Năm 2010 được Medscape gọi là năm của Loạn thần và Rối loạn khí sắc. Các công trình nghiên cứu về 2 căn bệnh này được nhiều bác sĩ chuyên khoa tâm thần trên toàn thế giới đọc nhiều nhất. Chuyên đề về bệnh tâm thần phân liệt và liên quan vẫn được quan tâm nhiều nhất với 4 / 10 công trình nghiên cứu khá quy mô.
Bệnh tâm thần phân liệt cho đến hiện nay vẫn là bề nổi của các bệnh tâm thần vì dễ nhận thấy nhất. Đây là một thực tế vì việc điều trị phải được kết hợp giữa các yếu tố như sự lựa chọn loại thuốc chống loạn thần của bác sĩ ( dựa trên hiểu biết về các loại thuốc chống loạn thần và kinh nghiệm lâm sàng), sự tuân thủ dùng thuốc của bệnh nhân ( dựa trên sự hiểu biết của thân nhân và của bản thân người bệnh), và hiệu quả của hệ thống y tế giúp người bệnh tái thích ứng và tái hòa nhập cuộc sống trong gia đình và trong cộng đồng ( dựa trên kiến thức của toàn xã hội, từ những nhà hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe đến nhân viên của hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, trong đó phải hạn chế tối đa sự kỳ thị – phân biệt đối xử đối với người bệnh tâm thần). Như vậy đủ hiểu rằng các nghiên cứu về bệnh tâm thần phân liệt năm 2010 vẫn có tầm quan trọng đặc biệt với các chủ đề sau:
• Điều trị bệnh tâm thần phân iệt
• Điều trị duy trì tâm thần phân iệt
• Tiên đoán đáp ứng trong điều trị tâm thần phân liệt
• Các tác dụng tim mạch không mong muốn của các loại thuốc chống loạn thần
Liên quan đến sử dụng các thuốc chống loạn thần, các nghiên cứu hướng về các rối loạn chuyển hóa bất thường do thuốc gây ra, gặp nhiều nhất là tác dụng ngoại ý gây tăng cân. Đồng thời là các nghiên cứu về các test kiểm tra chuyển hóa. Từ năm 2003 FDA đã yêu cầu các hãng dược phẩm thay đổi nhãn in trên hộp thuốc thêm nguy cơ tiểu đường. Năm 2004 Hội tiểu đường và Hội tâm thần Hoa Kỳ cùng khuyến cáo theo dõi cân nặng , kiểm tra đường huyết nhanh và nồng độ lipid trong mau khi sử dụng các loại thuốc chống loạn thần. Các tác dụng phụ của các thuốc chống loạn thần cả thế hệ mới ( Second-Generation Antipsychotics : SGA ) và thế hệ cũ ( First –Generation Antipsychotics: FGA ) trên tim mạch cũng được nghiên cứu nhiều nhiều.
Đối với Rối loạn khí sắc, các nghiên cứu hướng tới điều trị và các chọn lựa điều trị mới. Rối loạn khí sắc ngày càng được các bác sĩ chuyên khoa tâm thần quan tâm nhiều hơn bởi tình trạng tái diễn tái phát các giai đoạn trầm cảm ngày càng nhiều và do đó việc lựa chọn điều trị khó khăn hơn, đòi hỏi các bác sĩ phải có nhiều kinh nghiệm hơn trong sử dụng các thuốc chống trầm cảm ( SSRIs được chỉ định nhiều nhất).
Rối loạn khí sắc, một khi đã xuất hiện, người bệnh bị ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe nói chung và tới hoạt động tâm thần, làm mất ngày công lao động nhiều nhất, chi phí tiền thuốc đặc trị ( các loại thuốc chống trầm cảm và các loại an thần giải lo, các thuốc chống loạn thần kèm theo ) cao nhất và, đáng buồn hơn là tỷ lệ bệnh nhân Rối loạn khí sắc có nguy cơ tự sát khá cao.
Có nhiều chọn lựa trong trị liệu Rối loạn khí sắc và tất nhiên bác sĩ lâm sàng cần được cập nhật những kiến thức về dược lực học, dược động học để chỉ định trong từng trường hợp phù hợp hơn. Tôn trọng các chống chỉ định, đặc biệt trong các trường hợp có các bệnh lý khác xảy đồng thời mà phải dùng thuốc để hạn chế tương tác thuốc tới mức thấp nhất.
Cuối cùng một vấn đề thời sự hơn, đó là các nghiên cứu về chủ đề kết hợp chế độ ăn trong điều trị trầm cảm và lo âu đã mang lại một số kết quả nhất định. Các chế độ ăn “truyền thống”, “ chế độ ăn phương tây” và “chế độ ăn mới” đều ảnh hưởng ớ các mức độ khác nhau với các tỷ lệ rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu hoặc với các triệu chứng trên thang điểm General Health Questionnaire ( GHQ 1 12). Đặc biệt hơn, còn có công trình nghiên cứu về Omega – 3s ( long-chain omega-3 polyunsatured fatty acids) và phòng ngừa loạn thần.
Bs Phạm Văn Trụ, PG Đ BV Tâm Thần, Tp Hồ Chí Minh