NGƯỜI BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT: TUÂN THỦ ĐIỀU TRỊ VÀ HỆ LỤY

1068

Bạo lực được hiểu một cách đơn giản là dùng sức mạnh thể chất, tinh thần và phương tiện nào đó gây tổn thương hay chết người. Bạo lực xảy ra ở người bị rối loạn tâm thần thường nhiều hơn các đối tượng khác, đôi khi để lại những hậu quả thương tâm, do đó đặt ra mục đích điều trị hiệu quả là quản lý và tái thích ứng cuộc sống gia đình và xã hội cho bệnh nhân tâm thần. Đáng tiếc,có thể nói trên toàn thế giới, ở cả các nước tiên tiến và các nước chưa phát triển, người bệnh tâm thần vẫn còn chưa được quan tâm nhiều, bị kỳ thị trong công chúng. Trong thực hành y khoa, ngành tâm thần chưa được “sống trong ngôi nhà y khoa chung”.

Thực tế trên, và tình trạng bệnh lý các chức năng hoạt động thần kinh- tâm thần có thể dẫn đến tình trạng mất kiểm soát hành vi của bệnh nhân tâm thần – nghĩa là chừng nào còn kỳ thị, còn phân biệt đối xử và còn chưa được “sống trong ngôi nhà chung” thì còn bạo lực do bệnh nhân tâm thần gây ra. Trong “ngôi nhà chung” ấy, người bệnh có đủ thày thuốc được đào tạo chuyên khoa, đủ phương tiện, đủ thuốc men điều trị thì nguy cơ bạo lực do bệnh nhân tâm thần sẽ giảm, bởi lẽ họ gây ra bạo lực nhưng cũng chính họ cũng là nạn nhân của bạo lực.

Theo một nghiên cứu đoàn hệ cấp quốc gia tại Thuỵ Điển cho thấy tỷ lệ tử vong do bạo lực từ người bệnh tâm thần trong thời gian 8 năm ( 2001-08) là 2.8 so với tỷ lệ tử vong bình thường trong dân số chung là 1.1 ( tính trên 100,000 người / năm). Các tác giả cho biết, với bất cứ người bệnh bị rối loạn tâm thần nào đều có thể gây ra bạo lực tới mức chết người gấp 4,9 lần so với người bình thường. Nguy cơ bạo lực chết người không liên quan tuổi, giới tính và các đặc điểm dân số xã hội khác của người bệnh.

Cụ thể, bệnh nhân rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy gây bạo lực chết người gấp khoảng 9 lần, bệnh nhân rối loạn nhân cách 3,2 lần, bệnh nhân trầm cảm 2,6 lần, bệnh nhân rối loạn lo âu 2,2 lần và bệnh nhân tâm thần phân liệt 1,8 lần. Cần hết sức lưu ý khi nhận định đánh giá hậu quả chết người khi xảy ra bạo lực ở bệnh nhân rối loạn tâm thần có thể do chính người bệnh tự sát, như tự gây ra tại nạn chết người cho chính bản thân.

Những căn bệnh trên đều có thể chữa trị và phòng ngừa phát hiện sớm nguy cơ gây bạo lực chết người. Điều trị bệnh nhân rối loạn tâm thần theo quan điểm “mở”, quản lý bệnh nhân trong “hệ thống mở”, người bệnh khám bệnh định kỳ nửa tháng, hoặc 1 tháng / lần cùng với các sinh hoạt tư vấn cần thiết, đồng thời dùng thuốc tại gia đình có lẽ là hợp lý nhất vì người bệnh còn khả năng hòa nhập cộng đồng và sẽ hòa nhập tốt hơn với gia đình. Hiểu và quan tâm đúng mức tâm lý người bệnh, khi trong gia đình có người bị mắc bệnh tâm thần, người thân nên cùng người bệnh, đưa người bệnh đi thăm khám đều đặn sẽ mất ít chi phí, tiết kiệm ngân sách hơn và ít xảy ra bạo lực hơn.

Các rối loạn tâm thần thường xảy ra, hoặc tái diễn sau một thời gian điều trị là do hoàn cảnh gia đình, do môi trường xã hội có thay đổi (ít nhất trong ý nghĩ, trong sự suy nghĩ hay trong tư duy của người bệnh). Mức độ tái phát các triệu chứng bệnh rất khác nhau, nhưng chúng ta vẫn có thể phát hiện, nhận định nguy cơ cần nhập viện điều trị nội trú vì tình trạng mất kiểm soát hành vi gây bạo lực do tư duy chi phối. Để phát hiện các dấu hiệu bạo lực gây hậu quả nặng nề, Ts Mary E. Muscari đã soạn thảo bản hướng dẫn sàng lọc phát hiện các hành vi bạo lực nguy hiểm ( The DANGEROUS Behavior Screening Guide). Tác giả lấy các chữ cái đầu của tính từ DANGEROUS (NGUY HIỂM) làm đề mục các triệu chứng rối loạn tâm thần sàng lọc (tóm tắt như sau):

1. D – (Deviant thinking) Tư duy bất thường: có ý tưởng tự sát hoặc giết người; cảm giác bị người ngoài làm hại; ý tưởng hoang tưởng; khiển trách đổ lỗi người khác, khả năng chấp nhận thất vọng thấp.

2. A – (Alienation and rejection)  Cho là bị ghét bỏ và hắt hủi, tự cô lập, không bạn bè,     trầm cảm và tuyệt vọng.

3. N – (Negative home environment) Tình hình trong gia đình có “tiêu cực”, cho rằng bạo lực có thể là cách “thỏa thuận” các vấn đề xảy ra, gia đình không êm thấm, tình cảm ít gắn bó với cha mẹ hay người nuôi dưỡng.

4. G – (Gang affiliation)  Có quan hệ hoặc quan tâm đến hoạt động của các “băng nhóm”, thừa nhận tham gia băng nhóm, trong sinh hoạt dùng dấu hiệu bằng tay.

5. E – (Exposure to and/or history of violence)  Đã bị tiêm nhiễm và hoặc trong quá khứ đã gây bạo lực, trải qua bạo lực gia đình, bị lạm dụng lúc nhỏ, đối xử tàn bạo với súc vật, với bạn đời, người giúp việc.

6. R – (Rebellion and poor socialization skills) Chống đối và hoặc kỹ năng xã hội kém, có hành vi gây sợ và ức hiếp người khác, không kiểm soát được giận dữ, chống đối xã hội, hoang tưởng, có nét nhân cách phân liệt.

7. O – (Obsession with violence) Bị ám ảnh hình ảnh bạo lực trong phim ảnh, game,  các chủ đề dụng cụ bạo lực; thích xem bắn giết, …

8. U – (Underachievement and other school/work problems)  Không hoàn tất trường lớp, trốn học, thực hành nghề nghiệp khó khăn.

9. S – (Substance abuse)  Lạm dụng chất gây nghiện: uống rượu, hút cần sa, heroin, cocaine, amphetamine, các chất gây ảo giác LSD, PCP hoặc sử dụng các chất bay hơi gây nghiện.

Hiện nay, chuyên ngành tâm thần vẫn “đi sau” các chuyên ngành khác, cơ sở vật chất chật hẹp, thiếu thốn, tỷ lệ bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa còn rất thấp. Xã hội càng phát triển và phát triển nhanh, bệnh tâm thần càng xuất hiện nhiều, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược đáp ứng hợp lý hơn để có thể giảm tình trạng bạo lực và hậu quả không mong muốn.

Phạm Văn Trụ Bs CK II. PGĐ Chuyên môn Bv Tâm thần Tp Hồ Chí Minh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.    Caroline Cassels. Mentally ill at particularly high risk for violence. Medscape Medical News. Psychiatry. LANCET. Published online February 28. 2012.
2.    Casey Crump, Kristina Sundquist, Marilyn A Winkleby, Jan Sundquist. Mental Disorders and Vulnerability to Homicidal Death: Swedish Nationwide Cohort Study. British Medical Journal
3.    Mary E. Muscari, PhD, CPNP, APRN-BC, CFNS. How Can I Detect the Warning Signs of Extreme Violence in My Patients? Topics in Advanced Practice Nursing. Sep 03, 2009