như hoàng đế Nabuchodonosor đã mắc phải. Rober Burton giải thích lại phần lớn những truyền thuyết cổ về người sói đều là những biểu hiện của một bệnh lý tâm thần. Tuy nhiên ông cũng bác bỏ việc xếp hiện tượng người sói vào bệnh lý trầm uất mà xếp vào bệnh lý hưng cảm.
Việc xếp loại người sói vào hưng cảm cũng được bác sĩ Franck thống nhất, vào năm 1838 “Điên sói” được ông xếp vào một loại hưng cảm nghi bệnh (La Manie Hypocondriaque) với định nghĩa đây là một bệnh đặc trưng bởi những tri giác sai lầm nghiêm trọng đối với chính cơ thể của mình. Người bệnh nghĩ rằng cơ thể mình thay đổi thành động vật và họ bắt chước những hành vi của những con vật mà họ biến thành.
Sau này khái niệm người sói thay đổi và được cho là biểu hiện của loạn tâm thần. Đầu những năm 1850 hai trường hợp người sói được mô tả và cả hai trường hợp này bệnh cảnh lâm sàng rất giống với bệnh cảnh tâm thần phân liệt. Bệnh lý hoang tưởng nổi bật lên hàng đầu với xu hướng thu rút khỏi xã hội, tính tự kỷ rõ nét. Trường hợp thứ nhất được đăng trong tạp chí tâm lý y khoa năm 1850. Trường hợp thứ hai được chính Morel mô tả năm 1852. Định hướng chẩn đoán mới này được Henri Ey khẳng định vào năm 1973, ông cho rằng cho dù người sói được mô tả như thế nào vào thời trung cổ thực chất đây là một rối loạn hoang tưởng ảo giác bị súc vật nhập vào. Một xu hướng xếp người sói vào bệnh lý Hysterie được thực hiện bởi Jean Claude Maleval năm 1981, xu hướng này thực chất khôi phục lại quan niệm loạn thần Hysterie là loạn thần kinh do ma quỷ ám giống như trường hợp người sói từ trước.
Ngày nay hiện tượng người sói không còn bị xu hướng cho đây chỉ là một bệnh cảnh cứng nhắc như trước nữa. Người sói không còn được coi như một thể bệnh đặc biệt mà được xem như một triệu chứng không đặc hiệu của một bệnh lỳ tâm thần. Cách tiếp cận mang tính hiện tượng học được các tác giả ngày nay chấp nhận. Những tài liệu xuất bản mới đây về những trường hợp lâm sàng có xu hướng chứng minh cho cách tiếp cận mới này. Năm 1975 Surawier và Banta mô tả hai trường hợp người sói. Trường hợp thứ nhất là một nam thanh niên 20 tuổi nghiện đa chất. Sau khi sử dụng chất LSD thì xuất hiện cơn hoang tưởng cấp trong 48 giờ. Trong cơn hoang tưởng, thanh niên này tin tưởng mình đã biến thành sói và có những hành vi giống như đang săn đuổi thỏ và nhai ngấu nghiến những con mồi. Trường hợp thứ hai là một nam 37 tuổi đã nhập viện 3 lần với chẩn đoán tâm thần phân liệt. Bệnh nhân có ảo giác mang chủ đề súc vật và cảm giác mình biến thành sói. Một trường hợp khác được mô tả bởi Roseustock và Vincent năm 1977 là một phụ nữ 49 tuổi nhập viện tâm thần bởi một rối loạn hoang tưởng cấp và đã được chẩn đoán là tâm thần phân liệt. Triệu chứng tâm thần là hành vi thủ dâm lập đi lập lại và loạn dâm súc vật. Bệnh nhân tin rằng mình đã biến thành sói vào buổi tối. Bénezech et Coll cũng công bố một ca người sói năm 1988 là một nam 28 tuổi sa sút tâm thần nhẹ do nghiện rượu mãn tính. Bệnh nhân đã được giám định sau một vụ giết người. Anh ta đấm đến chết một người khách trong những khách mời ăn tối và tuyên bố mình là người sói. Những hành vi giống sói được khẳng định bời vợ anh ta như thường đi lang thang ban đêm và hú lên man dại cũng như những xu hướng bạo dâm và khổ dâm của bệnh nhân. Bệnh nhân được chẩn đoán là rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Mới đây một trường hợp người sói kết hợp với một tổn thương ở não bộ cũng được công bố.
Song song với những ca người sói, rất nhiều những trường hợp biến thành chó (Cynanthropie) cũng được nêu lên. Triệu chứng là trong thời gian này người bệnh có hành vi giống chó và họ cũng được xem như người sói. Trong thời trung cổ số phận của họ cũng như số phận của người sói.
Một trong những ca đầu tiên được công bố năm 1978 đó là một phụ nữ 56 tuổi bị rối loạn nhân cách phân liệt, bệnh nhân đã nhập viện 2 lần bởi những cơn hoang tưởng cấp xảy ra sau khi quan hệ tình dục với chồng bà. Bệnh nhân có ảo tưởng mình biến thành chó. Một ca người chó nữa được mô tả năm 1985 là một bà già 66 tuổi không hề có tiền sử về bệnh tâm thần, bệnh cảnh ban đầu biểu hiện bằng các rối loạn hành vi như đi lang thang bằng 4 chân, có hành vi cắn những nhân viên y tế. Các triệu chứng này đã được cải thiện khi dùng thuốc chống trầm cảm và sốc điện. Gần đây 2 trường hợp người chó cũng được công bố kết hợp với bệnh cảnh trầm cảm nặng.
Người sói và những bệnh thực thể:
Những sự kết hợp giữa bệnh lý thực thể và bệnh cảnh người sói cũng đã được phát hiện. Ozanam, bác sĩ quân y đã mô tả khả năng xuất hiện bệnh cảnh người sói trong bệnh Pellage. Đây là một bệnh do thiếu vitamine B3 trầm trọng và biểu hiện bằng 3 triệu chứng chính là viêm da, đi cầu nặng nề, và rối loạn hành vi, sa sút tâm thần. Trong trường hợp này triệu chứng người sói đơn giản chỉ là triệu chứng tâm thần trong bệnh Pellage.
Năm 1963 trong một buổi hội thảo bác sĩ Ellis bằng lý lẽ thuyết phục là bác sĩ đầu tiên lý giải những trường hợp người sói thời cổ và trung cổ, những người có khả năng mắc bệnh chuyển hóa Porphyrine. Bệnh rối loạn chuyển hóa Porphyrine là một nhóm bệnh có nguyên nhân khác nhau và hiếm gặp. Có một điểm chung là có sự suy giảm các men chuyển hóa Hemoglobine. Kết quả lượng Porphyrine tích tụ bệnh lý trong cơ thể gây độc cho cơ thể khi mà tích tụ nhiều. Những triệu chứng đầu tiên thường xuất hiện vào tuổi trưởng thành và nghiêm trọng hơn khi người bệnh sử dụng rượu. Các biểu hiện đau vùng bụng rất thường gặp. Triệu chứng liệt thần kinh ngoại biên, liệt thần kinh trụ dẫn đến hình dạng bàn tay biểu hiện như bàn tay quỷ. Sự tích tụ Porphyrine ở da dẫn đến tình trạng da nhạy cảm với ánh sáng tình trạng bỏng da, tình trạng tăng sắc tố da đặc trưng bởi sự rậm lông do phản ứng. Đều này giải thích cho việc những người bị bệnh này thường đi ra ngoài vào ban đêm và tránh ánh nắng mặt trời. Răng của họ ngả sang màu đỏ. Một loạt các triệu chứng tâm thần kinh đi theo làm nên một bệnh cảnh lâm sàng của lú lẫn mê mộng và ảo giác thính giác, tri giác. Thời kỳ cổ đại hay thời trung cổ ở Châu Âu những người bị bệnh chuyển hóa Porphyrine củng cố niềm tin vào khả năng người có thể biến thành sói. Những triệu chứng tâm thần và những hành vi kích động đã làm cho những người này càng trở nên đáng sợ hơn với vẻ bên ngoài đặc trưng hoang dại của họ.
Tóm lại, người sói là một quan niệm có từ cổ xưa, trong thời cổ đại, quan niệm này tiếp tục lan truyền trong dân chúng và trong giới y khoa. Đã có rất nhiều trường hợp được công bố. Ban đầu hiện tượng người sói được xem như một hành động của quỷ dữ đáng ghê tởm và bị hành xử thích đáng bởi nhà thờ Thiên Chúa giáo. Quan niệm về người sói của y học bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XVII, tuy nhiên hiện tượng người sói cũng đã được xem là một bệnh tâm thần từ rất sớm ngay từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Bác sĩ Marcellus đã xem người sói là một trạng thái trầm uất. Ngày nay y học xem biểu hiện hoang tưởng người hóa sói là một triệu chứng có trong rất nhiều bệnh lý khác nhau như tâm thần phân liệt, hội chứng trầm cảm nặng, những rối loạn tâm thần thực thể … Ngày nay truyền thuyết về người sói vẫn còn tiếp tục thu hút nhiều hướng nghiên cứu mới của y học để giải thích những hiện tượng được mô tả từ ngày xưa về người sói. Ví dụ như thuyết về rối loạn loạn chuyển hóa Porphyrin mà chúng ta đã thấy ở trên. Bệnh lý di truyền này có thể là thủ phạm của rất nhiều những vụ án được cho là hành động của phù thủy dưới sự phán quyết của tòa án dị giáo. Cho dù có những lý lẽ giải thích về hiện tượng người sói của y học hiện đại cũng như ngành tâm thần , nỗi sợ hãi người sói vẫn tồn tại trong cộng đồng bằng chứng là ngày nay rất nhiều những phim về người sói vẫn thu hút sự quan tâm, chú ý của công chúng.
Ở Việt Nam trong thực hành lâm sàng về tâm thần đôi khi chúng ta cũng gặp những bệnh nhân giả tiếng chó sủa, tiếng gà gáy, tiếng lợn kêu vv…đây cũng chính là những bệnh nhân có những hoang tưởng hóa súc vật. Đó cũng là những trường hợp tương tự như người sói một hiện tượng được đề cập đến rất nhiều ở châu âu từ trước đến nay.
Tổng hợp từ: L’ information psychiatrique volume 85 N07 September 2009 và Internet.
BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh