Bài viết này tóm tắt lại một cách ngắn gọn vài Rối loạn loạn thần kết hợp với các rối loạn thần kinh và nội khoa thường xuất hiện ở thời kỳ bắt đầu vào giai đoạn tuổi già.
1 – Tâm thần phân liệt khởi phát muộn ( TTPLKPM ):
Tần suất bệnh TTPL là 1% trong dân số chung (thường trước 45 tuổi). Sau tuổi này nó được gọi là TTPLKPM. TTPLKPM gặp ở nữ 2 – 5 lần nhiều hơn so với nam. Bn TTPLKPM điển hình thường là người đã lập gia đình, đã có việc làm hay đang làm việc nhà và đang sống bình thường trong cộng đồng và gia đình. Bn có thể có tiền sử Rối loạn nhân cách paranoia hay dạng phân liệt (schizoid) nhẹ. Các triệu chứng tiền triệu và sự giảm dần các hoạt động chức năng có thể xuất hiện và tiếp theo đó là sự xuất hiện các hoang tưởng và ảo thanh. Hoang tưởng thường phức tạp và kỳ dị. Nội dung ảo thanh thường tương tự với ảo thanh của TTPL khởi phát sớm. TTPLKPM điển hình thường đáp ứng với liều thấp của thuốc chống loạn thần: 1 – 3 mg Haloperidol hoặc liều tương đương của các thuốc chống loạn thần khác thường là đủ để kiểm soát các triệu chứng bao gồm hoang tưởng và ảo thanh. Các Bn TTPL đã xử dụng liều thuốc chống loạn thần cao ( 10 – 15 mg ) khi còn trẻ cũng thường đáp ứng tốt khi được giảm liều trong thời gian điều trị duy trì. Nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ loại rối loạn vận động muộn (tardive dyskinesia) có thể xuất hiện trong tháng đầu tiên điều trị với thuốc chống loạn thần và tần suất rối loạn này gặp ở bn lớn tuổi 5 – 6 lần nhiều hơn nếu so với các bn trẻ. Nên khảo sát các rối loạn vận động trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc chống loạn thần và sau khi điều trị cũng nên kiểm tra lại theo định kỳ.
2 – Rối loạn khí sắc kèm theo triệu chứng loạn thần:
10 – 20% bn > 60 tuổi và khoảng 30% bn Alzheimer bị cơn trầm cảm đầu tiên. Tỷ lệ triệu chứng loạn thần kèm theo rối loạn khí sắc tăng lên theo tuổi. Nội dung của hoang tưởng thường phù hợp với nội dung khí sắc là trầm cảm hay hưng cảm ( thí dụ: khí sắc Trầm cảm thường kết hợp với Hoang tưởng bị tội, sự tự đánh giá thấp bản thân, bệnh tật, chết…. ). Những bn này cũng thường hay có các triệu chứng thần kinh kết hợp. “ Sự thiếu sót “ trong lãnh vực tâm lý thần kinh trong rối loạn này cũng giống như trong bệnh TTPL. Phương thức điều trị hiệu quả và an toàn trong trường hợp này là thuốc chống trầm cảm kết hợp với thuốc chống loạn thần hay ECT.
Hiện nay hiểu biết về tần suất rối loạn hưng cảm hoặc diễn tiến của nó trong giai đoạn tuổi già còn rất hạn chế. Hưng cảm khởi phát muộn thường xuất hiện ở khoảng thập niên 50 hay 60 tuổi và tần suất của nó còn chưa biết. Tiền sử gia đình của các bn này ít có Rối loạn khí sắc hơn nếu so với những bn hưng cảm khởi phát sớm. Tuy nhiên tỷ lệ bn bị suy giảm khả năng nhận thức lại cao hơn trong trường hợp hưng cảm khởi phát muộn. Thêm vào đó, sự khởi phát của hưng cảm khởi phát muộn có liên quan đến sự tăng tần suất của các rối loạn nội khoa và sự điều trị bằng thuốc.
Khoảng < 10% bn Alzheimer xuất hiện các triệu chứng hưng cảm vào một thời điểm nào đó trong diễn tiến bệnh. Hưng cảm xảy ra trong trường hợp đột quị “ stroke “ thì hiếm và thường kết hợp với những sang thương bên bán cầu phải mà có ảnh hưởng đến hệ viền hoặc các nhân dưới vỏ. Hưng cảm có thể xảy ra trong trường hợp sa sút tâm thần do có nhiều ổ nhồi máu não (multi– infarct dementia) hoặc chứng múa vờn Hungtinton. Hưng cảm cũng có thể kết hợp với các rối loạn nội tiết (thí dụ cường giáp), u bướu, nhiễm trùng, các bệnh về mô sợi (collagen ) của mạch máu, bệnh xơ cứng lan toả, các chấn thương não và sảng run. Việc sử dụng các thuốc chống trầm cảm, Levodopa và Corticosteroids cũng có thể gây hưng cảm.
3 –Loạn thần trong bệnh Alzheimer:
Loạn thần có thể xuất hiện trong nhiều loại sa sút tâm thần nhưng nó thường xuất hiện nhất trong bệnh Alzheimer. Khoảng 1 / 3 bn Alzheimer có triệu chứng loạn thần, điển hình là các hoang tưởng bị hại đơn giản (thí dụ có người ăn trộm hoặc dấu đồ của bn). Ảo thị thường gặp hơn ảo thanh. Ở vài bn, ngoài những sang thương bệnh lý thần kinh điển hình còn có thêm những thể Lewy trong vỏ não và những bn này thường có tần suất xuất hiện các triệu chứng loạn thần và ngoại tháp cao hơn. Hoang tưởng và ảo giác kết hợp với bệnh Alzheimer thường đáp ứng với thuốc chống loạn thần liều thấp (thí dụ 0,5 – 2 mg Haloperidol hoặc tương đương).
Kết luận:
Những bn già có loạn thần thường đáp ứng tốt với các thuốc chống loạn thần hiện tại với liều chỉ bằng từ 1/3 – 1/5 so với liều của bn trẻ. Vài loại thuốc chống loạn thần mới “ không điển hình “ phong bế serotonin tại thụ thể 5HT2 và dopamine tại thụ thể D2 như Clozapine, Risperidone, Olanzapine và Sertindole cũng có thể sử dụng thử ở người già với ít tác dụng phụ hơn so với loại cổ điển (như Haloperidone). Cần chú ý là ở đối tượng tuổi già khi sử dụng các thuốc hướng thần cần phải chú ý đến các tác dụng phụ và các tương tác thuốc có thể có.
(Psychosis in late life – Spotting new – onset disorders in your elderly patients. Harris, M.J.)
Postgrad. Med. (1997) 102. No- 6, p.139 – 142
Người dịch: BS. LÊ QUỐC NAM