MỤC ĐÍCH:
Vấn đề lạm dụng rượu ngày càng gia tăng ở TP.HCM. Trong lĩnh vực tâm thần, hậu quả của rượu gây ra có thể tử vong hoặc đưa đến các biến chứng không hồi phục như giảm sút trí nhớ hoặc sa sút tâm thần nếu không được điều trị thích đáng. Mục tiêu là khảo sát một số yếu tố dịch tễ, biểu hiện lâm sàng, rối loạn thực thể đi kèm và một số thuốc điều trị rối loạn tâm thần do rượu.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
Nghiên cứu tiền cứu, báo cáo các trường hợp bệnh thực hiện trên 91 bệnh nhân rối loạn tâm thần do rượu nhập viện tại trung tâm sức khỏe tâm thần trong thời gian từ tháng 11/1999 đến tháng 9/2000.
KẾT QUẢ:
Các bệnh nhân nhập viện đa số ở lứa tuổi 31-40 tuổi (51,7%), có trình độ học vấn chưa đến cấp III (85,7%), kinh tế gia đình trung bình và thiếu ăn chiếm tỉ lệ cao. Lý do vào viện chủ yếu là tình trạng kích động (76,9%), có biểu hiện lâm sàng chủ yếu là rối loạn cảm xúc (94,5%) và rối loạn giấc ngủ (94,5%). Các rối loạn tâm thần do rượu thường gặp là sảng run (38,5%) và loạn thần (35,2% – gồm hoang tưởng, ảo giác, trầm cảm, hưng cảm). Ngoài ra, 19,4% bệnh nhân có rối loạn thực thể đi kèm, trong đó 7,7% trường hợp bị viêm đa dây thần kinh.
KẾT LUẬN :
Nghiện rượu có thể gây ra các rối loạn tâm thần ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cho bệnh nhân, thường gặp là sảng run và loạn thần do rượu. Các bệnh nhân được điều trị chủ yếu với các thuốc thuộc nhóm Benzodiazepine và Polyvitamine. Với điều trị này, các triệu chứng ổn định với thời gian trung bình trong vòng 7 ngày.
ThS. Đào Trần Thái
TS. Ngô Tích Linh
BS. Nguyễn Hữu Thăng
BS. Nguyễn Trung Hoàng