KỲ THỊ VÀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ NGƯỜI BỆNH TÂM THẦN: thách thức vẫn còn đó
Ngày 21 / 5 / 2010. Bên lề Hội nghị hàng năm lần thứ 163 của Hội Tâm thần Hoa kỳ diễn ra từ ngày 22 – 26 / 5 / 2010, Ts Carole Bernstein, ứng viên Chủ tịch Hội cho biết ưu tiên hàng đầu là hạn chế kỳ thị người bệnh tâm thần bằng cách tìm ra con đường hòa nhập trong thực hành chăm sóc chữa trị các bệnh tâm thần thông qua các biểu hiện tâm thần của các chuyên ngành y khoa khác trong “ngôi nhà y khoa chung”.
Chúng ta “phải ngưng nhìn nhận tâm thần là một ngành riêng rẽ trong chăm sóc sức khỏe con người, sự cộng tác phối hợp với các bác sĩ các chuyên khoa khác là chìa khóa của vấn đề này”. Phương pháp được đề nghị là hoàn thành mục tiêu hòa nhập chăm sóc sức khỏe tâm thần vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ở các bệnh viện và kết hợp chữa trị chặt chẽ giữa các bệnh cơ thể và sức khỏe tâm thần.
Thực tế hiện nay vẫn còn những ý tưởng và nhận định khác nhau trong cộng đồng y tế và cộng đồng sức khỏe tâm thần nói chung, trong các vấn đề liên quan người nghiện ma túy và tâm thần trẻ em. Hệ thống ngành tâm thần còn rời rạc, chưa dính kết, cần phải kết nối và cùng nhau thực hành nghiệp vụ để cải thiện chất lượng chăm sóc người bệnh tâm thần.
Chỉ với những sáng kiến tiếp cận chiến lược như vậy mới giúp chúng ta cố gắng hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ khi có luật cải cách y tế bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe. Đây là vấn đề cốt lõi nhằm tránh kỳ thị và phân biệt quá nặng nề đối với người mắc bệnh tâm thần.
Hoa kỳ đã đạt đến mục tiêu kết thúc sự mất quân bình trong chế độ bảo hiểm đối với người bị bệnh tâm thần. Quá trình này mất 20 năm nỗ lực đòi hỏi quy định không phân biệt đối xử đối với bệnh tâm thần và các bệnh lý y khoa khác. Ts Berstein cho rằng đây là một bước tiến lớn nhưng vẫn còn khoảng cách lớn trong thực hiện và chính phủ Hoa kỳ hiện đang tìm các biện pháp thực thi…
Ngành tâm thần là một chuyên khoa chưa được quan tâm đúng tầm mức, ở phần lớn các tỉnh thành đều có bệnh viện chuyên khoa tâm thần nhưng tỷ lệ bác sĩ, điều dưỡng và các nhân viên khác còn quá thấp so với nhu cầu. Có thể do nguy cơ rủi ro nghề nghiệp và lợi ích thấp từ sự mất cân bằng tồn tại lâu nay mà ít sinh viên theo học và ít bác sĩ an tâm theo đuổi chuyên ngành này. Ngôi nhà y khoa chung ở nước ta có những chuyên khoa vắng lặng èo uột, có những chuyên khoa đông đúc hoành tráng mà dư thừa, …
Người mắc bệnh tâm thần có lúc tự tách mình sống vào thế giới khác, do đó không muốn tiếp xúc trao đổi; người bình thường lẽ ra phải tiếp xúc với họ, kéo họ về với thế giới chung nhưng lại làm điều ngược lại – đứng xa người bệnh tâm thần, nhìn… liên tưởng và đôi khi cười theo những hiểu biết hạn chế từ những nội dung truyền thông. Rồi người bệnh không chịu đi khám bệnh, không chịu uống thuốc, người thân che giấu người bệnh … lâu ngày dẫn đến trị liệu khó khăn mất nhiều tiền, nhiều thời gian… Đây là hậu quả của hiện tượng kỳ thị hóa (stigmatisation) mà lỗi thuộc về tất cả những người may mắn bình thường – những người có khả năng học thành bác sĩ, và những người nhìn chưa ra và xa hơn, …
Chữ stigme: “nhãn, dấu hiệu” có từ thời trung cổ nước Anh, “stigma” gốc tiếng Latin: dấu chàm chỉ người nô lệ bị sở hữu và kẻ tội phạm, tỳ nữ Trung hoa trong triều đình nhà Đường bị đánh dấu cũng theo nghĩa bị trừng phạt này. Mấy ngàn năm đã trôi qua rồi, ngày nay người không may mắc bệnh tâm thần và người may mắn không mắc bệnh tâm thần đều mong muốn một cuộc sống dễ chịu như nhau và phần thiệt thòi thuộc về người không may mắn. Các nhà tâm thần học trên toàn thế giới dùng chữ stigma chỉ những hạn chế của người mắc lỗi – những người may mắn bình thường đáng chê trách,…
Bs Phạm Văn Trụ, BV TT Tp HCM
Nhân bản tin đầu tiên về Hội nghị hàng năm của Hội Tâm thần Hoa kỳ ngày 21/ 5/ 2010.