HYSTERIE: CĂN BỆNH XƯA ĐANG HIỆN DIỆN

8645
Vài nét khái quát
Hysterie là tên gọi căn bệnh từ thời cổ đại, được cho là có nguyên nhân xuất phát từ tử cung con người. Đến thời kỳ có những quan điểm mới về giải phẫu và hoạt động hệ thần kinh của Jean-Martin Charcot (1825 – 1893), căn bệnh này được tìm ra có nguyên nhân do rối loạn hoạt động tâm lý (maladie psychique)  . Đến khi xuất hiện học thuyết phân tâm của Sigmund Freud (1856 – 1939) thì hysterie là một bệnh có nguyên nhân từ rối loạn hoạt động thần kinh (nevrose) trong đó các triệu chứng cơ thể ( ví dụ co giật, co cứng tay chân, nấc nghẹn, sức cơ giảm làm té ngã, …) và là các biểu hiện của tình trạng xung đột tâm lý (trong hoạt động tâm thần) của bản thân mà con người không nhận biết ra được (inconscients)Những điểu cần biết
Triệu chứng của hysterie là các rối loạn đã được chuyển đổi thành các triệu chứng đặc trưng của bệnh thực thể (nghĩa là các triệu chứng tổn thương của một hay nhiều cơ quan trong cơ thể con người) nhưng lại không hề gây ra hoặc dẫn đến tổn thương thực sự của cơ quan đó. Các triệu chứng hysterie xuất hiện không tương ứng với chức năng giải phẫu, sinh lý nhưng lại hợp với ý tưởng mơ hồ không phương hướng  (fantasme). Freud (1895) cho rằng đây là sự hồi tưởng những kỷ niệm tương ứng với những chấn thương tinh thần không được che chở đầy đủ trước đó. Ông nói rõ tình trạng căng thẳng hay suy nhược thần kinh (trong đó có các triệu chứng cơn hysterie) ở trẻ vị thành niên là kết quả sai lầm trong cư xử của người lớn mà hậu quả là làm mất tình trạng tâm lý thoái mái của trẻ đang ở thời kỳ hình thành nhân cách, và do đó nó có liên quan đến tìng trạng hoạt động tâm lý bị dồn nén (dẫn đến  biểu lộ các triệu chứng đa dạng của cơn hysterie). Khi hồi tường các biểu hiện chấn thương trở lại, các triệu chứng cơn hysterie xuất hiện với cơ chế phòng vệ chống lại tác động của tình trạng tinh thần thoải mái.

Tác động của tình trạng tinh thần không thoải mái có thể chuyển đổi thành triệu chứng tổn thương của một cơ quan nào đó trong cơ thể con người. Sự chuyển đổi này đưa đến một sự hài lòng nào đó trong hoạt động tinh thần của con người và do đó giải thích sự “nhảy” từ căng thằng tinh thần sang các triệu chứng bệnh của một cơ quan nào đó trong cơ thể con người ( ví dụ co cứng hoặc giật tay chân, nấc nghẹn, giảm trương lực cơ té xỉu,.. ).

Quan niệm ngày nay
Chẩn đoán cơn hysterie hiện nay khá ít và hầu hết chỉ gặp ở trẻ gái. Trong Bản phân loại quốc tế về bệnh tâm thần (ICD -10) và DSM – IV của Hoa Kỳ không có chẩn đoán cơn Hysterie (hay Hysteria). Tuy nhiên cơn hysterie được nhắc tới trong các rối loạn dạng thực thể, rối loạn chuyển đổi, rối loạn phân ly. Trong Bản phân loại bệnh tâm thần cúa Pháp (CFTMEA , 1989), cơn hysterie ở trẻ em và trẻ vị thành niên được gọi là “ Các rối loạn thần kinh tiến triển đặc trưng hay nổi bật hysterie – Troubles névrotique évolutifs à dominante hystérique”.

Nhận biết cơn hysterie
Các biểu hiện cơn hysteria có thể xếp thành 3 nhóm:
1. Như những tai nạn xảy ra từng đợt mà cơn hysterie là điển hình với cơn gồng co cứng kèm theo tiếng la, chảy nước mắt như một kiểu tự gây ra cho mình. Và có thể là cơn co giật động kinh giả kèm nghiến răng, nấc nghẹn kiểu căng trương lực cơ.
2. Các cơn kéo dài, nối tiếp các rối loạn vận động , liệt cơ thể hiện bước đi khó khăn, đôi khi liệt khu trú ở một nhóm cơ tưởng tượng nào đó không tương ứng với hệ thống thần kinh – cơ. Có khi là tình trạng co cứng, co thắt cơ bắp và mất giọng không nói được. Có khi là cơn khóc , ói mửa và có hội chứng đau quặn đường tiết niệu hoặc vùng sinh dục. Ngoài ra, trẻ bị hysterie thường có cơn nhức đầu, cơn đi lại trong đêm trong trạng thái vô thần (miên hành – somnambulisme),  cơn hay một thời gian chỉ nói ít lời với một  hoặc với ít người đã biết nhau trước (gọi là câm chọn lọc – mutismes selectifs) và các dạng ngất xỉu kèm la khóc hổn hển).
3. Biểu hiện một số nét nhân cách (hay tính cách) như: rất dễ bị ám thị (dễ nghe tin và nghe theo, không tính hoặc không biết đến hậu quả, do đó rất dễ “ lây truyền”  trong tình trạng cùng hoàn cảnh), có dáng vẻ biểu lộ như nghệ sĩ đang “diễn”. Đôi khi chúng ta thấy trẻ biểu lộ cảm xúc quá mức, tưởng tượng, dễ phụ thuộc , dễ buồn  dễ vui. Những biểu lộ tính cách này hiếm gặp ở trẻ em, nhưng nếu xuất hiện thì có giá trị bệnh lý.

Chú ý phân biệt cơn hysteria
• Cơn co giật động kinh: kết quả điện não đồ (EEG) trong cơn hysterie bình thường
• Các triệu chứng thực thể có nguyên nhân.
• Cơn hysteria có thể xảy ra đồng thời ở những trẻ đang có bệnh lý thực thể.

Hiện diện và trăn trở
• Năm 1972, máy bay Mỹ ném bom đánh phá vùng cầu Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa), học sinh sinh viên, thanh niên  được điều động gánh đất san lấp hố bom để  thông xe tuyến đường vào chiến trường miền Nam, nhiều bạn đã hy sinh, một số bạn bị điếc không nghe được vì sức ép của bom nổ, …  Trong số này, nhiều người đã trải qua 3 năm  thanh niên xung phong, nhiệm vụ tương tự tại Quảng Bình, Vĩnh Linh Quảng Trị. Bạn chúng tôi ở nhà dân, 1 -2 người, 2  – 4 người mỗi nhà, tự nhiên xuất hiện co cứng tay chân, té ngã ngất lịm, … Tôi nhớ lời thày dạy: các bạn ấy không trốn tránh nhiệm vụ, các bạn ngất xỉu co giật nhẹ vì nhớ lại quang cảnh bom nổ 3 năm trước và bây giờ sắp phải chịu đựng, … sẽ hết thôi, con trai đi làm thay đi”. Hai năm sau yên bình và đến nay, 40 năm sau, các bạn ấy  đã già, đang sống thanh đạm với đàn cháu nhỏ. Ngày 14/6 /2012, tại Hàm Rồng, bia tưởng niệm 64 nam nữ tuổi sinh viên hy sinh đã được khánh thành .

Trong thời kỳ chiến tranh, chúng ta nghe nhiều câu chuyện nữ thanh niên xung phong té ngất xỉu hàng loạt sau giờ nghỉ có lẽ cũng có thật. Tuy nhiên cũng không loại trừ những chiến sĩ muốn chứng tỏ đã từng trải.

• Trở lại với sự kiện học sinh Trường An Nghĩa huyện Cần Giờ ngất xỉu có ngày ít ngày nhiều, tất cả là nữ, chúng ta cần xem xét nhận định thật khách quan. Khách quan (hay sự thật khách quan) chính là tình trạng trẻ phải học nhiều để lên lớp, tuân thủ nhiều để có điểm cao, và cả học nhiều để ra trường chọn học nghề lương cao hơn, nhà trường có tiếng tăm hơn, v.v… Sức ép tâm lý ấy bị dồn nén và chỉ cần một trường hợp chuyển đổi thành các triệu chứng thực thể như giảm trương lực cơ té xỉu, ngất hoặc co gồng cứng tay chân là sẽ đến lượt những em nữ học sinh khác vì sợ sệt, mục đích (hay lợi ích thứ phát) là tạm thời thoát khỏi tình trạng khó khăn tâm lý hiện tại và cũng vì tình trạng căng thẳng ấy vẫn đang hiện diện tại ngôi trường các em đang học.

Như vậy có thể nói vấn đề xuất phát từ hoàn cảnh của chính những em học sinh đó và gia đình,  và quan trọng hơn là của chính ngôi trường trong đó có các thày cô giáo.  Hình ảnh thày cô giáo với cha mẹ, hình ảnh ngôi trường với những buổi tập trung và những lời “huấn thị” mỗi ngày, v.v…tạo nên sức ép tâm lý đã đến hồi giải quyết từ chính các thày cô giáo nơi đây. Các trường hợp  hysterie hàng loạt đã và vẫn đang xảy ra ở một số địa phương khác

Hướng nào cho trẻ vô tư ?
Xã hội nào cũng tiến triển về hướng tốt đẹp, chỉ có điều tiến triển trong yên bình hay nhanh hoặc cực nhanh mà thôi, và càng nhanh càng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động tâm thần của con người.  Từ khi sinh ra, con người học cách thích ứng để phát triển, có người thông minh, có người cần cù chăm chỉ, có người thiệt thòi hơn… Trẻ em càng vô tư càng thích ứng một cách có chất lượng hơn, tất nhiên với sự dạy giỗ hợp lý của phụ huynh và của người thày. Có thể nói danh từ dạy giỗ có lẽ thích ứng hơn với học sinh trung học hơn trong ngành sư phạm.

Trong tình huống nữ học sinh lên cơn hysterie hàng loạt, trước hết nên đưa các em đến chỗ thoáng mát nghỉ ngơi đồng thời quan tâm tới tất cả các em chưa hoặc không bị lên cơn bằng cách thông báo được nghỉ ngơi.  Như vậy chúng ta “tháo ngòi nổ” tâm lý dồn nén dây chuyền  và cũng nên có chiến lược giảm áp lực học hành chính thức.

Trong y văn, vấn đề điều trị cơn hysterie bằng thuốc khá đơn giản, chỉ nên dùng một vài loại thuốc an thần giải lo âu và ngắn ngày. Kinh nghiệm từ xưa thường là chích một ống thuốc (ví dụ Vitamine C, Vitamine B12) cho thật đau và để người bệnh hysterie ở lại một mình, vờ như không quan tâm, bệnh nhân sẽ hết hồi tưởng và hết triệu chứng hysterie. Đây là cách xử lý với bệnh nhân hysterie trưởng thành, con đối với nữ sinh còn nhỏ, có thể có tác dụng ngược lại, nghĩa là tăng thêm hoảng sợ, tăng thêm sức ép tâm lý và do đó sẽ tái xuất hiện triệu chứng hysterie hoặc sẽ “lây truyền” tới nữ sinh khác. Tuy nhiên cũng có thể xảy ra phản ứng tâm lý dẫn đến ngừng triệu chứng cơn hysterie như người lớn. Thực tế đã xảy ra khi một số nữ sinh được chuẩn bị lấy máu thử nồng độ can-xi trong máu tại cơ sở trường học trên.

Phạm Văn Trụ,  Bs CK II, PGĐ BV Tâm Thần Tp Hồ Chí Minh.

Tài liệu tham khảo:
1. CIM -10 Organisatiom Mondiale De La Santé. Masson  Paris Milan Barcelone Bonn 1993
2. Dedier Houzel, Michelle Emmanuelli, Francoise Moggio. Dictionnaire De La Psychologie  De L’enfant Et De L’adolescencnt . Presses Universitaires De France . 2000
3. Michael G Gelder, Nancy C Andreasen, Juan J Lopez-Ilbor Jr
Johon R Geddes.  New Oxford Textbook Of Psychiatry . Oxford University Press. Second Edition 2011. Conversion And Dissociation Disorders Christopher Bass. 1011- 21.
6. Robert E Hales . MD MBA, Stuart C. Yudofsky MD, Glen O Gabbard MD. Textbook of Psychiatry 5 th Edition. The American Psychiatric Publishing 2008 p 624 – 30
7. J. Berger. Psychologie. Pathologique,  Theorique et Clinique.  8th  Edition.  Masson 2000.