KHẢO SÁT RỐI LOẠN CHUYỂN HÓA TRÊN BỆNH NHÂN ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ TẠI BỆNH VIỆN TÂM THẦN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

561

TÓM TẮT

Rối loạn chuyển hóa (RLCH) hay còn gọi là hội chứng chuyển hóa là rối loạn của sử dụng và tích trữ năng lượng, bao gồm các yếu tố nguy cơ cao phát sinh bệnh tiểu đường, bệnh lý mạch vành và các biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và đột tử. Rối loạn chuyển hóa được xác định khi có ít nhất 3 trong 5 tình trạng nội khoa sau: béo phì bất thường vùng bụng, tăng huyết áp, tăng đường huyết, nồng độ triglycerides cao, nồng độ High density lipoprotein (HDL) thấp. Tại Mỹ, tỉ lệ rối loạn chuyển hóa trong dân số chung chiếm 20% – 25%. Riêng trong các rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực ghi nhận tỉ lệ rối loạn chuyển hóa nhiều hơn so với dân số chung. Y văn ghi nhận, tỉ lệ rối loạn chuyển hóa trên bệnh nhân trầm cảm chiếm 36% – 50%. Rối loạn chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm và đồng thời các yếu tố nguy cơ như tình trạng ít vận động, chế độ ăn uống không tốt trong giai đoạn bệnh, lạm dụng bia rượu, thuốc lá, tác dụng phụ của các thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần không điển hình làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa trên bệnh nhân trầm cảm. Tại Việt nam, chưa có công trình nghiên cứu xác định tỉ lệ rối loạn chuyển hóa trên bệnh nhân trầm cảm. Do đó, việc khảo sát rối loạn chuyển hóa và các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng của rối loạn này trên bệnh nhân trầm cảm là nhu cầu cấp thiết. Kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần trong xây dựng chiến lược điều trị rối loạn trầm cảm có hiệu quả hơn và làm cơ sở cho các nghiên cứu theo dõi trên bệnh nhân trầm cảm sau này.

 PHƯƠNG PHÁP:

Nghiên cứu cắt ngang, cỡ mẫu 137 bệnh nhân trầm cảm điều trị ngoại trú tại Bệnh Viện Tâm Thần.

KẾT QUẢ:

tỉ lệ rối loạn chuyển hóa chung trên bệnh nhân trầm cảm 52.6%, các yếu tố nguy cơ có liên quan đến rối loạn chuyển hóa là tuổi tương ứng tỉ lệ RLCH dưới 30 tuổi 12.5%, 30 – 45 tuổi là 30.3%, từ 46 tuổi trở lên là 56.0% (p=0.000; R=0.469); Thời gian mắc bệnh: tỉ lệ RLCH tăng tương ứng dưới 1 năm là 20.0%, từ 1năm – 3 năm 51.8%, trên 3 năm chiếm 72.5% (p=0.000; R=0.367); điều trị thuốc chống trầm cảm SSRIs: tỉ lệ RLCH tương ứng là 58.1% so với không có sử dụng thuốc là 34.4% (p=0.019; R=0.201). Tỉ lệ RLCH không khác biệt có ý nghĩa trên bệnh nhân trầm cảm kết hoạp thuốc chống loạn thần không điển hình tỉ lệ thừa cân béo phì trên bệnh nhân có sử dụng thuốc 47.1% so với không sử dụng 9.1% (p=0.000; R=0.358).

KẾT LUẬN:

Nghiên cứu đã xác định được tỉ lệ rối loạn chuyển hóa trên bệnh nhân trầm cảm rất cao 52.6% và cao hơn rất nhiều so với dân số chung. Nghiên cứu cũng xác định được các yếu tố nguy cơ cao RLCH là tuổi, thời gian mắc bệnh, thừa cân, béo phì và điều trị thuốc chống trầm cảm cũng như sự phối hợp nhóm thuốc chống loạn thần không điển hình lâu dài.

 

Chia sẻ