NGƯỜI BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT TRONG ĐỜI THƯỜNG VÀ TRÊN PHIM ẢNH: CHƯA KHÁCH QUAN VÀ CÒN THIẾU NHÂN BẢN

495

Cho đến ngày nay, hình ảnh người bệnh tâm thần của các vai diễn trên phim ảnh, trong các  tiểu phẩm hài, kịch nói trên truyền hình, và cả trong các mẩu chuyện cười trên các loại báo chí vẫn còn là những điều không thực tế và chưa thể hiện mối quan tâm thật sự của các tác giả (nhà báo, đạo diễn, diễn viên, v.v…), chưa mang lại tầm nhìn khoa học cho các nhà hoạch định chính sách y tế, các nhà quản lý, cho cả các bác sĩ điều trị cũng như tác động thêm đến thái độ kỳ thị người bệnh tâm thần trong công chúng.

Nhóm nghiên cứu của Gs Ts Patricia R. Owen Khoa Tâm lý Trường ĐH St. Mary’s San Antinio bang Texas đã xem lại 40 bộ phim và kết quả cho thấy hình ảnh nhân vật đóng vai người bệnh tâm thần phân liệt ( TTPL) đều theo chiều hướng tiêu cực với các thông tin sai lệch về căn bệnh này. 79% phim có hình ảnh bệnh nhân TTPL nam với các triệu chứng dương tính sau: hoang tưởng kỳ quặc (67%), ảo thanh (62%) và ảo thị (52%).

Các triệu chứng khác gồm:

• 83% hành vi tấn công bạo lực với người ngoài,
• 69% hành vi tự hủy hoại cơ thể,
• 31% hành vi giết người thân
• Và 24% hành vi tự sát.

Những triệu chứng trên được các nhà đạo diễn phim “dựng lại” là những “thông điệp” cho công chúng mà điều quan trọng các tác giả mong muốn giải nghĩa những “thông điệp” đó để  cho công chúng xem phim trong đó có người bệnh TTPL hiểu và có thái độ hoặc tin tưởng đúng về bệnh TTPL khi kết thúc câu chuyện trong phim “có hậu”. Tuy nhiên, cũng là điều quan trọng khác là nghịch lý (paradoxal) trong xử lý thông tin sau khi tiếp nhận những “thông điệp” đó, con người luôn có ý nghĩ, hay tư duy ngược lại với mong muốn của các tác giả. Chính vì sự phức tạp trong hoạt động tâm thần của con người nên mới có những bài học kinh nghiệm về tư duy tích cực dành cho mọi người ở bất cứ trình độ học vấn cao thấp nào. Với những người nhạy cảm, đang trong tình trạng dễ mắc bệnh thì đây có thể là những “tai nạn khủng khiếp” mà họ gặp phải. Các vai diễn với quá nhiều triệu chứng kể trên sẽ gây sợ hãi người bệnh tâm thần cũng như không mang lại sự đồng cảm với nỗi đau khổ của đồng loại mình.

Truyền thông mang lại cho con người nhiều điều bổ ích như tiến bộ khoa học, tăng thêm niềm vui trong cuộc sống, tăng suy nghĩ sáng tạo, v.v… Nhưng những hình vi, lời nói hay những biểu lộ cảm xúc trên nét mặt của diễn viên đóng vai bệnh nhân tâm thần đối với những người dễ nhạy cảm, dễ bị ám ảnh rất dễ bị tác động và sẽ mất đi sự phán xét thích hợp. Từ những suy nghĩ này sẽ giúp cho quá trình hính thành tư duy mang tính tiêu cực như làm theo triệu chứng trong phim và tránh xa người bệnh tâm thần dẫn đến kéo dài sự kỳ thị người bệnh tâm thần. Đây là điều đáng tiếc hiện vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Chúng ta biết những người bị rối loạn tâm thần, trong đó có bệnh TTPL không phải lúc nào cũng bị mất đi mối liên hệ tình cảm với con người chung quanh. Có những giai đoạn người bệnh trở lại gần như bình thường và chính thời gian này người bệnh rất cần đón nhận thái độ hiểu biết tích cực của công chúng, trái ngược với những hình ảnh của nhân vật đóng vai bệnh nhân TTPL được mô tả “lộ liễu” trong phim.

Ts Owen nhận định nếu phim ảnh và các phương tiện truyền thông có thể tăng cường phóng đại và làm cho công chúng ghi nhớ hình ảnh xấu của người bệnh TTPL hoặc các bệnh tâm thần khác, thì cũng có thể sửa lại những thông tin sai lệch đó giúp công chúng hiểu và đồng cảm với ngưiời bệnh tâm thần.

Bs Phạm Văn Trụ PGĐ BV TT Tp HCM.

Tham khảo:

Schizophrenia in the movies. Psychiatry Serv.2012;63:655-659, Abstract.