Latuda (lurasidone), một loại thuốc chống loạn thần (CLT) thế hệ mới có thể đã có hiệu quả điều trị dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng ở bệnh nhân (BN) trầm cảm nặng thể hỗn hợp.
Trong thử nghiệm lâm sàng pha 3 trong 6 tuần lễ, Latuda cho kết quả cải thiện các triệu chứng trầm cảm một cách rõ ràng và rất an toàn.
Các triệu chứng trầm cảm giảm điểm số ở cả thang lượng giá Mongomery-Asberg Depression Rating Scale (20.5 vs 13.0 ) và Clinical Global Impression, Severity (1.83 vs 1.18) so với placebo. Kết quả điểm số một số triệu chứng giảm ngay trong tuần đầu.
Trầm cảm nặng thể hỗn hợp là tình trạng lâm sàng nặng mà theo DSM-5, là đặc trưng của một số triệu chứng hưng cảm nhẹ nhưng không đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán rối loạn trầm cảm lưỡng cực. Bệnh nhân trầm cảm nặng thể hỗn hợp thường xuất hiện nhiều giai đoạn trầm cảm tái diễn, gia tăng nguy cơ rối loạn lo âu, lạm dụng dược chất gây nghiện và tự sát. Những BN này ít đáp ứng tốt với các loại thuốc chống trầm cảm chuẩn.
Ts Gary Sachs GĐ Chương trình nghiên cứu Rối loạn lưỡng cực BV Đa khoa Massachusetts cho biết : “Nghiên cứu này nhằm vào thực tế lâm sàng, và trầm cảm nặng thể hỗn hợp được biết đến từ lâu và đây là thử nghiệm lâm sàng đầu tiên cho chứng cứ hiệu quả và an toàn”.
Sau 6 tuần hiệu quả tốt, Latuda đạt tới chuẩn hiệu quả 0.8 cho thấy đáng chú ý nhất là khía cạnh dung nạp thuốc (trong đánh giá kết quả nghiên cứu).
Tỷ lệ BN tham gia thử nghiệm bỏ thuốc vào giai đoạn hiệu quả của thuốc rất thấp so với Bn dùng placebo ( 6,4% so với 14,7%). Các tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn và chóng mặt. Tỷ lệ tăng cân và rối loạn chuyển hóa cũng thấp so với các thuốc CLT khác.
Hãng dược Suvonion (Canada) đang cùng FDA để được chấp thuận Latuda theo lịch trình, trong đó có cả kết quả nghiên cứu trên sản phẩm nhượng quyền.
Có thể nói xuất phát điểm của các triệu chứng trầm cảm là từ các thay đổi hoạt động sinh học của thần kinh trung ương, có thể do gen, do môi trường, do quá trình suy giảm hoạt động chức năng của tế bào thần kinh não bộ, và hoặc do nhiều yếu tố kết hợp lại, v.v… Do vậy, điều trị trầm cảm là một trong những thách thức lớn đối với bác sĩ chuyên khoa tâm thần trên cả thế giới. Sự tiến bộ của dược học tâm thần và thần kinh với các cơ chế tác dụng sinh học khác nhau đã dẫn đường cho sự ra đời các nhóm thuốc chống trầm cảm khác nhau. Tương tự, cũng từ những cơ chế tác dụng này nhiều nhóm thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương liên quan khác đã được các bác sĩ nghiên cứu kết hợp điều trị trong những trường đáp ứng không tốt với thuốc chống trầm cảm “thông thường”. Tuy nhiên, sự kết hợp này chỉ nên áp dụng cho những trường hợp trầm cảm kháng thuốc, và để xác định kháng thuốc cần kinh nghiệm theo dõi điều trị cũng như cần sự nhìn nhận khách quan các triệu chứng trầm cảm ở từng lứa tuổi cũng như bệnh lý khác kèm theo.
Vấn đề đặt ra thế nào là trầm cảm kháng thuốc và những yếu tố nào thường gặp ở bệnh nhân trầm cảm kháng thuốc ? Trước hết chúng ta biết rối loạn trầm cảm có nhiều thể loại khác nhau với đặc tính khác nhau, trong đó có thể loại có triệu chứng loạn thần. Tiếp theo là nguy cơ và các yếu tố tiên lượng khá phức tạp như môi trường, gien, quá trình tiến triển, v.v… ảnh hưởng nhiều đến đáp ứng thuốc hay dung nạp thuốc và dẫn tới kháng thuốc. Có tới 85 % trầm cảm tái diễn trong cuộc đời và tỉ lệ này sau 1 năm là 40%.
Thông thường khi kê toa thuốc chống trầm cảm sẽ có 3 tình huống đặt ra, đó là đáp ứng hoàn toàn, không đáp ứng và đáp ứng một phần. Tùy vào đáp ứng thuốc với thời gian phù hợp các bác sĩ thường chuyển sang thuốc chống trầm cảm khác có cơ chế tác dụng khác với thời gian 8 – 12 tuần. Tiếp tục theo dõi đánh giá hiệu quả của thuốc, chúng ta có thể dùng phối hợp với một loại thuốc chống trầm cảm nhóm khác.
Theo một nghiên cứu về sử dụng kết hợp thuốc chống loạn thần thế hệ mới cho bệnh nhân trầm cảm điều trị ngoại trú tại Châu Á (The Research on Asian Psychotropic Prescription Patters for Antidepressants Study – REAP-AD) từ tháng 3 – 6/ 2013 là có hiệu quả. Nghiên cứu này thực hiện ở 10 nước Châu Á (không có Việt Nam) cho biết tỷ lệ dùng kết hợp các thuốc chống loạn thần trung bình là 25,8% (Thái Lan thấp nhất 15,5%, Indonesia cao nhất 61,3%, trong khi các bác sĩ Singapore không sử dụng kết hợp – 0,0% ). Liều lượng thuốc chống loạn thần mới được tính quy ra tương đương với Chlorpromazine thấp nhất là Nhận Bản 61,2mg và cao nhất là Indonesia 189,8mg.
Nhiều nghiên cứu dùng một số thuốc điều trị thiểu năng tuyến giáp, thuốc điều chỉnh khí sắc, thậm chí cả một số thuốc kích thích hoạt động tâm thần trong chiến lược tăng cường điều trị đối với trầm cảm kháng thuốc, nhưng cần lưu ý liều lượng và thời gian sử dụng, lứa tuổi bệnh nhân và không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả điều trị.
THAM KHẢO:
1. Nick Zagorski. Lurasidone Effective in Treating Depression With Mixed Features. July 02, 2015. Psychopharmacology.
2. Robert E Hales, MD, MDA. Stuart C. Yudofsky, MD. Laura Weis Roberts, MD, MDA. Textbook of Psychiatry. The American Psychitric Publishing. Sixth Edition. 2015. Page 370-72.
3. Lauren B. Marangell, MD. James M.Martinez, MD. Jonathan M, MD. Stuart C. Yudofsky, MD. Concise Guide to Psychopharmacology. American Psychiatrc Publishing. Washington 2005. Page 52-56.
4. Adjunctive Antipsychotic Prescription for Outpatient with Depressive Disorders in Asia. Am J psychiatry 127:7, July 2015. Page 684.
5. J. Craig Nelson, MD. The Role of Stimulants in Late-Life Depression. Am J Psychiatry 172:6, June 2015. Page 505.