Vài nét lịch sử
Năm 2008 đánh dấu 200 năm ra đời của thuật ngữ “tâm thần – psychiatry” của Giáo sư Johann Christian Reil tại Trường Đại học Halle miền trung nước Đức ( hiện mang tên Trường Đại học Martin Luther Halle Wittenberg), nơi ông giảng dạy 23 năm. Ngày nay tên ông được đặt cho đường phố, núi Reil nơi có bia mộ ông, hồ nước, hiệu thuốc, trung tâm y khoa với tượng đài ông.
Giáo sư Reil nêu các lý do hình thành chuyên khoa tâm thần là hết sức cần thiết vì người bệnh tâm thần không thể để các thày thuốc chuyên khoa khác chữa trị mà phải là các thày thuốc giỏi nhất và các thày thuốc có kỹ năng này mới trở thành bác sĩ chuyên khoa tâm thần.Ông cũng được coi là một trong những nhà sáng lập chuyên khoa thần kinh học mà một số cấu trúc não bộ còn mang tên ông. Các nghiên cứu của ông về tâm thần, sinh lý học, thần kinh học và giải phẫu học kết hợp hình thành khối “cơ quan tâm hồn, tinh thần” mang tâm thần và sinh lý thần kinh con người lại với nhau.
Lúc đầu Reil dùng từ “Psychiaterie” nhưng sau một thời gian tranh luận về lý thuyết giả định và thực hành lâm sàng chính Reil đổi thành “Psychiatrie” ( psychiatry). Psychiatrie không đơn thuần là một từ mà là một thuật ngữ. Ông đưa ra hai luận chứng chủ yếu hình thành thuật ngữ tâm thần là nguyên tắc kết nối liên tục của tâm thần và thực thể và nguyên tắc không thể tách rời giữa tâm thần và nội khoa. Theo Reil, nguyên nhân bệnh tật của con người không thể tách rời do trạng thái tâm thần, do chuyển hóa hay do sinh lý riêng rẽ mà chính là sự tác động qua lại giữa ba trạng thái trên. Ông còn tin chắc rằng tâm thần là một trong ba ngành chính của y khoa, hai ngành còn lại là phẫu thuật và nội khoa.
Chữ ghép “iatry” gốc Hylạp iatros nghĩa là thày thuốc mang ý nghĩa rất quan trọng vì nó chứng minh tâm thần (psychiatry) là một chuyên ngành y khoa, không phải là chuyên ngành thuộc triết học và thần học. Reil cảnh báo các nhà tâm lý cùng thời đừng cố gộp bệnh tâm thần vào triết học về tâm lý. Về sau ông cũng nhấn mạnh bệnh lý tâm thần thực tổn và tâm lý y khoa sẽ thuộc về một môn học mới của chuyên ngành tâm thần.
Sau khi công bố vào năm 1808, từ “psychiatry” được phổ biến một cách chậm chạp, năm 1810 học trò và người kế tục Reil là Christian Friedrich Nasse giảng dạy về tâm thần tại Đại học Halle, trường đại học đầu tiên trên thế giới đưa môn tâm thần vào giảng dạy. Một nghiên cứu về triết học cho biết thuật ngữ “psychiatriké” thực sự chính xác về ngữ nghĩa hơn là “psychiatry” và thuật ngữ này ngày nay còn được sử dụng ở Hylạp. Tuy nhiên thuật ngữ “psychiatry” đã được chấp nhận trên tòan thế giới.
Những trăn trở trải dài từ thực tế:
Trong cuốn Reil’s Rhapsodies, một số lý lẽ của tác giả là chìa khóa cho tư duy hiện tại của chúng ta về chuyên ngành tâm thần. Ông bàn nhiều về các khía cạnh nền tảng của ngành tâm thần và biện hộ cho quyền lợi của người bệnh tâm thần. Ông mô tả tâm lý trị liệu như một phương pháp chính đối với bệnh tâm thần, bệnh tâm thần thực thể và tâm lý trị liệu cũng tương tự như các phương pháp dùng thuốc hay phẫu thuật. Ông đề cập vấn đề chống lại quan niệm người bị bệnh tâm thần là sỉ nhục ô danh bản thân và gia đình. Ông đề cao tính nhân đạo, yêu cầu trách nhiệm lớn hơn của xã hội đối với người bệnh tâm thần.
Đến nay đã 200 năm, ở phần lớn các quốc gia, tâm thần học là một chuyên ngành đặc biệt. Cuộc cách mạng dược lý học tâm thần từ giữa thế kỷ 20 và và sự phát triển của các phương pháp tâm lý trị liệu đã làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân và cải thiện quan niệm chưa đúng về người bệnh tâm thần và về bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Thực tế trong quá khứ người bệnh tâm thần có thể bị lợi dụng vì nhiều lý do khác nhau. Chính Reil đã phát động chiến dịch chống lại định kiến và phân biệt đối xử đối với người bệnh tâm thần từ 200 năm trước, nhắc nhở chúng ta phải cập nhật kiến thức chuyên khoa, tuyên truyền nhiều hơn để quan niệm sai trái đó không tiếp tục trở nên phổ biến. Reil đã hy vọng chúng ta hiểu và điều trị các rối lọan tâm thần với định hướng bệnh tâm thần như một “bộ phận tinh thần, bộ phận tâm hồn”. Ngày nay ngành sinh học, di truyền học và tâm lý học đã cho chúng ta hiểu biết nhiều hơn những điều Reil mong đợi.
Reil định nghĩa bác sĩ “chuyên khoa tâm thần lý tưởng là người thày thuốc quý giá” trong tác phẩm Rhapsodies của mình.
Những điểm chính về tâm thần học của Johann Christian Reil:
Bệnh tâm thần:
Bệnh tâm thần xảy ra ở mọi nơi. Mọi người đều có thể mắc phải.
Cần phải thăm khám lại dù khả năng phạm tội của người bệnh tâm thần đã giảm hoặc không thể hiện trong thời gian mắc bệnh.
Cần tuyên truyền chống lại thành kiến phân biệt đối xử người bệnh tâm thần và tính nhân đạo phải được ưu tiên trong trị liệu bệnh tâm thần.
Điều trị & chăm sóc:
Tính nhân đạo trong các cơ sở chăm sóc bệnh nhân tâm thần dựa trên nền tảng chất lượng chăm sóc cao nhất.
Phải thay đổi các cơ sở ngăn cách bệnh nhân tâm thần trở thành nơi tiếp đón thân thiện và chữa trị.
Phòng ngừa bệnh tâm thần tái phát cần có các phương pháp hỗ trợ người bệnh tránh rơi vào biểu lộ cảm xúc kích thích quá mức hoặc quá thụ động.
Tâm lý trị liệu là một phương pháp điều trị giống như phẫu thuật điều trị và điều trị bằng thuốc cho cả bệnh nhân tâm thần và các bệnh thực thể.
Các bệnh cảnh tâm thần có thể là nguyên nhân của các rối loạn tâm thần thực thể.
Tâm thần học:
Tâm thần học thực sự là một chuyên ngành đặc biệt trong y khoa. Các nhà triết học và tâm lý học không nên tự cho phép mình gây áp lực khi hợp tác với nhau.
Chỉ những thày thuốc giỏi mới trở thành bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Tâm lý học trong y khoa là cần thiết cho thày thuốc trong đào tạo y khoa căn bản.
Tâm thần học, tâm lý bệnh thực thể và tâm lý y khoa có liên hệ mật thiết với nhau.
Chào mừng 200 năm chuyên khoa tâm thần, chúng ta ước muốn thành công tiến xa hơn trong chăm sóc và điều trị từ quan niệm tiến bộ của Reil về bệnh và người bệnh tâm thần.
200 năm đã trôi qua nhưng các bác sĩ chuyên khoa tâm thần cùng với bệnh nhân của mình vẫn trong tình trạng bị thành kiến và phân biệt đối xử vì sự hiểu biết về bệnh tâm thần ( kể cả bệnh động kinh) của mọi người còn hạn chế. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra ba yếu tố dẫn đến quan điểm chưa đúng về ngành tâm thần như sau:
Các thông tin về bệnh tâm thần còn sơ sài, nhiều người chưa biết khi có biểu hiện bất thường trong ý nghĩ lời nói với hành vi khác lạ là do bệnh tâm thần gây ra mà do thế lực vô hình nào đó chi phối nên không đến khám chuyên khoa tâm thần.
Sợ hãi, lo lắng và tránh né là cảm giác chung của cả người người bình thường và người bị bệnh tâm thần, người bệnh tâm thần thường có ý nghĩ tự loại bỏ và tự phân biệt trước và do đó dẫn đến ý nghĩ tự hạ thấp danh phận bản thân.
Kết quả nghiên cứu của các bác sĩ chuyên khoa chỉ ra sự phân biệt đối xử sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống vợ chồng, khả năng chăm sóc con cái, khả năng làm việc và các quan hệ cộng đồng của người bệnh tâm thần. Thay đổi hay loại bỏ phân biệt đối xử của xã hội là cần thiết và rõ ràng, cần có luật pháp bảo vệ người bệnh tâm thần trên nền tảng tương đương mọi thành viên xã hội. Phân biệt đối xử là thêm khó khăn cho người bệnh tâm thần trong cuộc sống gia đình và xã hội.
Cả thế giới đã và đang thực hiện nhiều đường lối chính sách, chiến lược với tư duy khoa học nhất nhằm đẩy lùi các quan niệm chưa đúng về bệnh tâm thần. Nhưng thực tế cho đến ngày nay, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, người bệnh tâm thần phân liệt và người bệnh động kinh đang còn gánh chịu nhiều thành kiến và bị phân biệt đối xử nhiều nhất trong đời sống và việc làm. Những trăn trở của người khai sáng thuật ngữ tâm thần vẫn còn đó…
Bs Phạm Văn Trụ BV Tâm Thần TP Hồ Chí Minh.
Tài liệu tham khảo:
1.Andreas Marneros. Psychiatry’s 200th birthday. The British Journal of Psychiatry (2008) 193:1-3. doi: 10.1192/ bjp.bp.108/051367.
2.Graham Thornicroft, Elaine Brohan, Aliya Kassan and Elanor Lewis Holmes. Reducing stigma and discrimination: candidate interventions. International Journal of Mental Health Systems 2008, 2:3. doi: 10.1186/1752- 4458-2-3.