Vấn đề tự tử xuất hiện từ lâu và có ảnh hưởng từ các yếu tố văn hóa, tôn giáo, luật pháp, lịch sử, triết học và truyền thống. Hoàn cảnh tác động, chi phối bởi yếu tố nào là yêu cầu phải tính đến trong phương châm và hành động phòng chống tự tử nhằm thích hợp với sự khác nhau của mỗi nền văn hóa. Từ năm 2003, mục tiêu của Hội quốc tế phòng chống tự tử (International Association for Suicide Prevention Day: IASP) là cải thiện hiểu biết về tự tử, phổ biến thông tin, giảm nhận định xấu về người tự tử và điều quan trọng nhất là xây dựng, khẳng định niềm tin vào khả năng thực hiện phòng ngừa được tự tử.
Ngay từ năm 1987 Durkheim đã xuất bản cuốn “Nghiên cứu xã hội học về tự tử”. Tác giả cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi các cộng đồng dân cư phương Tây, con người trở nên ít bị ràng buộc… nên tình trạng tự tử dễ xảy ra; như vậy, tự tử liên quan đến tình trạng không hòa hợp với xã hội và “vô kỷ luật” của con người. Ông nhận định tự tử là do cá nhân không liên hệ chặt chẽ bền vững với xã hội, trở thành “không thích hợp” hay “phạm tội” với xã hội.
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), tự tử là nguyên nhân dẫn đến cái chết ở 1/3 người trẻ dưới 25 tuổi. WHO dự đoán đến năm 2020, tình trạng tự tử sẽ tăng và chiếm 2.4% ngân sách chăm sóc sức khỏe. Đó là chưa kể chi phí chăm sóc những người mưu toan tự tử và tự tử không thành công đòi hỏi cấp cứu điều trị và theo dõi điều trị về tâm thần, cuộc sống mất hạnh phúc và bệnh tật, kể cả gia quyến của người tự tử, v.v… Tất cả đều tác động đến nền kinh tế của mỗi quốc gia, giảm sản phẩm xã hội và tăng chi phí chăm sóc.
Thông điệp của WHO và IASP nhân Ngày phòng chống tự tử 10 tháng 9 năm nay nói rõ tất cả các quốc gia đều có thể phòng chống tự tử cho dù hoàn cảnh xã hội, kinh tế quá nhiều khó khăn bất lợi. Các trạng thái bệnh lý tâm thần như trầm cảm, bệnh lý lo âu, lạm dụng chất gây nghiện, bệnh tâm thần phân liệt, thanh thiếu niên bị áp lực cuộc sống quá nặng nề rất dễ xảy ra tự tử nếu không được chăm sóc và phát hiện kịp thời.
Tự tử bằng thuốc diệt côn trùng xảy ra khoảng 60% ở các nước châu Á và hay gặp ở phụ nữ nông thôn. Do vậy việc hướng dẫn sử dụng, tăng cường kiến thức và trang bị cấp cứu ngộ độc thuốc diệt côn trùng rất cần thiết đồng thời tổ chức tốt đội ngũ bác sĩ điều dưỡng nhân viên xã hội trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tất nhiên nến tảng vẫn là kế hoạch phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống vật chất tinh thần, hạn chế bạo hành lạm dụng,…
Các phương tiện truyền thông tham gia phòng chống tự tử sẽ hiệu quả nếu biết thông cảm và phê phán phù hợp từng trường hợp, nhưng phải hạn chế tối đa việc đưa tin chi tiết các phương pháp tự tử vì có thể tác động đến một số đối tượng nhạy cảm. Đây là vấn đề lớn thuộc về tâm lý xã hội và các báo cáo cho thấy có sự ảnh hưởng của cách thức đưa tin chi tiết tự tử của những “ngôi sao” nổi tiếng.
IASP cũng cho biết tỷ lệ người tự tử có liên quan đến lạm dụng và nghiện rượu khá rõ nhất là ở cộng đồng có mức tiêu thụ rượu cao.
Tự tử ngày nay trở nên một vấn đề lớn của xã hội, nhiều thống kê xã hội học, nhiều nghiên cứu về trạng thái tâm thần, về sinh học đã cho những kết quả có tính thuyết phục nhưng đôi khi không thống nhất. Chỉ biết rằng tự tử để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, cho gia đình. Ở bất kỳ thời điểm nào của cuộc đời, mọi người đều có gia đình nơi sinh ra, đều có cộng đồng nơi chúng ta tồn tại, đều cần có niềm tin vào cuộc sống, vì lý do gì mà liều mạng tự tử thì cần phải lên án, nếu vì lý do bệnh tật cũng phải “còn nước còn tát” tìm cơ hội sống. Cuộc sống càng hiện đại với rất nhiều sự thay đổi của tri thức, của công nghệ đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều thành phần xã hội, từ đó con người ít bị ràng buộc với gia đình, với cộng đồng và với cả tôn giáo, dẫn đến nhiều trường hợp tự tử xảy ra. Mặc dầu vậy, ở các cộng đồng xã hội và gia đình được gắn kết hài hòa, thanh thiếu niên được giáo dục lý tưởng sống, đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao, hiện tượng tự tử ít xảy ra.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần thân thiện trong cộng đồng, có nhiều cơ sở khám điều trị ngoại trú với quy mô trung bình, có kiến thức tư vấn về các bệnh tâm thần, người bệnh tâm thần ít bị cách ly phân biết cư xư rất có hiệu quả trong phòng chống tự tử. Các “trục trặc” hàng ngày trong hoạt động tâm thần có thể diễn ra ở bất kỳ lứa tuổi nào và khi được động viên, tiếp cận “chỉnh sửa” sớm, thoát khỏi trạng thái bệnh lý sẽ giảm được tỷ lệ tự tử. Ở một số địa phương, mô hình “tổ hòa giải” giúp đỡ cưu mang những mảnh đời đột ngột bất hạnh hay sự trợ giúp của những nhân vật có uy tín trong từng cộng đồng có thể mang lại hiệu quả trong phòng ngừa tự tử.
Bs Phạm Văn Trụ, PGĐ BVTT TP Hồ Chí Minh